Saturday, November 25, 2023

Chiến tranh Ukraina : Cơ hội « tốt » cho phép Mỹ hiện diện ở Biển Đen
Thanh Hà
Đăng ngày: 24/11/2023 - 13:26
RFI

Chiến tranh Ukraina tiếp diễn, các giới chức Mỹ tập trung vào Biển Đen. Cuộc chiến Nga khởi động đang mang lại những hậu quả lớn trên bàn cờ năng lượng quốc tế. Nhà nghiên cứu Edward Hunt đã nhận xét như trên trong bài tham luận đăng hôm 14/11/2023 trên trang mạng của trung tâm nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ Foreign Policy In Focus (FPIF). Tiến sĩ Edward Hunt chuyên nghiên cứu về chiến tranh.

Bản đồ Biển Đen và 6 nước vùng ven: Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Ukraina và Nga. © Wikipedia

Trung tâm nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ Foreign Policy In Focus (FPIF) trực thuộc viện nghiên cứu về chính sách của Mỹ Institute for Policy Studies, trụ sở tại Washington.   

Tiến sĩ Edward Hunt chuyên nghiên cứu về chiến tranh. Ông đã trích dẫn nhiều nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ để khẳng định ba mục tiêu trong việc Washington yểm trợ Ukraina đương đầu với cuộc xâm lược tổng thống Vladimir Putin tiến hành từ tháng 2/2022.

Ba mục tiêu đó gồm : Làm « Suy yếu nước Nga », « Lôi kéo Biển Đen về phía phương Tây » và « Vẽ lại bản đồ năng lượng » quốc tế.  

Edward Hunt nhắc lại, trong hai cuộc điều trần gần đây tại Thượng Viện (ngày 25/10 và 08/11/2023), các quan chức bên bộ Ngoại Giao Mỹ đánh giá chiến tranh Ukraina là phương tiện để « đạt đến mục tiêu địa chính trị trong lĩnh vực năng lượng ở Biển Đen. Đây là một khu vực giàu tài nguyên nối liền nước Nga với Đông Âu và Trung Đông ».

Để chen chân vào vùng biển này, mở một « hành lang đưa dầu hỏa và khí đốt của Trung Á sang châu Âu », thì Mỹ cần « những người lính Ukraina tiếp tục chiến đấu ».

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách về khu vực châu Âu, James O’Brien, trong một tài liệu được trình lên Thượng Viện viết : « Từ lâu nay Hoa Kỳ đã ghi nhân tầm mức quan trọng về mặt địa chính trị của khu vực chung quanh Biển Đen (…) Đây không chỉ là nơi ba thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO và nhiều đối tác của khối này bao quanh. Biển Đen còn là một con đường huyết mạch của các hoạt động giao thương, chẳng hạn như đối với ngũ cốc của Ukraina và một số mặt hàng khác (...). Biển Đen cũng là nơi nhiều tài nguyên năng lượng còn chưa được khai thác ».

Làm suy yếu nước Nga  

Kể từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina, Washington trông thấy cơ hội để « làm suy yếu nước Nga ». Chính quyền Mỹ một mặt nỗ lực yểm trợ Kiev cả về kinh tế lẫn quân sự, giúp Ukraina đối phó với cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin, mặt khác, đã tìm cách làm hao mòn sức lực của Liên Bang Nga cả về « quân sự lẫn kinh tế » : Ukraina có nhiệm vụ kềm tỏa lực lượng quân sự của Nga, trong lúc mà Hoa Kỳ và đồng minh của Washington dồn hỏa lực « cô lập nước Nga về mặt kinh tế, hạn chế các nguồn thu nhập của Matxcơva nhờ xuất khẩu dầu khí ».

Cho đến hiện tại viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraina lên đến 43,9 tỷ đô la. Khoảng 50 quốc gia trong liên minh phương Tây với tổng thống Biden trong vai trò nhạc trưởng đã huy động được thêm 33 tỷ nữa cho chính quyền Kiev. Quyết tâm đó của phương Tây là yếu tố then chốt cho phép Ukraina kháng cự trước sức mạnh của nước Nga. 

Vẫn tác giả bài viết Edward Hunt lưu ý : trong phiên điều trần trước Thượng Viện hôm 25/10/2023, O’Brien đã thẳng thắn nhìn nhận chiến tranh Ukraina là « cơ hội tốt » cho Hoa Kỳ. « Ukraina gánh chịu phần lớn các phí tổn mà cuộc chiến này gây ra» nhưng đây là dịp cho phép Washington « đạt được những mục tiêu quan trọng về mặt địa chính trị ». Quan chức này đã giải thích rõ hơn : một trong những mục tiêu đó là « tăng cường hiện diện của NATO tại Biển Đen » lợi dụng cuộc chiến này để « « mở rộng sự hiện diện quân sự của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trên bộ, trên biển và trên không ».  

Đẩy Biển Đen vào vòng tay của phương Tây

Nói cách khác, trợ lý ngoại trưởng Mỹ O’Brien trực tiếp nhìn nhận đây là thời cơ để « Ukraina và những quốc gia khác chung quanh Biển Đen xa rời với nước Nga ». Về lâu dài đây phải là nơi mà Hoa Kỳ có một « vị trí tốt để kiểm soát những gì đang diễn ra tùy theo diễn biến tình hình ». 

Cũng James O'Brien trong một phát biểu khác nói rõ hơn : Mỹ không hài lòng trước việc Trung Á phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh hay Matxcơva để xuất khẩu dầu khí. Do vậy một giải pháp về lâu dài là thiết lập những đường ống để đưa dầu hỏa và khí đốt qua ngả Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ để sang tận thị trường châu Âu. Và trong tính toán này thì Biển Đen là một mắt xích quan trọng.

Edward Hunt trong bài tham luận trên trang FPIF bình luận : thực ra « từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã quan tâm đến Biển Đen và tìm kiếm cơ hội bắt rễ vào khu vực này » bởi đây là một vùng mà các chính quyền liên tiếp đều xem là mang tính « chiến lược cao » nhất là đối với một số tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ.

« Vẽ lại bản đổ năng lượng »

Phải chăng vì dấu khí, năng lượng mà Mỹ đã hết lòng yểm trợ Ukraina ? Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina Geoffrey Pyatt đặc trách về chính sách năng lượng của Hoa Kỳ trong bộ Ngoại Giao nhìn nhận « những cơ hội lớn đang mở ra cho Hoa Kỳ » ở Biển Đen, khu vực mà ông đánh giá là một mắt xích quan trọng trên « bản đồ năng lượng của châu Âu hiện nay ».

Thay đổi tương quan lực lượng trong vùng, sẽ cho phép « kiến tạo một bản đồ mới về năng lượng chung quanh Biển Đen » trong đó bao gồm cả những kế hoạch « xây dựng những đường ống dẫn dầu và khí đốt, một hành lang năng lượng đưa khí đốt từ các nước Trung Á sang châu Âu ». Chiến tranh Ukraina cũng là cơ hội để « tách rời châu Âu với các nguồn cung cấp năng lượng của Nga ».

Thực tế cho thấy, sau hơn 600 ngày chiến tranh Ukraina « các tập đoàn năng lượng của Mỹ đang có lợi » : xuất khẩu của Nga sang châu Âu giảm mạnh và khí đốt của Mỹ đã lấp vào chỗ trống. Hoa Kỳ « đang trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng nhất của châu Âu ». Châu Âu mà có thêm khí đốt của Trung Á thì các nhà cung cấp Nga sẽ bị việt vị.

Nếu kịch bản này xảy ra thì đúng là « nước Nga sẽ mất đi lợi thế chiến lược về lâu dài ». Edward Hunt nêu lên câu hỏi, trong mắt giới lãnh đạo Hoa Kỳ, chiến tranh Ukraina sẽ còn được là một « cơ hội tốt » trong bao lâu nữa khi mà các phí tổn chiến tranh không ngừng gia tăng mà cũng không ai biết cuộc chiến này đến khi nào mới kết thúc ?

Tác giả bài tham luận về tầm mức quan trọng của Biển Đen đối với Mỹ bằng một tuyên bố cũng của trợ lý ngoại trưởng James O’Brien vào lúc mà chính quyền Biden thuyết phục Hạ Viện đồng ý tiếp tục viện trợ thêm cho Ukraina : « Khó có thể giành lấy thắng lợi trong một cuộc chiến quan trọng nếu như chúng không có thêm phương tiện để chiến đấu trong một thời gian nhất định ».

No comments:

Post a Comment