Dương Quốc Chính - Cuộc gặp Biden-Tậpsamedi 11 novembre 2023
Thuymy
Trung Quốc và Việt Nam chưa công bố chính thức ngày ông Tập sang Việt Nam. Dự kiến là cuối tháng 10 hoặc nửa đầu tháng 11. Thực tế vẫn chưa sang.
Nhưng đã có lịch Tập sang Mỹ ngày 15/11, nên nếu có sang Việt Nam thì phải cuối tháng 11 hoặc sang tháng 12. Vậy còn chuyến thăm của Putin thì sao? Đúng là ngoại giao dập dồn!
Nếu Mỹ-Trung lại có một thỏa thuận hợp tác, để cùng nhau chống Nga, thì lịch sử có vẻ được lặp lại. Thực tế Trung Quốc chỉ cần hạn chế cứu Nga đã đủ làm Nga khốn đốn, vì mất thằng mua dầu và cấp các mặt hàng bị phương Tây chặn.
Ngoại giao bóng bàn năm 72 giữa Nixon và Mao đã tạo nên một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Khiến Mỹ yên tâm bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, tiền đồn chống cộng. Nó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng cũng làm rạn nứt mối quan hệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc. Vì thế, đến Hiệp định Paris, Trung Quốc không còn vai trò gì, không như ở hội nghị Geneva.
Ngày 15/11 tới cũng sẽ hứa hẹn một bước ngoặt khác, có lẽ phụ thuộc vào cách hành xử của ông Tập hơn là ông Biden. Cuộc gặp này sẽ khiến Israel, Nga, Ukraine, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Hàn quốc, Bắc Triều Tiên...cùng nín thở.
Hai đại ca gặp nhau trước rồi Tập mới ngó ngàng tới Việt Nam. Hà Nội lúc đó cũng phải nương theo chiều gió mà núp thôi. Nếu Mỹ-Trung trở nên thân thiết, thì Việt Nam trở nên thừa thãi đối với Mỹ! Nên chả còn cách nào khác là lại rúc vào vòng tay của Trung Quốc ! Nếu Mỹ-Trung căng thẳng thêm thì Việt Nam lại có thêm vị thế để mà mặc cả, đu dây.
Tất nhiên vị thế của Tàu khác hồi 72, nên cũng sẽ không chịu nhún nhường lắm đâu. Nhưng nếu Trung Quốc chỉ cần thân Mỹ, giảm hỗ trợ Nga là Putin cũng khốn.
Khả năng cao là Trung Quốc sẽ bắt cá hai tay, cũng làm cây trúc. Đi đêm với Mỹ để đục khoét Nga, dí Putin vào thế thuộc địa kiểu mới thôi. Vừa làm cây xăng bán rẻ cho Trung Quốc, vừa làm thị trường tiêu thụ hàng Tàu.
P/S:
Sách giáo khoa lịch sử thường dạy các bạn về sự ngạo nghễ cộng sản, tưởng chừng như Việt Nam chủ động được trước nước lớn. Nhưng nếu có kiến thức khách quan về ngoại giao quốc tế nữa thì thấy Việt Nam vẫn chỉ là quân cờ và nương theo chiều gió thôi. Ví dụ một số điểm mốc quan trọng trọng lịch sử nước Việt Nam cộng sản:
Cách mạng tháng Tám thắng lợi thì dựa vào việc Nhật đầu hàng đồng minh, tạo ra khoảng trống quyền lực, Việt Minh nhảy ra cướp được chính quyền mà không đổ máu.
Hiệp định Sơ bộ 1946, được cho là ngoại giao thần thánh của chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đang thù trong giặc ngoài. Nhưng thực tế trước đó Pháp và Trung Hoa Dân Quốc đã thỏa thuận xong rồi, bằng hiệp ước Trùng Khánh. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nương theo không được. Pháp nó đánh ngay.
Hiệp định Geneva được cho là chiến lược ngoại giao tài tình để đuổi Pháp, nhưng lại do Pháp và Trung cộng thỏa thuận với nhau.
Hiệp định Paris cũng là hệ quả của việc Mỹ và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, Mỹ yên tâm bỏ mặc cái đê chống cộng Việt Nam Cộng Hòa bị vỡ.
Tóm lại là không ngạo nghễ được đâu, nước nhỏ phải nương theo nước lớn mà hành xử.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 11.11.2023
No comments:
Post a Comment