Wednesday, March 26, 2025

Việt Nam cho rằng, Campuchia phải chia sẻ thông tin về kênh đào Funan Techo trên sông Mekong
New Straits Times
Tác giả: Samirul Ariff Othman
Song Phan chuyển ngữ
24-5-2025
Tiengdan
26/03/2025

Sự tham gia của Trung Quốc vào kênh đào Funan Techo của Campuchia không chỉ đơn thuần là thương mại hay cơ sở hạ tầng — mà còn là về quyền lực, ảnh hưởng và sự thay đổi cán cân địa chính trị ở Đông Nam Á. Bề ngoài, dự án này có vẻ là một sáng kiến ​​kinh tế đơn giản: Một kênh đào dài 180 km nối sông Mekong với vịnh Thái Lan, cho phép Campuchia bỏ qua các cảng của Việt Nam và tiếp cận trực tiếp các tuyến thương mại biển toàn cầu. Nhưng nhìn sâu hơn, kênh đào này là một phần của một trận đấu đá chiến lược lớn hơn nhiều—trận đấu giữa Chuỗi ngọc trai (String of Pearls) của Trung Quốc với Vòng kim cương của Ấn Độ, một cuộc chơi có mức cược cao, trong đó các cảng, căn cứ hải quân và đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ về thương mại, mà còn về quyền kiểm soát.

Một góc nhìn từ trên không cho thấy khu vực xây dựng sau lễ khởi công Kênh đào Funan Techo ở tỉnh Kandal, ngày 5-8-2024. Thủ tướng Hun Manet đã khởi công dự án kênh đào gây tranh cãi trị giá 1,7 tỷ Mỹ kim, nhằm mục đích cung cấp một tuyến đường mới từ Sông Mekong ra biển. Manet gọi dự án dài 180 km (110 dặm) này là “lịch sử” và tuyên bố sẽ “hoàn thành bằng mọi giá”. Nguồn: AFP

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tạo ra một mạng lưới các tiền đồn chiến lược trên khắp Ấn Độ Dương và xa hơn. Đây là những gì các nhà phân tích gọi là Chuỗi ngọc trai — một mạng lưới các cảng, các trung tâm thương mại và các cơ sở thân thiện với quân đội do Trung Quốc tài trợ, được thiết kế để bảo vệ các tuyến cung cấp năng lượng và tuyến đường thương mại của Trung Quốc. Đây là câu trả lời của Bắc Kinh cho một trong những điểm yếu lớn nhất của mình: Sự phụ thuộc vào thương mại biển, đặc biệt là qua Eo biển Malacca, một điểm nghẽn hẹp giữa Malaysia và Indonesia, nơi ước tính có 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Bất kỳ sự gián đoạn nào ở đây — dù là do xung đột, cướp biển hay can thiệp của nước ngoài — đều có thể bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc. Và vì vậy, phản ứng của Bắc Kinh là đa dạng hóa các lựa chọn hàng hải và mở rộng dấu ấn chiến lược của mình.

Mỗi “hạt ngọc trai” trong chuỗi ảnh hưởng này đều củng cố vị thế của Trung Quốc. Cảng Gwadar ở Pakistan, được phát triển với khoản đầu tư lớn của Trung Quốc, cung cấp cho Bắc Kinh quyền tiếp cận trực tiếp biển Ả Rập, bỏ qua nhu cầu phải phụ thuộc đơn thuần vào Eo biển Malacca. Cảng Hambantota ở Sri Lanka, được cho Trung Quốc thuê trong 99 năm sau khi Sri Lanka vỡ nợ, là một trung tâm tiếp nhiên liệu và hậu cần quan yếu. Cảng Kyaukpyu ở Myanmar cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường cung cấp năng lượng thay thế, thông qua đường ống dẫn đến Vân Nam, trong khi Djibouti – căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài – thiết lập sự hiện diện của Bắc Kinh tại cửa ngõ vào Kênh đào Suez và biển Đỏ.


Hiện tại, Kênh đào Funan Techo có thể trở thành “hạt ngọc trai” tiếp theo trong chiến lược này. Khi hoàn thành, nó sẽ cung cấp cho Trung Quốc quyền kiểm soát lớn hơn đối với các luồng thương mại trong khu vực và đưa Campuchia vào quỹ đạo của mình sâu hơn. Campuchia hiện là đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong ASEAN, liên tục ngăn cản khối này đưa ra lập trường cứng rắn chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông. Với kênh đào này, Trung Quốc không những củng cố quyền kiểm soát kinh tế đối với Campuchia, mà còn làm suy yếu đòn bẩy chiến lược của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, dự án này là mối đe dọa trực tiếp – cả về kinh tế lẫn môi trường. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam, một trung tâm nông nghiệp quan trọng nuôi sống hàng triệu người và thúc đẩy phần đáng kể nền kinh tế của đất nước. Nhưng kênh đào này có thể làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong, làm tăng sự xâm nhập của nước mặn, thay đổi các trầm tích và gây nguy hại cho an ninh lương thực của hàng chục triệu nông dân Việt Nam. Ngoài ra, còn có hậu quả địa chính trị: Với việc cung cấp cho Campuchia một lựa chọn thay thế cho các cảng của Việt Nam, kênh đào này làm giảm ảnh hưởng của Hà Nội đối với Phnom Penh, cô lập Việt Nam trong ASEAN xa hơn nữa.

Trong khi đó, Ấn Độ đang theo dõi tất cả những điều này với mối lo ngại ngày càng tăng. Đối với New Delhi, Chuỗi ngọc trai không chỉ là về việc Trung Quốc bảo vệ các tuyến đường thương mại của mình, mà còn là về việc Trung Quốc bao vây họ. Với các cảng do Trung Quốc hậu thuẫn ở Pakistan, Sri Lanka, Myanmar và hiện có khả năng ở Campuchia, Ấn Độ có nguy cơ bị bao vây bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Chính vì vậy mà Ấn Độ đã phát triển chiến lược đối phó của riêng mình – điều mà cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Lalit Mansingh gọi là Vòng kim cương (Necklace of Diamonds) hồi năm 2011.

Nếu chiến lược của Trung Quốc là tạo ra Chuỗi ngọc trai, thì phản ứng của Ấn Độ là đặt các viên kim cương – một mạng lưới các liên minh chiến lược và quan hệ đối tác quân sự được thiết kế để ngăn chặn và kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Ấn Độ giành lấy quyền tiếp cận cảng Chabahar ở Iran, tạo ra một đối trọng với Gwadar của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Ấn Độ tăng cường quan hệ với Indonesia và giành lấy quyền tiếp cận hải quân với cảng Sabang, gần Eo biển Malacca. Đó là lý do tại sao Ấn Độ phát triển các cơ sở quân sự và hậu cần tại Seychelles, Mauritius và quần đảo Andaman và Nicobar, cho phép Ấn Độ theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Và đó là lý do tại sao Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, cung cấp khí tài quân sự và tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở biển Đông.

Đây không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, mà còn là một phần của cuộc chiến lớn hơn giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Liên minh Quad – gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia – đang tích cực hoạt động để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhật Bản đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng ở Sri Lanka và Myanmar, Hoa Kỳ đã mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Philippines và đảo Guam, và Australia đang tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và ASEAN. Kênh đào Funan Techo nằm đúng vào trong cuộc đấu tranh quyền lực này – nếu nó trở thành một tuyến đường thương mại khác do Trung Quốc kiểm soát, nó sẽ củng cố quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Đông Nam Á. Nếu các bên trong khu vực phản kháng, nó có thể trở thành một không gian tranh chấp khác trong cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nếu kênh đào được xây dựng với nguồn tài trợ của Trung Quốc, Campuchia sẽ càng lún sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, trong khi ảnh hưởng của Việt Nam đối với nước láng giềng sẽ suy giảm và dòng chảy thương mại trong khu vực sẽ định hình lại. Có khả năng Việt Nam sẽ phản ứng bằng cách tăng cường liên kết chiến lược với Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, bảo đảm rằng họ không đơn độc khi đối mặt với sự bành trướng của Trung Quốc. Ấn Độ cũng sẽ tiếp tục mở rộng Vòng kim cương của mình, tận dụng các quan hệ đối tác để bảo đảm rằng Trung Quốc không giành được sự thống trị không bị thách thức trong khu vực.

Do đó, Kênh đào Funan Techo vượt xa hơn một dự án cơ sở hạ tầng — nó là một điểm nóng địa chính trị. Đây là một phần của cuộc cạnh tranh lớn hơn về việc ai sẽ đặt ra các quy tắc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ai kiểm soát các tuyến đường thương mại và ai cuối cùng sẽ thống trị toàn cảnh kinh tế và an ninh của khu vực. Liệu nó có trở thành một hạt ngọc trai khác của Trung Quốc, hay liệu các đối thủ trong khu vực có thể đẩy lùi hay không, điều này sẽ quyết định cán cân quyền lực trong tương lai ở Đông Nam Á. Một điều rõ ràng là: Khi nước bắt đầu chảy qua kênh đào này, thì các dòng ảnh hưởng và kiểm soát cũng sẽ chảy theo.

_______

Tác giả: Nhà kinh tế Samirul Ariff Othman là một nhà phân tích quan hệ quốc tế. Ông đã hoàn thành chương trình sau đại học tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia. Quan điểm trong bài xã luận này hoàn toàn là của riêng ông.

No comments:

Post a Comment