Saturday, November 18, 2023

VNTB – Thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt sẽ là bắt buộc?
Hà Nguyên – Cát Tường
18.11.2023 7:13
VNThoibao



(VNTB) – Mẫu mống mắt ít thay đổi nhất trong một đời người sẽ trở thành một hình thức nhận dạng danh tính đáng tin cậy về lâu dài.

 Tính đến nay, Bộ Công an đã đã cấp trên 80,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. Số căn cước này đều chưa được tích hợp thông tin sinh trắc học của người dân.

An toàn bảo mật?

Việc bổ sung thêm yêu cầu sinh trắc học mống mắt sẽ gây nhiều tốn kém, đồng thời trang thiết bị chuyên dụng để thu thập thông tin sinh trắc học ở nhiều địa phương còn chưa được bảo đảm.

Không chỉ vậy. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh trắc học đã làm dấy lên lo ngại liên quan đến quyền cá nhân. Vì thông tin sinh trắc học có tính duy nhất và bất biến, một khi bị lộ sẽ dẫn đến vi phạm quyền riêng tư của đối tượng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học, không chỉ đơn thuần quan tâm đến sự phát triển của công nghệ mà còn phải thiết lập một cơ sở bảo vệ vững chắc hơn, đó chính là luật pháp.

Việc lạm dụng công nghệ sinh trắc học cũng đang trở nên phổ biến, đe dọa nghiêm trọng đến quyền thông tin cá nhân.

Những vụ việc điển hình như vào năm 2015, bang Illinois, Hoa Kỳ cáo buộc Facebook thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng; tháng 7-2020 Facebook phải nâng số tiền đề nghị hòa giải cho vụ kiện lên đến 650 triệu USD.

Đầu năm 2019, kho dữ liệu giám sát khuôn mặt của 2,5 triệu người Trung Quốc ở Tân Cương của Công ty Công nghệ SenseNets bị lộ, dấy lên lo ngại về khả năng bảo mật của hệ thống camera giám sát Skynet của nước này.

Gần đây, công nghệ deepfake phát triển nhanh chóng, một số kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ này tạo ra những nội dung khiêu dâm giả mạo. Chính phủ các nước đang bày tỏ mối lo ngại thời gian tới sẽ có nhiều video giả mạo với mục đích dẫn dắt dư luận, gây bất ổn chính trị hoặc ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của một công ty nào đó.

Nối dài ‘tai – mắt’ của nhà cầm quyền độc tài?

Máy quét mống mắt hoạt động bằng cách chiếu ánh sáng hồng ngoại vào mắt để phát hiện các mẫu riêng biệt duy nhất trong mống mắt. Một trong những điểm thu hút nhất của nhận dạng mống mắt là nó có độ chính xác cao vì không có hai người nào trên thế giới có kiểu mống mắt giống nhau.

Các mẫu mống mắt được đảm bảo ít thay đổi nhất trong một đời người, trở thành một hình thức nhận dạng danh tính đáng tin cậy về lâu dài. Giống như nhận dạng khuôn mặt, các giải pháp nhận dạng mống mắt không tiếp xúc trở thành một giải pháp thay thế hợp vệ sinh cho các giải pháp kiểm soát truy cập bằng vân tay.

Và vì nhận dạng mống mắt sử dụng công nghệ hồng ngoại nên không phụ thuộc quá nhiều vào ánh sáng xung quanh và điều kiện hoạt động. Do đó đây là giải pháp linh hoạt,  hoạt động được trong hầu hết các môi trường và cài đặt.

Nhược điểm lớn nhất là mối quan tâm về quyền riêng tư. Nhiều máy quét nhận dạng mống mắt hiện đại có thể thu thập thông tin chi tiết từ khoảng cách xa tới 10 mét. Việc ‘quét’ có thể diễn ra mà không cần có sự đồng ý của mọi người, gây ra lo ngại về quyền riêng tư và pháp lý cho người dùng.

Công nghệ quét cũng phức tạp, người ta không thể sử dụng máy ảnh bình thường để nhận dạng mống mắt mà sử dụng nguồn sáng hồng ngoại. Công nghệ được sử dụng để nhận dạng mống mắt rất phức tạp và tốn kém hơn các phương thức khác.

Cần có luật bảo mật thông tin sinh trắc học

Pháp luật về sinh trắc học ở cấp bang của Hoa Kỳ chủ yếu quy định việc bảo vệ thông tin sinh trắc học từ 5 khía cạnh của vòng đời dữ liệu: Thứ nhất, các cá nhân cần được thông báo trước khi tiến hành thu thập thông tin; Thứ hai, thông tin sinh trắc học chỉ được bán, tiết lộ khi đáp ứng các yêu cầu cụ thể được liệt kê trong luật;

Thứ ba, các doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp bảo vệ an ninh đặc biệt cho thông tin sinh trắc học; Thứ tư, chỉ đáp ứng đúng mục đích thu thập thông tin mới được phép lưu trữ thông tin sinh trắc học; Thứ năm, thông tin sinh trắc học cần được xóa và hủy khi không cần thiết.

Tuy nhiên, khi công nghệ nhận dạng khuôn mặt trở thành công cụ thực thi pháp luật đã dấy lên quan ngại về của người dân về quyền riêng. Do đó, một số nơi đã cấm nhận dạng khuôn mặt, ví dụ tại, San Francisco (tháng 5-2019), thành phố Somerville -Massachusetts (tháng 6-2019), Oakland – California (tháng 7-2019). Tại San Diego, Boston và nhiều thành phố khác cũng đang tranh luận về cho phép hay cấm sử dụng công nghệ này.

Hiện nay, Trung Quốc đã đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, được quy định trong “Bộ Luật dân sự”, “Luật An ninh mạng”, “Luật chống khủng bố” và “Luật quản lý xuất nhập cảnh”. Một số địa phương cũng đã ban hành quy định về việc thu thập hình ảnh an ninh công cộng. Tuy nhiên, về tổng thể vai trò pháp lý, thuộc tính, tác dụng của thông tin sinh trắc học vẫn chưa được xác định rõ ràng; các quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên không đủ chi tiết cụ thể.

Với những gì đang diễn ra ở nghị trường Quốc hội, cho thấy Hà Nội đang đi theo con đường của Bắc Kinh trong chuyện sinh trắc học mống mắt.

******

Đề xuất bắt buộc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước

 

Chính phủ đề xuất thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.

Theo chương trình, trong đợt 2 kỳ họp thứ 6 vào ngày 27-11, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới sau khi sửa Luật Căn cước công dân.

Làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin cá nhân

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào nội dung quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Về nội dung này, ông Lê Tấn Tới cho hay khoa học hiện nay đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.

Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. 

Hiện nay nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website… Đồng thời công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. 

Vì vậy bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan).

Vì vậy Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật trình Quốc hội. 

Trước đó, trong dự thảo Luật Căn cước đã đề xuất quy định 5 thông tin về sinh trắc học được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói.

Theo đó, thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người dân.

Khi làm thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp căn cước.

Nhiều người chỉnh sửa khuôn mặt để làm đẹp, khó kiểm soát?

Dự thảo luật quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói chỉ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp.

Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hay thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Cũng nêu ý kiến về nội dung này, trung tướng Nguyễn Minh Đức (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh, đại biểu đoàn TP.HCM) cho rằng quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.

Ông Đức phân tích trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. 

Tuy nhiên mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý. – Báo Tuổi Trẻ


No comments:

Post a Comment