Nga, Bắc Triều Tiên tăng cường quan hệ: Thách thức mới về an ninh đối với phương Tây
Thanh Phương
Đăng ngày: 13/09/2023 - 14:14
RFI
Trước hết, việc chọn sân bay vũ trụ Vostochny làm nơi diễn ra cuộc gặp giữa Vladimir Putin và Kim Jong Un mang tính biểu tượng rất cao, nhất là vì hôm nay tổng thống Nga đã nêu khả năng Matxcơva sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo các vệ tinh nhân tạo, sau khi Bắc Triều Tiên đã hai lần thất bại trong việc đặt lên quỹ đạo một vệ tinh do thám quân sự.
Đối với nhà nghiên cứu An Chan Il, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Thế giới về Bắc Triều Tiên, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, sân bay vũ trụ nói trên là một nơi lý tưởng, vì nó đáp ứng các lợi ích của cả hai bên. Nga thì cần đến kho đạn pháo có từ thời Liên Xô của Bắc Triều Tiên để phục vụ cho chiến trường Ukraina. Theo nhà nghiên cứu này, nếu các giàn phóng rocket đa nòng và đạn pháo của Bắc Triều Tiên được cung cấp cho Nga với số lượng lớn, điều này có thể sẽ có tác động đáng kể lên cuộc chiến tranh tại Ukraina, vào lúc mà lực lượng Kiev đang gặp rất nhiều khó khăn trong chiến dịch phản công.
Chính vì vậy mà từ tuần trước, Nhà Trắng đã cảnh cáo Bắc Triều Tiên là nước này “sẽ trả giá đắt” nếu cung cấp cho Nga các vũ khí dùng cho chiến trường Ukraina.
Về phần mình, Bình Nhưỡng không chỉ cần công nghệ vệ tinh, mà còn cần sự trợ giúp của Matxcơva để hiện đại hóa kho vũ khí từ thời Liên Xô, đặc biệt là cho không quân và hải quân.
Nhưng điều đáng lo ngại, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Bruce Bennet, thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, trả lời hãng tin ABC News, đó là Nga có thể sẽ hỗ trợ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cung cấp cho Bình Nhưỡng các công nghệ cần thiết để có thể phóng thành công các đầu đạn nguyên tử gắn trên các tên lửa tầm xa. Mức độ đe dọa của vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Theo hai chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Victor Cha và Ellen Kim, được ABC News trích dẫn, có lý do để nghi ngờ là Matxcơva đã chia sẻ các thông tin quân sự nhạy cảm cho Bình Nhưỡng, đặc biệt thể hiện qua những tiến bộ gần đây của Bắc Triều Tiên trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Mặt khác, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Bruce Bennet, trong khi tổng thống Putin có vẻ muốn tránh xung đột trực tiếp với khối NATO, thì Kim Jong Un lại dùng nguy cơ chiến tranh với phương Tây như là một công cụ chính trị để giúp ông duy trì quyền lực, để biện minh cho việc tiếp tục đầu tư tài lực và nhân lực cho việc phát triển vũ khí, mặc dù đa số người dân Bắc Triều Tiên đang đói khổ.
Các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho tới nay đã không ngăn cản được Bình Nhưỡng liên tục phóng các tên lửa, và như vậy là Mỹ có ban hành các trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng thì cũng sẽ không ăn thua gì. Cho nên nhà nghiên cứu Bruce Bennet kêu gọi chính quyền Joe Biden phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chận tham vọng vũ khí của Bắc Triều Tiên, không để cho nước này tiếp tục là một nguy cơ đối với ổn định của vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Hai chuyên gia Victor Cha và Ellen Kim thì đề nghị chính quyền Biden nên giải mật các thông tin tình báo về quan hệ hợp tác giữa Nga và Bắc Triều Tiên và thu hút sự chú ý của quốc tế về mối quan hệ này, đồng thời cảnh cáo Trung Quốc là không nên dung thứ hay tham gia trực tiếp vào quan hệ đối tác Matxcơva - Bình Nhưỡng.
Rốt cuộc có lẽ chỉ có Trung Quốc là cường quốc duy nhất có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga phục vụ chiến tranh Ukraina, theo cái nhìn của Fyodor Tertitskiy, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên, Đại học Kookmin ở Seoul. Thật vậy, cho tới nay Bắc Kinh vẫn là nguồn yểm trợ chủ yếu về kinh tế và chính trị cho Bình Nhưỡng. Nếu Trung Quốc không đồng tình với thỏa thuận buôn bán vũ khí giữa Bắc Triều Tiên với Nga, thì tổng thống Putin chắc sẽ khó mà bỏ ngoài tai lời cảnh báo đó và Kim Jong Un cũng có lẽ sẽ không dám phớt lờ đồng minh Bắc Kinh. Còn nếu Matxcơva và Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về buôn bán vũ khí thì rõ ràng đã có sự chấp thuận ngầm của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment