Tên đường (Kỳ 4)Nguyễn Thông
26-11-2023
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 và kỳ 3
Ở xứ này, mỗi tỉnh thành (hiện có 63 tỉnh thành, còn sắp tới gộp tách thế nào thì tôi không rõ, chứ trong đời mình tôi đã chứng kiến nhiều vụ khắc nhập khắc xuất rồi) đều có hội đồng đặt tên đường. Ấy là tôi nói dưới chế độ đương thời. Đủ ban bệ, thành phần, cứ nghĩ con ruồi bay không lọt.
Cũng giống như những hội đồng xét giải thưởng (Hồ Chí Minh và nhà nước), xét danh hiệu (nhân dân và ưu tú), phong học hàm (giáo sư và phó giáo sư), giám khảo tinh những ông nọ bà kia, còn kết quả thế nào chắc thiên hạ đã rõ. Lúc nào rảnh, tôi sẽ biên mấy chữ về vụ bình chọn sắp đặt này.
Nước ta, mỗi lần có biến cố lịch sử lại thêm lần đặt lại tên đường. Đổi tên đường đi lối lại còn đỡ, chứ có thời phá sạch sành sanh. Thế kỷ 16, nhà Mạc ngoài chính đô Thăng Long còn xây hẳn trên đất thang mộc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) bây giờ một kinh đô nữa gọi là Dương Kinh, vua tôi quần tụ và làm việc ở đây. Khi nhà Mạc thua trận phải rút lên Cao Bằng, chúa Trịnh Tùng đã kéo quân về phá sạch bách mọi thành quách lâu đài trên cả vùng rộng lớn, đến cái móng cũng đào đem đổ ra sông Văn Úc. Hoàng thành Thăng Long thời Lý thời Trần nằm dưới mấy mét đất cũng là một ví dụ về sự tàn phá.
Khu di tích vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Nguồn: Báo PLVN
Mà chả riêng gì chúa Trịnh, sau năm 1954, cơ man đền đài miếu mạo, công trình dinh thự ở miền Bắc trong tay chính quyền mới cũng bị chung số phận, nhất là những di sản họ coi là tàn dư phong kiến. Trịnh phá Mạc thì sau này cộng sản lại phá Trịnh, rõ nhất là phủ Trịnh ở Vĩnh Lộc xứ Thanh, rồi cả Gia Miêu ngoại trang bên huyện Hà Trung, nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn nữa. Khắp miền Bắc, đình đền chùa bị phá tan hoang. Có hẳn bài hát kêu gọi “phá đình đi, phá đình đi”. Làng tôi có 3 cái đình cả thảy (có cái do dòng họ lớn xây dựng riêng), thờ vua và hoàng hậu nhà Mạc, thờ thành hoàng, bị xóa sổ cả ba.
Ông anh tôi bảo, may mà ranh giới bắc – nam ở vị tuyến 17, chứ lùi vào tận đèo Hải Vân thì kinh thành Huế và những lăng mộ vua chúa, lâu đài, ngọ môn… có khi chỉ còn đống gạch vụn. Ai ở miền Bắc khi ấy chắc còn nhớ câu thơ của ông Chế Lan Viên “Rồng năm móng vua quan thành bụi đất/ Mỗi câu thơ đều dội tiếng ta cười”, tiếng cười ha hả, hả hê, lạnh lẽo trước sự tàn phá.
Sự đổi tên đường ở xứ này thường đậm màu sắc chính trị. Bên thắng cuộc luôn áp đặt đường lối, quan điểm, thái độ của mình vào việc đặt tên đường, thông qua cái gọi là “Hội đồng đặt tên đường”. Cũng cần nhắc thêm, lịch sử và xã hội cần phải cảm ơn nhà báo Huy Đức (Trương Huy San, Osin) về cụm từ, thuật ngữ “bên thắng cuộc”. Một diễn đạt chung mà lại rất cụ thể. Tài. Cũng như cứ nói “vang bóng một thời” là người ta lại nghĩ ngay tới Nguyễn Tuân. Hành sự trên đời, để lại được một vài chữ cho thiên hạ dùng là điều cực khó, chỉ rất ít người làm được.
Gọi là “hội đồng” cho ra vẻ nghiêm túc, khoa học, chứ thực ra trong cái thể chế đảng lãnh đạo toàn diện, các thành viên hội đồng cũng chính là đảng chứ ai vào đây. Họ đặt tên là gì, tên lửa, kênh nước đen, bánh bơ đậu… dân cũng phải chịu.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment