Thursday, March 27, 2025

Chính sách đối ngoại của Mỹ đang được điều hành bởi những thằng khốn nạn đần độn nhất còn sống
Substack
Tác giả: Daniel W. Drezner
Trúc Lam chuyển ngữ
24-3-2025
Tiengdan
27/03/2025

Ảnh minh họa của Jørgen Håland

Những trò bịp bợm mà nhóm chính sách đối ngoại của Trump đang thể hiện, thật khó hiểu

Trở lại năm 2017, tôi viết một bài đăng báo trên Washington Post, nêu bật vô số sai lầm về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu, lưu ý rằng: “Tôi nhìn vào vị tổng thống này và nhóm chính sách đối ngoại của ông ta, mà tôi không thể nhịn được cười“. Hãy đọc những phần tiếp theo [có bất kỳ điểm nào quen thuộc với năm 2025 không nhé:

Thật khó để nói quá lố về việc Trump đã điều hướng sân khấu toàn cầu tệ như thế nào. Người Trung Quốc và người Saudi đã tìm ra cách mua chuộc ông ta bằng vài tỷ đô la và một số lời nịnh hót. Không có bằng chứng về bất kỳ thành quả chính sách đáng kể nào. Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ liên tục bị nghi ngờ. Bất kỳ quyền lực mềm nào tồn tại ở Mỹ đều bị tan biến. Ngoài Vịnh Ba Tư, cách tiếp cận của Trump không làm gì khác ngoài việc xa lánh các đồng minh và ủng hộ các đối thủ tiềm tàng.

Tình hình đó tệ đến mức nào? Tôi nhìn Trump, McMaster, Tillerson và kết luận: “Ừ, tôi có thể làm tốt hơn”.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tôi không nên nghĩ như vậy. Tôi là một giáo sư về quan hệ quốc tế: Những thành quả lớn nhất mà tôi đã từng quản lý là các hội nghị và chấm điểm đúng hạn. Trước đây, bất cứ khi nào có triển vọng về một vị trí chính sách xuất hiện, tôi bắt đầu nổi da gà vì tôi biết có vô số cách có thể làm hỏng mọi thứ. Tôi biết kỹ năng của mình và khá nghi ngờ rằng việc quản lý thành thạo quy trình chính sách đối ngoại là một phần của nó.

Nói như vậy, liệu tôi có nghĩ rằng mình có thể điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ tốt hơn nhóm hiện tại không? Có. Tôi có thể sử dụng Twitter cả ngày và chỉ chú ý một phần đến các cuộc họp báo, nhưng vẫn làm tốt hơn show diễn của những tên hề hiện tại.

Công bằng mà nói với Trump, ông ta đã gặp một chút khó khăn khi chọn nhóm chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu của mình. Ông phải dựa vào rất nhiều đảng viên Cộng hòa chính thống và các chuyên gia chính sách đối ngoại — quý vị biết đấy, “những người trưởng thành trong phòng” — để lấp đầy nội các của mình. Những người này đã lần lượt chống lại những động lực chính sách dân túy và non nớt của Trump.

Tuy nhiên, lần này thì khác. Trump đã biến đảng Cộng hòa thành MAGA. Thông qua Dự án 2025 và Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, Trump có thể bố trí đội ngũ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của mình với những người tin vào học thuyết chính sách đối ngoại của ông. Ngay cả khi bản thân các chính sách đó có thể đại diện cho một sự thay đổi triệt để so với các tổng thống tiền nhiệm, thì chúng cũng nên được thực hiện một cách có năng lực và chuyên nghiệp, đúng không?

Đúng không?!

Đọc đến đây, có lẽ quý vị đã có câu trả lời.

Trong hai tháng ngắn ngủi, sự bất tài tột cùng của chính quyền Trump thứ hai đã khiến cho đội ngũ vụng về của ông trong nhiệm kỳ đầu trông giống như một hình mẫu về sự chuyên nghiệp. Sự thù địch vô căn cứ và không cần thiết của Trump đối với Canada — được cố vấn Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick thúc đẩy — đã biến một trong những nước láng giềng thân thiện nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế, thành một con nhím xù lông, với các cuộc tẩy chay của người tiêu dùng và mọi thứ.

Tôi muốn nói đến quảng cáo của Thủ tướng hiện tại Mark Carney [của Canada]:

Nếu ai đó có thể giải thích giúp tôi hiểu vì sao biến Canada trở nên thù địch hơn với Mỹ, lại có thể giúp đặt Nước Mỹ Trên Hết, tôi sẽ rất vui khi được nghe lý lẽ của họ. Bởi vì ngay bây giờ, tác động hoàn toàn tiêu cực.

Trong khi đó, Bộ Hiệu quả Chính phủ của Trump đã tạo ra điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới: Cắt giảm nhân sự không tiết kiệm được bất kỳ khoản tiền nào đáng kể, trong khi cùng lúc phá hủy năng lực của nhà nước vào thời điểm then chốt của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn. Như Catherine Rampell của báo Washington Post đã nêu chi tiết, hàng loạt hành động của DOGE đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mà không tiết kiệm được bất kỳ khoản tiền nào: “Những nhiệm vụ thường ngày mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành, làm giảm năng suất của người lao động. DOGE làm cho nhân viên làm việc kém hiệu quả, khi thêm vào những công việc vô nghĩa, khiến họ phải chịu hình phạt vì bỏ bê nhiệm vụ lẽ ra họ nên làm… Những chỉ thị mới này không chỉ lãng phí nhân lực của chính phủ và tiền thuế của người dân, mà chúng còn dẫn đến việc cung cấp dịch vụ tồi tệ hơn cho người dân Mỹ“.

Đây không phải là ví dụ về nỗi đau ngắn hạn để đạt được lợi ích dài hạn. Cho đến nay, chính quyền này đã thiết lập nỗi đau ngắn hạn để đổi lấy nỗi đau dài hạn hơn.

Công bằng mà nói, cũng có một chính phủ được hưởng lợi từ các hành động của DOGE: Đó là Trung Quốc. Đây không phải là khẳng định của tôi — mà là của David Sanger của báo New York Times, nêu rõ quan điểm này:

Khi Bộ Hiệu quả Chính phủ đang gầm rú khắp các cơ quan chính phủ, mục tiêu của họ nhắm vào một số tổ chức mà Bắc Kinh lo ngại nhất, hoặc [Bắc Kinh] tích cực tìm cách phá hoại. Và, giống như nhiều cơ quan mà DOGE của Elon Musk đã chặt tay chân, không có nghiên cứu nào được công bố về chi phí và lợi ích của việc mất đi khả năng của các tổ chức đó — và không có cuộc thảo luận nào về các vai trò, có thể được cho là quan trọng như máy bay chiến đấu có người lái, có thể được thay thế như thế nào…

Trong hai tháng đầu tiên, chính quyền mới đã vô cùng hiệu quả trong việc phá bỏ mọi thứ, nhưng lại chậm chạp trong việc giải thích các hành động của họ phù hợp với chiến lược lớn hơn của họ.

Tất cả những điều này khiến người Trung Quốc ăn mừng. Khi Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bị giải thể và tắt tiếng, thì Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết rằng: “VOA, cái gọi là ngọn hải đăng của tự do, giờ đã bị chính phủ của họ vứt bỏ như một miếng giẻ rách“…

Michael J. Green, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney ở Úc, nói: “Thật mâu thuẫn, như người Trung Quốc nói, khi chúng ta cắt giảm các công cụ quyền lực quốc gia của mình trong khi lại nói rằng chúng ta đang tăng cường sự cạnh tranh với Bắc Kinh. Khi chúng ta tiết lộ các vụ vi phạm nhân quyền hoặc thông tin sai lệch của Trung Quốc, đó là một hình thức cạnh tranh khác với Trung Quốc. Và việc loại bỏ nó chỉ tạo ra một khoảng trống mà Bắc Kinh sẽ cố gắng lấp đầy. Và chúng ta đã thấy điều đó xảy ra“.

Những người bảo vệ Trump có thể phản ứng bằng cách chỉ ra rằng, Trump là một tổng thống theo chủ nghĩa giao dịch, và người ta nên đánh giá ông ấy qua các thỏa thuận mà ông ấy đang cố gắng thực hiện ngay bây giờ — như đàm phán lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến tàn khốc giữa Nga và Ukraine.

Vấn đề là, ngay cả khi xem xét sơ qua lời lẽ của tình báo Hoa Kỳ và của Nga cũng cho thấy, Nga không quan tâm đến lệnh ngừng bắn, trừ khi nó diễn ra dưới hình thức Ukraine đầu hàng vô điều kiện. Hầu hết các phân tích độc lập về các cuộc đàm phán của chính quyền Trump với Nga cho đến nay đều sử dụng các thuật ngữ như “chiến thuật cổ điển của Điện Kremlin” hoặc “hãy nêu một điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm kể từ khi nhậm chức mà Điện Kremlin không thíchĐứng hình“.

Anton Troianovski của báo New York Times giải thích về chiến lược đàm phán của Nga:

Điện Kremlin dường như quyết tâm khai thác càng nhiều lợi ích càng tốt từ mong muốn của ông Trump về một thỏa thuận hòa bình với Ukraine, ngay cả khi họ chậm trễ trong các cuộc đàm phán. Nhìn từ Moscow, mối quan hệ tốt hơn với Washington là một lợi ích kinh tế và địa chính trị — một lợi ích có thể đạt được ngay cả khi tên lửa của Nga tiếp tục tấn công Ukraine.

Các cuộc phỏng vấn tuần trước với các nhân vật chính sách đối ngoại cấp cao của Nga tại một hội nghị an ninh ở New Delhi cho thấy, Điện Kremlin coi các cuộc đàm phán về Ukraine và về mối quan hệ Mỹ – Nga diễn ra trên hai con đường khác biệt. Ông Putin vẫn tiếp tục tìm kiếm một chiến thắng sâu rộng ở Ukraine nhưng lại chiều theo mong muốn ngừng bắn của ông Trump, nhằm nắm bắt lợi ích của việc tan băng trong mối quan hệ với Washington.

Một lần nữa, không có điều nào trong số các điều này thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.

Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc đàm phán hiện tại ở Riyadh trái ngược với động lực này, với các nhà đàm phán Hoa Kỳ tương tự như Steve Witkoff tỏ ra háo hức và các nhà đàm phán Nga dội gáo nước lạnh vào tiến trình này.

Chẳng may, điều này không có gì đáng ngạc nhiên — trong một cuộc phỏng vấn dài với Tucker Carlson, Witkoff có vẻ như không hiểu gì cả [khi nói rằng]:

Trong chuyến thăm thứ hai của tôi [tại Điện Kremlin], mọi chuyện biến thành cá nhân. Tổng thống Putin đặt vẽ một bức chân dung Tổng thống Trump tuyệt đẹp từ một nghệ sĩ hàng đầu của Nga rồi đưa nó cho tôi và yêu cầu tôi mang về nhà cho Tổng thống Trump, tôi đã mang về nhà và giao cho ông ấy. Báo chí đã đưa tin về chuyện này, nhưng đó là một khoảnh khắc tuyệt vời.

Và [Putin] kể cho tôi nghe một câu chuyện, Tucker (ND: Tên người phỏng vấn), về việc khi tổng thống bị bắn, ông ấy (tức Putin) đã đến nhà thờ địa phương và gặp linh mục của mình và cầu nguyện cho tổng thống, không phải vì ông là Tổng thống Hoa Kỳ hay có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, mà vì ông [Putin] có tình bạn với vị linh mục đó và ông đã cầu nguyện cho người bạn của mình. Ý tôi là, ông có thể tưởng tượng được cảnh ngồi đó và lắng nghe những cuộc trò chuyện như thế này không?

Và tôi đã về nhà và chuyển thông điệp đó cho tổng thống của chúng ta và trao bức tranh, và ông ấy rõ ràng đã rất xúc động. Đây là loại kết nối mà chúng tôi có thể thiết lập lại thông qua, nhân tiện, một từ đơn giản gọi là giao tiếp, mà nhiều người sẽ nói, ông biết đấy, tôi không nên có, bởi vì Putin là một kẻ xấu. Tôi không coi Putin là một kẻ xấu. Đó là một tình huống phức tạp, cuộc chiến đó và tất cả các yếu tố dẫn đến nó. Ông biết đấy, không bao giờ chỉ có một người, phải không? Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết…

Putin là một người rất thông minh. Ông biết đấy, có người nói với tôi rằng, có người — tôi đang nói chuyện với một người trong chính quyền. Họ nói, ừ, anh phải xem chừng, vì ông ta là cựu nhân viên KGB. Nên tôi nói, được rồi, suy luận ở đây là gì? Ừ, ông ta là cựu nhân viên KGB. Ông ta có thể đang tìm cách thao túng ông…

Và tôi nói với người đó, xem này, đây là cách tôi nhìn vấn đề. Ngày xưa, chỉ những người được vào KGB là những người thông minh nhất của đất nước. Đó là những người vào KGB. Ông ta là một người siêu thông minh. Được rồi. Anh không muốn ghi công cho ông ta. Cũng không sao. Tôi ghi công cho ông ta.

Đây là một suy nghĩ điên rồ: Nếu Putin thông minh và ông ta đang cố tìm cách thao túng nhà đàm phán Hoa Kỳ (ND: Tức Steve Witkoff) thì sao?! Khả năng đó dường như không nằm trong dự đoán của Witkoff.

Cuộc trò chuyện trở nên tồi tệ hơn. Witkoff tiết lộ, mối quan ngại của chính quyền [Mỹ] về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật vào thời điểm Nga có vấn đề về vụ này, đã tan biến. Kiến thức của anh ta về lịch sử Nga và Ukraina là… không đầy đủ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi sau đó anh ta nói trong buổi phỏng vấn: “Tôi đã đánh giá thấp những phức tạp trong công việc, chắc chắn là vậy. Tôi nghĩ mình hơi viển vông khi nghĩ về nó. Kiểu như, tôi sẽ cưỡi một con ngựa trắng đến đó. Và không, nó không phải như vậy, anh biết đấy“.

Đúng vậy, có thể nói Witkoff đã đánh giá thấp những sự phức tạp trong công việc.

Đội ngũ nhân viên chăm chỉ của Drezner’s World đang bận rộn thu thập thông tin nghiên cứu cho chuyên mục này thì mẩu tin điên rồ (nguyên văn: fuckwittery) mới nhất được Jeffrey Goldberg của báo Atlantic cung cấp:

Thế giới phát hiện ra ngay trước 2 giờ chiều, giờ miền Đông, ngày 15 tháng 3, rằng, Hoa Kỳ đang ném bom các mục tiêu của Houthi trên khắp Yemen.

Tuy nhiên, tôi biết thông tin này hai tiếng đồng hồ trước khi những quả bom đầu tiên phát nổ, rằng cuộc tấn công có thể sắp diễn ra. Lý do tôi biết điều này là vì Pete Hegseth, bộ trưởng quốc phòng, đã nhắn tin cho tôi kế hoạch cuộc chiến lúc 11:44 sáng. Kế hoạch bao gồm thông tin chính xác về các gói vũ khí, mục tiêu và thời gian.

Điều này cần phải được giải thích.

Quý vị nên đọc toàn bộ nội dung. Nhà Trắng của Trump đã thừa nhận rằng, nhóm an ninh quốc gia của Trump đã sử dụng Signal để chia sẻ thông tin tuyệt mật mà không hề biết rằng một nhà báo đã được kéo vào nhóm trò chuyện. Điều này khiến vụ bê bối máy chủ email của bà Hillary Clinton trở nên nhỏ bé so với thực tế.

Như Goldberg lưu ý, tính bảo mật lỏng lẻo và tính bất hợp pháp trong cuộc trò chuyện của nhóm này là điều đáng lên án:

Tôi chưa bao giờ thấy một vụ vi phạm nào như thế này. Các quan chức an ninh quốc gia thường xuyên trò chuyện trên Signal. Nhưng ứng dụng này chủ yếu được sử dụng để lập kế hoạch họp hành và các vấn đề hậu cần khác — không phải để thảo luận chi tiết và cực kỳ bí mật về một hành động quân sự đang chờ diễn ra. Và tất nhiên, tôi chưa bao giờ nghe nói đến trường hợp một nhà báo được mời tham gia một cuộc thảo luận như vậy.

Theo một số luật sư chuyên về an ninh quốc gia được người đồng nghiệp Shane Harris phỏng vấn cho bài viết này, cho biết, có thể Waltz đã vi phạm một số điều khoản của Đạo luật gián điệp, đạo luật này điều chỉnh việc xử lý thông tin “quốc phòng”.

Có một vấn đề tiềm ẩn khác: Waltz đã thiết lập một số tin nhắn trong nhóm Signal để cho chúng biến mất sau một tuần và một số khác sẽ biến mất sau bốn tuần. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc liệu các quan chức có vi phạm luật hồ sơ liên bang hay không: Tin trao đổi về các hành động chính thức được coi là hồ sơ cần được lưu giữ….

Một số cựu quan chức Hoa Kỳ nói với Harris và tôi rằng, họ đã sử dụng Signal để chia sẻ thông tin không được coi là mật và thảo luận về các vấn đề thường lệ, đặc biệt là khi đi du lịch nước ngoài, khi không có quyền truy cập vào hệ thống của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng họ biết rằng, họ không bao giờ được chia sẻ thông tin mật, hoặc thông tin nhạy cảm trên ứng dụng này, vì điện thoại của họ có thể bị một cơ quan tình báo nước ngoài hack, cơ quan này có thể đọc được các tin nhắn trên thiết bị.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng xem xét: Trump và nhóm quan chức trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ta đang gây mất lòng Canada, làm xói mòn năng lực của Hoa Kỳ mà không tiết kiệm được bất kỳ khoản tiền thật sự nào, làm hỏng các cuộc đàm phán với Nga do sự ngây thơ đến kinh ngạc và làm suy yếu an ninh quốc gia Hoa Kỳ bằng cách kéo một phóng viên vào cuộc trò chuyện nhóm bất hợp pháp của họ để điều phối các cuộc không kích vào Houthis.

Nói cách khác, tôi thấy mình quay lại thời điểm năm 2017: Vô cùng tự tin rằng dù có lộn xộn đến đâu, tôi cũng sẽ làm tốt hơn những kẻ ngu ngốc khốn nạn kia.

______

Tác giả: Daniel W. Drezner là một nhà khoa học chính trị người Mỹ, và là nhà bình luận về quan hệ quốc tế và kinh tế chính trị quốc tế. Ông là giáo sư chính trị quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, thuộc Đại học Tufts. Ông còn là thành viên cao cấp của Dự án Chiến lược và Trật tự Quốc tế tại Viện Brookings.

No comments:

Post a Comment