Friday, November 3, 2023

VNTB – Thế nào là “phiên tòa công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế”?
Hoài Nguyễn
04.11.2023 5:11
VNThoibao



(VNTB) – Ở Việt Nam, không riêng gì các vụ án thuộc nhóm “An ninh quốc gia”, mà quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội không được bảo đảm khi quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về tòa án.

Một bài viết dạng “thư ngỏ” đăng hôm 2-11-2023 trên trang Việt Nam Thời Báo, khi đề cập đến vụ án xét xử 3 thành viên của một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp về tội danh hình sự theo điều luật số 117, đã cho rằng đây là “phiên tòa không công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Cá nhân người viết bài này cho rằng có sự nhầm lẫn gì đó ở nhận xét trên, vì điều luật hình sự 117 được Việt Nam quy định ở Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật hình sự.

Còn vấn đề về pháp luật nhân quyền được quy định ở Chương XV “Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”. Và yêu cầu của “phiên tòa công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế” mà “thư ngỏ” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm cuối ngày 2-11 vừa qua, có lẽ sẽ đúng, phù hợp hơn với những ai bị cáo buộc theo điều luật từ số 157 đến 167.

Lý thuyết chung được giảng dạy bậc đại học, quyền con người nói chung và quyền được xét xử công bằng trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng đã được pháp luật quốc tế thừa nhận. Theo đó, chủ thể của quyền này là người bị buộc tội, mà trong giai đoạn xét xử, người bị buộc tội chính là bị can, bị cáo.

Với cách tiếp cận này, quyền được xét xử công bằng là một quyền tố tụng cụ thể như quyền bào chữa, quyền kháng cáo, quyền nói lời nói sau cùng…

Quyền được xét xử công bằng (Right to a fair trial) được nhìn nhận như là quyền cơ bản và được bảo đảm từ nhiều quyền cụ thể khác trong tố tụng hình sự như: quyền được xét xử bình đẳng, kịp thời; quyền được xét xử bởi tòa án độc lập, khách quan và được thành lập theo luật; quyền bào chữa; quyền được bảo đảm suy đoán vô tội…

Ở Việt Nam, không riêng gì các vụ án thuộc nhóm “An ninh quốc gia”, mà quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội không được bảo đảm khi quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về tòa án.

Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều 34 Bô luật tố tụng hình sự xác định, cơ quan tiến hành tố tụng gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

Quy định trên không phù hợp với chức năng xét xử của tòa án được Hiến pháp quy định. Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1.Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, tòa án không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa án chỉ có nghĩa vụ chứng minh cho quyết định của mình: chấp nhận lời buộc tội, nếu phán quyết của tòa án là có tội; hoặc bác bỏ lời buộc tội trong trường hợp tòa án tuyên vô tội.

Quy định trên của Bộ luật tố tụng hình sự gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử độc lập, khách quan của tòa án. Ngoài ra, xét ở góc độ thực tiễn, trong phiên tòa xét xử, thông thường thẩm phán đặt câu hỏi theo hướng chứng minh lỗi của bị cáo hoặc ngược lại.

Việc quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc trách nhiệm của tòa án đã làm cho hoạt động xét xử của tòa án không còn mang tính khách quan, ảnh hưởng đến quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội.

Như vậy, ở đây việc đưa ra yêu cầu “phiên tòa công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế” là một đề xuất cảm tính, vì đây là “lỗi hệ thống” chứ không riêng cá biệt phiên xét xử nào.


No comments:

Post a Comment