Friday, February 17, 2023

“Liên Hiệp Quốc ở đâu khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979”?
Nguyễn Quốc Tấn Trung
17-2-2023
Tiengdan

Một quân nhân Việt Nam canh gác một tù nhân Trung Quốc. Ảnh: Bettmann/GettyImage

Một trong những câu hỏi mà bạn đọc có thể thấy đâu đó khi đang tranh cãi về vấn đề chiến tranh Nga – Ukraine là “Liên Hiệp Quốc ở đâu khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979?”.

Một số nhóm dùng cách tiếp cận này để chỉ trích vai trò và tầm ảnh hưởng của LHQ, cũng như cho rằng LHQ thiên vị, “đế quốc” và không muốn giúp đỡ Việt Nam.

Để giải quyết câu hỏi này, có một vài tài liệu sơ cấp chúng ta có thể tham khảo:

* Biên bản họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UNSC) số hiệu S/PV.2115

* Biên bản họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc số hiệu S/PV.2117

* Dự thảo Nghị quyết Số S/13117 (Do Xô Viết soạn để lên án Trung Quốc)

➤ Điểm cần lưu ý THỨ NHẤT: Các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa muốn “đóng cửa nói chuyện với nhau”.

Cả hai cuộc họp (theo biên bản S/PV.2115 và S/PV.2117) trước Hội Đồng Bảo An không phải do Trung Quốc, Việt Nam, hay Liên Xô yêu cầu triệu tập (tức các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến cuộc chiến).

Thay vào đó, hai cuộc họp quan trọng nói trên được yêu cầu bởi một nhóm các quốc gia bao gồm Bỉ, Na Uy, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ để thảo luận về tình hình an ninh tại Đông Nam Á.

Dù đại diện của Việt Nam (bác Hà Văn Lâu), Liên Xô và Trung Quốc, đều có mặt, và chửi nhau rất dữ, họ đều không có ý định mang vụ việc lên Hội Đồng Bảo An.

Điều này được thể hiện rõ hơn nữa với Dự thảo Nghị quyết Số S/13117 do Czechoslovakia và Liên Xô soạn, vốn lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc. Dự thảo này không được hai quốc gia xã hội chủ nghĩa theo đuổi đến cùng để mang ra vòng bỏ phiếu.

Nói cách khác, dự thảo nghị quyết lên án Trung Quốc không bị phủ quyết hay bị UNSC phản đối. Chỉ là Liên Xô rút dự thảo lại mà thôi.

Các thông tin trên khiến cho một số nhà nghiên cứu, quan sát quốc tế cho rằng các quốc gia XHCN muốn “đóng cửa bảo nhau” để không làm mất mặt chủ nghĩa Cộng sản trước cộng đồng quốc tế.

➤ Điểm cần lưu ý THỨ HAI: các chính quyền phương Tây (trừ Hoa Kỳ) đều có thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam.

Chửi Việt Nam dữ nhất là Trung Quốc, nhưng cũng hề hước nhất. Ví dụ, bạn sẽ lần đầu được nghe khái niệm “Social-Imperialism” (Hay “Đế quốc Xã hội chủ nghĩa).

Họ dùng khái niệm này để chỉ trích Liên Xô và xem Việt Nam là “con cờ” của “đế quốc” kiểu mới này.

Mặt khác, không như một số nhóm tưởng tượng, nhiều chính phủ phương Tây ủng hộ Việt Nam.

Ví dụ, chính phủ Vương quốc Anh nói:

“[…] my Government deplores the Chinese armed attack on Viet Nam. We have impressed on the Government of China the need for China to withdraw from Viet Nam. We urge them today to do so immediately.”

(Chính phủ chúng tôi lên án hành vi tấn công quân sự của Trung Quốc vào Việt Nam. Chúng tôi khẳng định sự cần thiết của của việc Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam. Và chúng ta thúc đẩy họ làm điều đó ngay lập tức – lược dịch).

Chính phủ Anh cũng là chính phủ duy nhất có lên án chính quyền Pol Pot khi nhắc tới vấn đề Kampuchea.

Chính phủ New Zealand, ba phải hơn một chút, nhắc đến việc Việt Nam đang đóng quân ở Kampuchea:

“[…] hope that the Council will adopt a resolution insisting upon the withdrawal of Chinese forces from Viet Nam and Vietnamese forces from Cambodia…”

(Chính phủ chúng tôi hy vọng Hội Đồng sẽ thông qua một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, cũng như Việt Nam rút quân khỏi Cambodia – lược dịch)

Tuy nhiên, nói chuyện nước đôi kiểu này không phải chỉ có các quốc gia phương Tây. Jamaica, Zambia hay Bangladesh đều chọn cách tiếp cận này, khả năng cao vì họ không muốn phật lòng Trung Quốc.

Hai quốc gia bênh Việt Nam trực diện và chửi thẳng Trung Quốc chỉ có Angola và Cuba.

***

Xét tổng quan, không có nền tảng về tư liệu sơ cấp cho thấy LHQ và các thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ qua vấn đề Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược.

Một khía cạnh rõ ràng hơn là cả Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô đều không muốn mang vấn đề này ra thảo luận trước cộng đồng quốc tế.

Về phía Việt Nam, cách lý giải khả dĩ nhất là chính phủ Việt Nam không muốn vấn đề Kampuchea có điều kiện được nhắc lại tại UNSC. Kèm theo đó có lẽ chúng ta tự tin rằng mình hoàn toàn có thể đánh bật quân đội Trung Quốc mà không cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

No comments:

Post a Comment