Nguyễn Chí Vịnh [1959-2023]Huy Đức
14-9-2023
Tiengdan
Ngày 8-2-2023, tôi nhận được cuốn sách “Người Thầy” với lời đề tặng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, “Thân tặng anh Huy Đức Osin/ Bài học vỡ lòng của tôi trong nghề viết lách”.
Đọc xong, tôi nhắn anh ấy:
“Cuốn sách rất hấp dẫn nhưng tôi vẫn phải đọc chậm rãi. Rất nhiều ký ức dội về. Những người như tôi đọc được rất nhiều tầng ngữ nghĩa mà anh gửi gắm. Cho dù, về cách nhìn các sự kiện chính trị giữa tôi và anh có nhiều chỗ không giống nhau. Nhưng phần lớn tư liệu và những vấn đề anh đề cập rất bổ ích đối với tôi. Đặc biệt, phần ‘con người’ được anh viết rất xúc động. Tôi không chỉ hiểu thêm ‘Người Thầy’ mà hiểu thêm về anh. Những câu chuyện như vậy chắc chắn sẽ làm nhiều người điều chỉnh cách nhìn về một con người ‘quá phức tạp’ như anh. Rất cám ơn anh về cuốn sách, mong anh tiếp tục chiến thắng trong ‘cuộc chiến’ mà anh đang phải đối đầu này.”
Tôi và Tướng Vịnh rất ít khi trao đổi trực tiếp. Hôm ấy, 28-2-2023, “Hộp Thư” nói, “Bốn ngày hôm nay ông ấy nhận được kết quả điều trị, tươi tỉnh hơn nhiều”.
Tướng Vịnh nhắn lại:
“Vâng. Cám ơn anh. Tôi rất muốn nghe nhận xét của anh về cuốn sách, và về cả những điều chưa nói về cuộc chiến CPC của chúng ta nữa”.
“Cuộc chiến CPC của chúng ta”.
Năm 1983, tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn để học ở trường Chuyên gia Quân sự 481. Xuống ga Bình Triệu, tôi đi xe lam về nhà bà chị ở đường Phan Bội Châu, phía đối diện chợ Bà Chiểu. Chồng chị tôi lúc ấy đang là một Trưởng ban của Đoàn 12 [Đơn vị Tình báo Quân đội ở CPC]. Nhà chị tôi trong một hẻm thông yên tĩnh, cửa luôn mở vì ở lầu trên cùng, luôn có lớp học một thầy, một trò. Học trò ở trên ấy, đi đến đều bịt mặt, ra vào lúc nào chúng tôi không biết; thầy cũng bịt mặt, lặng lẽ đến, lặng lẽ đi.
Tình báo mà tôi biết lúc đó, gần giống như trong tiểu thuyết.
Tôi sang CPC cùng năm với Nguyễn Chí Vịnh, cùng đeo quân hàm trung úy; nhưng tôi hành quân lặng lẽ còn Nguyễn Chí Vịnh được một trung tá, thư ký Tướng Lê Đức Anh, ra sân bay đón.
Ảnh: Yên BaĐoàn 12 đóng trong một đoạn phố bị chặn lại cạnh Đài Độc Lập. Khi còn ở thủ đô Phnom Pênh, tôi hay sang đấy thăm ông anh. Vịnh khi ấy cũng chưa thực sự là sĩ quan tình báo. Chúng tôi có ngồi uống trà vặt với nhau. Tôi ở CPC tới năm 1987, vì thế, tôi “đọc” được trong “Người Thầy” nhiều hơn những gì Tướng Vịnh muốn nói về “cuộc chiến CPC của chúng ta”.
Mấy năm sau khi công bố cuốn Bên Thắng Cuộc, mấy người bạn chơi chung nhắn, “Năm Vịnh mời mày xuống Chèm uống rượu”. Tôi trả lời, “Rất muốn gặp lại Tướng Vịnh nhưng chờ khi anh ấy nghỉ hưu đã”.
Ba tháng sau khi Tướng Vịnh thôi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đến nhà tôi với một thùng rượu và những người bạn chung. Vừa ngồi xuống ghế đối diện, ông mắng: “Tại sao phải chờ tôi nghỉ hưu ông mới gặp?”
Tôi không đủ thân để trả lời thật câu hỏi ấy. Như tất cả những nhà tình báo khác, chúng ta chỉ biết họ một phần. Tướng Vịnh tiếp quản Tổng Cục II ở thời điểm mà cơ quan này có rất nhiều vấn đề, có những vấn đề ông can dự. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, tôi đã phải viết những điều khiến rất nhiều nhân vật lịch sử và người thân của họ không hài lòng. Những điều tôi viết về Tổng Cục II chắc chắn Tướng Vịnh không hài lòng.
Trong số những người không hài lòng và trong số những cách xử sự của họ mà tôi biết, cách xử sự của Tướng Vịnh với tôi là vừa bản lĩnh, vừa “lính”, vừa sâu xa, rất chính trị.
Tất nhiên tôi đánh giá Tướng Vịnh không chỉ trên những gì ông đối xử với mình. Tôi không ngại ngần khi nhận xét thẳng với ông, “anh phức tạp hơn rất nhiều những gì chúng tôi biết”. Khi Tướng Vịnh bắt đầu viết, tôi nói, nếu Tướng Vịnh nói ra hết sự thật, lịch sử sẽ được bổ sung rất nhiều khoảng tối.
Trong cuốn, “Một Số Vấn Đề Về Đường Lối Quân Sự, Chiến Lược Quốc Phòng…” mới xuất bản của TBT Nguyễn Phú Trọng, phần III, phần do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chấp bút, có rất nhiều thông tin như thế.
Ông thẳng thắn: “Trong bối cảnh, tình hình mới đặt ra yêu cầu ‘tinh, gọn, mạnh’ thì cũng phải tiếp tục làm rõ những định hướng dài hạn… Ví dụ: Kháng chiến chống Mỹ, với khoảng 10 trường quân sự cung cấp đủ cán bộ cho cả một đội quân 1,5 triệu người, góp phần tạo nên sức mạnh của quân đội để đánh thắng. Trong khi đó, Quân đội vào thế kỷ XXI có tới hàng trăm trường, đồng nghĩa với hàng trăm bộ máy chỉ huy, hàng trăm doanh trại, hàng trăm dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật… thế mà vẫn mở thêm các trường, điều đó làm sao mà lý giải được”.
Đặc biệt, chỉ ông, trong cuốn sách của Tổng bí thư, mới cho chúng ta biết:
“Hay như về vũ khí, trang bị, việc mua ngay một lúc 6 tàu ngầm kilo cũng không hoàn toàn là một phương án tối ưu, xét từ góc nhìn chung của quốc tế về hiệu quả khai thác, sử dụng cũng như khả năng răn đe. Có thể dẫn chứng, Australia là một quốc đảo, nhưng thời gian đầu họ cũng chỉ thuê một tàu ngầm 20 năm để sử dụng thử nghiệm, sau đó mới tính chuyện mua bán. Cho nên, việc Việt Nam mua một lúc 6 tàu ngầm thì họ đánh giá là: To gan nhất thế giới, thích là mua, vừa tốn ngân sách, vừa lo bảo đảm kỹ thuật, vừa không thiết thực”.
Ông còn hai cuốn sách, theo ông Bình Ca, đã viết mà chưa xuất bản.
Câu chuyện “mua 10 tỷ đô la vũ khí, khí tài” này diễn ra trong nhiệm kỳ X [trước 2011], khi mà Tướng Vịnh vừa thấy “tự hào vừa băn khoăn, trăn trở sâu xa”, sự trăn trở của một người nghiên cứu “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”. Khi mà, theo ông, “Có lẽ bộ trưởng Phùng Quang Thanh chưa nhận thấy tính cập thiết của Văn kiện ‘Chiến lược quốc phòng Việt Nam’, nên không mặn mà với ý tưởng này”.
Phải tới nhiệm kỳ XI, sau cuộc gặp TBT Nguyễn Phú Trọng [diễn ra ngày 22-11-2012] sau “13 câu hỏi của Tổng Bí thư”, nhiều quyết định mới được đặt ra trên nền tảng tư duy chiến lược.
Trước và sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam vừa qua, nhiều người làm việc “inside” của cả hai bên đều có nhắc đến vai trò của Tướng Vịnh trong cả một tiến trình dài xử lý các vấn đề gai góc liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ.
Tôi vẫn giữ suy nghĩ, “Tướng Vịnh phức tạp hơn những gì chúng ta biết”. Nhưng, với những gì chúng ta biết thì ông rõ ràng là một chính trị gia có tài. Trong phần lớn những nhà lãnh đạo “đồng triều”, ông không chỉ nổi tiếng hơn mà thực sự nổi bật hơn. Cả sự hiểu biết về thời cuộc, tư duy chiến lược và kỹ năng chính trị, Thượng tướng Nguyễn Chị Vịnh có những tố chất mà nhiều người ngang ông và cả trên ông không có.
Tôi không bất ngờ về tin, nửa đêm qua ông mất.
Hôm 5-7-2023, tôi lặng lẽ tham quan bảo tàng Nguyễn Chí Thanh. Tôi đi rồi ông mới biết nên điện thoại đề nghị tôi quay lại. Hôm ấy ông ngồi xe lăn, không để cho tôi có một giây hỏi thăm sức khỏe, ông đề nghị tôi nhận xét về Bảo tàng và nói rất say sưa về các vấn đề lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn…, những chuyến đi Trung Quốc và những quyết định về “sử dụng bạo lực ở miền Nam” có cha ông, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, can dự. Sau chừng 30 phút thì ông kêu mệt, xin lên phòng nghỉ.
Trong số con cái của các nhà lãnh đạo cộng sản thuộc thế hệ “khai chế độ”, Nguyễn Chí Vịnh cho thấy ông là người tài năng hơn và thành công hơn.
Hôm uống rượu say túy lúy ở Chèm, tôi nói với ông, Trong lớp học ở Trường Chuyên gia Quân sự 481 năm 1983 của tôi, có rất nhiều bạn từ Đại học Công an Vũ Trang [nay là Học viện Biên Phòng] được điều sang Cục II. Tôi rất muốn biết bây giờ họ ra sao. Ông nói, “Để hôm nào tôi gọi chúng nó tới đây uống rượu, có thằng giờ là tướng đấy”.
Như vậy là cuộc gặp mà tôi chờ đợi ấy đã không còn có thể xảy ra và tôi và ông cũng không còn cơ hội để nói chuyện với nhau về “Cuộc chiến CPC của chúng ta” như ông đề nghị nữa.
No comments:
Post a Comment