Chiến Tranh Lạnh Mới : Cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc đã lỗi thời
Minh Anh
Đăng ngày: 11/06/2024 - 15:43
RFI
Nga từ lâu chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi chống Ukraina và các nước dân chủ phương Tây, chí ít là từ cuộc can thiệp vào Gruzia năm 2008. Điều này không mới mẻ. Nhưng việc Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ hoàn toàn các nỗ lực của tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đe dọa và làm suy yếu các quốc gia dân chủ tự do dường như là một thông tin nóng hổi do cách tiếp cận Trung Quốc của châu Âu đã lỗi thời.
Đoàn Trung Quốc dẫn đầu là chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và đoàn Liên Hiệp Châu Âu do chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel dẫn đầu tại hội nghị thượng đỉnh song phương, Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, ngày 07/12/2023. AP - Liu BinDo vậy, hai nhà nghiên cứu Maximilian Mayer (Đức) và Emilian Kavalski (Ba Lan), trên trang The Diplomat cho rằng châu Âu cần điều chỉnh cách tiếp cận Trung Quốc.
Kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng phát vào tháng 02/2022, Trung Quốc đã từng bước ngả theo Nga dù tuyên bố giữ thế trung lập. Tuyên bố chung gần đây nhất giữa hai nguyên thủ Nga – Trung cho thấy rõ là Bắc Kinh và Matxcơva – tuy không là đồng minh chính thức – nhưng đã thành lập một khối liên minh nhằm mục đích phá hoại an ninh ở châu Âu.
Hồi tháng 5/2024, sau cuộc hội đàm, Tập Cận Bình – Vladimir Putin tuyên bố rằng cả hai nước « tin rằng tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân… nên kềm chế xâm phạm lợi ích sống còn của nhau thông qua việc mở rộng các mối quan hệ đồng minh và liên minh quân sự, cũng như là việc thành lập các căn cứ quân sự gần biên giới các nước có vũ khí hạt nhân khác ».
Theo diễn giải của hai tác giả, đoạn văn này không những vượt xa việc chỉ nhắc lại lập trường của Nga mà còn là một tuyên bố rõ ràng về ý định của Bắc Kinh hợp tác với Matxcơva để phá hoại an ninh của châu Âu và sẵn sàng thách thức sự bảo đảm của NATO đối với các quốc gia Đông Âu cũng như là các hoạt động ngày càng gia tăng của các thành viên Tây Âu trong liên minh ở sườn đông của NATO nhằm hỗ trợ Ukraina.
Một loạt động thái đáng quan ngại đã được ghi nhận trong và sau cuộc gặp thượng đỉnh, như kêu gọi thiết lập các vùng đệm được xác định lỏng lẻo ở những vùng ngoại vi của các cường quốc hạt nhân – một cử chỉ mà các tác giả cho rằng Trung Quốc và Nga – đang hủy hoại chủ quyền quốc gia của những nước nhỏ hơn trước sức ép những thay đổi bất chợt và phạm vi ảnh hưởng từ các nước lớn. Hay như Nga công bố dự thảo đề xuất sửa đổi biên giới trên biển của nước này ở phía đông biển Baltic ; dỡ bỏ hàng chục phao đèn phân định biên giới Nga – Estonia dọc theo sông Narva.
Rõ ràng tuyên bố Nga – Trung là sự hợp pháp hóa của Bắc Kinh đối với chính sách « bên miệng hố chiến tranh » của Matxcơva tại châu Âu.
Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, Nga có một tầm quan trọng hơn cả châu Âu và do vậy, Bắc Kinh cũng không phản đối việc thành lập liên minh quân sự với Matxcơva. Và Trung Quốc cũng dường như chấp nhận đánh đổi châu Âu để giữ mối quan hệ đối tác với Nga. Trong Chiến Tranh Lạnh Mới này, các vùng Đông Âu và Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là một phần của chiến trường Á – Âu thống nhất.
Mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng Ukraina – Đài Loan ngày càng hiện rõ. Do vậy, châu Âu dù không muốn chấp nhận, thì trong tương lai, Trung Quốc sẽ là một phần của bất kỳ trật tự an ninh nào. Nhưng vì quá phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ, châu Âu có ít cơ hội và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ.
Cuối cùng, theo các tác giả, cách tiếp cận ba bên đối với Trung Quốc hiện nay – với tư cách là đối tác, đối thủ cạnh tranh và địch thủ - đã lỗi thời vì khối này hoàn toàn thiếu góc độ an ninh. Châu Âu cần nhanh chóng đối phó với một Trung Quốc vừa công khai ủng hộ chiến tranh đế quốc của Nga, vừa hợp tác với Matxcơva để chấm dứt sự hiện diện của NATO ở Đông Âu.
No comments:
Post a Comment