Cầu cạnh Bắc Triều Tiên : Putin đã vô phương ?Thụy My
Đăng ngày: 14/09/2023 - 10:39
RFI
Đổi đạn dược, hỏa tiễn lấy công nghệ tiên tiến của Nga ?
Lần đầu tiên xuất ngoại kể từ 2019, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có đoàn tùy tùng gồm ngoại trưởng Choe Son Hui, hai thống chế Ri Pyong Chol, Pak Jong Chon, và theo tình báo Hàn Quốc, còn có nhiều quan chức cao cấp phụ trách các chương trình vũ khí và không gian. Như vậy có thể cuộc gặp lần này là dịp ký kết các thỏa thuận quan trọng trao đổi vũ khí và công nghệ. Một chuyên gia ở Nga tóm lược vấn đề một cách đơn giản : « Tại Ukraina, Nga bắn đi khoảng 10 triệu quả đạn một năm nhưng chỉ sản xuất được 2 triệu. Matxcơva có đạn tồn kho, tuy nhiên không thể đủ ».
Ngoài việc cung cấp những quả đạn theo tiêu chuẩn xô-viết (122 và 152 ly) mà Bắc Triều Tiên đang có số lượng lớn, Nga còn chờ đợi pháo tầm xa như giàn phóng rốc-kết đa nòng (MLRS) bắn được đến 300 kilomet. Yuri Knutov, nhà sử học quân sự Nga, cho biết chỉ có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Belarus sở hữu hệ thống này. Matxcơva cũng tìm mua hỏa tiễn đạn đạo, bị cấm sản xuất theo hiệp định giải trừ quân bị. Một quan sát viên khác cho rằng Nga còn cần thêm lính tác chiến để có số lượng áp đảo so với Ukraina, thêm vũ khí để có thể tấn công, và sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng có thể xoay chuyển tình thế. Iran đã gởi các drone Shahed 136 và chuẩn bị cung cấp hỏa tiễn, nhưng tầm cỡ không thể bằng Bắc Triều Tiên.
Đối lại, Bình Nhưỡng chờ đợi được Nga trao cho công nghệ tiên tiến về vệ tinh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, trợ giúp thực phẩm. Một chủ đề khác là gởilao động Bắc Triều Tiên sang Nga. Hầu hết đã hồi hương trong đại dịch Covid năm 2020, nay Matxcơva cần họ để tái thiết Donbass.
Nhờ vả Bắc Triều Tiên nghèo đói : Sự tuyệt vọng của Matxcơva
Washington mỉa mai việc Vladimir Putin phải van nài Bắc Triều Tiên, Paris đánh giá chuyến thăm này chứng tỏ sự cô lập của Matxcơva. Nhà phân tích Sue Mi Terry nhấn mạnh, sự kiện Matxcơva phải quay sang nhờ vả Bắc Triều Tiên, nền kinh tế thứ 198 không nuôi nổi chính dân mình, là một dạng thức tuyệt vọng của chính quyền Nga. Mỹ đe dọa, mọi thỏa thuận vũ khí đều vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng theo nhà địa chính trị Fiodor Lukianov, cả Bắc Triều Tiên và Nga đều « không còn gì để mất ». Nhận xét về « Trục tội ác » mới này, Le Figaro cho rằng sau vụ can thiệp vào Irak năm 2003, thế giới dân chủ mà tổng thống George Bush mơ đến vẫn chưa thực sự « xuất khẩu » được ra khỏi biên giới phương Tây.
Đối với các quốc gia dân chủ, vẫn có một số tin vui. Các nước « phương Nam » không phải là một khối đoàn kết, có những lợi ích trái ngược nhau. Kể từ cuộc xâm lăng Ukraina, NATO mạnh hẳn lên và mở rộng với các thành viên mới. Ukraina tiến được trên chiến trường dù có chậm, Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết hơn bao giờ hết. Nhưng một tin khác vào mùa thu 2024 có nguy cơ biến trận bão do chiến tranh Ukraina trở thành sóng thần : khả năng Donald Trump tái đắc cử.
Phản công : Thời gian không còn nhiều cho Ukraina trước mùa đông
Liên quan đến Ukraina, Le Monde nhận xét « Đồng hồ đếm ngược cho cuộc phản công đã bắt đầu ». Giới quân sự phương Tây lo ngại lực lượng Kiev khó thể tiến đến biển Azov trước mùa đông này. « Từ 30 đến 45 ngày ». Theo tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, đó là thời gian mà Ukraina còn có được để cuộc phản công đạt kết quả, trước khi thời tiết vào giữa tháng 10 cản trở các trận đánh. Ở miền nam, lực lượng Kiev đã xuyên thủng được phòng tuyến đầu tiên trong hệ thống phòng thủ ba vòng kiên cố của Nga. Phòng tuyến thứ nhì đã đạt đến ở phía nam Robotyne thuộc tỉnh Zaporijia, nơi tuần trước quân Ukraina đã tái chiếm thêm 1,5 kilomet vuông.
Nhưng ở một số nơi, các bãi mìn dày đặc của quân Nga có độ sâu đến nửa cây số, các chiến hào hết sức vững chắc, và hệ thống chống tăng gồm những khối bê-tông hình tam giác được gọi là « răng rồng », có đến mấy chục ngàn chiếc. Các drone Nga thường xuyên quần thảo trên trận địa, dù là drone quan sát hay tác chiến, làm chậm đà tiến của Ukraina. Để vượt được « phòng tuyến Surovikin », theo tên của tướng Nga đã lập ra, Ukraina đã thích ứng về chiến thuật.
Dùng xe tăng hạng nặng theo binh pháp phương Tây không kết quả dẫn đến thiệt hại nặng nề trong những tuần đầu, từ giữa mùa hè Kiev ưu tiên cho tấn công bằng những đơn vị bộ binh nhỏ. Phương pháp này thực tiễn hơn, nhưng tốc độ tiến quân chậm hơn.
Tập trung đánh vào hậu cần Nga
Theo Viện RUSI của Anh, cứ mỗi năm ngày Ukraina tiến được từ 700 đến 1.200 mét. Như vậy khó thể đến được biển Azov cách đó 80 kilomet trước mùa bùn lầy « rasputitsa », tuy mục tiêu chiến lược của Kiev là cắt làm đôi con đường nối Crimée với Nga, bao vây và bóp nghẹt số quân Nga đóng tại Zaporijia và bán đảo bị chiếm đóng.
Kiev trấn an phương Tây rằng quyết tâm phản công không dừng lại trước hiện tượng « rasputitsa ». Trên thực tế, nếu mưa làm thiết giáp khó tiến, thì cũng gây khó khăn cho hậu cần của quân địch. Trong khi nỗ lực của Kiev tập trung vào việc đánh phá các kho đạn, nút giao thông đường sắt, cầu đường, tạo hiệu ứng domino làm quân Nga phải co cụm vì không được tiếp tế.
Nếu Mỹ chuyển giao các hỏa tiễn ATACMS có tầm bắn 300 kilomet thay vì 70-80 kilomet như Himars, quân Nga sẽ khó chống đỡ. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 10/09 nhận định việc toàn lãnh thổ Ukraina bị đóng băng sẽ tạo điều kiện cho lực lượng cơ giới, và Ukraina đã chứng tỏ năng lực trong mùa đông 2022. Dù sao đi nữa, dù tiến được đến biển Azov trước mùa đông hay không, cuộc chiến sẽ còn kéo dài, ít nhất là trong năm 2024.
Châu Âu tăng tốc huấn luyện 40.000 binh sĩ Ukraina
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu ra sức huấn luyện cho các chiến binh Ukraina, mục tiêu là đào tạo 40.000 người lính cho Kiev vào đầu năm 2024. Trong số 400 module huấn luyện của châu Âu, có đủ mọi thứ từ những kiến thức căn bản đến việc chuẩn bị sử dụng xe tăng và đại bác được chuyển giao, hay đào tạo những tay súng thiện xạ chuyên bắn tỉa, công binh gỡ mìn, quân y. Việc huấn luyện phi công điều khiển chiến đấu cơ hiện đại như F-16 đã bắt đầu ở Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ.
Thời gian không còn nhiều, cần phải tăng tốc. Đặc phái viên Le Monde tại Tolède, Tây Ban Nha dẫn lời sĩ quan phụ trách một trung tâm huấn luyện cho biết, họ phải thích ứng theo trình độ của những chiến sĩ Ukraina. Những người đã chiến đấu ngoài mặt trận có những yêu cầu mà nhiều khi người đào tạo không biết, còn các tân binh thì phải đi từ số không.
Một trong những trở ngại là ngôn ngữ, phiên dịch thường là những phụ nữ Ukraina tị nạn nhưng số lượng vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó là thời tiết nóng bức, nhưng các quân nhân Ukraina không hề phàn nàn, họ hiểu rằng « quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu ». Hiện nay Ukraina rất cần những chuyên môn như gỡ mìn, bảo trì thiết bị, hậu cần, và cần đào tạo cả sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng.
Mỹ chủ trương buôn bán giữa bạn bè : Việt Nam, Mêhicô được lợi
Trên lãnh vực kinh tế, trong bài « Thương mại giữa bạn bè đang phát triển ở Hoa Kỳ », Les Echos nhận thấy « friend-shoring » tiến triển từ từ nhưng chắc chắn. Chính quyền Biden xúc tiến việc buôn bán giữa các nước bạn, thúc đẩy những công ty lớn sản xuất tại những quốc gia đồng minh, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tỉ lệ hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ liên tục giảm từ 2018. Đối với những mặt hàng được Mỹ coi là chiến lược lại còn giảm mạnh hơn, từ 36,8 % năm 2017 còn 23,1 % trong năm 2022. Hai giáo sư kinh tế Laura Alfaro và Davin Chor vào cuối tháng Tám nhận định : « Đây là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ chuyển dịch sản xuất và cung ứng đại quy mô ra khỏi Hoa lục ». Việt Nam, Đài Loan, Canada và Mêhicô là những nước hưởng lợi nhờ ý định của Washington tách rời nền kinh tế nước Mỹ khỏi Trung Quốc.
Từ đầu năm nay, Mêhicô đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Điện thoại, hàng dệt may Việt Nam xuất qua Mỹ tăng vọt ; với Mêhicô là phụ tùng xe hơi, kính, sắt thép. Cũng theo hai nhà kinh tế trên « Những lãnh vực nào Trung Quốc bị mất đi thị phần, thì Mêhicô và Việt Nam đều giành được ». Đây là điều logic, vì thuế hải quan đánh vào hàng Trung Quốc do ông Trump đặt ra từ năm 2017 rồi được ông Biden theo đuổi, đã bắt rễ và các tập đoàn đa quốc gia thích ứng.
Bên cạnh đó giáo sư Sébastien Jean của CNAM cũng cảnh báo, tiến trình chuyển đổi là lâu dài và tốn kém, vì doanh nghiệp đã đầu tư nhiều vào hậu cần, đào tạo lao động và cả một hệ thống cung cấp ở Trung Quốc, như trường hợp Apple. Và các tập đoàn Trung Quốc có xu hướng đầu tư vào Việt Nam và Mêhicô để né thuế hải quan Mỹ. Les Echos cho rằng châu Âu bị thiệt thòi trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, vì thị trường Hoa Kỳ đóng cửa, kỹ nghệ Trung Quốc bèn hướng vào châu lục này : năm ngoái thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc lên đến 400 tỉ euro.
Đức : Vì đâu nên nỗi ?
Kinh tế Đức sa sút do quá lệ thuộc vào Trung Quốc và lựa chọn sai lầm về năng lượng. Hàng ngàn người mất tích trong nạn lụt ở Libya. Kế hoạch châu Âu nhằm làm nhẹ bớt thủ tục cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề lao động không giấy tờ, nạn thiếu giáo viên tại Pháp. Đó là những chủ đề được đưa lên trang nhất báo Pháp hôm nay.
Trong bài xã luận « Khi gã khổng lồ bị vấp ngã », Le Figaro nhận xét, nước Đức với rất nhiều vấn đề sau khi thống nhất, đã thực hiện được « Wirtschaftswunder » - phép lạ kinh tế, nhờ cải cách của thủ tướng Gehard Schröder. Ngày nay mô hình Đức đang chao đảo : từ khi bỏ rơi điện nguyên tử, Đức hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt Nga, và xuất khẩu sang Trung Quốc chẳng những sụt giảm, mà Đức còn bị Bắc Kinh cạnh tranh mạnh mẽ ở lãnh vực xe hơi điện. Tăng trưởng đi xuống trong khi các nước châu Âu khác khả quan, nhập cư khiến tiếng nói cực hữu mạnh hơn. Đức vẫn còn nhiều thế mạnh, trước hết là nợ công rất thấp. Cần phải cải cách về cơ cấu, nhưng liên minh cầm quyền gồm nhiều đảng phái khó thể tìm được đồng thuận.
No comments:
Post a Comment