Friday, September 15, 2023

Từ sự ra đi của tướng Nguyễn Chí Vịnh
VŨ HẢI LÊ
DIỄN ĐÀN
15/09/2023
VOA

Tướng Nguyễn Chí Vịnh lúc còn đương chức. (Screenshot of Ministry of Defense portal)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá những lời tố cáo của các sĩ quan quân đội đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh là cực kỳ nghiêm trọng…

Cơn ác mộng được báo trước

“Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từ trần” (1). Tít trên “Báo Điện tử Chính phủ” không thể ngắn hơn. Phải thôi, cho đến giờ này, vài tờ báo “mậu dịch” chỉ mới bắt đầu rón rén đưa tin về sự qua đời của vị tướng ba sao đầy tai tiếng. Riêng báo Nhân Dân, cơ quan TW của ĐCSVN, cho đến tối 14/9 vẫn chưa có “lệnh trên” xếp “sự ra đi” của tướng Vịnh thuộc loại nào? Chúa ơi, câu hỏi này nếu bạn gõ vào Google hay ChatGPT thì cả hai cũng không thể giúp gì bạn! Với một cơ chế “kỳ dị” (odd/ weird) của chế độ toàn trị, trong đó đến cả tử thi cũng phải xếp loại; cái chết nào Đảng chỉ coi là loại “Tin buồn” bình thường, còn cái chết nào “quan trọng” hơn, Đảng sẽ xếp vào “Cáo phó”. Thân sinh Nguyễn Chí Vịnh là đại tướng, đỡ đầu Vịnh là cả cả thế lực bất khả xâm phạm một thời, từ Lê Đức Anh đến Lê Khả Phiêu… Còn bản thân Vịnh thì ôm gọn cả an ninh lẫn tình báo. Với vị thế ấy, cái chết của ông chắc phải được Đảng “cáo phó!” Dù sự “cáo phó” ấy là cơn ác mộng đã được biết trước.

Giai đoạn 2002 – 2009, khi còn là Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2, Nguyễn Chí Vịnh được xem là ông vua một cõi. Là người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội, Vịnh không những nắm bí mật quốc gia, mà ông còn nắm giữ nhiều chuyện thâm cung bí sử của các đồng chí trong Trung ương Đảng, mà đặc biệt là Bộ Chính trị. Người nắm được nhiều thông tin nhất, thì kẻ đó là mạnh nhất. Đến 2009, Nguyễn Chí Vịnh rời "tổ kén" Tổng Cục 2, nhận ghế Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, “ngồi ở phòng chờ” tiếp quản cái ghế Bộ trưởng. Nhưng thật ra đấy chỉ là cái bẫy! Thấy Vịnh tự tung tự tác một cõi quá nguy hiểm, ngay đến các đồng chí trong Ban bí thư và Bộ tứ nhiều khi cũng “nghẹt thở”, Bộ Chính trị liền áp dụng kế “điệu hổ ly sơn”, đưa cái ghế Bộ trưởng Quốc phòng làm mồi nhử. Và thế là Vịnh mắc bẫy! Bước sang 2016, Vịnh “lấm lưng” trước Ngô Xuân Lịch. Đến năm 2021 lại thất bại tiếp trước Phan Văn Giang. Thế là chỉ còn chuyện về vườn. Quan chức về vườn là xem như "hổ bị bẻ nanh", sẽ không bị ai triệt hạ nữa. Tuy nhiên, với trường hợp của Vịnh thì khác. Về vườn cũng không được yên, bởi ông ta biết quá nhiều.

Bất ngờ, mới đây, trong chương trình thời sự của VTV1 buổi 19g tối 31/8, hàng chục triệu khán giả đã chứng kiến, Nguyễn Chí Vịnh xuất hiện. Trong phóng sự này của VTV1, ông Vịnh ca ngợi cuốn sách nhan đề "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, mới xuất bản. Và số đông khán giả đều bị sốc, họ sốc thực sự, khi thấy Tướng Vịnh hốc hác, gần như hết sạch tóc, và gương mặt đầy dấu ấn của việc xạ trị ung thư. Khác hẳn so với vừa mới hôm nào, Nguyễn Chí Vịnh còn rất phong độ, đúng phong thái của một ông Thượng tướng. Người ta đi từ bất ngờ đến ngạc nhiên, khi Tướng Vịnh, trong một thể trạng tồi tệ của một bệnh nhân đang điều trị ung thư, tại sao lại xuất hiện trên truyền hình để ca ngợi ông Trọng làm gì? Nhìn Vịnh trong tình trạng sức khỏe suy sụp, bạn bè, người thân của Vịnh bức xúc nói, "Chết đến đít rồi còn phỏng vấn cái nỗi gì. Đúng là điên!" (2)

Đánh bóng chạy tội vẫn không thoát

Trong thời gian “tranh tối tranh sáng” chuẩn bị nghỉ hưu, Vịnh đôn đáo lo “thanh nga thanh minh”, dù vẫn biết thanh minh là thú tội. Với khứu giác của một tướng tình báo, Vịnh ngửi thấy “mùi khét” không an toàn quanh mình. Nhưng “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” (Nguyễn Du). Trong cơn túng quẫn, tướng Vịnh liên tiếp ra “hai đòn” trả lời phỏng vấn trên báo quốc doanh. Bài thứ nhất xuất hiện hôm 31/05/2021 (3), bài thứ hai hôm 01/06/2021, cùng trên VnExpress (4). Cả hai đều được khá nhiều trang mạng khác đăng lại. Những người dàn dựng “sô diễn” này còn bố trí để phía dưới mỗi bài, nhung nhúc hàng loạt các dư luận viên từ “lữ đoàn 47” tung hô nội dung cũng như cá nhân người trả lời phỏng vấn lên tận mây xanh. Tuy nhiên, “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Câu ngạn ngữ này “trúng phóc” cho loạt bài trả lời phỏng vấn của tướng 3 sao Nguyễn Chí Vịnh. Thật là “sự đời như cái lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha sự đời!” Tướng Vịnh những ngày ấy còn tỉnh táo, và có lẽ ông đã thốt lên như vậy (?)

Thật ra chẳng ai lại yêu cầu một ông tướng tình báo phải đưa “cả ổ bánh mì” lên “giao ban” trên truyền thông. Nhưng kiểu “đánh bóng cá nhân” cũng như cách “chạy tội” cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu cho thấy, thượng tướng Vịnh quá chủ quan và coi thường dư luận. Cả hai bài trả lời phỏng vấn của ông đều được chuẩn bị theo kiểu nói nước đôi, “vòng vo Tam Quốc”. Tuy nhiên, tựu chung lại có thể gom thành hai chủ đề chính là mua sắm vũ khí quốc phòng và thái độ đối với các mối quan hệ Việt – Trung từ chục năm trở lại đây. Thật ra, tướng Vịnh biết, những chủ đề này sẽ còn đeo bám ông, kể cả sau khi về đến thế giới bên kia. Nếu như đời này, kiếp này ông vẫn chưa có cách nào trả được “những món nợ thế kỷ này” cho dân tộc Việt Nam (5).

Đi vào một số câu chuyện cụ thể, ông Vịnh vừa “đánh bóng” cá nhân, vừa “chạy tội” cùng với các quan thầy Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu. Ông nhắc đến lần tháp tùng Lê Khả Phiêu nhân “một chuyến đi đầy khó khăn nhưng đặc biệt thành công” (trong việc cắt nhượng hẳn một phần đất biên giới cho “bạn vàng”). Cũng vì lẽ đó, ông đành phải lờ tịt cáo buộc ghi trong chương 20, sách “Bên thắng cuộc” do nhà báo Huy Đức tố: “Là một vị tướng quân đội mới bắt đầu làm chính trị, ông Lê Khả Phiêu đã không tránh khỏi những ứng xử thiếu kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo cơ mưu của Bắc Kinh. Những quyết định đưa ra trong nhiệm kỳ của ông đã từng bị chỉ trích cả trong nội bộ và trên dư luận, nhất là đối với những quyết định gay go để kết thúc đàm phán Hiệp định Biên giới Việt Nam – Trung Quốc” (6).

Còn tướng Lê Đức Anh là kẻ từng ra lệnh cho 64 chiến sỹ Gạc Ma không được nổ súng khi Trung Quốc tràn lên chiếm đảo vào năm 1988. Dư luận ở Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm cho rằng đã có lệnh từ cấp cao, mà nhiều người cho đó là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Nhiều ý kiến nói thẳng thừng, lệnh ấy là từ đại tướng Lê Đức Anh, không cho phép các chiến sỹ được nổ súng kháng cự. Ấy vậy nhưng tướng Vịnh lại lã chã: “Trước lúc đại tướng Lê Đức Anh mất, di nguyện của ông là phải đưa bằng được họ (64 chiến sỹ Gạc Ma) về quê nhà” và đó cũng là “điều mà tôi (tức ông Vịnh) day dứt vì chưa làm được”. Thật là thầy nào thì trò ấy khi cùng “diễn” những giọt nước mắt cá sấu!

Trở lại với vấn đề mua sắm vũ khí và luyện quân trong thời bình, dường như tướng Nguyễn Chí Vịnh đã hiểu sai (nếu như không muốn nói là cố tình xuyên tạc) câu ngạn ngữ La-tinh đầy chất minh triết: “Nếu bạn thật sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis bellum para pacem). Câu của ông Vịnh trong bài trả lời phỏng vấn thì ngược lại: “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”. Nói ông hiểu sai hay cố tình xuyên tạc là ở chỗ: Ngạn ngữ La-tinh là một câu kinh điển, mạnh mẽ và dứt khoát. Đó là một mệnh đề phức hợp có điều kiện. Còn câu trả lời của tướng Vịnh phản ánh một thứ chủ nghĩa chiết trung, đầy nguỵ biện. Nó không quả quyết và cũng chẳng dứt khoát. Chỉ được trưng ra như một giả định, với hai mệnh đề song song, dùng chủ nghĩa chiết trung và thuật nguỵ biện để ru ngủ quân đội lơ là phòng thủ. Làm cho quân đội mất cảnh giác bằng cách nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa đầu hàng vô lối là một cách tiếp tay cho bành trướng Bắc Kinh. Thuật nguỵ biện ở đây là: ông Vịnh, tuy có chú ý tới những mối liên hệ khác nhau của sự vật, nhưng lại đưa cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất. “Luyện quân” mà không trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thì luyện để làm gì? “Mua vũ khí hiện đại” mà không chuẩn bị tinh thần để trút lên đầu kẻ thù thì chỉ để ngắm vũ khí chăng? (7)

Câu chuyện cũ nhưng không cũ

Câu chuyện cách đây hơn 10 năm của 38 sĩ quan cao cấp và cán bộ lão thành đã ký chung một tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam, phản đối việc tước quân hàm sĩ quan của trung tá Vũ Minh Trí và khai trừ ông khỏi hàng ngũ ĐCSVN hoá ra vẫn không cũ. Trung tá Vũ Minh Trí, từng là người đã tố cáo những sai phạm của Nguyễn Chí Vịnh, hồi bấy giờ mới chỉ là trung tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng phe nhóm, trong nhiều năm đã làm mưa làm gió tại TC2. Những việc làm sai trái của Vịnh cũng bị chính đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tố cáo từ lâu.

Trước thời gian ấy, ngày 10/06/2009, trong thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đại tướng cũng chỉ rõ: “Qua thư của đồng chí Vũ Minh Trí, tôi thấy đây là sự tố cáo của một cán bộ, một đảng viên có trình độ và có trách nhiệm cao, dũng cảm, dám tố cáo những hành động mà mình cho là sai trái đang gây nguy hại đến Đảng, đến Quân đội. Đây là sự tố cáo theo đúng điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước của một cán bộ, đảng viên đương chức, của người trong cuộc, không phải là một thư nặc danh, thư của người ngoài cuộc. Nếu đúng như đơn tố cáo thì đây là một tình hình cực kỳ nghiêm trọng”. (9).

No comments:

Post a Comment