Sunday, November 19, 2023

Ông nghị bị còng
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2023.11.19
RFA

Ông Lưu Bình Nhưỡng nghe đọc lệnh bắt hôm 14/11/2023
Công an Thái Bình

Tin tức chấn động đầu ngày 15/11/2023 chính là tin vị đại biểu Quốc hội (từ năm 2016 - 2021) nổi tiếng, ông Lưu Bình Nhưỡng, vừa bị Công an tỉnh Thái Bình bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản. Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.

Hầu như tất cả các báo đều đưa tin này trên trang nhất (báo điện tử) với bản tin ngắn gọn giống hệt nhau đăng lại từ trang web Công an tỉnh Thái Bình. Trong đó cho biết ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963), cư trú tại Thái Bình, bị bắt để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ Luật Hình sự, liên quan đến vụ án Phạm Minh Cường (đối tượng hình sự có ba tiền án). Ông Nhưỡng bị bắt ngay khi vừa xuống sân bay Nội Bài.

Lạ cái là bản tin trên trang điện tử Công an Thái Bình không nêu chức danh của ông Lưu Bình Nhưỡng.

Tất cả các báo đăng lại tin ngày hôm đó cũng vậy.

Tiến sĩ Luật, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự

Duy có vài tờ báo (như Thanh Niên) chua thêm một dòng cuối cùng, nêu ông Nhưỡng nguyên là giảng viên Đại học Luật Hà Nội, hiện là Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội.

Uấy!
Óa!

Ối cha mẹ ông bà làng nước ơi!

Thiên địa giời đất xóm giềng ơi!

Đường đường ông nghị bị bắt, đã chấn động rồi. Đằng này còn là ông nghị có chức rất to, lại là chức nhạy cảm, gánh vác một trong những nhiệm vụ cốt lõi nhất của Quốc hội là Ban Dân nguyện.

Mà bị cáo buộc tội cưỡng đoạt tài sản (của dân).

Thì thương thiên bại lý đến chừng nào.

Vụ án vừa mới được khởi tố tức thì. Theo luật, khi chưa có bản án có hiệu lực thì chưa thể kết luận người nào đó là kẻ phạm tội.  Nhưng cũng có điều đáng ngẫm nghĩ.

Công an Việt Nam nói gì nói, họ giỏi nghiệp vụ!

Ông Nhưỡng không chỉ là đại biểu Quốc hội bình thường. Ông là Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ, ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, (từng là) phó chủ nhiệm khoa Luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội, Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Túm lại, ông Nhưỡng là một đại biểu Quốc hội tiếng tăm lẫy lừng, lại nổi tiếng là hay “bật” chính quyền, có mối quan hệ và uy tín xã hội rộng rãi, tiến sĩ Luật, là thầy dạy của rất nhiều cán bộ công an, kiểm sát, tòa án… Đụng đến ông phải thận trọng gấp bội kẻo bị lật ngược. Khi công an (không hề “làm công tác tư tưởng” trên dư luận trước) đùng phát bắt-khởi tố-khám xét nơi ở và nơi làm việc đồng thời công bố rộng rãi “đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án”, có thể thấy họ đã có sự chuẩn bị từ lâu dài.

Bảo kê của bảo kê?

Theo báo chí Việt Nam, ông Nhưỡng bị cáo buộc liên quan đến vụ án một người tên là Phạm Minh Cường (biệt danh Cường “quắt”) cùng đồng bọn chiếm giữ các bãi triều được khai thác cát ở Thái Bình để ăn chặn hoặc tính phí bảo kê với các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát. Chưa có thông tin nào nói rõ mối liên quan cụ thể giữa ông Nhưỡng với vụ này, chỉ có một dòng đáng lưu ý: “Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình xác lập chuyên án để triệt phá băng nhóm của Cường, đồng thời mở rộng điều tra những trường hợp đã tiếp tay, giúp sức cho Cường”.

Từ mà công an dùng cho nhóm Phạm Minh Cường rất nghiêm trọng: “Băng nhóm tội phạm hoạt động theo hình thức xã hội đen”, từng có tiền án hành hung người khác và gây rối trật tự công cộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Thái Bình.

Từ vị thế của ông Lưu Bình Nhưỡng mà suy, có nhiều khả năng ông bị cáo buộc về vai trò “giúp sức, tiếp tay” cho nhóm này. Báo mạng VnExpress viết “vai trò đồng phạm”.

Gọi tắt, là bảo kê của bảo kê.

Ông nghị Patek, ông nghị tay dài

Thôi chuyện ông nghị bị bắt cứ từ từ chờ xem diễn tiến. Trong lúc chờ đợi chúng ta lật lại tí hồ sơ đại biểu Quốc hội xem chơi.

Mấy nhiệm kỳ Quốc hội gần đây có khá nhiều ông nghị bà nghị bị kỷ luật, bãi nhiệm, miễn nhiệm, bị bắt, đi tù...

Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) có ít nhất bảy vị đại biểu bị bãi nhiệm do vi phạm pháp luật. Trùng hợp, họ cũng là các lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương hoặc các doanh nghiệp/ngành lớn của Nhà nước.

“Tiếng tăm” lừng lẫy nhất với chiếc đồng hồ Phillip Patek 39 tỷ đồng là cựu đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty hóa chất và dịch vụ dầu khí, bị kết án tù chung thân vì tham nhũng.

Rồi đến cựu đại biểu Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đồng thời là Trưởng Ban nội chính tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy. Ông Năm đã DÙNG TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI để ký văn bản sai pháp luật, có biểu hiện can thiệp vào hoạt động xét xử vụ án hình sự.

Nhà nước luôn khẳng định tính độc lập xét xử của tòa án, không hề có án bỏ túi, không hề có chỉ đạo án, không hề có ba bên bàn án trước khi xét xử công khai. Ông nghị Năm ỷ tay dài, dám can thiệp vào, quả gan to bằng cái đình!

Cũng ở Đồng Nai, năm 2018, một đại biểu khác to ngang đại biểu Năm và cũng bị bãi nhiệm là bà nghị Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị cách chức năm 2017. Bà Thanh và chồng có một công ty trách nhiệm hữu hạn (chồng giám đốc, vợ phó), bị kiện vì nợ nần và o ép doanh nghiệp khác trong một vụ làm ăn. Kết quả tòa xử công ty gia đình bà Thanh thua kiện, phải thi hành án hơn 420 tỷ đồng.

Năm 2017, ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị bắt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều doanh nghiệp lớn.

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh… bị cách chức, kỷ luật và bãi nhiệm đại biểu vì ký nhiều văn bản sai trong cấp phép đầu tư, giao và cho thuê mặt nước biển…, vân vân trong vụ án công ty Formosa xả thải ra biển.

Cũng năm này, ông Đinh La Thăng, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị… bị bãi nhiệm vì tham ô, tham nhũng trong nhiều vụ án lớn tại các doanh nghiệp ông làm lãnh đạo trước đó. Án tuyên 30 năm tù.

Trước nữa, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc VID Group, một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc cũng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì lén có thêm một quốc tịch và tài khoản, cổ phiếu nước ngoài, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Mới nhất thì cuối năm ngoái, ông Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam dùng gậy chơi golf đánh vào đầu một cô gái phục vụ sân golf khiến cô này bất tỉnh tại chỗ.

000_9AK84B.jpg
Người dân đi bầu đại biểu Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/5/2021. AFP

Ai bầu? Bầu ai? Rồi ai làm gì?

Chất lượng đại biểu Quốc hội của Việt Nam là một bí mật người nào cũng biết. Quy trình bầu cử đại biểu dân cử các cấp của Việt Nam nghiêm ngặt đến nỗi người dân quen ôm cả chồng phiếu đi bầu hộ cho tất tật gia đình thân tộc xóm giềng!

Mặc dù về hình thức, đại biểu dân cử đều là do dân bầu ra, nhưng cả đại biểu, người dân lẫn cơ quan kiểm phiếu ai cũng hiểu chẳng có mấy người dân thực sự bầu ra họ. Tuy cũng bỏ phiếu kín, mỗi người một phiếu, được phát tờ tóm tắt thành tích của các ứng cử viên, tiếp xúc cử tri đủ cả…v.v nhưng có bao nhiêu người dân thực sự nghiêm túc với việc này?

Từ rất lâu người dân đã nghi ngờ về việc ai ứng cử, ai lót nền, ai trúng cử, ai trúng vào chức danh gì ... đều đã được sắp xếp từ trước. Quá trình thu phiếu, kết quả kiểm phiếu v.v cũng chỉ được thông báo từ duy nhất một cơ quan của chính quyền, không hề có bên thứ ba giám sát. Người dân cũng cho rằng các cuộc vận động tranh cử công khai trên truyền thông hay “ngày hội bầu cử” chỉ là một màn kịch diễn cho những người ngây thơ xem.

Cách đây ít năm, dân Việt Nam được dịp quan sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. So sánh giữa thái độ háo hức tìm hiểu và sôi sục tranh luận ấy với “ngày hội” tùng xèng cờ trống nội địa mới thấy khác biệt làm sao.

Đại biểu Quốc hội tuyệt đại đa số là quan chức, đảng viên, còn một số ngoài Đảng, là người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, dân thường... là diện cơ cấu. Bọn ác mồm bảo họ được đưa vào thế để nhìn cho đẹp đội hình, chứng tỏ Quốc hội cũng có đủ mọi thành phần!

Làm đại biểu Quốc hội oách lắm. Có rất nhiều quyền lợi công khai và ngầm hiểu.

Trước tiên, họ có môi trường vô cùng thuận lợi để xây dựng các mối quan hệ chằng chịt khắp các ngành, lĩnh vực, địa phương. Nếu là người kinh doanh thì mối quan hệ đi liền với hiệu suất kinh doanh, thúc đẩy nhau nhảy vọt. Nếu là quan chức, tìm “huynh đệ”, tìm “minh quân”, tìm ”đại gia đình” dễ hơn rất nhiều.

Thứ hai, đại biểu là người trực tiếp xây dựng nên hệ thống luật pháp và có thể trực diện chất vấn các thành viên chính phủ về mọi vấn đề. Vì thế, không còn là dân thường hay một quan chức, doanh nhân bất kỳ nào nữa, họ đã là một nhân vật chính trị, có tiếng nói, có uy thế tại địa phương, “nói có người nghe, đe có người sợ”.

Vị thế này có sức hấp dẫn mãnh liệt. Và trong một số trường hợp, nó có thể trở thành chiếc dù che chắn những hoạt động phạm pháp về kinh tế.

Xin hầu chuyện tới quý vị sâu hơn ở bài tiếp theo.

___________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/ong-dinh-la-thang-lanh-11-nam-tu-trinh-xuan-thanh-18-nam-tu-20210315145118336.htm

https://tuoitre.vn/vu-dai-bieu-hdnd-danh-nhan-vien-san-golf-ong-nguyen-viet-dung-bao-cao-nhung-gi-2022121408015477.htm

https://thanhnien.vn/ong-luu-binh-nhuong-giao-ty-le-oan-sai-thi-co-ty-le-cong-ly-hay-khong-1851051240.htm

https://vietnamfinance.vn/nhung-phat-ngon-day-song-mot-thoi-cua-ong-luu-binh-nhuong-20180504224291612.htm#google_vignette

https://vtc.vn/diem-danh-nhung-nguoi-mat-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xiv-ar499407.html

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment