VNTB – “Chiến dịch Con Rồng Mê Kông” sẽ được tiếp diễn?Trần Dzạ Dzũng
17.11.2023 11:58
VNThoibao
“Chiến dịch Con Rồng Mê Kông” (OMD) do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9-2018 đến nay đã được triển khai qua 5 giai đoạn.
Chiến dịch OMD5 đã diễn ra từ ngày 15-4-2023 đến 16-11-2023. Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết từ khi triển khai chiến dịch giai đoạn 5 đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện, ngăn chặn 18 vụ vi phạm và hầu hết đã chuyển cho cơ quan công an mở rộng điều tra theo thẩm quyền.
Gần đây nhất là lô hàng xuất đi Úc vào tháng 9, lực lượng hải quan TP.HCM phát hiện trong 36 túi xách các loại đều có giấu các túi ni lông dán băng keo chứa gần 3,2 kg heroin; phát hiện và thu giữ gần 4 kg heroin được giấu trong ruột chiếc máy lọc nước xuất khẩu qua đường hàng không vào tháng 10 vừa qua…
Để tránh sự kiểm soát trọng điểm của cơ quan hải quan, các đối tượng sử dụng chung thủ đoạn xuất hàng có che giấu ma túy sang các nước Singapore, UAE trước khi đến Úc. Đáng chú ý, hải quan TP.HCM cho biết đã phát hiện loại ma túy mới là hợp chất ma túy tổng hợp dạng bột pha trộn giữa Methamphetamine, MDMA, Nimetazepam, đóng thành gói nước nho (Crispy Fruit) giấu giữa các lọ kem dưỡng da để xuất ra nước ngoài.
Tổng cục Hải quan cho biết, các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ.
Phương thức thủ đoạn các đối tượng sử dụng như khai tên hàng hóa không đúng thực tế, khai không chính xác, đầy đủ tên hàng hóa, khai sai hàm lượng tiền chất chứa trong hỗn hợp chất, hàng hóa làm thủ tục xuất, nhập khẩu.
Tuyến hàng không là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.
Tại Trung Quốc, ma túy tổng hợp dạng tinh thể thu giữ giảm, trong khi đó lượng ma túy tổng hợp dạng viên bị thu giữ ở mức cao, trung bình 130 triệu viên/năm. Tại Myanmar lượng ma túy bị bắt giữ tăng theo từng năm chủ yếu ở bang Shan, tiếp giáp với Trung Quốc.
Báo cáo của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho thấy, trong năm 2022, khu vực Đông và Đông Nam Á đã thu giữ hơn 151 tấn ma túy các loại, trong đó chủ yếu là ma túy tổng hợp; thu giữ ketamine (một loại ma túy tổng hợp nguy hiểm, phổ biến trong năm 2022) là 27,4 tấn, tăng 167% so với năm 2021.
Khu vực tam giác vàng, nằm sát khu vực biên giới các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, được xác định là nguồn cung ma túy lớn thứ hai trên thế giới, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 80 tấn heroin và hàng nghìn tấn ma túy tổng hợp các loại.
Bên cạnh đó, số người sử dụng ma tuý tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023, tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15-64, tăng trung bình 23% sau 10 năm. Trong khi công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma tuý vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, đặc biệt là điều trị cho người sử dụng ma tuý tổng hợp.
Tính đến hiện tại thì chưa có tin tức liên quan đến khả năng giai đoạn thứ 6 của “Chiến dịch Con Rồng Mê Kông”.
No comments:
Post a Comment