Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc bác phán quyết vụ thảm sát ở làng Phong Nhị
VOA Tiếng Việt
17/02/2023
VOA
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup
Hôm 17/2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định binh sĩ nước này không thực hiện bất kỳ vụ thảm sát nào trong Chiến tranh Việt Nam và cho biết chính phủ sẽ kháng cáo phán quyết về yêu cầu bồi thường cho một phụ nữ Việt Nam có thân nhân thiệt mạng trong một vụ thảm sát vào năm 1968 mà người này cho rằng do Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc gây ra, theo AP.
Khi được hỏi về phán quyết tuần trước của Tòa án Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-Sup nói trước một ủy ban ở Quốc hội rằng Bộ của ông chắc chắn rằng “hoàn toàn không có vụ thảm sát nào do quân đội của chúng tôi thực hiện” trong Chiến tranh Việt Nam.
“Chúng tôi không thể đồng ý với phán quyết… Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các cơ quan liên quan để xác định bước pháp lý tiếp theo của chúng tôi,” hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Lee nói.
Trước đó, hôm 7/2, tòa này đã ra lệnh cho chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won (khoảng hơn 23.000 đôla) cho bà Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi, người sống sót sau một vết thương do đạn bắn nhưng bà lại mất 5 thành viên trong gia đình — bao gồm mẹ và hai anh chị em — sau khi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc càn quét làng của Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam, ngày 12/2/1968.
Theo Hãng tin Yonhap, hội đồng xét xử thừa nhận rằng vào ngày trên binh lính thuộc Đại đội 1, Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến của quân đội Hàn Quốc sát hại hơn 70 dân thường ở làng Phong Nhị, trong đó có người thân của Thanh.
Trong Chiến tranh Việt Nam, có hơn 320.000 lính Hàn Quốc chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chống lại các lực lượng của miền Bắc Việt Nam.
Theo các tài liệu của quân đội Hoa Kỳ và những người sống sót, hơn 70 người đã thiệt mạng vào ngày hôm đó khi lính thủy đánh bộ Hàn Quốc được cho là đã bắn vào thường dân không vũ trang trong khi chiếm đóng làng Phong Nhị và Phong Nhựt gần đó. Các binh sĩ Đại Hàn thực hiện hành động này sau khi ít nhất một binh sĩ của họ bị trúng đạn và bị thương bởi hỏa lực của kẻ thù.
Vào năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh đã đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc và đòi tiền bồi thường.
Trong khi một số nhà hoạt động cho rằng quân đội Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát mà con số thường dân thiệt mạng có thể lên đến hàng nghìn trong Chiến tranh Việt Nam, thì những hành động tàn bạo đó không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ với Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Hàn Quốc.
Khi tuyên bố rằng chính phủ phải bồi thường cho bà Thanh, tòa án đã bác bỏ tuyên bố của chính phủ cho rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy quân đội Hàn Quốc chịu trách nhiệm về các vụ giết người. Các luật sư của chính phủ thậm chí còn gợi ý rằng những kẻ xâm lược có thể là những chiến binh Việt Cộng cải trang dưới lớp áo của binh sĩ Hàn Quốc để thực hiện chiến tranh tâm lý.
Các luật sư của chính phủ cũng không thành công trong việc lập luận rằng việc giết dân thường là không thể tránh khỏi vì quân đội Hàn Quốc đang đối phó với quân du kích Việt Cộng, những người thường trà trộn vào dân làng.
Hình ảnh chiến tranh Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 17/2/2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Lee lặp lại những lập luận đó của chính phủ trong phiên họp quốc hội hôm 17/2, nói rằng tình hình lúc đó “rất phức tạp”.
“Có rất nhiều trường hợp những người mặc quân phục Hàn Quốc không phải là (quân đội Hàn Quốc),” ông Lee nói, cho rằng phán quyết làm tổn hại danh dự của quân đội Hàn Quốc.
Các luật sư của bà Thanh tuyên bố rằng không có cách nào để biện minh cho các vụ giết người này, vẫn theo AP.
Ông Lee tuyên bố rằng một cuộc điều tra của quân đội Hoa Kỳ về vụ việc đã phát hiện ra rằng quân đội Hàn Quốc không thực hiện các vụ thảm sát dân thường trong các ngôi làng này.
Theo hồ sơ điều tra, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và dân quân Việt Nam Cộng hòa đã cung cấp điều trị y tế cho những người dân làng chạy trốn khi binh lính Hàn Quốc bị cáo buộc tiếp tục nổ súng bên trong các ngôi làng.
Ông Han Kiho, một nhà lập pháp trong đảng bảo thủ cầm quyền, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội, ủng hộ ông Lee, kêu gọi chính phủ kháng cáo phán quyết trong vụ kiện của bà Thanh, mà ông tuyên bố là dựa trên bằng chứng yếu ớt.
“Việc Hàn Quốc đưa quân tham chiến là một lựa chọn không thể tránh khỏi vào thời điểm đó để chiến đấu chống lại những người cộng sản,” ông Han, một cựu tướng quân đội ba sao cho biết. “Bộ Quốc phòng và các cơ quan chính phủ khác nên cam kết tìm ra sự thật rõ ràng để mọi nỗ lực bôi nhọ danh dự của các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam sẽ bị từ chối nghiêm khắc”.
Ông Lim Jae-sung, một trong những luật sư của bà Thanh, cho biết ông Lee đã phớt lờ các sự kiện và bằng chứng mà đã được tòa xác minh một cách chắc chắn.
“Ngoài ra, phiên tòa xét xử một vụ việc duy nhất và việc sử dụng các bằng chứng và lời khai được đưa ra trong vụ án để khẳng định chắc chắn rằng không có vụ thảm sát dân thường nào (do quân đội Hàn Quốc thực hiện) là không đúng,” luật sư Lim nói.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc, cơ quan đại diện cho chính phủ trong các vụ kiện, cho biết họ sẽ kiểm tra chặt chẽ phán quyết và thảo luận với các cơ quan liên quan, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, trước khi quyết định có kháng cáo hay không. Chính phủ có hai tuần để kháng cáo kể từ khi chính thức nhận được bản sao của phán quyết, mà theo các luật sư của bà Thanh đã được gửi đi hôm 17/2.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA đề phát biểu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Hôm 9/2, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh Việt Nam coi trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân nhưng cũng muốn hợp tác với Hàn Quốc.
Bình luận về phán quyết của Tòa án Seoul, ông Việt cho biết Việt Nam “trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác cùng có lợi với Hàn Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh”.
No comments:
Post a Comment