Intel 'gác đầu tư' vào Việt Nam nhưng vẫn xây nhà máy ở những đâu?
10.11.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ông Pat Gelsinger, CEO của Intel trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 10/2021 nói việc đầu tư sẽ ưu tiên cho EU, không cho Anh sau khi nước này ra khỏi khối EU
Intel được biết đã ra quyết định không mở rộng đầu tư vào Việt Nam như chính phủ nước này mong đợi nhưng vẫn tiếp tục bỏ tiền vào các nước EU và Israel.
Bản tin của Reuters trong tuần nói việc tập đoàn Intel của Hoa Kỳ tạm dừng việc phát triển cơ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam tiếp tục được các báo khu vực bình luận.
Các báo dùng những cách mô tả khác nhau để nói về việc này.
Bản tin của Reuters và trang South China Morning Post (08/11) nói Intel “gác lại đầu tư đã lên kế hoạch” (shelved planned investment) ở Việt Nam.
Còn trang Asia Financial thì lại nói Intel “hủy dự án” (cancelled) ở Việt Nam.
Theo Reuters thì Intel không cho biết lý do tại sao lại dừng việc mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng biệt trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các lãnh đạo Việt Nam cho biết Intel đã nêu lên mối lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và tình trạng quan liêu quá mức.
Các lãnh đạo Việt Nam chưa bình luận gì với báo chí về câu chuyện.
Trang The Diplomat khi đưa tin về Intel và Việt Nam đã bình luận rằng hệ thống quan liêu gắn chặt với chính trị ở Việt Nam là cản trở của nhiều đầu tư nước ngoài, theo báo này:
“Hệ thống quan liêu nghẽn mạch ở Việt Nam đã lâu này là thứ hành hạ các công ty nước ngoài hoạt động tại đây. Là bộ phận không tách rời của hệ thống chính trị VN, tình trạng quan liêu trở nên tệ hơn bởi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản, đẩy nhiều quan chức vào tình trạng dậm chân tại chỗ vì sợ rơi vào Lò đốt của chiến dịch. Hãng tin Bloomberg từng nói hồi đầu năm "Làm nhiều bị khó khăn nhiều, làm ít thì khó phạm lỗi, và không làm gì thì không gặp vấn đề gì" về tình trạng này.”
Intel xây nhà máy chip ở những đâu?
Nếu như quyết định của Intel về việc “không đầu tư nữa ở Việt Nam” được giới chức tập đoàn này đưa ra hồi tháng 7/2023, theo Reuters, thì không lâu trước đó, Intel cho hay họ sẽ đầu tư vào nhà máy chip lớn tại CH Ba Lan.
Số tiền Intel muốn bỏ vào Ba Lan cho một nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip bán dẫn là 4,6 tỷ USD, nhiều hơn dự án lên kế hoạch ở Việt Nam (1 tỷ USD).
Theo các báo Ba Lan tháng 6/2023, Intel sẽ xây một nhà máy mới gần Wroclaw, miền Tây Nam đất nước và sẽ tuyển thêm 2000 nhân công.
Intel đã có mặt ở Ba Lan 30 năm qua và đã có cơ sở nghiên cứu, phát triển sản phẩm lớn nhất châu Âu tại thành phố cảng Gdansk với 4000 nhân viên.
Địa điểm mới sẽ có nhiệm vụ tiếp quản các sản phẩm mà Intel đang làm tại CH Ireland và Đức, tạo thành một chuỗi công nghệ khép kín.
Theo CEO của Intel Pat Gelsinger được truyền thông trích dẫn thì “môi trường kinh doanh ở Ba Lan rất tuyệt vời, chi phí rất cạnh tranh và đây là quốc gia có nền tảng nhân lực tài năng trong các ngành kỹ thuật, nhờ một số trường đại học giỏi, có chương trình engineering mạnh”.
Tuy thế, dự án này còn cần EU chuẩn thuận để bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2027.
Phía chính phủ Ba Lan cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền vào hỗ trợ cho công trình.
Tương tự như vậy, cũng trong tháng 6, khi Intel và Đức ký thỏa thuận để đầu tư 30 tỷ euro (32,8 tỷ USD) xây nhà máy chip tại Magdeburg, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz nói "bao luôn" 1/3 khoản tiền đó.
Có vẻ như các nước nằm ngoài EU, như Việt Nam, và cả Anh, khó có thể cạnh tranh được với các nước nằm trong một thị trường chung EU.
Năm 2021, Intel quyết định không đầu tư vào sản xuất chip ở Anh sau Brexit mà chọn các nước EU, lãnh đạo Intel nói với đài BBC vào tháng 10 năm đó.
Ông Pat Gelsinger nói với BBC trang Business rằng Intel sẽ bỏ vào công nghệ bán dẫn khoản đầu 95 tỷ USD trong 10 năm tới ở châu Âu và Hoa Kỳ, để “tránh không phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất châu Á”.
Ngoài các nước EU, Intel đầu tư lớn ở "sân nhà" với nhà máy tại Ohio.
Tập đoàn cũng trông đợi các khoản hỗ trợ lớn từ chính phủ Mỹ và EU.
Vào thời điểm đó (2021), Hoa Kỳ chỉ chiếm 12% sản lượng chip toàn cầu, còn Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan chiế tới 70% chip cung ứng cho thế giới, theo bài của BBC.
Cũng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm nay, chính phủ Israel nói Intel sẽ đầu tư thêm 25 tỷ USD vào sản xuất chip ở nước họ.
Intel xác nhận hai bên có đạt thỏa thuận nhưng không nói rõ khoản đầu tư là bao nhiêu, theo các báo khu vực.
Mới đây, vẫn các cơ quan truyền thông trong vùng Trung Đông cho rằng dự án này có thể bị ảnh hưởng trước mắt bởi chiến tranh Israel-Hamas ở Gaza.
Tuy thế, hai tuần trước, ông Pat Gelsinger lần đầu lên tiếng nói sản xuất chip ở nhà máy Intel tại Kiryat Gat, cách điểm Hamas tấn công ngày 07/10 chỉ 30 dặm “vẫn không bị gián đoạn”.
Nhà máy này hiện đã tuyển 12 nghìn nhân viên và khoản đầu tư công bố hồi tháng 6 là tiền tăng thêm cho hoạt động của Intel ở Israel.
Những năm qua, các hoạt động của ngành chế tạo chip bán dẫn được cho là liên quan nhiều tới cả địa chính trị và cạnh tranh kinh tế.
Cuộc chiến về nguồn sản xuất, chế tạo chip thế hệ mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu, theo Suranjana Tewari, phóng viên Kinh doanh ở châu Á của đài BBC trong một bài đăng đầu năm nay.
Tin liên quan
Intel gác kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam8 tháng 11 năm 2023
Việt Nam 'sẽ phải vật lộn để đạt mục tiêu điện gió ngoài khơi năm 2030'10 tháng 11 năm 2023
David Hutt: Chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú trọng 'nhằm hạn chế khu vực tư nhân'3 tháng 11 năm 2023
Quan chức tham nhũng ở VN 'có ý thức, có tổ chức thành hệ thống'24 tháng 1 năm 2022
Cuộc chiến chip Mỹ - Trung: Phần thắng đang thuộc về Mỹ14 tháng 1 năm 2023
Hoa Kỳ siết thêm việc bán chip máy tính cho Trung Quốc9 tháng 10 năm 2022
No comments:
Post a Comment