Sunday, November 26, 2023

Mỹ: Đại học Harvard hứng chịu chỉ trích liên quan chính sách tuyển sinh ưu tiên
Robin Levinson King
BBC News từ Cambridge, Massachusetts
26.11.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Đại học Harvard đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sau khi một vụ kiện nổi cộm liên quan đến việc họ hàng của các cựu sinh viên đã nằm trong diện được ưu tiên. Các nhà lập pháp đang muốn ngăn chặn chính sách tuyển sinh thuộc diện ưu đãi của ngôi trường danh tiếng này, vì cho rằng điều này đang kéo dài tình trạng bất bình đẳng.

Trong hàng thế kỷ qua, khuôn viên ngôi trường Harvard với những bức tường gạch đỏ đã là nơi đặt chân của các nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ, từ Teddy Roosevelt đến Mark Zuckerberg. Khả năng của ngôi trường lâu đời tại Mỹ tạo bệ phóng cho các sinh viên lên hàng cấp cao trong bộ máy chính trị, kinh doanh và công nghệ đã khiến tỷ lệ chọi vào trường trở nên rất cao. Thế nhưng cách mà Harvard tuyển chọn sinh viên nào được nhận 'tấm vé vàng' đang bị rơi vào tầm ngắm.

Hồi đầu năm nay, một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ về việc chủng tộc không còn có thể xem là một nhân tố trong việc xét duyệt nhập học tại Mỹ, đã khiến việc Harvard và các trường đại học khác cấp quyền nhập học ưu tiên cho các nhóm thiểu số bị xem là bất hợp pháp.

Đại học Harvard tuyên bố sự thay đổi này sẽ khiến việc tuyển nguồn số lượng sinh viên đa dạng hơn trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng quy trình của Tòa án Tối cao cũng làm hé lộ những gì mà nhiều người ngờ vực từ lâu - đó là ngôi trường danh tiếng này đã ưu tiên cho con của các cựu sinh viên.

Chính sách này, được biết đến là quy trình nhận sinh viên thuộc diện ưu tiên, được hàng chục ngôi trường danh giá tại Mỹ thực hiện, gồm tám ngôi trường trong Ivy League, cũng như nhiều ngôi trường tư và công có danh tiếng khác. Điều này đồng nghĩa nếu có một người thân được nhận học vào ngôi trường này, thì sau đó sinh viên này có thể được ưu tiên hơn là ứng viên khác có cha mẹ không sở hữu được lợi thế tương đương.

Trong khi hầu hết đặc quyền giai cấp trong xã hội Mỹ được thể hiện qua những biểu hiện - tất cả người mà họ quen biết, họ ăn mặc gì, họ trông ra sao - vụ án tại tòa lại đưa ra một cách trần trụi cách thức các định chế sử dụng quy trình nhận sinh viên thuộc dạng ưu tiên này để giúp một vài ứng viên 'vượt hàng'.

Và điều này đã khiến nhiều người, từ các nhà lập pháp của bang cho đến chính các sinh viên tại Harvard, yêu cầu phải chấm dứt chính sách này.

NGUỒN HÌNH ẢNH,ALLISON HUNTER
Allison Hunter nói cô lo ngại về vai trò của chính sách nhận sinh viên thuộc diện ưu tiên này

Khi Allison Hunter lần đầu tiên biết mình được nhập học tại Đại học Harvard, cô không thể tin nổi vào mắt mình.

"Tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện này có thể xảy ra trong cuộc đời mình, tôi đã làm được," cô kể lại.

Nhưng một người hướng dẫn đã thuyết phục cô ấy nộp đơn, và hiện cô là người đầu tiên từ trường trung học Atlanta được nhận vào học tại đại học danh giá này.

"Bạn phải nghĩ bản thân mình có khả năng," cô nhớ lại.

Trong nhiều năm, Harvard đã tăng cường các nỗ lực liên quan đến việc đối xử công bằng. Hồi năm 2023, học phí một năm tại Harvard là 54.269 USD, miễn phí cho các sinh viên có gia đình thu nhập thấp hơn 65.000 USD, và những gia đình thu nhập lên đến 150.000 USD, chi trả không hơn mức 10% thu nhập mỗi năm.

Harvard cũng tăng số lượng sinh viên gốc Mỹ La-tinh và không phải da trắng từ mức 17% lên 50% trong vòng bốn thập niên vừa qua.

Donyae Jenkinsm, một sinh viên đại học Harvard khác, cho biết sau phán quyết của Tòa án Tối cao, "nhiều sinh viên da đen và nâu có thể cảm thấy đây là nơi nào đó họ không xứng đáng được nhận vào học".

Cả Allison và Donyae đều không đồng ý với việc đảo ngược diện ưu tiên này, đặc biệt khi chính sách tuyển sinh viên mang tính lâu đời này tồn tại bởi vì có khuynh hướng ưu tiên sinh viên da trắng và giàu có.

Các tài liệu được đệ trình lên trong vụ án tại Tòa án Tối cao cho thấy rằng Harvard đã trao điểm cho các ứng viên thuộc diện "ALDC", từ viết tắt nói về những ứng viên thuộc diện ưu tiên, vận động viên, họ hàng của những người tài trợ cho trường, và con của ban phụ trách khoa hoặc nhân viên. Dù chỉ có 5% ứng viên là đến từ các sinh viên thuộc diện ALDC, thế nhưng họ chiếm khoảng một phần ba số lượng sinh viên được chấp thuận nhập học. Khoảng 70% người nộp đơn là sinh viên da trắng.

"Họ [con cái của các cựu sinh viên] cũng được hưởng điều mà một vài người có thể gọi là khả năng được nhập học diện đặc biệt," Donyae nói.

Ưu đãi đặc biệt này, theo các dữ liệu cho thấy, là một bệ phóng 'tên lửa' để giúp những sinh viên này hướng thẳng đến giới tinh hoa của Mỹ.

Một nghiên cứu gần đây đăng trên Opportunity Insights, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Harvard và Brown cho thấy, các ứng viên thuộc diện ưu tiên này có khả năng được nhập học, cao hơn gấp bốn lần so với các ứng viên không thuộc diện này, với cùng điểm số tương đương.

Nghiên cứu này dựa vào dữ liệu nhập học trong 15 năm tại 12 ngôi trường đại học thuộc nhóm "Ivy-Plus" (tám ngôi trường thuộc Ivy League, thêm Đại học Chicago, Duke, MIT và Stanford).

Khi những sinh viên cùng thuộc diện ưu tiên này cùng nộp đơn vào các trường đại học khác, nơi họ không có tình trạng này, thì lợi thế biến mất, theo nghiên cứu.

Các sinh viên học tại các trường "Ivy Plus" có khả năng cao hơn 60% trong việc rơi vào nhóm thu nhập 1% đứng đầu, và có khả năng cao gấp ba lần, được nhận vào các công ty có danh tiếng, trong những lĩnh vực như y khoa, nghiên cứu, luật, tài chính và các lĩnh vực khác, nếu so với những sinh viên học tại các trường đại học công lập "hàng đầu".

"Sinh viên tại những trường này, ngày nay, sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực trong xã hội vào mai sau," John Friedman, Giáo sư tại Đại học Brown (cũng thuộc Ivy League), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

"Nếu chúng ta muốn con cái của mình từ mọi xuất thân, cảm thấy được hướng vào các vị trí lãnh đạo, chúng ta cần những trường đại học này phải nhận sinh viên theo cách thức hỗ trợ sự công bằng về cơ hội đa dạng hơn."

Kết quả của nghiên cứu được củng cố thêm từ các nghiên cứu trước đây. Một nghiên cứu hồi năm 2019 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (National Bureau of Economic Research) cho thấy 75% sinh viên da trắng, được tuyển vào Harvard thuộc diện ALDC "sẽ bị từ chối cho nhập học" nếu bị xem là sinh viên da trắng không có những mối liên hệ này.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Nhiều học giả cũng truy lại nguồn gốc của quy trình cho nhập học xuất phát từ đầu thế kỷ 20, khi các trường đại học muốn giữ cho các định chế của họ nằm dưới tầm với của dân số nhập cư đến Mỹ ngày càng gia tăng. Nhưng thời thế đã thay đổi, và Harvard đã đưa ra cam kết về một sự đa dạng và công bằng rộng lớn hơn, việc tuyển sinh viên mang tính ưu đãi này vẫn tồn tại.

Để bảo vệ điều này, trường Harvard tuyên bố "giúp gắn kết mối liên kết mạnh mẽ giữa ngôi trường và các cựu sinh viên", kéo dài cả đời người.

Harvard cũng nêu về sự "hỗ trợ hào phóng" từ thế hệ cựu sinh viên giúp việc hỗ trợ tài chính mang tính khả thi để tạo nên sự đa dạng và xuất sắc, theo một bản báo cáo Harvard công bố năm 2018.

"Mặc dù sự các cựu sinh viên hỗ trợ cho Harvard vì nhiều lý do, ủy ban này cũng quan ngại, việc loại trừ bất kỳ sự cân nhắc về liệu cha mẹ của ứng viên có từng học tại Harvard hoặc Radcliffe sẽ làm giảm khả năng tham gia chung và hỗ trợ mang tính chất rất quan trọng này."

Số tiền này không phải là một sự thay đổi nhỏ. Với số tiền tài trợ 50 tỷ USD, Harvard là trường đại học nhận được khoản tài trợ lớn nhất trên thế giới. Oxford và Cambridge, không áp dụng việc tuyển sinh viên mang tính ưu đãi này, nhận được nguồn tiền tài trợ khoảng 7 tỷ USD.

Nguồn tài chính dồi dào của Harvard giúp ngôi trường này đứng đầu trong giới tinh hoa của Mỹ, nhưng một số người cáo buộc trường đã sử dụng sức mạnh này không phải là để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn, mà chỉ để duy trì tính nguyên trạng. Và họ cho rằng chính sách tuyển sinh viên mang tính ưu tiên của trường phải chấm dứt.

Hệ thống luật pháp của bang Massachusetts đang cân nhắc một dự luật đánh phí vào trường Harvard và những ngôi trường khác có trao những lợi ích từ việc nhận sinh viên mang tính ưu đãi này.

"Một trong các yếu tố kết nối người Mỹ lại với nhau, dù bạn đến từ Maine, Massachusetts, California, hay Texas, đó chính là ý tưởng về thăng tiến nhờ tài năng cá nhân (meritocracy), người đồng tài trợ cho dự luật này, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts gốc Cộng hòa Dominica, Pavel Payano nói.

"Những ngôi trường danh giá này về căn bản tập trung vào những cá nhân không trông như tôi, những người không thuộc giới nhân dân lao động được nhập học vào trường của họ, và tôi không nghĩ điều này là đúng đắn."


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Pavel Payano nằm trong số các thành viên của giới lập pháp bang, thúc đẩy giải quyết vấn đề quy chế nhận sinh viên theo diện ưu đãi

Harvard hiện cũng là một chủ thể trong một vụ việc liên quan đến quyền dân sự thuộc Bộ Giáo dục Mỹ, sau một vụ kiện với cáo buộc ngôi trường đã quá ưu tiên cho giới sinh viên nhà giàu, da trắng, bằng cách ưu tiên cho các ứng viên thuộc diện có họ hàng là cựu sinh viên hoặc nhà tài trợ.

Michael Kippins, một nhà nghiên cứu tại công ty Lawyers for Civil Rights phi lợi nhuận, nơi đã đệ trình vụ kiện, nói với BBC rằng ông nhận định chính sách tuyển sinh viên như vậy là không công bằng.

"Họ đã có sự phân biệt các ứng viên da màu, và có tác động bất hợp lý đối với sinh viên da màu, điều này tác động có hại đến khả năng các sinh viên này được nhận vào học tại Harvard," ông cho biết.

Cũng có các dấu hiệu về thay đổi lớn. Đại học Wesleyan và Amherst, hai ngôi trường tư hàng đầu, cũng đã chấm dứt chính sách tuyển sinh ưu tiên này.

Chủ tịch Đại học Harvard, Claudine Gay nói rằng, sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ liên quan đến chính sách hỗ trợ thiểu số (affirmative action), "mọi vấn đề vẫn đang được bàn thảo".

"Tôi không thể, hoặc không thể nghĩ điều này thật sự hiệu quả khi cố gắng đoán trước cuộc thảo luận này sẽ đi đến đâu," bà trả lời Harvard Crimson, một tạp chí của sinh viên nhà trường. "Nhưng tôi nghĩ đây là một dấu hiệu thật sự về một thời khắc mang tính bước ngoặt mà chúng tôi đang đối mặt trong nền giáo dục đại học, và chúng tôi đang suy nghĩ, có cuộc thảo luận ở mức độ bao trùm như thế này."

Trường Harvard không phản hồi trước các yêu cầu bình luận được nhắc lại vài lần của BBC.

Trong một chuyến đi mới đây đến trường, một vài sinh viên cho rằng sự chỉ trích về chính sách tuyển sinh viên có diện ưu tiên này đã bị thổi phồng.

"Tôi chỉ nghĩ rằng họ (những sinh viên được ưu tiên) xứng đáng có chỗ trong ngôi trường này cũng như chính chúng tôi vậy," Kennith Taukalo nói, người tự nhận mình không thuộc diện được ưu tiên.

Nhưng số khác cũng đặt câu hỏi liệu có cách nào khác tốt hơn hay không.

"Những nơi khác trên thế giới này vẫn có thể tạo nên một môi trường học thuật xuất sắc mà không cần đến chính sách tuyển sinh dạng ưu tiên," nghiên cứu sinh tiến sĩ Louise Rossetti, từ Anh nói.

"Tôi chắc chắn rằng có những cách khác nhau mà theo đó nhà trường có thể nhận được nguồn tài trợ mà không tạo một bất lợi chung cho các sinh viên."


Tin liên quan






No comments:

Post a Comment