Việt Nam cho thử nghiệm Starlink, giảm thuế, tăng nhập hàng Mỹ để né trả đũa từ ông Trump
27 tháng 3 2025, 14:59 +07
BBC

Việt Nam vừa tuyên bố cắt giảm thuế đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời chấp thuận thử nghiệm dịch vụ Starlink khi quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp được đưa ra.
Quyết định cắt giảm thuế quan của Việt Nam được cho là nỗ lực nhằm tránh bị chính quyền Mỹ áp thuế do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã vượt quá 123 tỷ USD vào năm ngoái.
Việt Nam cũng đã công bố một loạt các biện pháp giảm thặng dư thương mại trong những tuần qua.
Theo các kế hoạch mới được tiết lộ vào cuối ngày thứ Ba (25/3), thuế quan đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ sẽ được cắt giảm từ 5% xuống còn 2%, đối với ô tô sẽ giảm từ 45% đến 64% xuống còn 32% , với ethanol sẽ giảm từ 10% xuống còn 5%, ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang web của cơ quan này.
Cũng theo ông Hưng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có hiệp định thương mại song phương từ năm 2001 nhưng hai nước vẫn chưa ký hiệp định thương mại tự do.
"Vì vậy, Hoa Kỳ vẫn là đối tác chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO [Tổ chức Thương mại Thế giới]", ông nói và cho biết thêm rằng cần phải điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng để đảm bảo cán cân thương mại với các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Ông Hưng cho biết nghị định về cắt giảm thuế quan sẽ sẵn sàng trong tháng này và có hiệu lực ngay sau đó.
Ông cho biết thêm thuế nhập khẩu ethanol sẽ được xóa bỏ và thuế các mặt hàng nhập khẩu khác bao gồm đùi gà, hạnh nhân, táo, anh đào và các sản phẩm gỗ sẽ được cắt giảm.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn và mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của mỗi nước.
Bên cạnh giảm thuế, chính phủ Việt Nam đã quyết định cho phép SpaceX triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink, đồng thời vẫn giữ toàn quyền sở hữu đối với dịch vụ này, theo một tuyên bố được công bố trên cổng thông tin chính phủ vào thứ Tư.
Một số nhà phân tích cho rằng việc cho phép Starlink ra mắt dịch vụ internet ở Việt Nam cũng là một trong những biện pháp mà nước này thực hiện để tránh bị áp thuế của Hoa Kỳ.
Ông Trump dự kiến sẽ áp dụng thuế quan đối ứng đối với một số quốc gia vào ngày 2/4, mặc dù vào thứ Hai (24/3), ông cho biết một số quốc gia có thể được giảm thuế.
Nhập khẩu LNG từ Mỹ
Việt Nam chưa nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ, nhưng đã đàm phán với các nhà cung cấp nước này cho các nhà máy điện LNG tương lai của mình, trong đó hai nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu phát điện thương mại vào tháng Sáu năm nay.
Công ty SCG Chemicals của Việt Nam gần đây đã ký hợp đồng thuê tàu để vận chuyển một triệu tấn ethanol mỗi năm từ Hoa Kỳ làm nguyên liệu cho tổ hợp hóa dầu Long Sơn mới của mình, theo trang Energy Intelligence.
Đầu tháng này, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) đã ký biên bản ghi nhớ với ConocoPhillips của Hoa Kỳ và nhà phát triển cơ sở hạ tầng Excelerate Energy để cung cấp LNG dài hạn.
Là đơn vị vận hành cảng tái hóa khí duy nhất đang hoạt động của Việt Nam tại Thị Vải, PV Gas thuộc sở hữu nhà nước gần đây đã tuyên bố muốn bổ sung thêm một cơ sở lưu trữ và tái hóa khí nổi.
Chính phủ Việt Nam gần đây đã công bố thêm nhiều chính sách với hy vọng sẽ khởi động các dự án điện khí hóa lỏng (LNG) trong nước, một số trong số đó đang tìm kiếm nguồn cung cấp LNG từ Hoa Kỳ.
Việt Nam đã vận động hành lang để Hoa Kỳ công nhận nước này là nền kinh tế thị trường do những cải cách mà Hà Nội đã thực hiện trong những năm qua.
Từ năm 2002, Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, vào danh sách "nền kinh tế phi thị trường" - điều này khiến Việt Nam có khả năng phải chịu thuế chống bán phá giá - do sự can thiệp vào thương mại, giá cả và tiền tệ.
Bất chấp cải thiện trong quan hệ dẫn đến việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, yêu cầu xin quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đã bị Hoa Kỳ bác bỏ vào năm 2024.
Chiến dịch thu hút của Alaska LNG ở châu Á

Sự háo hức của Việt Nam trong việc mua LNG của Hoa Kỳ trùng với chuyến công du châu Á của thống đốc Alaska, ông Mike Dunleavy, và các đại diện từ Glenfarne Group, đơn vị phát triển dự án Alaska LNG.
Theo lịch trình, hiện đoàn của ông Mike Dunleavy đang ở Seoul.
Trong chuyến đi này, đoàn sẽ tiếp cận các nhà đầu tư cho dự án đường ống trị giá 44 tỷ đô la đang bị đình trệ.
Đoàn sẽ dừng chân tại Đài Loan, Nhật Bản và Thái Lan. Không có tên Việt Nam trong lịch trình này.
Đảng CPC của Đài Loan đã ký Ý định thư với Alaska LNG vào tuần trước về khả năng mua LNG và tham gia đầu tư vào dự án này.
Việt Nam cũng đã ký Ý định thư tương tự vào năm 2018 với Alaska LNLNG.
Lễ ký Ý định thư này được thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với chính quyền bang Alaska và Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) về việc triển khai hợp tác để cung cấp LNG từ dự án Alaska LNG về Việt Nam của đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS.
Đến năm 2019, đoàn công tác của AGDC đã đến thăm và làm việc tại trụ sở PV GAS ở Việt Nam.
Tuy nhiên tới nay chưa có thông tin gì thêm.
Ông Dunleavy đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Ahn Duk-geun, vào thứ Ba để thảo luận về hợp tác song phương, bao gồm cả dự án Alaska LNG.
Hàn Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Alaska vào năm ngoái.
Hàn Quốc được coi là mục tiêu có thể bị Hoa Kỳ áp thuế trả đũa sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế của nước này cao gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.
Tuyên bố của ông Trump đã nhanh chóng dẫn đến những lời giải thích từ Seoul rằng mặc dù thuế quan của Hàn Quốc đối với các quốc gia được ưu đãi nhất là 13,4%, so với mức thuế của Hoa Kỳ là 3,3%, nhưng điều này không áp dụng với Hoa Kỳ, quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc từ năm 2012.
Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, mức thuế quan thực tế của Hàn Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ là khoảng 0,79% tính đến năm 2024 và dự kiến sẽ giảm thêm trong năm nay theo kế hoạch cắt giảm theo lịch trình của hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Hoa Kỳ.
Phái đoàn Alaska dự kiến sẽ sớm đến thăm Nhật Bản. Công ty năng lượng Nhật Bản Osaka Gas đã nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng họ không có bất kỳ công suất dự phòng nào để tăng lượng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vì đã đảm bảo được nhu cầu của mình trong thập kỷ tới.
Dự án Alaska LNG - kế hoạch vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ bang Alaska giàu tài nguyên của Mỹ đến thị trường toàn cầu - đang được hồi sinh sau một thời gian dài đình trệ.
Dự án này có tổng giá trị ước tính 44 tỷ USD, dự kiến cung cấp tới 20 triệu tấn LNG mỗi năm.
Tin liên quan

Vì sao Trung Quốc nỗ lực 've vãn' để Việt Nam thuê máy bay nội địa COMAC?22 tháng 1 năm 2025

Việt Nam có thể mất 13 tỷ USD vốn đầu tư vào điện gió và năng lượng mặt trời11 tháng 3 năm 2025
No comments:
Post a Comment