Friday, February 17, 2023

NCQT: Thế giới hôm nay-17/02/2023
Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
17.02.2023
NghiencuuQT

Một thẩm phán đã công bố một phần trong báo cáo của đại bồi thẩm đoàn về sự can thiệp của cựu tổng thống Donald Trump vào công tác hậu bầu cử năm 2020 ở Georgia. Chưa rõ nó có dẫn đến cáo trạng hay không, nhưng các thành viên bồi thẩm đoàn tin rằng một số nhân chứng có thể đã phạm tội khai man. Tòa án kết luận không có gian lận ở bang này trong cuộc bầu cử 2020 và kết quả không nên bị đảo ngược, dù ông Trump tuyên bố ngược lại. Hiện Trump đang đối mặt với một số cuộc điều tra pháp lý.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói sẽ không nhường đất cho Nga nếu hai bên tiến tới thỏa thuận hòa bình. Trước đó, tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nói sẽ chỉ tham chiến nếu bị tấn công trước, đồng thời nhấn mạnh rằng nước ông không “muốn chiến tranh.” Ông Lukashenko, một đồng minh của tổng thống Vladimir Putin, cho biết sẽ cho phép quân đội Nga tiến vào Ukraine thông qua Belarus một lần nữa nếu cần thiết. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở Moscow vào thứ Sáu.

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng, Trung Quốc đã đưa hai nhà thầu quốc phòng Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon Technologies vào “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” vì bán vũ khí cho Đài Loan. Hai công ty này đã bị áp lệnh trừng phạt từ tháng 2 năm ngoái vì bán vũ khí trị giá 100 triệu USD cho hòn đảo. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, còn Mỹ ủng hộ hòn đảo có quyền tự trị.

Giám đốc điều hành của YouTube, Susan Wojcicki, sẽ từ chức sau khi đã lãnh đạo nền tảng video này từ năm 2014. Bà Wojcicki là một trong những nhân viên đầu tiên của Google, chủ sở hữu YouTube, và đã giúp xây dựng nên hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến của YouTube. Bà rời đi đúng lúc YouTube bị giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu và gặp nhiều khó khăn về kiểm soát nội dung. Neal Mohan, giám đốc sản phẩm của YouTube, sẽ lên thay.

Centrica, công ty cung cấp khí đốt chính của Anh, đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục 3,3 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD), gấp ba lần thu nhập năm ngoái, nhờ giá năng lượng tăng trên khắp châu Âu. Tổng số khách hàng của công ty cũng tăng 4%. Nhưng thành công của Centrica đi cùng với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của đất nước, bên cạnh các cáo buộc công ty bắt khách hàng thu nhập thấp phải gắn đồng hồ trả trước.

Hàng ngàn người hưu trí Trung Quốc đã xuống đường ở Vũ Hán và Đại Liên để phản đối việc bị cắt giảm phúc lợi y tế. Tuần trước, các quan chức cấp tỉnh thông báo sẽ giảm tỉ lệ hỗ trợ bảo hiểm y tế dành cho người về hưu trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt chi tiêu hậu zero covid. Đây là cuộc biểu tình thứ hai như vậy ở Trung Quốc chỉ trong vòng một tuần.

Các nhà khoa học cho biết “Sông băng Ngày tận thế” ở tây Nam Cực đang tan chảy với tốc độ nguy hiểm vì nhiệt độ nước tăng. Sông băng này có kích thước tương đương Florida và đóng góp tới 4% mực nước biển dâng hàng năm. Nếu nó tan hoàn toàn, nước biển có thể dâng lên một mét.

Con số trong ngày: 57%, là tỷ lệ người Scotland nói họ “không biết” ai nên lên thay Nicola Sturgeon.

TIÊU ĐIỂM

Khai mạc Hội nghị An ninh Munich

Giai đoạn chuẩn bị cho Hội nghị An ninh Munich – một hội nghị thường niên dành cho các nhà ngoại giao, giới quân sự, và chuyên gia an ninh sẽ khai mạc vào thứ Sáu – trở nên căng thẳng không chỉ vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nước chủ nhà gặp nhiều sự cố, trong đó có một cuộc đình công sẽ làm tê liệt các sân bay trên cả nước, bao gồm sân bay Munich. Ngoài ra là tai nạn đứt cáp quang hôm thứ Tư khiến hãng hàng không chính của Đức, Lufthansa, phải ngừng bay.

Lịch trình ba ngày tới của 500 người tham dự, bao gồm các tổng thống, thủ tướng và hơn 80 bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, sẽ rất dày đặc. Cuộc chiến của Nga dẫn đầu chương trình nghị sự khi các đồng minh phương Tây của Ukraine tìm cách tập hợp những tiếng nói từ châu Á, Mỹ Latinh, và châu Phi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, được đồn là sẽ gặp nhau ở Munich giữa căng thẳng khinh khí cầu do thám. Nhưng một nhân vật quen mặt lâu năm ⁠— ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ⁠— không được mời tham dự.

Vai trò lớn của Trung Quốc trong nợ công ở các nước đang phát triển

Một nhóm các nước nghèo và mắc nhiều nợ sẽ gặp các chủ nợ vào thứ Sáu tại một cuộc họp do IMF, Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ, chủ tịch hiện tại của G20, tổ chức. Các nhà lãnh đạo hy vọng giải quyết được những bất đồng về tái cấu trúc nợ vốn khiến một số nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình rơi vào tình trạng tê liệt vô cùng tốn kém.

Những cú sốc trong vài năm qua đã khiến các nước nghèo, như Sri Lanka hay Ethiopia, chìm trong nợ nần không thể trả được. Trong quá khứ, các nền kinh tế như vậy chủ yếu vay từ các nước giàu hoặc các cơ quan phát triển như Ngân hàng Thế giới. Là thành viên của Câu lạc bộ Paris, họ thường xuyên hợp tác tái cơ cấu nợ.

Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia cho vay lớn nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Việc họ miễn cưỡng chấp nhận lỗ và bất tuân thông lệ của Câu lạc bộ Paris đã khiến các nền kinh tế mắc nợ khó lấy lại sức khoẻ tài khoá. Sự góp mặt của Trung Quốc trong các phiên đàm phán vào thứ Sáu khiến các nước giàu cũng như nghèo hy vọng về một giải pháp tiềm năng.

Kosovo và Serbia có thể tiến tới thoả thuận

Thứ Sáu này là kỷ niệm 15 năm Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Nhưng Serbia (cũng như Nga, Trung Quốc và năm thành viên EU) vẫn từ chối công nhận tư cách nhà nước của Kosovo. Chính phủ Serbia gây ảnh hưởng lên nền chính trị của Kosovo thông qua một nhóm thiểu số nhỏ người Serbia ở một quốc gia có người Albania chiếm đa số. Vì vậy, căng thẳng là thường trực.

Hai nước đã đàm phán qua trung gian EU suốt một thập niên qua mà không có kết quả. Nhưng phương Tây đang thúc đẩy một thỏa thuận, vì bùng phát bạo lực ở Balkan sẽ làm sao nhãng cuộc chiến ở Ukraine và có lợi cho Điện Kremlin. Xem ra hai bên sẽ chấp nhận nhượng bộ: Serbia xem Kosovo là một quốc gia trên một số phương diện thực tế (dù không chính thức công nhận) còn người Kosovo trao quyền tự trị cho các vùng đa số người Serbia.

Nhưng không phải mọi người đều vui vẻ. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói EU đe doạ ngăn tiến trình gia nhập của nước ông nếu ông không thỏa hiệp với Kosovo. Nhưng dù sao thì cơ hội giải quyết tranh chấp dường như đang tốt hơn bao giờ hết.

Tình cảnh ngành thời trang toàn cầu

Việc Trung Quốc mở cửa là tin tốt vì nước này chiếm tới một nửa mức tăng trưởng trong lĩnh vực hàng xa xỉ trong năm nay. Nhưng nhìn tổng thể thì toàn ngành đang bước vào giai đoạn thay đổi nhanh chóng.

Ngay sau sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch là lượng lớn khách hàng quay trở lại mua sắm, buộc các công ty phải đầu tư vào cả kênh trực tuyến lẫn trực tiếp. Các thương hiệu như Shein, một nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian chuẩn bị và giao các mặt hàng mới theo xu hướng. Ngành đang đón nhận nhiều người có ảnh hưởng và người nổi tiếng hơn. Tuần này, nhà sản xuất âm nhạc Pharrell Williams đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo cho trang phục nam của hãng Louis Vuitton.

Nhưng đi cùng với thay đổi là sự không chắc chắn – đặc biệt trở nên trầm trọng bởi áp lực lạm phát, giá năng lượng tăng vọt và biến động kinh tế. Người mua hàng sẽ kén chọn hơn. Đặc biệt, các thương hiệu thị trường đại chúng cỡ trung bình phải tìm ra những cách mới để nổi bật.

No comments:

Post a Comment