Hành xử thiển cận, Trung Quốc « giúp » chuyến đi Việt Nam của ông Biden thành công
Thụy My
Đăng ngày: 13/09/2023 - 13:13
RFI
Tấm bản đồ chọc giận tất cả các quốc gia láng giềng
Chế độ cộng sản Trung Quốc hôm 28/08 đã tung ra một tấm bản đồ mới với các đường biên giới được « cập nhật », chủ yếu là chiếm gần trọn Biển Đông, gây ra một loạt phản ứng dữ dội nơi các quốc gia liên quan. Bản đồ của bộ Tài Nguyên Trung Quốc thêm vào một « đoạn thứ 10 » vào « đường 9 đoạn » do Tưởng Giới Thạch vẽ ra từ năm 1948, rồi Mao Trạch Đông lấy lại, ôm trọn 90 % vùng biển chiến lược đang được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đòi hỏi chủ quyền.
Tuy những đảo này nhiều khi nằm cách Hoa lục đến hơn 1.000 kilomet, « đường lưỡi bò » vẫn liếm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước bên cạnh. Phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng việc công bố bản đồ là chuyện bình thường, kêu gọi các láng giềng « bình tĩnh và khách quan ». Nhưng hành động diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã khiến bốn quốc gia nằm cạnh Biển Đông lên án mạnh mẽ hơn thường lệ.
Hà Nội thẳng thừng « bác bỏ » yêu sách « đơn phương » của nước láng giềng khổng lồ, coi đây là sự vi phạm chủ quyền của mình, vào lúc chuẩn bị tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Việt Nam đặc biệt quan ngại trước vòi bạch tuộc Trung Quốc lấn sang các mỏ khí đốt ngoài khơi, và những vụ xâm nhập thường xuyên vào vùng đặc quyền kinh tế. « Đường lưỡi bò » tham lam trên vùng biển giàu tài nguyên đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 tuyên bố là « vô căn cứ », và bản đồ mới làm không khí hội nghị ASEAN, có thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham gia, trở nên nặng nề hơn.
Kinh tế xuống dốc, Tập Cận Bình hung hăng hơn với bên ngoài
Việc dùng đến bản đồ để khẳng định yêu sách lãnh thổ là kiểu cách xưa nay của Trung Quốc cộng sản. Việt Nam mới đây đã cấm chiếu bộ phim Mỹ Barbie vì một cảnh có đường 9 đoạn. Sự kiện Bắc Kinh thêm vào đoạn thứ 10 cho thấy Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ ba càng hung hăng hơn, với ám ảnh « bị Mỹ bao vây ».
Le Figaro nhắc lại, Mao đã từng giảm đường 11 đoạn xuống còn 9 đoạn để ve vuốt Bắc Việt thời ông Hồ Chí Minh năm 1953, qua việc từ bỏ Vịnh Bắc Bộ, nhưng sau lại xua quân chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Giờ đây kinh tế đang suy sụp, Tập Cận Bình với xu hướng bá quyền, huy động quần chúng « bảo vệ tổ quốc ».
Chuyên gia Bill Hayton nhận xét : « Chẳng có gì mới kể từ những yêu sách năm 1948. Bản đồ mới này nằm trong chiến lược quyết đoán hơn của đảng, và nhằm tuyên truyền trong nước. Họ lặp lại quan điểm, bất cần phản ứng của các nước khác ». Bắc Kinh thậm chí còn muốn cấm những trang phục đụng chạm đến « tình cảm quốc gia », với những bản án tù. Sự cứng rắn này làm phức tạp thêm hoạt động của ngành ngoại giao, sau khi ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) đột ngột « mất tích » và bị cách chức không một lời giải thích.
Bắc Kinh khiến phe bảo thủ ở Hà Nội trong thế bất lợi ?
Sự hung hăng của Bắc Kinh tạo điều kiện cho chuyến công du của tổng thống Joe Biden tại Hà Nội, sau khi hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Đà Nẵng cách đây vài tuần.Theo Bill Hayton, « Cách hành xử của Trung Quốc là thiển cận, vì làm hại đến nỗ lực của những đồng minh tốt nhất của Bắc Kinh trong nội bộ chế độ Việt Nam », trong khi cuộc đấu tranh quyền lực đang dữ dội giữa phe bảo thủ thân cận với Bắc Kinh và những người ủng hộ mở cửa với phương Tây.
Trước nhu cầu thế giới đang giảm sút, con rồng Việt Nam tìm kiếm đầu tư và đối tác Mỹ khi các nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên ông Hayton cảnh báo « Việt Nam sẽ không bao giờ liên minh với Mỹ chống lại Trung Quốc ». Trọng lượngkinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh ở ASEAN là kênh gây ảnh hưởng quan trọng. Chuyên gia Benoit de Treglodé của Viện Nghiên cứu Chiến lược cho rằng : « Trung Quốc tiến hành chiến dịch vận động hiệu quả lên giới tinh hoa Đông Nam Á, đã mệt mỏi với các bài học về dân chủ của phương Tây ». Tuy nhiên sự sa sút hiện nay của nền kinh tế thứ nhì thế giới làm u ám thêm viễn cảnh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Le Figaro cũng chú ý đến việc Matxcơva « bỏ qua » cho « sai sót » về tấm bản đồ của « người bạn không giới hạn », dù Bắc Kinh đã tiện tay gộp luôn cả hòn đảo Bolchoi Ussuriisk mà Nga sở hữu phân nửa theo hiệp ước năm 2008. Bị phương Tây cấm vận, Matxcơva đang lệ thuộc nặng nề vào nguồn hàng cung cấp từ Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Nga hôm 31/08 nói rằng đây là « vấn đề kỹ thuật », ngoại trưởng Serguei Lavrov đang công du châu Á không hề lên tiếng phản đối, thay vào đó ông Lavrov tố cáo chiến lược Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương « ngăn chận Trung Quốc và cô lập Nga ».
Gián điệp Trung Quốc : Thêm một vụ gây rúng động nước Anh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro và Les Echos nói về « Một vụ gián điệp mới của Bắc Kinh gây chấn động Nghị Viện Anh ». Cảnh sát xác nhận bắt giữ hai nghi can, loan báo này gây ra một làn sóng thù địch mới đối với Trung Quốc. Thủ tướng Anh bày tỏ « quan ngại mạnh mẽ » trước kiểu can thiệp của Bắc Kinh.
Theo cảnh sát Anh, hai người đã bị bắt hôm 13/03, một ở gần Oxford và một ở Edimbourg vì nghi ngờ vi phạm luật bí mật quốc gia. Tờ The Times nêu tên người thứ hai là Chris Cash, một nhà nghiên cứu 28 tuổi được tuyển mộ bởi Alicia Kearns, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ Viện. Cash thường xuyên tổ chức những buổi tranh luận tại một pub ở gần Nghị Viện. Xuất thân từ một gia đình khá giả, tốt nghiệp khoa Sử đại học St Andrews ở Scotland, Chris Cash có thời gian làm việc tại Trung Quốc. Thông qua các luật sư, người này nói rằng mình vô tội. Cả hai nghi can được cho tại ngoại hầu tra. Năm ngoái, tình báo Anh cũng đã lật tẩy bộ mặt của một nữ gián điệp Trung Quốc là Christine Lee, vốn rất tích cực hoạt động trong giới chính trị, kể cả thông qua tài trợ.
Bắc Kinh bác bỏ tất cả cáo buộc, nói rằng đây là « thủ đoạn bài Hoa ». Tiết lộ trên đây được đưa ra vào lúc chính giới Anh đang tranh cãi kịch liệt về quan hệ với Trung Quốc, dập tắt ý định của ông Rishi Sunak muốn tái lập đối thoại với Bắc Kinh. Bộ trưởng Nội Vụ Suella Braverman và quốc vụ khanh phụ trách an ninh Tom Tugendhat gây áp lực để chính phủ coi Trung Quốc là mối đe dọa cho an ninh và lợi ích của Anh quốc, nhưng bộ Tài Chánh, Thương Mại và Ngoại Giao lo ngại về hệ quả kinh tế.
Kiev tìm kiếm sự ủng hộ của các nước phương Nam
Le Monde nhận xét « Những bước ngắn của Ukraina hướng về các nước phương Nam » : Kiev cố gắng làm thăng bằng trở lại ngành ngoại giao đang chủ yếu nhắm vào phương Tây. Đang trong chiến dịch phản công trên chiến trường, gần đây Ukraina vui mừng trước những thành tựu nho nhỏ trên mặt trận ngoại giao. Khi những nước như Đông Timor hay Cam Bốt quyết định lên án Nga xâm lăng, tại Kiev người ta gần như muốn hô vang chiến thắng.
Ngược với quân đội vốn đã tăng cường từ sau những cuộc tấn công đầu tiên của Nga từ 2014, ngoại giao Ukraina không chuẩn bị cho một cuộc chiến trên trường quốc tế. Hôm thứ Bảy 09/09, Oleksandr Korniyenko, phó chủ tịch Quốc hội mô tả cú sốc của các chính khách Ukraina khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết : « Chúng ta không hề chờ đợi một số lượng vắng mặt lớn như thế, và nhận ra rằng phải nghĩ đến một chiến lược. ».
Ukraina không có đại sứ quán ở châu Phi, chính sách đối ngoại hoàn toàn hướng đến phương Tây. Trong những tháng đầu của cuộc chiến, việc làm truyền thông của tổng thống Volodymyr Zelensky và ê-kíp của ông tạo hiệu quả lớn nơi công luận và các chính phủ phương Tây, nhất là sau vụ thảm sát Bucha. Nhưng hiệu ứng Zelensky không có được nơi « các nước phương Nam », do hoạt động ngoại giao, tuyên truyền của Nga, và ảnh hưởng lịch sử từ thời Liên Xô.
Những tháng gần đây, ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã đến thăm 11 nước châu Phi. Các nhà báo Mỹ la-tinh và châu Phi được Ukraina mời đến, không chỉ gặp tổng thống mà cả các dân biểu, đại diện xã hội dân sự và chiến binh trên mặt trận. Kiev tiếp xúc với những nước ít thân thuộc như Ả Rập Xê Út, hoan nghênh Trung Quốc tham dự hội thảo về hòa bình cho Ukraina. Trong số những dấu hiệu tích cực có việc Cam Bốt đã giúp đào tạo một ê-kíp gỡ mìn cho Ukraina mà không hề quan tâm đến ý kiến của đồng minh lớn Bắc Kinh. Tuy vậy ngoại giao Ukraina còn nhiều việc phải làm : Ấn Độ của ông Modi không mời tổng thống Zelensky tham dự G20.
Một G20 bất công cho Ukraina
Về hội nghị này, xã luận của Le Monde nhận định « Một G20 không mấy kết quả », Les Echos cho rằng « Ukraina phải trả giá cho những thỏa thuận của G20 ở New Delhi ». Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc hôm Chủ nhật 10/09 là một thắng lợi cho thủ tướng nước chủ nhà, ông Narendra Modi, trong việc tô điểm hình ảnh của mình trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Nhưng thất vọng cũng rất lớn về thông cáo chung, ở phần nói về Ukraina. Cuộc xâm lăng của Nga chỉ được nêu ra trong một đoạn ngắn rất chung chung, khác hẳn với thông cáo của G20 lần trước ở Bali. Tên của kẻ gây chiến biến mất, và không hề lên án hành động này, chỉ đề nghị tôn trọng « chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các Nhà nước ».
Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, hết sức mâu thuẫn khi tỏ ra ngưỡng mộ chủ trương đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi, nhưng lại vội vã mời kẻ đã gieo rắc cái chết và đau thương trên đất châu Âu đến dự G20 năm 2024 tổ chức tại nước mình. Thất vọng còn vì thông cáo chung tránh nêu mục tiêu ra khỏi năng lượng hóa thạch, trong khi các nhà khoa học khẳng định đây là giải pháp duy nhất có thể xoay chuyển được tình thế. Về hai cuộc khủng hoảng này, G20 ở Ấn Độ chứng tỏ sự hèn nhát rất đáng buồn, nhất là trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc đang tê liệt, nhiều nguyên thủ không tham dự kỳ họp Đại hội đồng.
Nhập cư, đồng phục, tăng trưởng : Tựa chính báo Pháp
Trang nhất các báo Paris hôm nay chủ yếu dành cho thời sự nước Pháp. Le Figaro chạy tựa « 49.3, kiểm duyệt : Những ẩn số khi Quốc Hội họp lại » : Chính phủ do thiếu đa số, nhiều lần phải dùng đến điều 49.3 để thông qua ngân sách, nhưng lần này luật nhập cư có thể gây bất đồng với cánh hữu. Trong khi đó Libération dành hồ sơ cho « Lao động không giấy tờ : Những lời kêu gọi hợp thức hóa » : một số dân biểu thuộc nhiều đảng muốn gây áp lực lên chính phủ vào lúc vài tuần nữa sẽ xem xét luật nhập cư.
La Croix nói về « Đồng phục ở trường học : Giới trẻ nghĩ gì ». Việc cấm mặc áo choàng Hồi giáo « abaya » vẫn còn bị tranh luận, nay vấn đề đồng phục lại được đưa ra. Học sinh trung học cấp 2 và cấp 3 có những ý kiến khác nhau, giữa việc tự do lựa chọn trang phục mình thích và tránh chạy đua mặc hàng hiệu. Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos quan tâm đến « Tăng trưởng : Pháp vượt qua Đức », cả năm ngoái lẫn năm nay. Riêng Le Monde nhìn sang Bắc Phi, đưa tít « Động đất : Maroc trước tầm vóc của thảm kịch ».
No comments:
Post a Comment