Nickie Tran - Du lịch Đài Loan, nghĩ về chữ Quốc Ngữvendredi 24 novembre 2023
Thuymy
Trong tất cả các nước đã từng đặt chân đến thì tôi thích Đài Loan nhứt. Một đất nước mà món ăn thì ngon và phong phú, phong cảnh thì đẹp như bồng lai tiên cảnh. Lên núi nhìn xuống thấy biển, và dưới biển nhìn lên thấy núi.
Nhìn bằng góc độ đầu bếp tham ăn thì tôi thích món ăn đường phố của Đài hơn tất cả mọi nước, tính luôn cả nước Việt.
Streetfood của họ vừa cầu kỳ vừa đơn giản. Vừa truyền thống vừa hiện đại. Túm lại là họ hoàn toàn có thể là một ngôi sao sáng trong làng du lịch Châu Á. Tuy nhiên khách du lịch người Âu Mỹ lại ít hiện diện ở đây. Tôi cứ luôn tự hỏi tại sao họ lại không ngập tràn khách du lịch, với nền tảng văn hóa rất vững chắc và nhiều món ăn đường phố phong phú như họ.
Nhưng nhìn sự khó khăn trong việc giao tiếp với dân bản địa của người nước ngoài thì tôi cũng hơi hiểu hiểu một phần nhỏ của lý do. Theo đánh giá vô cùng chủ quan của tôi, là việc giao tiếp với khách du lịch của người Đài sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu xài chữ tượng âm. Tuy không sử dụng chữ tượng âm không phải là một lý do để du khách phương Tây ít đến Đài Loan, nhưng tôi nghĩ nó cũng là một điểm hạn chế.
Lượm lặt hết mấy kinh nghiệm đi vòng vòng các nước để… ăn ngủ dạo thì tôi sợ mấy nước không sử dụng bảng chữ Roman/Latin nhứt. Mỗi lần muốn đi đâu lạc thấy ông bà ông vải. Giống như lần đi Hàn, mấy ông thần taxi đàng hoàng tử tế là mấy ông… đuổi mình xuống khi vừa lên xe vì không biết đường. Còn mấy cha nội cà chớn là mấy cha cười cười nói oppa osamamayo cái gì đó là mấy cha chở mình đi vòng vòng đến… lộn chỗ rồi lấy tiền đuổi xuống.
Túm cái quần lại thì tôi thấy cái mà người Việt nên biết ơn người Tây Phương nhứt không phải là nhà thờ Đức Bà, không phải là bưu điện thành phố hay hằng hà sa số mấy biệt thự cổ. Hay cái bánh baguette họ đã từng đem đến, để bây giờ Việt Tộc có cái bánh mì làm mưa làm gió với thế giới. Mà là bộ chữ QUỐC NGỮ hiện hành.
Nhờ bộ chữ này mà việc học tiếng Anh của người Việt tương đối dễ hơn, so với những đất nước mà chữ viết là chữ tượng hình. Hơn nữa khách du lịch cũng không quá sợ lạc đường, khi mà họ chỉ cần đưa địa chỉ cho dù không có dấu cho bất cứ bác tài taxi nào thì cũng được đưa đến nơi tương đối chánh xác.
Nhìn lại trong tất cả các quốc gia Châu Á thì những nước sử dụng bộ chữ Roman/Latin chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và cứ nhìn vô sự phát triển thần kỳ của Singapore và của Hồng Kông, thì việc sử dụng tiếng Anh và ký tự Alphabet của họ góp phần không hề nhỏ.
Giờ suy đi nghĩ lại người Việt ở nước Việt, ngoài lái máy bay tắt máy xong núp trong đám mây quánh giặc ra, thì hông có cái đặc sản gì để phát triển ngoài tiềm năng du lịch. Bởi giờ mà còn phải đổi từ chữ Hán Nôm qua chữ búa liềm liếm bùa xong qua bảng chữ cái nữa chắc chết cmn đói.
PS: Bởi vậy có thích cái gì thì cũng phải Thích Chữ Việt hiện đại trước thì mới có cái để mà phiên âm, và quan trọng hơn hết là phải Thích Biết Ơn, vậy thì đạo đời đời đạo nó mới đỡ bị khẩu nghiệp.
PS2: Thích Xuyên Tạc riết mà giang cư mận coi tin tức xong nghỉ đi chùa lạy Phật thì sau đó công tội của lịch sử phải coi lại.
PS3: Danh sách sơ sơ các nước châu Á sử dụng bộ chữ Roman/Latin:
Azerbaijan: Azeri
Hong Kong (English)
Macau (Portugese)
Indonesia: Bahasa Indonesia
Malaysia: Bahasa Malay
Philippines: Tagalog
Singapore: English, Bahasa Malay
Timor Leste: Tetun, English
Turkey: Turkish
Vietnam: Vietnamese
Còn có thêm tộc người Hmong sử dụng bộ chữ này nữa chứ, phần lớn còn lại toàn vẽ giun vẽ rồng đọc hoài méo hiểu.
NICKIE TRAN 22.11.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment