Friday, November 3, 2023

Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyền
2023.11.03
RFA

Báo chí dưới sự quản lý của nhà nước ở Việt Nam
RFA edited

Ba tổ chức nhân quyền gồm Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House, và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK) kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp báo chí, bảo đảm các nhà báo không bị cầm tù hoặc bị sách nhiễu hay không được hoạt động báo chí.

Báo cáo chung về tự do báo chí gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) được công bố đúng vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, và trước Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam lần thứ tư (UPR4) tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5/2024.

Báo chí là độc quyền của Đảng

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền và là nhà báo tự do, Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí trong suốt gần 80 năm qua dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/11:

Mặc dù Hiến pháđã quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận tự do báo chí nhưng mà trên thực tế người dân Việt Nam hoàn toàn không có quyền chọn báo chí.

Một trong biểu hiện rõ nét nhất là Việt Nam có hơn 700 tờ báo nhưng đều thuộc các cơ quan của Đảng hoặc cơ quan nhà nước còn người dân Việt Nam không được quyền thành lập bất kỳ cơ quan báo chí tư nhân nào.”

Người đồng sáng lập tổ chức xã hội dân sự Hội Anh em Dân chủ hiện đang bị buộc sống lưu vong ở Đức, nói:

Bất kỳ một cái công dân Việt Nam nào khi mà sử dụng quyền tự do báo chí của họ theo hiến pháđều bị trừng phạt, từ nhẹ là phạt hành chính cho đến nặng là ngồi tù.

Nhiều nhà báo bị đối xử tàn tệ trong tù

Trong báo cáo của mình, ba tổ chức nhân quyền nêu lên tình trạng nhiều nhà báo chết hoặc bị đối xử vô nhân đạo trong khi thi hành án tù. Trong năm năm qua, từ năm 2018 đến 2023, có ít nhất một nhà báo, ông Đỗ Công Đương, người thường có những bình luận chính trị trên mạng xã hội, bị chết vì bệnh trong tù cho dù nhiều lần yêu cầu được chữa trị.

Có ít nhất bảy người khác bị đánh đập bởi quản giáo hoặc bị từ chối chữa trị bệnh hiểm nghèo.

Báo cáo nêu lên trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Hoá của Đài Á Châu Tự Do (RFA) bị đánh đập nhiều lần trong lao tù, và bị biệt giam nhiều lần bên cạnh việc bị từ chối chữa trị khối u và không được liên lạc với gia đình. 

Nhiều nhà báo bị án tù dài hạn

Báo cáo chung nhắc lại việc nhiều nhà báo đã bị kết án với những bản án nặng nề, tới 15 năm tù như trường hợp của ông Phạm Chí Dũng- đồng sáng lập và là chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Nhiều nhà báo khác cũng bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với án tù từ 8 năm đến 11 năm vì các bài viết của họ trên các mạng xã hội.

Báo cáo nói các tổ chức nhân quyền đều nhận định rằng các nhà báo trên không cổ suý bạo lực, thù hận hoặc có nội dung có thể bị khép vào tội hình sự.

Nhà thơ kiêm nhà báo Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” chỉ vì nhiều bài viết trên mạng xã hội trong khi nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù chỉ vì hoạt động nhân quyền và viết về chính trị. Bà Trang từng được Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ năm 2022.

Báo cáo nói những trường hợp trên phản ánh xu hướng đàn áp giới báo chí khi họ viết về các vấn đề chính trị.

Bắt cóc nhà báo

Trường hợp Youtuber Đường Văn Thái cũng được nhắc đến trong báo cáo. Ông là một nhà báo tự do bị bắt cóc khi đang tị nạn ở Thái Lan và đã được Văn phòng Cao uỷ LHQ về người tị nạn cấp quy chế.

Báo cáo nói việc Việt Nam bắt cóc và đe doạ bắt cóc nhà báo cho thấy chính quyền độc đảng ở Việt Nam không dung thứ bất đồng đối với những người thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Báo cáo nói có ít nhất hai trường hợp xét xử kín nhà báo và không tuân theo tiêu chuẩn về xét xử công bằng, trong đó có Phạm Đoan Trang. Trong phiên toà xử bà, quyền được bào chữa của bà bị vi phạm khi luật sư của bà bị từ chối khi đề nghị đối chứng. Trước đó, họ chỉ được chuẩn bị bản bào chữa trong thời gian vài tuần.

Nhiều nhà báo bị giam giữ cách biệt với thế giới bên ngoài, số khác bị giam lỏng ở tư gia hoặc bị cấm xuất cảnh.

Nhà báo Lê Anh Hùng, blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) còn bị giam giữ trong bệnh viện và chữa trị tâm thần bắt buộc trong thời gian hơn ba năm.

Báo cáo cho biết trong nửa đầu của năm 2023, có ít nhất 20 nhà báo, người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ trong khi nhiều nhà báo khác là đối tượng bị quản chế tại gia trong các dịp lễ hay có khách quốc tế viếng thăm Việt Nam.

Ít nhất năm nhà báo bị bỏ tù về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Hạn chế quyền tiếp cận thông tin

Trong nhiều năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều luật và nghị định, như Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định 72 để kiểm soát và hạn chế thông tin trực tuyến, buộc các công ty như Google, YouTube, Facebook and TikTok gỡ các video, bài viết, tài khoản có nội dung “bôi xấu đảng và chính phủ.”

Nhiều nhà báo, Facebookers bị bỏ tù hoặc bị phạt tiền chỉ vì đăng tải thông tin bị nhà nước cho là tin xấu hoặc “chưa kiểm chứng.”

Ba tổ chức nói những hành động trên của Chính phủ Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Công ước chống tra tấn.

Báo cáo chỉ ra rằng sau kỳ Kiểm điểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ ba (UPR3) năm 2019, Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị về tự do báo chí, tuy nhiên trên thực tế lại không thực hiện các khuyến nghị này.

Trong phần khuyến nghị, ba tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam trong thời gian dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền,

Hà Nội cần đào tạo viên chức về nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế, và đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, cũng cần phóng thích các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, chấm dứt việc bắt cóc, bắt giữ tuỳ tiện và giam cầm những người thực thi quyền tự do biểu đạt.

Bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các nhà báo cũng như chấm dứt việc giam lỏng hay cấm xuất cảnh đối với họ. 

Việt Nam cũng được khuyến nghị là cần sửa đổi hoặc huỷ bỏ các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

CPJ là tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí và tự do thông tin còn Freedom House là tổ chức cổ suý cho dân chủ và quyền con người trong khi RFK là tổ chức phi chính phủ hợp tác với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự trên toàn cầu để bảo vệ không gian dân sự cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn. Cả ba tổ chức phi chính phủ này đều có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment