Friday, November 3, 2023

Những huynh đệ Việt Nam bị lãng quên của Hội Tam Điểm ở Đông Dương
Thanh Phương
Đăng ngày: 03/11/2023 - 15:46
RFI

Quan hệ giữa Hội Tam Điểm ( Franc-maçonnerie) với Việt Nam là một đề tài cho tới nay ít được nhắc đến trong các sách về lịch sử đương đại của Việt Nam. Một trong số hiếm hoi các nhà nghiên cứu quan tâm đến đề tài này là tiến sĩ Trần Thu Dung, hiện sống tại Pháp.

Bìa sách "Những huynh đệ Việt Nam bị lãng quên của Hội Tam Điểm ở Đông Dương". Nhà xuất bản L'Harmattan, Pháp © L'Harmattan

Tháng 6 vừa qua, cuốn sách bằng tiếng Pháp của bà "Les Frères Francs-Maçons vietnamiens oubliés en Indochine" ( Các huynh đệ Việt Nam bị lãng quên của Hội Tam Điểm ở Đông Dương ) vừa được nhà xuất bản L'Harmattan phát hành. Đây là một tài liệu quý hiếm và rất thú vị đối với những độc giả Pháp muốn tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Hội Tam Điểm ở Việt Nam vào thời kỳ Đông Dương còn thuộc Pháp.

Hội Tam Điểm nói chung là tập hợp các hội mà việc tuyển chọn là theo nguên tắc hội viên chọn giới thiệu các hội viên mới ( cooptaion ) và các nghi lễ gia nhập có liên hệ tới những ẩn dụ về nghề thợ nề. Tên gọi theo tiếng Việt Hội Tam Điểm được giải thích là do các hội viên người Pháp khi viết thư cho nhau thường gọi nhau là Sư huynh/Sư đệ (frère), hay Sư phụ (maître), viết tắt F hay M và thêm vào phía sau 3 chấm như 3 đỉnh hình tam giác vuông cân.

Hội Tam Điểm truyền bá một lối giáo dục dựa trên những biểu tượng và nghi lễ, khuyến khích hội viên hành động vì sự tiến bộ nhân loại, nhưng để cho mỗi người lựa chọn cách để thực hiện điều đó.

Cho tới nay, các học giả vừa chưa xác định được chính xác thời điểm ra đời của Hội Tam Điểm, mà chỉ tạm xem Hội đã xuất hiện vào cuối thế kỷ 16 ở Scotland, sau đó là ở Anh Quốc rồi dần dần lan ra các quốc gia khác, trong đó có Pháp, từ đó được du nhập vào Việt Nam. Vậy những tư tưởng của Hội Tam Điểm đã được truyền bá ở Việt Nam như thế nào và những nhân vật nào đã là những hội viên nổi bật của Hội vào thời đó? 

Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với, tác giả của cuốn sách “Các huynh đệ Việt Nam bị lãng quên của Hội Tam Điểm ở Đông Dương”.  

RFI: Thưa tiến sĩ Trần Thu Dung, cuốn sách của chị có tựa "Les Frères Francs-Maçons vietnamiens oubliés en Indochine" ( Các huynh đệ Việt Nam bị lãng quên của Hội Tam Điểm ở Đông Dương ) là để nói về những nhân vật lịch sử đã từng là hội viên Tam Điểm, nhưng cho tới nay ít ai biết đến điều đó. Nhưng trước tiên xin chị cho biết là Hội Tam Điểm đã được du nhập vào Việt Nam như thế nào trong bối cảnh Đông Dương lúc ấy còn thuộc Pháp?

Trần Thu Dung: Lúc đó, những người Pháp đầu tiên sang Đông Dương làm thuộc địa, như Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, là thành viên của Hội tam Điểm, thành ra đại đa số trong ê kíp của ông cũng là hội viên Tam Điểm. Họ muốn khoa trương thời kỳ “hoàng kim” lúc ấy của Hội Tam Điểm, vì thế chúng ta thấy nóc Nhà Đông Dương là hình kim tự tháp, mà kim tự tháp là biểu tượng của Hội Tam Điểm.

Khi đến Việt Nam, họ cũng có nhu cầu sinh hoạt bắt buộc. Họ tụ tập lại, nhưng ban đầu là ở Cochinchine, tức là Nam Kỳ, nơi thành lập đầu tiên các Hội Tam Điểm. Ngay cả cha của nhà văn Marguerite Duras cũng là hội viên của những Hội Tam Điểm đầu tiên. Tên của những hội này thay đổi liên tục cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, ví dụ như họ đổi thành hội Tonkinoise, hay trước kia có tên là Những anh em huynh đệ Bác Ái, nhưng sau này cũng đổi tên thành chẳng hạn như Ánh Sáng Bắc Kỳ. Lúc đó bắt đầu họ chiến thắng, đi đến tận Bắc Kỳ. Đến khoảng 1886, hội ngày càng  phát triển mạnh và sau đó họ ra công khai, nhưng những hội đầu tiên đó là dành cho người Pháp, chứ người thuộc địa chưa được vào. 

RFI: Vậy thì kể từ thời gian nào người bản xứ ở Đông Dương mới bắt đầu được thâu nhận vào các Hội Tam Điểm?

Trần Thu Dung: Hầu hết các lãnh đạo của Hội Tam Điểm thời đó đã đề nghị “Pháp Việt đề huề”. Khi ra chính sách “Pháp Việt đề huề”, thì bắt buộc phải đưa những người bản xứ vào hội.

Nhưng vào năm 1917 hay 1919 ( tôi không nhớ chính xác, phải xem lại lịch sử ), Pháp bắt đầu xóa kỳ thi của Việt Nam theo hệ thống Khổng Tử, tức là hệ thống theo ảnh hưởng của Trung Quốc, áp đặt kỳ thi tuyển theo Pháp. Thành ra chúng ta mới có câu thơ: “ Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng”. Pháp bắt đầu áp đặt rằng tất cả những người lãnh đạo đều phải biết tiếng Pháp và do Pháp đào tạo.

Bắt đầu từ đó, khoảng đầu thế kỷ 20, mới xuất hiện người Việt Nam trong Hội Tam Điểm. Nhưng các hội viên đầu tiên là được kết nạp bên Pháp. Đó là những sinh viên đi du học nhưng rất yêu nước, muốn tìm một con đường để đi cứu nước. Họ vào những hội mà họ nghĩ là theo đúng phương châm Tự do Bình đẳng Bác ái, đảng nào vào cũng được, vì hội là phi chính trị, phi đảng phái, phi tôn giáo. Họ nghĩ đó là cái hay nhất, bởi vì như thế là anh có theo đảng nào, theo tôn giáo nào thì tôi cũng không cấm, miễn là tôi bình đẳng với anh, bình đẳng trong suy nghĩ, tôn trọng kiến thức của nhau.

Rất nhiều trí thức Việt Nam lúc ấy đã đi theo con đường này, đầu tiên là ở bên Pháp, rồi họ trở về Việt Nam. Trở về Việt Nam thì phải có nhu cầu họp hàng tháng, nên họ kiến nghị lên trên để đòi hỏi: Chúng tôi về Việt Nam thì sẽ được hoạt động ở đâu? Ban đầu những người Pháp thuộc địa không muốn nhận, nhưng rồi cũng phải chấp nhận những huynh đệ người Việt từ Pháp trở về. Cho nên bắt đầu xuất hiện những người Việt Nam trong các Hội Tam Điểm.  

Sau này thì kết nạp rất nhiều, chẳng hạn như Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Lúc ấy có Hội chợ Thuộc địa ở Pháp, các cụ mới sang và được giới thiệu gặp những hội viên Tam Điểm bên đây. Bao giờ khi kết nạp thì cũng phải có 2 hay 3 người giới thiệu. Nhưng khi còn ở Việt Nam thì rất khó. Tôi có đọc được thư của những hội viên Tam Điểm người Pháp không muốn kết nạp người Việt, cho nên những hội viên Tam Điểm tiến bộ hơn đã đưa những người Việt này sang Pháp để gặp lại những người Tam Điểm này, bắt buộc họ giới thiệu và kết nạp những hội viện mới là người Việt. 

Những người như Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người nổi tiếng, có rất nhiều bạn bè, thì họ mới đưa những người bạn đến để được kết nạp ở Việt Nam.

RFI: Như vậy là nhờ nguyên tắc hoạt động là kết nạp qua giới thiệu, thành ra mới mở rộng được số thành viên người Việt trong các Hội Tam Điểm?

Trần Thu Dung: Đúng vậy, tức là phải có 2 hoặc 3 người, và có một người gọi là điều tra viên đến xem tư tưởng của anh là như thế nào, nhưng anh phải đề cao tính nhân đạo, phải tôn trọng ý kiến của người khác và đấu tranh trực diện bằng tư tưởng của anh. Người Việt vào được là vì họ cũng bắt đầu đấu tranh, đấu tranh từng bước một, chứ không phải tự nhiên là được vào. Chẳng hạn như khi bầu bán lãnh đạo hội hai năm một lần, người Việt hầu như không được bầu, vì họ vẫn bị xem như là subalterne ( cấp thấp ), giống như là bù nhìn.

Nhưng khi người Việt vào đông, bắt đầu có người Việt ứng cử trong các cuộc  bầu cử hai năm một lần một người phụ trách thay phiên nhau, ai cũng có thể làm người phụ trách, theo hình tam giác: làm thầy rồi làm thợ, làm thợ rồi làm thầy, bởi vì thầy cũng phải vươn lên, học những người giỏi hơn. Chính là lúc đó mà ông Phạm Huy Lục được bầu, nhưng tôi đã đọc được những lá thư chống đối vì không muốn người Pháp đứng dưới một người Việt trong một hội như thế, nhưng cuối cùng họ cũng phải chấp nhận. Phạm Huy Lục cũng đã từng là dân biểu Pháp tại Việt Nam. 

RFI: Vấn đề Hội Tam Điểm ở Việt Nam cho tới nay vẫn còn là một đề tài tế nhị, ít ai nhắc đến. Nhờ cuốn sách của chị mà chúng ta biết được là một số nhân vật chính trị nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, tức là Hồ Chí Minh, hay cựu thủ tướng Trần Trọng Kim, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Trịnh Đình Thảo, hay nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nhà trí thức Phạm Quỳnh  đã từng là hội viên Tam Điểm. Họ đã tiếp thu các tư tưởng của Hội Tam Điểm như thế nào và áp dụng những tư tưởng đó như thế nào trong cuộc đấu tranh ở Việt Nam?

Trần Thu Dung:  Lúc ấy đã bắt đầu có sự mâu thuẫn với nhau, bởi vì có những người cho rằng đi theo Hội Tam Điểm là con đường đấu tranh không đổ máu nhất cho dân, vì kinh tế, chính trị, vũ khí mình đều thua Pháp. Họ nghĩ là không thể làm một cuộc cách mạng lớn, nên phải đi theo con đường ôn hòa, tức là ủng hộ “Pháp Việt đề huề”.

Trước năm 1945, không có người Việt nào làm thị trưởng  thành phố Hà Nội, chỉ sau 45, mới bắt đầu xuất hiện, mà ban đầu bao gồm đến 2 phần 3 là người Tam Điểm, thay phiên nhau nắm quyền, như ông Trần Văn Lai, rồi Thẩm Hoàng Tín, những thị trưởng do Pháp chỉ định.  Lúc đó, Pháp đã rút, nhưng vẫn cứ muốn nắm quyền ở Đông Dương, cho nên lúc đấy mới sử dụng người Việt để trị người Việt, để tiếp tục “Pháp Việt đề huề”, nhưng không thành bởi vì có một số mâu thuẫn, chẳng hạn như Hồ Chí Minh thì theo Nga, tức là theo một hướng khác. 

 Nhưng lúc ấy, những đảng ở Việt Nam nằm trong liên minh Việt Nam Độc lập Đồng minh, tức Việt Minh, thì các trưởng đảng như tổng thư ký hay phó thường cũng là hội viên Tam Điểm. Hồ Chí Minh cũng là thành viên Tam Điểm, nhưng dù đều là huynh đệ, nhưng họ chọn những con đường khác nhau để đi đến giành độc lập, chứ tất cả không thống nhất với nhau. Cho nên đã có những cái hiểu nhầm nhau.

Người ta nói là đã có sự thanh trừng lẫn nhau ( giữa các huynh đệ Tam Điểm ), tôi không nắm được chuyện đó, nhưng chắc là cũng có. Nhưng có một chuyện này là chuyện rất thật: con của cụ Phạm Huy Lục, người được bầu là “đại sư” của Hội Tam Điểm có đông người Việt, kể lại khi có bạo loạn, lúc ấy ông mới 18 tuổi: “ Tôi biết là bố tôi cám ơn ông Hoàng Minh Giám ( bộ trưởng Ngoại Giao của Hồ Chí Minh ) đã báo cho bố tôi phải đi ngay đi vì có thể sẽ bị hiểu nhầm và bị ám sát, cho nên cụ đã bỏ đi vào Nam, rồi sang Pháp”

Đã có những cái mâu thuẫn trong anh em: theo Pháp, “Pháp Việt đề huề”, hay giành độc lập một cách tuyệt đối bằng một cuộc cách mạng.

RFI: Như vậy là bối cảnh chính trị lúc ấy làm cho Hội Tam Điểm Việt Nam bị phân hóa. Thành ra có những người phục vụ cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, những người khác thì phục vụ cho các chính phủ ở miền nam, mà đầu tiên là chính phủ lâm thời do Pháp dựng nên?

Trần Thu Dung: Đúng như thế. Tôi nghĩ rằng đã có những mâu thuẫn rất lớn, đã có những chia rẽ. Đi đến hòa hợp hay không là tùy suy nghĩ chính trị của từng người. Vì thế tôi mới viết cuốn sách này để cho thấy là trong cuộc đấu tranh đó, có rất nhiều hướng đi khác nhau.

RFI: Vì sao cho tới nay, Hội Tam Điểm ở Việt Nam vẫn còn là một chủ đề tế nhị? Thậm chí xuất bản một cuốn sách về đề tài này ở Việt Nam cũng không phải là đơn giản?

Trần Thu Dung: Vì ngày xưa, họ cứ gọi là “theo gót Tây”, “xỏ nhầm giày, để nói về những người ủng hộ Pháp, họ muốn xóa nhòa tất cả những gì dính đến Pháp. Chẳng hạn như vào năm 1945, ông Trần Văn Lai là người của Hội Tam Điểm, nhưng chính ông là người đầu tiên đứng ra giựt các tượng mà Hội Tam Điểm tặng, tức là tượng Nữ thần Tự do, đổi hết tên các con đường của Pháp thành tên những anh hùng. Họ muốn xóa hết những dấu vết và hầu như thanh trừng những người còn ủng hộ Pháp, hay dính đến Pháp.

Trong quyển sách này tôi đưa ra các bằng chứng về một khía cạnh lịch sử, về cuộc đấu tranh mà không ai biết đến, các cụ đều tham gia, nhưng đấy là một con đường mà họ đi tìm để giành độc lập dân tộc. Bây giờ lớp trẻ đọc được họ mới hiểu đấy là một con đường, chứ không phải cái gì dính đến Pháp là xấu.

No comments:

Post a Comment