Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương làm việc với Báo cáo viên đặc biệt của LHQ
06.11.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,TRINH BA KHIEM
Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu
Vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho BBC hay hôm 6/11 rằng gia đình vừa có buổi làm việc với Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc để phản ánh về tình trạng của ba người thân trong tù và yêu cầu trả tự do cho họ.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương nói với BBC rằng, bà cùng bố và em chồng hôm 3/11 đã có buổi nói chuyện trực tuyến với báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển, ông Surya Deva cùng bà Laura Macini, cán bộ phụ trách Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Ông Surya Deva được bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt trong thời hạn ba năm kể từ ngày 1/5/2023. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Deva sẽ có chuyến thăm theo lời mời của Chính phủ Việt Nam từ ngày 6-15/11/2023.
Từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 11 năm 2023, Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển sẽ có chuyến thăm quốc gia tới Việt Nam theo lời mời của Chính phủ. Mục tiêu của chuyến đi này đánh giá tiến trình của quyền phát triển ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam, để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ viết rằng, chuyến đi của ông Dave hy vọng ghi nhận được những ý kiến đóng góp để ông có thể đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ trong một báo cáo sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 9 năm 2024.
Trong buổi làm việc trước khi ông Dave đến Việt Nam, gia đình bà Thu đã kiến nghị lên LHQ về việc trả tự do cho ba người thân trong gia đình bà "vì những gì họ làm đều phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc."
Nếu ba người họ phải chịu án dài, bà Thu hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ cải thiện điều kiện giam giữ những người thân trong gia đình bà cũng như các tù nhân lương tâm (TNLT) khác.
"Tôi mong mẹ chồng, em chồng và chồng tôi được phép chăm sóc y tế, được gia đình gửi thêm khẩu phần ăn. Nếu nhà nước không đủ sức chăm sóc chu đáo cho tù nhân lương tâm, thì mong họ sẽ được chuyển về trại giam gần nhà," bà Thu nói với BBC.
Trước đó, ngày 30/10, gia đình bà Thu đã làm đơn tố cáo việc chồng bà bị đánh đập và cùm chân tại Trại giam An Điềm (Quảng Nam) vì cầm biểu ngữ phản đối việc TNLT bị đối xử vô nhân đạo. Bà Thu cho biết, ông Phương trước đó từng bị cưỡng bức vào trại tâm thần. Còn mẹ chồng bà bị cho giam chung với người nhiễm HIV.
Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền, một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) cũng ra thông cáo báo chí, yêu cầu Nhà nước Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương trong thời gian tạm giam ông.
Play video, "Vợ Trịnh Bá Phương: ‘Chồng tôi bị bắt khi con tôi 4 ngày tuổi’", BBC: Xem video
Phỏng vấn Đỗ Thị Thu và Trịnh Thị Thảo về gia đình Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương.
Bà Thu cho biết, gia đình một người đi tù đã khó khăn, gia đình bà có tối tận ba người và mỗi người bị giam một chỗ khác nhau nên việc thăm nuôi có nhiều khó khăn.
"Mẹ chồng tôi bị giam ở Thanh Hóa, cách nhà 70 cây số, em Trịnh Bá Tư bị giam ở Nghệ An, cách nhà 260 cây số, còn chồng tôi bị giam xa nhất, cách khoảng 1.000 cây số. Tôi thì vướng con nhỏ nên không thể thăm nuôi anh thường xuyên. Bố tôi mỗi tháng khi thăm em Tư thì đi bằng xe máy, chạy từ 10 giờ đêm cho tới tận 6, 7 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Vì em Tư ở Trại số 6 khét tiếng về việc đối xử khắt nghiệt với tù nhân nên gia đình cũng không yên tâm," bà Thu nói.
Dù Việt Nam đã ký Công ước chống tra tấn vào 07/11/2013 và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn công ước vào ngày 28/11/2014 nhưng tình trạng tù nhân bị ngược đãi vẫn được phản ánh khá nhiều. Sau cái chết của TNLT Đỗ Công Đương vào 2/8/2022, gia đình của 27 TNLT khác đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho những tù nhân này.
Hồi tháng 10/2021 và sau đó là tháng 9/2022, gia đình bà Thu cũng đã liên tục làm đơn kêu cứu và tố cáo việc ông Trịnh Bá Tư bị đánh đập, tra tấn, có lúc phải nhập viện để điều trị. Thời điểm đó, một số tổ chức như Ân xá Quốc tế và Đài Quan sát Bảo vệ Người hoạt động Nhân quyền cũng đã ngay lập tức lên tiếng và cáo buộc chính quyền Việt Nam có hành vi tra tấn đối với ông Trịnh Bá Tư.
NGUỒN HÌNH ẢNH,FB TRỊNH BÁ PHƯƠNG
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương gặp bà Michele Roulbet, trưởng bộ phận nội chính, Phòng chính trị của ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Hà Nội, hôm 06/2/2020 về vụ Đồng Tâm
Gia đình bốn người đi tù
Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương là một gia đình thuần nông dân, sống ở Dương Nội, Hà Nội, bị mất đất sau khi chính quyền tịch thu cho 'dự án phát triển đô thị' vào năm 2008.
Sự kiện ấy đã khiến một gia đình nông dân lam lũ trở thành những nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai cho bà con Dương Nội.
Sau đó, gia đình ông dần lên tiếng về dân chủ, nhân quyền.
Mẹ ông là bà Cấn Thị Thêu đã từng hai lần ngồi tù và đây là lần thứ ba bà Thêu chịu án tù. Lần đầu là vào năm 2014, hai vợ chồng bà bị bắt vì tội "Chống người thi hành công vụ" với mức án 15 tháng tù.
Ra tù, bà Thêu tiếp tục biểu tình phản đối nạn cưỡng chế đất. Bà cũng tham gia vào các cuộc biểu tình vì môi trường, dân chủ, và ủng hộ các nhà hoạt động khác. Những hoạt động này đã khiến bà bị bắt vô tù lần hai vào năm 2016 vì tội "gây rối trật tự" với mức án 20 tháng tù giam.
Ra tù năm 2018, bà Thêu nói mình từ 'nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn', và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền của người dân mất đất.
Hai người con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng tham gia cùng mẹ. Tới tháng 1/2020, trước sự kiện Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình và ba viên cảnh sát, gia đình bà Thêu là một trong những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc cho báo chí trong và ngoài nước.
Tháng 6/2020, bà Thêu và hai người con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư bị kết án mỗi người tám năm tù giam, 5 năm quản chế. Trong một phiên xử khác, ông Trịnh Bá Phương bị kết án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Khi ông Phương bị bắt, con trai đầu lòng chỉ mới lên hai tuổi và bé thứ hai chỉ vừa chào đời được bốn ngày. Bà Thu nói rằng, 27 tháng sau khi ông bị bắt giữ, gia đình mới được thăm nuôi, điều này đồng nghĩa thời gian ngồi tù của ông Phương đã dài hơn thời gian bên vợ và con.
Tổ chức nhân quyền ở Mỹ, Human Rights Watch (HRW), gọi bà Thêu, ông Tư và ông Phương là "nhà hoạt động dân chủ" và trong các phiên xét xử ba nhà hoạt động này, HRW cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho cho họ và ngưng những phiên tòa kangaroo - ý nói lối xử bỏ túi.
'Tập kích Đồng Tâm' qua lời kể của Trịnh Bá Phương:
Play audio, "'Tập kích Đồng Tâm' qua lời kể của Trịnh Bá Phương:",
Nhân quyền Việt Nam
Theo báo cáo về sự trả đũa năm 2023 do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc công bố ngày 19/9, không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã bị thu hẹp, dưới sự kiểm soát ngày càng mạnh tay từ chính phủ.
Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm nay, đã có 15 người bị kết án.
Mới đây, ngày 2/11, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights đã gửi một báo cáo chung lên Liên Hiệp Quốc. Nội dung báo cáo mô tả rõ “cách đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” của chính quyền Việt Nam đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc giam giữ tùy tiện và kéo dài trước khi xét xử, cũng như các biện pháp biệt giam trong 5 năm qua kể từ kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát vào năm 2019.
Theo CPJ, Việt Nam được xếp là một trong những nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới, với ít nhất 21 người ngồi tù tính đến ngày 1/12/2022 và cũng nhắc đến việc các nhà báo bị tra tấn, ngược đãi cũng như không được chăm sóc y tế trong tù.
Chính phủ Việt Nam cũng được cho là đang đàn áp các tổ chức phi chính phủ có giấy phép và hoạt động về những vấn đề như môi trường.
Việc bỏ tù nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương trong hai năm 2021, 2022 được các nhà quan sát đánh giá là "xu hướng đàn áp mới" của Việt Nam đối với xã hội dân sự.
Theo báo cáo của Dự án 88 (The Project 88), các nhà hoạt động trên là những người đã thúc đẩy chính phủ cam kết thực hiện chính sách giảm khí thải carbon để "Phát thải Ròng bằng Không" vào năm 2050, qua đó mở đường cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ USD giữa G7 và Việt Nam, nhưng trớ trêu thay, họ lại trở thành những tù nhân sau song sắt. Dự án 88 công bố báo cáo cho thấy rằng, chính quyền Việt Nam bắt bớ bốn người này không phải là án kinh tế mà có yếu tố chính trị.
Bà Khanh được trả tự do sớm hơn 5 tháng so với hạn tù, còn ông Lợi được trả tự do sớm hơn 18 tháng. Trong khi đó, là người duy nhất trong bốn người không nhận tội, ông Đặng Đình Bách nói rằng "sẽ tuyệt thực đến chết để đòi tự do".
Trong năm 2023, chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ hai nhà hoạt động môi trường hàng đầu là Hoàng Thị Minh Hồng và Ngô Thị Tố Nhiên.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng - người được mệnh danh là anh hùng khí hậu - hôm 28/9 bị tuyên án ba năm vì tội trốn thuế. Ngày 30/9, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) bị khởi tố vì tội danh "Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức", chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng nững sự việc này co thấy xu hướng đàn áp mới của chính quyền Việt Nam, vốn có hồ sơ nhân quyền bị đánh giá là tồi tệ.
Tin liên quan
'Anh hùng khí hậu' Ngụy Thị Khanh được trả tự do15 tháng 5 năm 2023
Việt Nam bị phê phán đã bỏ tù các nhà hoạt động môi trường vì 'động cơ chính trị'25 tháng 4 năm 2023
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng bị tuyên ba năm tù28 tháng 9 năm 2023
Các tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ nhà báo VN trước kỳ kiểm điểm nhân quyền3 tháng 11 năm 2023
Bà Cấn Thị Thêu và con trai ‘hô đả đảo’ tại tòa phúc thẩm, bị tuyên y án24 tháng 12 năm 2021
Việt Nam nói bà Nguyễn Thị Tâm ‘ăn năn’, Trịnh Bá Phương ‘không thành khẩn’15 tháng 12 năm 2021
No comments:
Post a Comment