Saturday, November 25, 2023

VNTB – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại chờ ‘thuận duyên’
Huyền Linh – Ngọc Lan
26.11.2023 2:57
VNThoibao



(VNTB) – Xem ra ‘thuận duyên’ vẫn còn là bờ giác xa xôi lắm với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau khi Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch.

 Thuận duyên

Ngày 25-11-2018, Hòa thượng Thích Quảng Độ (1928 – 2020) ban hành Quyết định số 12/TT/VTT/QĐ giải tán mọi nhân sự và chức vụ trong Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo nhiệm kỳ 2018 – 2020 và tạm ngưng mọi hoạt động của Viện Hoá Đạo cho đến khi Viện Tăng thống triệu tập Đại hội bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công cử nhân sự mới cho Viện Hoá đạo.

Tháng 05-2019, Hòa thượng Thích Quảng Độ cung thỉnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vào hàng Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Viện Tăng thống, và thỉnh cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay thế Đức Tăng thống ở vị trí Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống lãnh đạo Giáo hội và thay mặt Đức Tăng thống tổ chức Đại hội Bất thường bầu cử nhân sự Giáo hội khi thuận duyên.

Ngày 20-04-2020, nhân lễ chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ phụng thừa Quyết định trở thành Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ngày 10-05-2021, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thành lập Hội đồng Hoằng pháp do Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Cố vấn Chỉ đạo, Hòa thượng Thích Như Điển làm Chánh Thư ký và Hòa thượng Thích Nguyên Siêu làm Phó Thư ký.

Ngày 27-11-2021, Hội đồng Hoằng Pháp tổ chức Đại hội I thành lập Hội đồng Phiên dịch Đại tạng Lâm thời do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Chủ tịch, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát làm Cố vấn.

Ngày 21-08-2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, và suy cử Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống, được cử hành tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 28 và 29-12-2022, tại chùa Phật Ân, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Hội đồng Giáo phẩm Trung ương ban hành Quy chế tạm thời về Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, và thỉnh cử nhân sự cho Văn phòng Viện Tăng thống với hai Pháp tòa Hoằng giáo và Hoằng giới để tạm thời đảm nhiệm công việc của Viện Hóa đạo cho đến khi hội đủ thuận duyên triệu tập Đại hội bất thường để công cử nhân sự cho hai Viện Tăng thống và Hóa đạo.

Và sau thời gian bệnh duyên, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viên tịch tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai) vào 16 giờ ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão).

“Thuận duyên” cho một đại hội công cử nhân sự hai Viện Tăng thống và Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xem ra vẫn… còn là tương lai ít nhiều bất định.

Chính trị hóa Phật giáo

Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được hình thành từ “thuận duyên” về chính trị, và cũng vì chính trị mà nhiều lãnh đạo tối cao của tổ chức này luôn là cái gai trong mắt chính quyền.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Vì chính sách nhiều người cho là ưu đãi Công giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Phật tử miền Nam Việt Nam đã xuống đường đông đảo ủng hộ Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.

Sự kiện Phật Đản năm 1963 khi Phật tử ở Huế công khai trương cờ Phật giáo ngày 8 tháng 5 bất chấp lệnh “cấm treo cờ” là ngòi thuốc nổ cho một chuỗi xung đột liên tục giữa chính quyền và các hội đoàn Phật giáo. Nhiều vụ vây chùa và bắt bớ tăng ni xảy ra trong cơn “Pháp nạn”.

Đến ngày 11 tháng 6 thì Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách bất bình đẳng của chính phủ. Trong thời gian sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức khai sinh tháng 1 năm 1964 nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối.

Vì quan điểm trung lập chính trị, kêu gọi tái lập hòa bình tại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy được hoạt động đã gặp nhiều khó khăn với các chính phủ quân sự của tướng Nguyễn Khánh rồi Nguyễn Cao Kỳ trong những năm 1964-1967 và cả sau năm 1968 khi chiến tranh leo thang.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho rằng phe Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giải giới và rút về phía bắc vĩ tuyến 17 để miền Nam tái lập chính phủ dân sự. Trong hoàn cảnh sôi động đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động mạnh trong cả hai lãnh vực Phật sự lẫn xã hội.

Sau ngày 30-4-1975, Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu quy tập các tổ chức hệ phái về “Ngôi nhà chung” do Đảng lãnh đạo. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 – 1998) được cho là người kế tục thực hiện điều mà trước đó Tổng bí thư Trường Chinh đã ‘chưa thành công’ trong việc ‘xóa sổ’ tổ chức này với các tuyên bố của Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương Xuân Thủy (tức Nguyễn Trọng Nhân, 1912 – 1985) như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khối Ấn Quang là một tổ chức quần chúng mang tính xã hội chính trị có màu sắc dân tộc, thu hút đông đảo quần chúng và có uy tín trên thế giới, nhiều nhà sư tài giỏi. Nếu thống nhất theo kiến nghị của cụ Đôn Hậu, có nghĩa là giải thể Ban liên lạc Phật giáo yêu nước, sáp nhập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát triển ra toàn lãnh thổ Việt Nam chứ không còn chỉ ở miền Nam như trước năm 1975.

Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam” – trích trang 15 tư liệu về hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội ngày 4-11-1981, tác giả Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ đảng viên nằm vùng ở Sài Gòn trước 1975, chức vụ Trưởng ban Trí Trẻ, dưới quyền của Khu ủy Trần Bạch Đằng.

Thời và thế

Giờ đã sắp bước sang năm 2024. Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự cho khóa 14. Nếu tính từ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trở đi, thì đã qua nhiều đời Tổng bí thư như Đỗ Mười (1917 – 2018), Lê Khả Phiêu (1931 – 2020), Nông Đức Mạnh và hiện tại là Nguyễn Phú Trọng – người suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp đứng đầu Đảng.

Lịch sử Đảng còn ghi nhận ông Nguyễn Phú Trọng là người thứ ba trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Trong văn kiện tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ tịch nước đã nhìn nhận bằng văn bản, rằng:

“Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nếu đã nhìn nhận như trên về cả thời và thế của Việt Nam hôm nay, có lẽ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cần thiết có cái nhìn thoáng hơn về quyền tự do hội, đoàn của các tổ chức tôn giáo; cụ thể là chấm dứt ‘cưỡng bức’ về lãnh đạo chính trị của Đảng đối với tôn giáo nói chung, trong đó có tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.


 

No comments:

Post a Comment