Hợp tác quân sự với Nga, bước đột phá cho công nghiệp quốc phòng Bắc Triều Tiên
Thanh Hà
Đăng ngày: 09/11/2023 - 15:32Sửa đổi ngày: 09/11/2023 - 15:34
RFI
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên tại phi trường Vostochny. Ảnh ngày 13/09/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Ngày 09/11/2023, hội kiến tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol, tại Seoul ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mạnh mẽ lên án Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí giúp Nga trong cuộc chiến tại Ukraina. Washington đồng thời cảnh báo trước những « mối liên hệ về mặt quân sự càng lúc càng gia tăng và nguy hiểm » giữa Bắc Triều Tiên với Nga.
Những tuyên bố này như lập lại quan ngại của Hàn Quốc. Seoul đánh giá: « Hiểm họa Bắc Triều Tiên càng cận kề từ sau chuyến công du Liên Bang Nga hồi tháng 9/2023 của lãnh tụ họ Kim », đó cũng là điểm khởi đầu Bình Nhưỡng cung cấp « khoảng 1 triệu đầu đạn cho Nga » để đổi lấy « công nghệ không gian ». Giới quan sát lưu ý rằng « ranh giới rất hẹp giữa công nghệ không gian với kỹ thuật phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa » mà tới nay, do lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên trên nguyên tắc bị cấm phát triển loại vũ khí này.
Cũng các chuyên gia quân sự của Hàn Quốc lưu ý: Bình Nhưỡng, sau hai lần thất bại, có nhiều khả năng là đã cầu viện Matxcơva để thực hiện chương trình « phóng vệ tinh quân sự với mục đích do thám lên quỹ đạo ».
Trong bài tham luận đăng trên trang mạng East Asia Forum của Úc, nhà nghiên cứu Artyom Lukin, đại học Viễn Đông–Vladivostock của Nga nhắc lại là tháng 9 vừa qua ông Kim Jong Un đã viếng thăm nước Nga « dài ngày hơn » dự kiến và ngoài cuộc họp với tổng thống Vladimir Putin, phần lớn thời gian của lãnh tụ Bắc Triều Tiên là để tham quan các nhà máy quân sự, thăm một căn cứ không quân của Nga. Chung cuộc, từ tổng thống Vladimir Putin đến các quan chức cao cấp của Nga, tất cả đều nhấn mạnh : « đôi bên đã trao đổi với nhau trên rất nhiều các vấn để, kể cả khả năng hợp tác quân sự song phương ». Về phía Kim Jong Un, ông đã xem chuyến xuất ngoại nói trên là một « chặng quan trọng trong việc tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật » với Nga.
Giới phân tích cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã không quá lời bởi vì có « rất nhiều lý do » gắn chặt Bình Nhưỡng với Matxcơva. Về mặt ngoại giao, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới công nhận Crimée và 4 vùng lãnh thổ của Ukraina vừa bị Nga sáp nhập là thuộc chủ quyền của Liên bang Nga. Vào lúc Hàn Quốc đứng về phía Ukraina thì Bắc Triều Tiên cũng phải chọn phe.
Về kinh tế, thương mại, đương nhiên Bình Nhưỡng cũng rất cần đến Matxcơva. Hiện tại, cả Bắc Triều Tiên lẫn Nga, vì những lý do khác nhau, đang cùng bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Tuy nhiên điểm quan trọng nhất trong hợp tác quân sự này, có lẽ vẫn là vế hạt nhân. Artyom Lukin giải thích : Đã đành là Bình Nhưỡng đã có bom nguyên tử, làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa xuyên lục địa, nhưng ông Kim Jong Un ý thức được rằng do bị quốc tế trừng phạt, Bắc Triều Tiên không thể tiếp cận được với công nghệ mới.
Điều đó có nghĩa là Bắc Triều Tiên vẫn sẽ bị chậm trễ so với Hàn Quốc vốn tiếp cận được với những công nghệ mới của Hoa Kỳ. Do vậy cỗ máy sản xuất vũ khí, công nghệ chế tạo bom nguyên tử, công nghệ không gian của Nga là bệ phóng đưa công nghiệp quốc phòng Bắc Triều Tiên vào một « thời đại mới ».
Ngoài vế hạt nhân, vẫn theo tác giả bài tham luận trên trang mạng East Asia Forum, Matxcơva có thể cung cấp cho Bắc Triều Tiên từ chiến đấu cơ đến vệ tinh trinh sát…, cho phép Bình Nhưỡng thu hẹp khoảng cách với Hàn Quốc trong một « cuộc chiến tranh hiện đại ». Nga như vậy trở thành một đồng minh « chiến lược » và là một « đối tác quân sự then chốt » của chế độ Kim Jong Un.
No comments:
Post a Comment