Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putler ở Ukraine ngày 26/03/2025
mercredi 26 mars 2025
Thuymy
Mà đã nhắc đến KR Properties, đồng nghĩa với việc nhắc đến những ông chủ của nó: Alexander Klyachin, một tay mafia bất động sản, và phó của hắn, Sergey Matyukhin (người gốc Donbas). Những tay này đều là những tay trùm thao túng, với những mối quan hệ lằng nhằng.
Riêng với Alexander Klyachin, được cho là cực kỳ thân với Victor Voronin, đại tá, cục trưởng cục V (an ninh kinh tế), ủy ban an ninh nhà nước Liên bang Nga (FSB). Voronin đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ cục trưởng của mình trước chiến tranh ở Ukraine vài năm vì bê bối sử dụng quyền lực của cơ quan an ninh quốc gia để o ép các doanh nghiệp, mà lần này là các doanh nghiệp nước ngoài.
Đương nhiên tòa nhà bị cháy, nói chính xác là bị ĐỐT, là một lời cảnh báo của phe nhóm này cho phe nhóm khác. Có người bạn từ Mục-tư-khoa nói với tôi: chỉ cần ăn chia không đều là có thể phá nhau được rồi. Tuy nhiên vẫn câu hỏi: “Cháy gì mà lắm thế?” – trong khi cơ quan an ninh và cả công an Nga làm việc rất tốt, các vụ cháy vẫn xảy ra đều đều. Với tôi, vụ cháy một tòa nhà đang sửa chữa (sau này nó vẫn sẽ là những căn hộ hạng cực kỳ sang trọng với giá đắt ghê người), là một điểm nghi vấn lớn.
Ai đứng sau. Ai cảnh cáo ai. Tất cả những câu hỏi đó đi tìm lời giải là không cần thiết. Hệ thống quyền lực của Putler có một chỗ dựa, hay nói cách khác là một cánh có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với cánh kia – cánh kinh tế. Đó là các phe nhóm lợi ích mà bây giờ người ta gọi nhiều bằng một từ: các gia tộc. Hiện tại, tất cả chỉ còn nổi lên hai gia tộc chính: Patrushev và Kovalchuk. Hai đầu sỏ Nikolai Patrushev và Yury Kovalchuk mỗi tên đều có một con trai, và đều cố gắng gài được hai “thái tử” này vào hệ thống chính quyền của Putler.
Cho đến binh biến của Prigozhin, Patrushev vẫn ngồi trên đỉnh cao quyền lực. Một người bạn nói với tôi rằng, hệ thống rệp bọ nghe trộm (nôm na là giám sát) FSB thiết lập được dưới thời Patrushev là kinh khủng. Tôi đồng ý: Gì chứ hệ thống này ghê gớm lắm, nó gần như khống chế được toàn xã hội. Mở rộng ra, đó là những hồ sơ mật về tất cả mọi người.
Thế mạnh của Patrushev là ở lòng trung thành của ông ta với Putler. Patrushev được cho là đã cầm đầu trong hoạt động “xử lý” Prigozhin và từ đó, Putler nhận ra rằng vị thế của mình quá bấp bênh, bên cạnh hắn ta đang có những thế lực quá lớn. Patrushev là một nguy cơ – cho đến thời điểm “hậu binh biến” hoặc “Prigozhin crashing” thì Patrushev “lật đổ Putler lúc nào cũng được.”
Còn Yury Kovalchuk thì sao? Bạn thân của Putler, được hưởng nhiều mưa móc từ chế độ của tên độc tài và thu thập được gia tài 3 tỉ đô-la – đó là những gì thuộc bề nổi. Người ta nói rằng với số tiền trên, chỉ bằng vài % so với số tiền Putler có được trong mấy chục năm cầm quyền, Kovalchuk không thể tự biến phe cánh của mình thành một “gia tộc” có thể khuynh đảo được chính trường Nga hiện nay được.
Điều quan trọng là quan hệ của Kovalchuk. Ông ta có những mối liên hệ rất quan trọng trong bộ máy chính quyền trung ương Liên bang hiện nay, và tầm ảnh hưởng đối với các tài phiệt khác cũng rất mạnh mẽ. Có vẻ như lũ tài phiệt Nga đang coi Kovalchuk là trụ cột của cả tập thể các đại gia chăng?
Điều đáng sợ nhất đối với Putler bây giờ là sự kết hợp giữa hai “gia tộc” – tức là giữa một cánh thuần túy quyền lực (ngầm) với một cánh cực kỳ nhiều tiền và cũng có những mối quan hệ không hề yếu ớt. Xin lưu ý, tất cả bọn họ đều rất giàu, chứ không phải là “cánh quyền lực thì sẽ nghèo” đâu. Và đương nhiên là cánh nhiều tiền vẫn có quyền lực, nếu cần thì sẽ phải chi bằng rất nhiều tiền.
Vụ cháy này và nhiều vụ cháy khác có thể là một lời cảnh cáo từ chính Putler cho cánh “nhiều tiền”. Hơn ai hết, hiện tại chúng là những kẻ như kiến bò chảo nóng. Năm 2023, một vụ án kinh tế được khởi tố, theo Văn phòng tổng công tố Liên bang Nga về hoạt động trốn thuế trong công ty dầu mỏ “Rus-oil.” Vụ án được giữ trong vòng tuyệt đối bí mật từ ban đầu, mãi sau này người ta mới dần được biết về nó.
Chủ sở hữu của công ty này – Rus-Oil, theo xác định của tòa án, là cựu tỉ phú Khotin và ở thời điểm khởi tố vụ án, là tỉ phú Alexander Klyachin. Sau đó thì “giậu đổ bìm leo,” công luận mới dần dần biết được những chi tiết khác về tỉ phú vốn cực kỳ kín đáo Klyachin. Chẳng hạn, phóng viên tờ Moscow Post đã tìm thấy một câu chuyện khác: Tổ hợp “Azimut” của Klyachin đã bằng cách nào đó cải tạo một cơ sở của Hải quân Nga – ngay trên phố Opochinin 2 ở St. Petersburg thành một khách sạn và bắt đầu khai thác nó… Vụ án này được cho là một vụ “đốt lò” nhằm tịch thu tài sản điển hình, mà loại án như thế chỉ có thể xuất hiện từ sau thời điểm tháng Hai năm 2022.
Với Kovalchuk thì sao? Ông ta hiện nay được cho là vai trò có thể đóng số 2 trong đất nước Nga chỉ sau Putler – được coi là chủ ngân hàng riêng của tên độc tài và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Putler ở Ukraine. Người ta bảo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina chỉ là con tốt nhãi nhép, Putler di lúc nào bẹp dí lúc ấy, nhưng Kovalchuk thì mới là người chịu trách nhiệm lo tiền cho cuộc chiến tranh của Putler.
Hiện tại, Kovalchuk đóng vai trò về chính trị có thể còn lớn hơn Berezovsky trước đây, khi sở hữu hàng loạt cơ quan truyền thông: National Media Group (NMG), phiên bản tiếng Nga của CNN, Cartoon Network và Boomerang. Nghe thì có vẻ… thường thường, nhưng thực chất, Yuriy Kovalchuk, thông qua công ty cổ phần National Media Group của mình, sở hữu cổ phần tại một số kênh truyền hình có ảnh hưởng nhất của Nga, bao gồm cả Channel One tức “Первый канал”, kênh truyền hình quan trọng nhất tại Nga. Về tiền, Kovalchuk là chủ Rossiya Bank, trong Top-10 ngân hàng mạnh nhất của Nga.
Tất nhiên nếu tính riêng túi tiền, trừ phi Kovalchuk có cổ phần trong các doanh nghiệp quốc phòng Nga, còn việc cuộc chiến kéo dài đến cỡ này mà không có tí ánh sáng hy vọng nào cùng với lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga, đặc biệt là các tỉ phú Nga, chắc chắn sẽ làm chúng bị mất tiền. Đó là còn chưa nói đến khoản tiền mấy trăm tỉ đô-la còn gửi ở các ngân hàng phương Tây, phần nhiều số chúng là của bọn tài phiệt.
Có một số ý kiến khác cho rằng, Kovalchuk chẳng cần liên kết với Patrushev, vì con diều hâu đó chỉ còn mối liên kết với đống hồ sơ mật nghe trộm được. Vì vậy một mình Kovalchuk là đủ sức nặng điều chỉnh được số phận của Putler, từ đó điều chỉnh cả cuộc chiến. Còn tôi thì thấy, cứ tiếp tục đốt phá thế này, nghĩa là cuộc chiến giữa tài phiệt Nga với Putler, vẫn còn đang sôi sục.
2. Về lệnh ngừng bắn ở Biển Đen
Từ đêm qua đã rộ lên những tin tức về chuyện này, nhiều người cho rằng Nga đang yếu thế ở Biển Đen nên “gần như đã lừa được Trump với cái lệnh ngừng bắn một phần đó.” Điều này có lý: bây giờ thằng mót ngừng bắn không chỉ có Putler, mà hóa ra có thêm cả Trump vào đó, đúng là ếch chết tại miệng. Ai bảo xanh rờn tuyên bố “ngừng bắn trong bao nhiêu giờ” đó mà bây giờ hóa ra là kẹt.
Ngộ nghĩnh nhất là một cường quốc quân sự thứ hai thế giới, bây giờ ngoài việc lậy lục Hoa Kỳ để ép Ukraine đồng ý ngừng bắn, thì nay lại còn xin… ngừng bắn trên biển với một quốc gia… không còn hải quân. Gần như không còn một cái tàu nào đáng được tính là chiến hạm trong Hải quân Ukraine. Vậy mà bây giờ cái quốc gia thứ nhì thế giới về quân sự ấy, lại quỵ lụy xin ngừng bắn. Vì tất cả các cảng của chúng chiếm được ở bán đảo Crimea, đã không còn dùng được cho bất cứ việc gì nữa, và tất cả các cảng của chúng bên bờ Biển Đen, nay đã ở trong tầm tấn công của drone mặt nước Ukraine.
Đúng là Ukraine thua thiệt với lệnh ngừng bắn này thật.
Nhưng với Ukraine thì cũng còn có những vấn đề khác: Từ các tàu ngầm, Nga vẫn phóng tên lửa vào các thành phố, đặc biệt là những thành phố phía nam bên bờ biển. Chưa có cách nào trị được chúng.
Vì vậy một lệnh ngừng bắn “trên biển” xét ra, tổng thể có lợi cho Ukraine hơn. Xin lưu ý, các giàn khoan của Ukraine bị Nga chiếm sau 2014 đã bị vô hiệu hóa gần hết. Ukraine còn gài điều kiện là những tàu chiến của Nga di chuyển thì vi phạm thỏa thuận và… bùm! (lời của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Umerov).
Đồng ý với cái này còn có tác dụng không làm căng thẳng thêm với Trump, vốn đang muốn đổ lỗi lắm rồi. Cũng là tốt.
3. Trên báo chí xứ Việt vẫn có những diễn biến hết sức… khôi hài.
Một thằng dở nào đó loay hoay giải thích rằng Ukraine tấn công hướng Belgorod là để nhằm… tiêu diệt máy bay trực thăng của Nga. Và tìm cách chứng minh hoặc là không diệt được hết, vẫn còn cái nào đó có thể bay được, hoặc là có diệt được thì cũng không ảnh hưởng gì đến tình hình. Một thằng dở người không kém, thì cố gắng giải đáp “tại sao mất 4.000 xe tăng không phải là điều xấu cho Nga?” và chứng minh rằng, Nga còn hàng nghìn cái xe tăng khác trong kho.
Tôi có comment dưới bài này nhưng chúng nó không cho ra: “Không phải là xấu, mà là rất xấu.”
Nhân tiện nói về xe tăng, tôi đã có nhiều bài tính toán, phân tích việc cạn xe tăng của Nga xảy ra vào tháng Tám năm ngoái. Những điều này báo chí xứ Việt hoàn toàn không đả động đến, cũng như những thông tin, chẳng hạn về tình trạng của xe tăng T-72 trong kho dự trữ chiến lược của Nga, phần lớn đã bị xẻ thịt bán.
Hóa ra đây là một câu chuyện nghiêm trọng hơn những gì đang thể hiện ra dưới dạng câu chữ. Là loại xe tăng được bán ra rộng rãi khắp thế giới cả cho các quân đội chính quy lẫn các bên khởi nghĩa, T-72 cũng là đối tượng được tập trung đánh cắp phụ tùng đem bán nhất của Nga. Cấp chỉ huy nào liên quan đến cái “kho dự trữ chiến lược” này, đều có thể liên quan đến một lần nào đó chỉ đạo lính lác dưới quyền mang cờ lê mỏ lết vào tháo phụ tùng bán.
Với người Ukraine thì sao? Những người lính Ukraine trên chiến trường bảo: nếu Nga cho xe tăng T-90 ra trận, thì đó là tai họa cho họ vì chỉ cần bùm một cái, là đi đời nhà ma cái cỗ máy giết người đắt tiền. Nhưng nếu là T-72 thì nguy hiểm hơn nhiều. Nó giống hệt T-90 về các chỉ số, nhưng điểm khác biệt lớn nhất là nó nhẹ hơn đến 5 tấn, làm cho T-72 trở nên dễ điều khiển và cơ động hơn rất nhiều. Với người Ukraine, xe tăng T-72 của Nga mới là mối nguy hiểm hơn cả.
Vì vậy tin Nga mỗi tháng sản xuất mới được bao nhiêu cái xe tăng, không đáng ngại. Tin nức lòng hơn nhiều là cái kho dự trữ chiến lược kia đã chính thức đóng cửa.
4. Phần cuối cùng.
4.1. Bộ Quốc phòng Nga đang hết sức hoảng loạn vì đủ các thứ tin xấu dồn dập. Căn cứ không quân Engels 2 bị đập tơi tả chưa hết, lại đến chuyện Belgorod bị tấn công (nhằm mục đích tiêu diệt máy bay, ha ha, khó thế mà cũng nghĩ ra được)… Và trong hoàn cảnh đó, tin thượng tướng Lapin (Tư lệnh quân khu Leningrad, người đang đến Kursk để nghiên cứu tình hình) bị tiêu diệt bởi HIMARS của Ukraine.
Ngay khi nghe tin này vào hôm kia, tôi đã nói với người gửi nó: Tin giả rồi, nhưng tôi không cho rằng nó được tung ra từ phía Ukraine, vì thậm chí một số bạn bè phía đó cũng không xác nhận được. Như vậy một tin giả với nội dung “ác ý” như thế được tung ra nó sẽ gần với câu chuyện trong mục 1 tôi viết hơn: Mâu thuẫn nội bộ.
Trong bài trước tôi đã giải thích: Putler cố tình thủ tiêu “kịch bản Zhukov” nên giảm nhẹ vai trò của các tướng lĩnh quân đội trong cái chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Đến nay chúng ta đang thấy mỗi khu vực được giao cho một tư lệnh quân khu nào đó, còn tổng tham mưu trưởng đáng nhẽ phải chỉ huy và điều phối chung, rồi từ đó báo cáo lên Tư lệnh tối cao (Tổng thống) thì lại… không rõ hắn ta đang làm trò gì. Thậm chí khi bị quân đội Ukraine xâm nhập vùng Kursk, hắn ta vẫn lờ đờ trả lời hú họa như một thằng nghiện ma túy.
Chi tiết này đã hoàn tất câu chuyện rằng, cuộc chiến tranh của Putler mà hắn vẫn gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, thực chất là một chiến dịch của quân đội nhưng do… FSB lập kế hoạch. Do vậy mà nó thất bại ngay từ đầu. Tướng lĩnh Nga như một lũ tâm thần phân liệt, thậm chí giai đoạn đầu cuộc chiến chẳng còn nắm được cái gì, phải ra tận mặt trận dẫn đến bị tiêu diệt mấy chục thằng.
Rất nhiều giả thuyết có thể có được xung quanh tin Lapin bị tiêu diệt. Đơn giản nhất là hạ thấp uy tín của quân đội. Phức tạp hơn, là chính quân đội tự tạo ra nó để gây hỗn loạn nội bộ, hòng có các diễn biến khác kéo theo… Nhưng dù là do ai tung ra và vì lý do gì, thì nó cũng là chuyện rất xấu cho nội bộ Nga.
Nhưng chưa hết. Chuyện Lapin bị tiêu diệt xuất hiện trong bối cảnh Belgorod bị “xâm lược” – nó làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, mà như tôi nói là đã tạo ra hoảng loạn trong Bộ Quốc phòng Nga.
Tôi nghe “người ta” nói: Chưa có cuộc chiến tranh nào mà Bộ Quốc phòng của một đất nước (có quân đội thứ hai thế giới nữa chứ, ha ha) lại vô nghĩa như trong cuộc chiến này. Gần như cả một cái Bộ quan trọng nhất nước, mà chỉ đóng vai trò… công bố những tin tức bịa đặt từ văn phòng Bộ. Tất cả những việc khác thì tùy từng cơ quan mà chỗ thực hiện tốt, chỗ còn vớ vẩn… nhưng rõ ràng là ở Văn phòng bộ thì người ta thấy các hoạt động ở đó ngày càng trở nên vô nghĩa.
4.2. Nói tiếp đến Chiến dịch Belgorod của Ukraine
Thực sự, các hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine liên quan đến chiến dịch này là hết sức nghiêm trọng với phía Nga. Tác động của nó lên tinh thần của người Nga cũng là… nghiêm trọng không kém. Họ đang rất hy vọng với một chiến thắng và hòa bình sắp đến nơi rồi, thì lại có tin người Ukraine người ta xâm phạm cương thổ lần nữa. Đang rất hy vọng, tự nhiên dính quả đấm giữa mặt tối tăm mắt mũi.
Trong một bài nào đó tôi đã phân tích ý nghĩa của Chiến dịch Kursk của người Ukraine. Đầu tiên, nó là một phần của Kế hoạch hòa bình mà Zelenskyy đã trình bày cho cụ Biden nhưng cụ ấy không đồng ý, và vì vậy nó đã mất ý nghĩa từ khía cạnh này. Tiếp theo, là tác động của nó về mặt chính trị – Putler không thể chấp nhận việc lãnh thổ bị xâm chiếm, vì thế đầu tiên là nó đánh vào uy tín của hắn. Vì hắn không thể chấp nhận chuyện này, thì kiểu gì cũng phải dồn quân đòi lại và tạo điều kiện cho người Ukraine có thể thi hành trận đánh tiêu hao sinh lực đối phương theo kiểu của mình.
Khi Trump lên nắm quyền Tổng thống với một loạt các hành động khuấy đảo ngu ngốc, tác động đến tình hình không nhỏ, tiếc là theo hướng tiêu cực. Sau đó là các diễn biến ở Kursk, tôi cũng đã nghĩ: nhiều thứ đã mất đi ý nghĩa của nó, vì vậy Ukraine rút khỏi Kursk cũng được rồi. Nhưng nếu (1) Họ không rút hết và (2) Thi hành chiến dịch Belgorod thì tình thế này cần phải có những phán đoán khác.
Không còn kế hoạch hòa bình cũ, thì có kế hoạch hòa bình mới. Ukraine vẫn có thể chiến thắng và nước Nga của Putler vẫn có thể bị đánh bại. Mấu chốt của vấn đề vẫn là ở chỗ, cần phải có những diễn biến đáng kể để có thể tác động được đến vị thế của Putler.
Vì vậy khi tôi phán đoán sẽ có hành động tấn công ở Belgorod, nó phải được đặt trong bối cảnh: Putler cực kỳ mót ngừng chiến (nhưng phải là ngừng chiến kiểu Ukraine đầu hàng) và Trump thì nỗ lực giúp Putler… nhưng câu hỏi là, (1) Làm thế nào để hạ gục ý chí của người Ukraine và (2) Làm thế nào để đưa sức mạnh quân sự của Ukraine về số zero thì cả Putler lẫn Trump đều không trả lời được.
Tôi hình dung ra câu chuyện như vậy từ đầu, và đã viết về nó, cuối cùng thì các diễn biến cũng gần gần như vậy: Zelenskyy có nguyên tắc của Ukraine. Và Putler thì cũng ngoan cố với mong muốn của hắn. Trump bế tắc. Nhưng hai vấn đề trên đây ông ta và cả Putler, không giải quyết được. Vì vậy giả thuyết của tôi sẽ đi đến chỗ chắc chắn hơn thành lý thuyết: Vẫn có kế hoạch hòa bình mới cho thời Trump, và mấu chốt của nó vẫn là số phận chính trị của Putler.
Nếu như trên mặt trận chiến lược “bào mòn” vẫn tiếp diễn, thì vẫn cần phải có những hành động quân sự để giúp thực hiện chiến lược bào mòn về uy tín chính trị của Putler. Mà không biết chừng cơ quan tình báo Ukraine có quan hệ với một số nhân vật cao cấp nào đó của Nga và nhận được yêu cầu: Cứ thực hiện chiến dịch đó giúp chúng tôi, rồi sẽ có biến. Tôi hình dung ra tất cả những khía cạnh đó của câu chuyện. Và tôi cũng đã hi vọng rất nhiều sẽ có những diễn biến ở Belgorod.
Và nó diễn ra thật. Khi nó diễn ra như thế, thì lý thuyết của tôi vẫn tỏ ra là có lý.
Hiện tại, khó khăn nhất của Trump là hai tồn tại: Một bên là Zelenskyy tồn tại, bên kia là Putler, cả hai đều “rắn đanh” như nhau. Chỉ vì căm ghét chính quyền Biden cũ, và Zelenskyy liên đới với chính quyền đó, mà bây giờ Zelenskyy và Ukraine trở thành nạn nhân của Trump. Cách giải quyết đơn giản nhất của câu chuyện vẫn là xử lý Putler.
Bất cứ ai lên thay Putler (người ta đang tung tin là Boris Kovalchuk (sinh năm 1977, con trai của Yury Kovalchuk) sẽ lên thay Putler làm Tổng thống Nga. Nhưng tôi nghĩ rằng Yury Kovalchuk sẽ ủng hộ phương án Sergei Naryshkin, hiện tay này đang là giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Nga và được coi là phương án hợp lý nhất) cũng sẽ dễ dàng hơn cho Trump rất nhiều. Điều này tôi cũng đã cố gắng hình dung từ trước khi Trump quay lại Nhà trắng ở một bài nào đó chưa tìm thấy, nhưng tôi viết là Zelenskyy sẽ có thể giúp “chú Trump” trong trường hợp Putler quá rắn mặt.
Theo logic của lý thuyết trên đây, tôi nghĩ rằng sẽ phải có đòn quyết định mạnh hơn, hoặc ở Belgorod, hoặc ở chỗ khác (tôi vẫn nghiêng về Crimea) hoặc cả hai. Có một điều chắc chắn rằng, người Ukraine đang mài gươm kiếm giáo mác chứ không phải người ta ngủ gật đâu. Chiến dịch bây giờ mới chỉ bắt đầu.
PHÚC LAI 26.03.2025
No comments:
Post a Comment