Phúc Lai - Về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 13/01/2025
lundi 13 janvier 2025
Thuymy
Con tàu kinh tế Nga đang lao xuống vực, tiền đề cho sự sụp đổ
Theo nhà phân tích tài chính Craig Kennedy, cựu chuyên gia tài chính tại Morgan Stanley và Bank of America cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Nga Putox nhằm duy trì sinh khí cho cuộc chiến đang tiến hành ở Ukraine có thể sớm dẫn tới đổ vỡ.
Ông này lập luận rằng Putox đã đẩy Nga vào thế khó tài chính. Nước này đang chi gấp đôi số tiền được phân bổ trong ngân sách liên bang để tài trợ cho các hoạt động quân sự của mình. Khoản chi tiêu không bền vững này đang trên bờ vực gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng rộng lớn hơn, có thể làm tê liệt năng lực kinh tế của Nga và cuối cùng làm giảm khả năng tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Kennedy giải thích rằng nỗ lực chiến tranh của Nga đang được tài trợ thông qua một chương trình tài trợ ngầm, liên quan đến việc cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp quốc phòng.
Chính phủ đã khuyến khích các công ty này vay nợ lên tổng mức tăng vọt 71 % trong 2 năm rưỡi qua. Đến mùa thu năm 2024, các tổng khoản vay này dự kiến sẽ đạt mức khổng lồ 415 tỉ đô la, chiếm 19,4 % GDP của Nga. Con số này vượt qua tổng doanh thu dầu khí của quốc gia, cũng như ngân sách quốc phòng của quốc gia này trong giai đoạn từ mùa thu năm 2022 đến mùa thu năm 2024.
Khoảng 250 tỉ đô la, tức là hơn một nửa số tiền vay này đã được chuyển cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất phục vụ chiến tranh, mà nhiều doanh nghiệp trong số đó không ổn định về tài chính. Các ngân hàng đã bị nhà nước gây sức ép phải cung cấp các khoản vay này, bất chấp rủi ro. Do đó, Nga đang phải trải qua tình trạng lạm phát không được kiểm soát, khiến Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất chủ chốt lên hơn 20 %. Chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp tăng đang làm trầm trọng thêm căng thẳng tài chính đối với nền kinh tế Nga.
Kennedy cảnh báo rằng nếu chiến tranh tiếp diễn, chính phủ Nga có thể sớm buộc phải chịu trách nhiệm trả các khoản vay này. Điều này có thể dẫn đến việc một phần đáng kể trong ngân sách quốc gia của Nga – có khả năng lên tới 50 % – được phân bổ để trang trải các khoản nợ trên. Gánh nặng tài chính như vậy sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng tài trợ cho các hoạt động quân sự và tái vũ trang trong tương lai của quốc gia này.
Viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng tín dụng hệ thống đang hiện hữu, và Kennedy cho rằng điều này có thể mang đến một cơ hội quan trọng cho Ukraine trong các cuộc đàm phán. Ông tin rằng Nga càng trì hoãn lệnh ngừng bắn lâu, thì khả năng đất nước này phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế càng cao. Đối với Ukraine, điều này có nghĩa là cơ hội tốt nhất để đảm bảo chiến thắng kinh tế có thể là ngay bây giờ, trong khi sự ổn định tài chính của Điện Kremlin vẫn đang gặp rủi ro.
Kennedy còn nhấn mạnh rằng chính phủ Nga đang tài trợ cho cuộc chiến theo hai cách chính. Thứ nhất, bằng cách sử dụng ngân sách quốc phòng chính thức, đến nay đang được nhìn nhận là có sự ổn định đáng ngạc nhiên. Và thứ hai, thông qua một chương trình phi ngân sách có quy mô lớn như chính ngân sách quốc phòng của họ. Theo chương trình này, chính phủ Nga gây sức ép, buộc các ngân hàng cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất phục vụ chiến tranh theo các điều khoản do nhà nước quyết định.
Kể từ giữa năm 2022, phương pháp tài trợ phi ngân sách này đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về tổng số tiền vay của doanh nghiệp, tăng vọt 415 tỉ đô la. Trong số tiền này, từ 210 tỉ đến 250 tỉ đô la bao gồm các khoản vay do chính phủ chỉ định cho các nhà thầu quốc phòng, nhiều trong số đó không ổn định về tài chính, để thanh toán cho các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến nỗ lực chiến tranh.
Ban đầu, chương trình tài trợ này có vẻ có lợi cho Moscow vì nó giúp kiểm soát ngân sách quốc phòng chính thức. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra ấn tượng sai lệch trong số những người quan sát tin rằng Nga không phải đối mặt với rủi ro tài chính đáng kể, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự. Theo thời gian, việc phụ thuộc quá mức vào các khoản vay bắt buộc đã gây ra hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.
Để hiểu hơn về ý “Nga càng trì hoãn lệnh ngừng bắn lâu thì khả năng đất nước này phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế càng cao” trên đây, chúng ta có thể nghiên cứu kỹ hơn về ý kiến của Kennedy. Ông ấy đã lưu ý rằng cách tiếp cận này là động lực chính gây ra lạm phát và lãi suất tăng ở Nga. Nó cũng tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng tín dụng có hệ thống tiềm tàng, có thể gây ra những tác động tồi tệ hơn nhiều so với việc GDP giảm.
Vì vậy, Nga hiện đang phải đối mặt với một tình huống khó xử: Càng trì hoãn lệnh ngừng bắn lâu thì nguy cơ xảy ra tình trạng không thể kiểm soát được, trong đó chính phủ sẽ cần phải cứu trợ các tập đoàn và ngân hàng đang gặp khó khăn càng lớn. Điều này sẽ làm suy yếu vị thế đàm phán của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Bình loạn :
Nhìn ngược lại quá khứ một chút, hôm 20/12/2024, tức là cách đây khoảng hơn 3 tuần, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 21 %. Tại cuộc họp ngay trước đó vào tháng 10, họ đã ra tuyên bố rằng lãi suất chủ chốt có thể cần tăng thêm để kiềm chế lạm phát gia tăng. Họ đã tăng lãi suất chủ chốt tổng cộng 5 % trong ba cuộc họp trước đó.
“Chúng ta không thể để nền kinh tế quá nóng thêm nữa, chúng ta cần để tình trạng quá nóng lắng xuống và đồng thời chúng ta cần tránh để [nền kinh tế] hạ nhiệt quá mức, vì vậy chúng ta đang theo dõi chặt chẽ tình hình này,” Thống đốc Elvira Nabiullina phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của mình. Tại sao Ngân hàng trung ương Nga phải đi đến quyết định khó khăn như vậy ? Một bên là nhu cầu giảm lạm phát thì phải tăng lãi suất, một bên là nhu cầu duy trì tình trạng sống sót của doanh nghiệp.
Quyết định này được cho là, nó ra sau những lần “bật lại” liên tiếp của một số nhà công nghiệp quyền lực nhất của Nga, những người có doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do lãi suất tăng mạnh trong năm nay. Các cuộc “biểu tình” của nhóm này dường như cuối cùng đã gây được ảnh hưởng lên Putox. Cần nhìn nhận rằng, cho đến nay Putox vẫn luôn ủng hộ những nỗ lực của Nabiullina.
Tại cuộc họp báo cuối năm kéo dài bốn tiếng rưỡi (hôm 19/12), Putox đã nói rằng hắn ta vừa mới gặp và nói chuyện với Nabiullina và hy vọng rằng “Ngân hàng (trung ương Nga) sẽ đưa ra được “quyết định cân bằng” chính trong tuần đó. Như vậy chỉ sau một ngày Putox nói trong họp báo, Ngân hàng trung ương Nga đã phải ra quyết định, trước mắt là hãm lãi suất để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp.
Trải qua 3 tuần, những nỗ lực của Nabiullina vẫn tiếp tục trong… tuyệt vọng. Mới nhất có tin từ Mục-tư-khoa: Ngân hàng Trung ương Nga đang buộc các ngân hàng của mình phải cho các công ty có điểm tín dụng kém trong một hoạt động cho vay trong ngày với các điều kiện hết sức sơ sài.
Theo bác Nguyen Thanh Trung, biểu hiện này bao hàm hai khía cạnh. Thứ nhất, đã đến lúc khó khăn của các doanh nghiệp bộc lộ ra hết – chúng cần tiền vốn nhưng không vay được với những điều kiện hiện có của ngân hàng, vì vậy cần phải cứu dù không đủ khả năng trả nợ. Thậm chí phần đông những doanh nghiệp đó vẫn đang là những con nợ, với những khoản nợ xấu sẵn có. Khía cạnh thứ hai, với những khoản vay nóng có thời hạn ngắn như vậy, lãi suất cao như cho vay nặng lãi.
Tiếp tục tìm hiểu, tôi được biết rằng hầu hết những doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực phục vụ cho chiến tranh, và ở đây có một “khoản tín chấp” là trông chờ vào ngân sách quốc phòng chi trả, thanh toán khi mua hàng. Chính phủ Nga vẫn tin rằng với chương trình cưỡng bức cho vay này với mục đích hỗ trợ chiến tranh, bằng cách nào đó sẽ giúp con tàu kinh tế nước này tiếp tục nổi được. Một chuyên gia người Nga về tài chính đã về hưu nói với tôi: Chính phủ Nga đang phủ nhận tất cả các nguy cơ có thể có bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra, mặc dù về lý thuyết cũng như trong thực tiễn, cả hai (lý thuyết và thực tiễn) đều tỏ ra là đang đúng: kinh tế Nga đang lao xuống vực.
Tại sao ở vào tình trạng như vậy mà Chính phủ Nga cùng Ngân hàng Trung ương nước này vẫn cố gắng lao vào những biện pháp – tôi không dám gọi là “cực đoan” vì không phải là chuyên gia, mà gọi là “máu mê” đến vậy? Cần nhớ rằng, chính Elvira Nabiullina đã từng lưu ý rằng việc chi tiêu mạnh tay cho cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nền kinh tế quá nóng và thể hiện mong muốn được… rời bỏ vị trí.
Nabiullina dự đoán sẽ có 30 % đến 50 % các ngân hàng Nga bị phá sản trong hai năm tới và sẽ cần phải thanh lý. Bà ta đã bày tỏ sự bi quan như vậy trong báo cáo của mình về triển vọng phát triển khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Nga. Các chuyên gia tại Hội đồng Bảo an Nga thậm chí còn bi quan hơn. Theo ước tính của họ, ít nhất 50 % các ngân hàng Nga sẽ không tồn tại được trong hai năm tới.
Nhưng bộ sậu của Putox thì nghĩ khác. Ngay từ thời điểm giữa tháng 11 với tin ông Donald Trump trúng cử, chúng tin rằng, nhiều thứ sẽ chắc chắn thay đổi. Theo đa số nhóm thân cận với Putox, chiến tranh ở Ukraine sắp kết thúc. Việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào hạ tuần tháng 1 năm 2025 gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm vận, và khi đó kinh tế Nga sẽ được cứu. Đây là lý do làm cho dự báo của tôi về một kết cục xấu cho Putox, chưa xảy ra, vì có một sự lạc quan nhất định trong nội bộ “vòng thân mật của Putox” cũng như trong Chính phủ nước này có một số nhân vật tin như vậy.
Tuy nhiên, từ khi thắng cử ông Donald Trump chưa có những biểu hiện rõ rệt là sẽ hành động theo giải thuyết đó của nhóm quyền lực Kẩm-linh. Vì thế cả giới lãnh đạo khối tài chính và kinh tế lẫn các chuyên gia tại Hội đồng Bảo an Nga đều không coi kịch bản trên đây là thực tế. Bất kể nhóm lãnh đạo chóp bu Nga đang vây quanh Putox kia có đặt cược bao nhiêu vào Trump là vị cứu tinh của họ, thì kế hoạch đóng băng tiền gửi của công dân tại các ngân hàng Nga đã nằm trên bàn của họ. Ngày bắt đầu có thể thực hiện biện pháp này là ngày 1 tháng 2 năm 2025.
Đơn giản là, họ – những người đang làm nhiệm vụ thi hành chính sách của Nga vẫn chưa tin là ông Trump sẽ có hành động liên quan đến cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine ngay lập tức vào sau ngày 20/01/2025. Có người đặt câu hỏi: Tại sao ông Trump lại phải bỏ ngay lập tức và tất cả các lệnh cấm vận và trừng phạt? Chẳng phải đó là con bài của ông ấy đem ra mặc cả với Putox hay sao?
Lại câu chuyện con gà và quả trứng, cái gì có trước. Putox thì bảo: Bỏ cấm vận đi thì đàm phán để ngừng bắn và có hòa bình. Nếu ông Trump nghe ngay, thì chắc gì đàm phán sẽ tổ chức được, chưa nói là có đi đến được hòa bình hay không? Vì vậy ông ta sẽ nói: Cứ ngừng bắn đi đã, rồi từ từ xem xét bỏ được cái gì thì bỏ. Câu này cũng sẽ áp dụng với cả Ukraine: Cứ ngừng bắn đi, rồi xem xét xem có tiếp tục hỗ trợ nữa hay không.
Đương nhiên với cả Nga và Ukraine, họ sẽ đều đưa ra các điều kiện của mình để ngừng bắn, gọi là các tiền đề trước khi xây dựng chương trình nghị sự cho đàm phán. Và quá trình này có dẫn đến việc hai bên gặp nhau được cùng còn lâu, nhất là với thái độ khăng khăng của Putox. Chúng ta cần nhìn các động thái của hai bên trong thời gian qua trong tương quan với nhau.
Putox thì đang tin vào thế thượng phong của mình: Quân lính tiếp tục tiến, tiếp tục chiếm được đất trên chiến trường; ngày càng nhiều thông tin bất lợi cho Ukraine, chẳng hạn sức ép nhân khẩu học của Ukraine, chúng ta biết thì Nga càng biết… Thậm chí có một sự thật tôi phải viết rõ với quý bạn đọc: Ukraine luôn khó khăn, và khó khăn hơn nhiều so với Nga.
Chẳng hạn về vũ khí, nếu Nga có kho vũ khí từ thời Liên Xô, thì Ukraine cũng có; và nếu ở Nga có tình trạng rút ruột bán thì ở Ukraine trong suốt 30 năm qua cũng có, không khác gì, có chăng chỉ khác nhau về mức độ. Bước vào cuộc chiến tranh này, cả hai đều phải chịu những mức độ tàn phá nhất định, tàn dư của thời Xô-viết. Ukraine chỉ mới thay đổi chút ít từ thời ông Tổng thống chocolate Poroshenko.
Những khó khăn này của Ukraine, hiện nay Putox chắc chắn nắm được, tình báo Nga vẫn hoạt động, có thể không tốt nhưng không đến nỗi quá tệ. Vì vậy chỉ cần một tuyên bố dừng viện trợ từ Hoa Kỳ, có nhiều căn cứ cho rằng Ukraine sẽ rối loạn tức khắc.
Và đây cũng là những căn cứ cho rằng, Putox có thừa tự tin vào một chiến thắng. Hắn cùng một vài thằng thân cận vẫn tin chắc vào những thế võ giang hồ kiểu mật vụ của mình: Đe dọa cả ông Trump, nào là về những tác động (mơ hồ) nào đó để ông này thắng cử, nào là đánh vào đời tư… Chúng ta chưa rõ những đòn nay có tác dụng hay không, nhưng chắc chắn với Trump thì không hề dễ chịu, vì ông ta là người ái kỷ. Nếu Putox quá đà, tức “già néo đứt dây” thì có khi “gậy ông lại đập lưng ông”, vì những gì Zelenskyy đang thể hiện rất mềm dẻo, tỏ ra sẵn sàng hợp tác, thậm chí nhún nhường dù thực tế có khi không phải hoàn toàn như vậy.
Khi tôi viết đến đây, bác Nguyen Thanh Trung gửi tiếp những ý kiến của mình như sau:
Trích: Chúng ta cần lưu ý là đầu tư (của Nga) cho các ngành thiết yếu, không trực tiếp nhưng quan trọng đều giảm. Đặc biệt phải kể đến là:
01) Tìm kiếm mỏ dầu mới, vì không có mỏ mới thì giá thành sản xuất sẽ ngày càng cao.
02) Đầu tư đường sắt. Nếu năm 2024 đầu tư của ngành này là 1,2 nghìn tỉ rúp, thì năm 2025 chỉ còn có 830 tỉ rúp.
Hiện nay Nga đang bị thêm một chí phí nữa, gọi là quy hoạch treo. Tức là mặc dù cố làm gì đó, bắt đầu một dự án nào đó, nhưng không ra hiệu quả. Ví dụ rõ nhất là ngành hàng không, đầu tư một số hạng mục nhưng chắc chắn không hiệu quả. Tại Nga, Putox vẫn trong quá trình bòn rút tiền của các đại gia, kiểu như ngày xưa đã hưởng lãi nhiều, giờ phải móc túi ra…
Một điểm cần lưu ý nữa là các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng nặng đến ngành dầu khí của Nga. Các biện pháp mới nhắm vào các nhà sản xuất dầu của Nga như Gazprom Neft, Surgutneftegas và 183 tàu chở dầu, nhằm hạn chế nguồn thu tài chính của Nga cho chiến tranh ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt này ảnh hưởng đến 1,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga, bao gồm 750.000 thùng/ngày tới Trung Quốc và 350.000 thùng/ngày tới Ấn Độ.
Sau đó là các message của bác ấy giải thích thêm mà tôi thấy khó biên tập. Đại khái là, bác Trung cho rằng ông Biden đã chơi đòn nặng cho Putox: Chuyển thêm vũ khí cho Ukraine (dù có thể là chưa đủ theo chương trình cam kết); tập hợp lực lượng ủng hộ Ukraine ở cả hai Viện dân biểu ; và cuối cùng là cú trừng phạt chót này, rất phức tạp và nặng. Vì vậy việc ông Trump bãi bỏ các lệnh cấm vận, thì phải thu lại được gì đó.
Ý kiến này trùng với ý kiến của tôi. Đến nay do lệnh trừng phạt và cấm vận, Nga đang gặp quá nhiều các vấn đề. Chẳng hạn về chuyện vay tiền trên đây, một phần là do các công ty Nga không tiếp cận được với các nguồn vốn vay của nước ngoài vì các tổ chức tín dụng nước ngoài đã rút hết khỏi thị trường Nga.
Nhận xét và kết luận
Thời thế thay đổi – điều này rất đúng và đúng luôn cả với trường hợp nước Nga của Putox. Chẳng hạn người ta nói, kịch bản 1991 sẽ không lặp lại với Nga vì… thời thế thay đổi. Đúng vậy, cuộc sống đã khác rất nhiều khi thế giới trở nên phẳng hơn, con người không quá sợ đói rách nữa, là một trong những điều kiện để Putox dựa dẫm. Dân Nga vẫn còn tiền, và còn mua được bánh mì trong cửa hàng. Tình trạng “các quầy hàng trống rỗng” là chưa diễn ra. Ngân khố Nga vẫn còn tiền, nghĩa là còn khả năng trả lương cho cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, do vậy cũng chưa thể diễn ra nổi loạn.
Những khó khăn kinh tế của Nga, bất chấp báo chí xứ phía đông nước Lào luôn tô hồng “càng cấm vận Nga càng mạnh” đã thực sự rơi vào cái bẫy phát triển nóng để nuôi chiến tranh… Logic ở đây là: Trước khi bị cấm vận không mạnh bằng bây giờ vì tiền kiếm được một phần rót vào kinh tế – xã hội nhưng chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Phần lớn số chúng chạy vào túi tư nhân và biến thành du thuyền, thậm chí cả hòn đảo ở Địa Trung Hải… Do vậy khi chưa bị cấm vận, tiền không được đem đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Bây giờ lại khác: Tiền được đưa vào sản xuất, dù là sản xuất vũ khí, dù là dạng “sản xuất ma túy cho con nghiện” nhưng vẫn cứ là tăng trưởng. Ấy thế mà câu chuyện trở nên nghiêm trọng, chỉ cần xét một con số: Lượng tiền đầu tư vào ngành đường sắt giảm 4 0% năm 2024 so với năm trước 2023. Tôi đánh giá chuyện này là nghiêm trọng, vì nếu theo dõi đều các bài viết của tôi ai cũng hiểu, vận tải đường sắt của Nga là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu, bậc nhất của đất nước.
Nếu đầu tư của ngành mà giảm cỡ đó, có thể hình dung nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do cấm vận và trừng phạt dẫn đến không mua sắm được, kéo theo suy thoái, mà trong hoàn cảnh nào? Hoàn cảnh chính ngành hàng không cũng suy thoái. Giao thông vận tải là hệ tuần hoàn của nền kinh tế quốc dân, vậy mà ngày một tê liệt thì thực sự phải nói rằng, sụp đổ là không thể tránh khỏi. Đúng, thời thế thay đổi, sẽ không có nổi loạn vì thiếu bánh mì, nhưng sẽ nổi loạn vì tàu hỏa không chạy.
Tương tự như vậy, cả hai bên Nga và Ukraine đều đang chờ sự kiện ông Trump quay trở lại Nhà Trắng và có hành động tác động đến cuộc chiến. Đây là lý do mà Putox tiếp tục dựa vào để thuyết phục bọn chóp bu cầm quyền, “chờ thêm một tí”. Có một người nói với tôi: Cứ khi nào nhìn thấy Ngân hàng Trung ương Nga phải cứu ngân hàng con, thì mới là “chuỗi các sự kiện bắt đầu.” Nhưng tôi thì lại cho rằng, với một cuộc chiến các sự kiện bao giờ cũng diễn ra một cách bất ngờ. Như tác giả Kennedy trên đây tin rằng những thách thức tài chính trong nền kinh tế Nga sẽ mang đến một cơ hội bất ngờ cho Ukraine, tặng cho họ đòn bẩy lớn hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào.
Tôi hiểu ý kiến này như sau: Chẳng hạn (và khả năng cao là) ông Trump sẽ có phát biểu và sau đó hành động thực tế, nhưng như ông ấy đã nói: cần 6 tháng để có hòa bình… Như vậy thì việc bỏ cấm vận và trừng phạt có thể chưa diễn ra ngay. Hoặc nếu có bỏ thì bỏ những lệnh không tác động nhiều đến cục diện (nhỡ tao bỏ mày lại xông vào đánh nhau tiếp thì sao, lúc đó lại cấm lại thì khác gì trò cười cho thiên hạ?).
Trong trường hợp đó, ngay lập tức sẽ có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế Nga, vốn đang như một người đang phải gồng lên để vác một gánh nặng khủng khiếp, chỉ hy vọng đến một thời điểm cụ thể sẽ được dỡ bỏ gánh nặng ấy. Khi hắn ta thất vọng vì chưa được, ý chí sẽ bị bẻ gãy và khi đó sẽ là sụp đổ.
Hiện tại, tôi hình dung nền kinh tế này đang cố gồng gánh chèo chống để chờ dỡ bỏ sức nặng, bằng cách huy động mọi nguồn lực còn lại trong đó có cả sức chịu đựng của dân chúng và doanh nghiệp. Nó như cái lò xo bị giãn ra hết cỡ, người kéo dãn cũng đã mỏi hết cỡ, buông tay một cái là co lại rất mạnh.
Nhận xét liên quan đến chiến lược của Ukraine, tôi xin phép để đến bài ngày mai.
PHÚC LAI 13.01.2025
No comments:
Post a Comment