Wednesday, March 26, 2025

Thỏa thuận ngũ cốc, « lối thoát » cho đàm phán Mỹ - Nga về đình chiến ở Ukraina ?
Thùy Dương
Đăng ngày: 25/03/2025 - 15:03
RFI

Hôm 24/03/2025, tại Ả Rập Xê Út, phái đoàn Mỹ và Nga đã có cuộc đàm phán kéo dài 7 giờ đồng hồ về lệnh ngưng bắn ở Ukraina liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng và một lệnh ngưng bắn ở Hắc Hải để nối lại lưu thông hàng hải (thỏa thuận ngũ cốc). Trong khi chờ đợi Washington và Matxcơva ra thông cáo chung về kết quả đàm phán, nhiều người đặt câu hỏi tại sao thỏa thuận ngũ cốc lại được đưa trở lại bàn đàm phán tại Riyad vào lúc này ?

Hình minh họa: Thu hoạch lúa mỳ tại Zghurivka, Ukraina, ngày 09/08/2022. AP - Efrem Lukatsky

Xin nhắc lại là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina vào tháng 02/2022, một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từng được Nga và Ukraina ký kết hồi cuối tháng 07/2022 qua trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, với tên gọi là thỏa thuận « Sáng kiến Hắc Hải ». Đến tháng 07/2023, Matxcơva từ chối gia hạn thỏa thuận, bất chấp sự chỉ trích của quốc tế.

Thời gian qua cho thấy đàm phán với Nga không phải là chuyện dễ dàng, ngay cả với Mỹ. Châu Âu đã bị gạt ra bên lề, nhưng nhiều đề xuất của Washington cũng không được Matxcơva đáp ứng. Đề xuất của tổng thống Mỹ về lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Ukraina bị Nga rút xuống thành đề xuất ngừng bắn 30 ngày nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Lần này, Washington đề xuất một lệnh ngừng bắn ở Hắc Hải để bảo đảm việc xuất khẩu ngũ cốc qua ngả Biển Đen. Dường như đây là giải pháp có lợi cho tất cả các bên, cả Nga và Ukraina, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Và thế giới nói chung vẫn cần nguồn ngũ cốc của hai nước này mà Hắc Hải là tuyến hàng hải chuyên chở quan trọng.  

Theo nhật báo kinh tế Les Echos ngày 24/03/2025, trước tiên đề xuất thỏa thuận ngũ cốc chắc chắn không làm phật lòng Nga, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của châu Âu và muốn phân bón, cũng như nông phẩm được xuất khẩu qua ngả Hắc Hải. Michel Duclos, cựu đại sứ và cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne, được Les Echos trích dẫn, nhận định là Matxcơva « đã thua ở Hắc Hải » nên « Nga đang cố gắng giành lại qua đường ngoại giao nhưng gì họ đã đánh mất về mặt quân sự ». Và thắng lợi ngoại giao của Nga chắc hẳn cũng sẽ được chính quyền Donald Trump xem là thành tích của Mỹ.

Liên quan đến Ukraina, với 3 cảng biển ở Odessa, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Ukraina hoạt động hết tốc lực, gần bằng mức trước chiến tranh và thậm chí còn nhiều hơn lượng ngũ cốc châu Âu xuất khẩu. Làm được như vậy là nhờ Ukraina đã đạt được những chiến công thực sự trên biển. Dẫu không có lực lượng hải quân, Ukraina vẫn có thể đánh bại hạm đội Nga ở Biển Đen, đánh chìm 24 tàu, trong đó có một số tàu chiến lớn như tàu tuần dương Moskva, các tàu đổ bộ Yamal và Azov, tàu tuần tra Sergei Kotov, và thậm chí cả tàu ngầm « Rostov trên sông Đông » khi đó đang ở ụ tàu khô tại cảng Sebastopol.

RFI Pháp ngữ ngày 24/03 nhắc lại, tổng cộng, 1/3 hạm đội Biển Đen của Nga đã bị các lực lượng Ukraina phá hủy, chủ yếu nhờ drone hải chiến, chẳng hạn với tàu cao tốc điều khiển từ xa Magura, chở theo 800 kg thuốc nổ. Một trong số drone thậm chí còn di chuyển xa được tới 800 km trước khi đâm trúng vào tàu đổ bộ Caesar Kunikov gần căn cứ hải quân Novorossiysk ở phía đông bắc Biển Đen, một vố rất đau cho hải quân Nga.

Kiev vẫn bảo đảm được an toàn cho tàu chở ngũ cốc ở hành lang ven biển dẫu cho Hắc Hải bị Nga rải nhiều mìn kể từ khi nổ ra chiến tranh. Thế nhưng, nếu thỏa thuận ngũ cốc 2022 được nối lại thì Ukraina sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu an toàn hơn.

Vẫn theo báo Les Echos, xuất khẩu nông phẩm của Ukraina theo ngả đường bộ và đường sông vào Liên Hiệp Châu Âu ban đầu được Bruxelles tạo thuận lợi, nhưng sau này đã khiến giới sản xuất ngũ cốc của nhiều nước thành viên Liên Âu, nhất là Ba Lan, tức giận vì nông phẩm của Ukraina tràn vào thị trường nội địa, gây khó khăn cho họ ngay trong nước và trên thị trường Liên Âu. Chính vì thế, Bruxelles đã phải tạm hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraina.

Tuy nhiên, kinh tế gia Thierry Pouch của Cơ quan Nông nghiệp Pháp lưu ý là Bruxelles được cho là đang cân nhắc việc thắt chặt lệnh trừng phạt nhắm vào phân bón của Nga xuất khẩu sang Liên Âu và hạn chế xuất khẩu hạt giống từ châu Âu sang Nga. Điều này có thể khiến Nga không chấp nhận nối lại thỏa thuận Hắc Hải.

No comments:

Post a Comment