Việt Nam có thể kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng?2023.11.08
RFA
AFP PHOTO
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hôm 7/11 ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Không đúng pháp luật
Quy định mới này, theo tin từ truyền thông Nhà nước, bao gồm bốn chương với 14 điều. Trong đó quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng và các hoạt động khác có liên quan, nhấn mạnh cần bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế.
Nói về kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tố tụng, thi hành án trong quy định mới này, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc 8/11 cho rằng:
“Chúng ta đã biết một trong những bài học quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực là phải có tam quyền phân lập… là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau. Nhưng cả ba cơ quan này đều đứng dưới Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam."
Còn trong lĩnh vực tư pháp, luật sư Đài phân tích tiếp, lại do ông Nguyễn Phú Trọng ngoài đứng đầu Đảng, còn đứng đầu Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và ban này điều tra tất cả các vụ án…
Do đó, theo luật sư nhân quyền từ Đức Quốc:
“Nó sẽ không đảm bảo tính khách quan, cũng như hiệu lực đối với những người nằm bên ngoài luật pháp Việt Nam… như là những người ở trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.”
Liên quan đến Quy định mới của Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người đang “lánh nạn” tại Hoa Kỳ, hôm 8/11 nói với RFA ý kiến của ông:
“Cơ quan Đảng ra quyết định 132 để điều chỉnh các hành vi tố tụng, thì tôi cho rằng quyết định này là không đúng pháp luật. Tại vì Đảng chỉ có điều hành trong nội bộ của Đảng thôi. Họ nói áp dụng quyết định này cho các tổ chức của Đảng và những người tham gia tố tụng. Nhưng thực chất Bộ Luật Tố tụng Hình sự là Hệ thống Pháp luật Hình sự, mà về nguyên tắc không một cơ quan nào có quyền đứng vô can thiệp vào Bộ luật đó, chỉ căn cứ trên pháp luật thôi… Và khi tòa án xử thì cũng có quy định tòa án là độc lập xét xử, không có một cơ quan nào có quyền can thiệp.”
Việc Bộ Chính trị đưa ra quyết định 132 để kiểm soát quyền lực ở trong quá trình tố tụng theo luật sư Nguyễn Văn Miếng là “vô pháp, không đúng quy định pháp luật”. Ông Miếng phân tích:
“Về vấn đề kiểm soát những người tham gia tố tụng, tôi cho rằng một người tham gia trong quá trình tiến hành tố tụng là đảng viên, thì họ chỉ tuân theo vấn đề sinh hoạt đảng với tư cách đảng viên trong một chi bộ. Còn cá nhân khi đã tham gia quá trình thì họ phải theo quy định của pháp luật về hình sự. Nếu họ viện dẫn căn cứ theo quyết định 132 của Bộ chính trị, thì theo tôi bản án đó là không đúng, bởi không thể căn cứ vào chỉ thị của đảng, để áp dụng vô một bản án hình sự được.”
Tô đậm tính chất “đảng trị”
Nội dung trong Quy định mới (số 132-QĐ/TW) còn có đoạn ghi “Bảo đảm công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”
Liên quan vấn đề này, nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 8/11 từ Sài Gòn cho RFA biết ý kiến:
“Quy định 132 của Bộ chính trị cùng với Nghị định 73 của Chính phủ về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm… thì thứ nhất tôi thấy cách tiếp cận vấn đề giữa Bộ chính trị và Chính phủ có một sự mâu thuẫn rõ ràng. Bởi vì cả hai văn bản này sử dụng những câu chữ rất mơ hồ ví dụ như ‘kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, không có vùng cấm’… thì những câu chữ này mơ hồ lắm.”
Điểm thứ hai theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, hai văn bản 132 và 73 hầu hết đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống Tham nhũng… vì vậy hai văn bản này chỉ tô đậm thêm tính chất đảng trị, chứ còn nó xóa nhòa đi tính chất pháp trị. Ông Già cho rằng điều này có nghĩa, hai văn bản này trở nên thừa thãi, không cần thiết vì luật đã quy định hết. Điểm thứ ba theo ông Già, đối chiếu giữa hai văn bản có sự xung đột lớn trong quan điểm về chống tham nhũng, nhất là vào khi đang có vô số các vụ trọng án tham nhũng vô cùng phức tạp đã và đang diễn ra. Do đó, vị nhà báo này khẳng định:
“Cả hai văn bản này nội dung của nó xa rời thực tế với đời sống của gần 100 triệu dân, bởi vì nạn tham nhũng tràn lan, và rất nhiều vấn đề an sinh xã hội khác… Nó càng phơi bày ra rằng đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không biết người dân cuộc sống ra sao? Người dân đang cần gì? Thành ra Quy định 132 cũng như Nghị định 73 bộc lộ rõ khả năng kỷ trị phản khoa học của đảng Cộng sản Việt Nam. Và nó cũng không đạt được yếu tố đức trị.”
No comments:
Post a Comment