Tuesday, March 28, 2023

Thỉnh nguyện thư phản đối chính quyền Việt Nam ‘can thiệp’ vào tự do tôn giáo
Huy Nguyễn
28/03/2023
VOA

Thỉnh nguyện thư đang được đăng trên trang Vietlist.us. Photo: Vietlist.us

Một bức thỉnh nguyện thư được hơn 110 người trong và ngoài nước ký tên liên quan đến hai vụ việc riêng biệt trong đó cáo buộc chính quyền “can thiệp” vào tự do tôn giáo tại Việt Nam và Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Vụ việc thứ nhất là việc Giám mục Nguyễn Hữu Long được cho là đã huyền chức và đang giam lỏng Linh mục Đặng Hữu Nam tại toà Giám mục không theo giáo luật hay luật pháp. Vụ việc thứ hai là việc ông Hồ Hữu Hoà được cho là “đã ngang nhiên trở thành linh mục” trong khi ông bị cho là có quá khứ “bất hảo”.

Thỉnh nguyện thư hiện tại đang được nhiều người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại quan tâm, với mong muốn kêu gọi mọi người cùng ký tên để phản đối nhà nước Việt Nam “không tôn trọng quyền tự do tôn giáo” của con người, đồng thời thỉnh Sứ Thần Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Hội đồng Linh mục Giáo Phận Vinh lên tiếng để Giám mục Nguyễn Hữu Long cần phải từ nhiệm vì lợi ích của Giáo phận Vinh nói riêng và của Giáo hội Công giáo nói chung.

Ông Nguyễn Quốc Nam, một người Công giáo, đang sinh sống tại Paris là một trong những người đã đưa ra thỉnh nguyện thư, trao đổi với VOA hôm 24/3 rằng thỉnh nguyện thư này có ba mục đích chính: mọi người lên tiếng về việc ông Hồ Hữu Hoà được phong làm Linh mục mà ông Nam nói là “biến cố 3H”; lên tiếng về những chuyện xảy ra ở Giáo xứ Vinh; và lên tiếng cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, khi mà đang bị vi phạm nghiêm trọng.

“Thỉnh nguyện thư sẽ gởi đến các cơ quan có thẩm quyền, có liên hệ đến những việc để mà họ lên tiếng, để tìm hiểu sự thật,” Ông Nam nói. “Bởi vì sự thật là cái gì mà cả đời mình luôn luôn phải tìm hiểu. Đó là ba cái mục tiêu của thỉnh nguyện thư.”

Ông Nam cho biết thêm rằng các chữ ký sẽ là một cách để vận động quốc tế, nhắm tới Vatican và Uỷ ban Tự do Tôn Giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF). Ngoài ra cũng sẽ vận động thêm 27 Giáo phận tại Việt Nam.

“Đó là ba nơi mà sẽ gởi đi để mà vận động vì giai đoạn vận động quốc tế rất quan trọng,” Ông Nam nói. “Bên Âu Châu sẽ gởi một phái đoàn đi Vatican để mà vận động tại địa phương. Bên Việt Nam là những anh chị em trong nước sẽ lo. Và vận động về Tôn giáo quốc tế sẽ là các Châu mà có người Việt Nam ở. Mỹ Châu có Liên hội Người Việt Canada và Cộng đồng Liên bang Hoa Kỳ. Ở tại Âu Châu có Cộng đồng Người Việt Tị nạn Cộng sản Âu Châu. Ở bên Úc Châu có Cộng đồng Liên bang Úc Châu. Đó là bốn nơi cộng đồng chúng ta ở và dùng tiếng nói của người Việt chúng ta để vận động quốc tế.”

Ông Lê Quang Thành, một người Việt hiện đang sống và sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Munich, Đức, và cộng đồng người Việt tị nạn chính trị tại Âu Châu, trao đổi với đài VOA hôm 27/3 rằng khi bắt đầu làm thỉnh nguyện thư, mọi người đã suy nghĩ rất kỹ càng vì đây là một đề tài về Công giáo nên rất là “nhạy cảm”.

“Họ có trình bày là chúng tôi ở trong nước không có làm được việc gì nữa rồi, chúng tôi bị đàn áp, bị làm khó dễ, bị trói tay, trói chân, bó buộc không làm được việc gì hết,” Ông Thành nói. “Mà bây giờ chỉ còn nhờ các anh em, các cộng đồng người Việt hải ngoại hay lên tiếng giùm cho chúng tôi. Chính vì vậy cho nên là các anh em ở ngoài này khi chúng tôi họp liên hội, các hội đoàn đoàn người Việt, không riêng gì ở Âu Châu mà kể cả ở bên Hoa Kỳ, Canada, hay Úc, chúng tôi đồng ý là chúng ta cần phải lên tiếng.”



Ông Thành cho biết thêm: “Cần phải có một cái lá thư. Thứ nhất là tố giác tất cả các sự việc xảy ra. Cái thứ hai là để phản đối nhà cầm quyền Việt Nam họ đã can thiệp một cách trắng trợn và thô bạo vào trong cái công việc mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, cũng như là các tôn giáo ở bên Việt Nam nói chung mà trong quá khứ đã xảy ra từ hồi nào đến giờ.”

Hồi năm 2016, những người dân bị ảnh hưởng bởi Formosa đã không còn đất sống khi mà môi trường biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, và còn bị chính quyền địa phương cướp trắng trợn và bị đàn áp các cuộc biểu tình để che dấu sự thật. Trước sự việc đó, Linh mục Đặng Hữu Nam đã lên tiếng cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Formosa.

Giám mục Nguyễn Hữu Long, sau khi được lên chức Giám mục tại Giáo phận Vinh, được cho là “đã huyền chức và triệt hạ” Linh mục Nam. Ngoài ra, Giám mục Long còn được cho là “cấu kết với đảng chính quyền Việt Nam để treo chén và cô lập” Linh mục Nam. Treo chén được hiểu là tước bỏ một phần hay toàn bộ các hoạt động như một thành viên hàng giáo sĩ, và giới hạn năng quyền của linh mục đó.

“Điều này cho thấy rõ GM Nguyễn Hữu Long treo chén LM Đặng Hữu Nam là do áp lực từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam”, thỉnh nguyện thư viết.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Luân thuộc Giáo xứ Đức Mẹ La Vang tại Quận Cam, bang California, Mỹ, nói với đài VOA hôm 25/3 rằng việc huyền chức một linh mục phải do Toà thánh Vatican quyết định sau khi đã điều tra và được Đức Giáo hoàng quyết định, chứ không phải là Giám mục hay đương sự quyết định, và rằng việc huyền chức một linh mục cũng phải dựa trên nhiều yếu tố.

“Chẳng hạn như là vị linh mục đó làm sai giáo luật, mang tiếng cho Hội, hoặc có thể là vị linh mục giả nữa,” Linh mục Luân nói. “Nhưng cái đó cũng phải điều tra thì mới có thể đưa đến kết luận được chứ không phải là một yếu tố mà nhiều yếu tố khác nhau. Cái nào đã làm cho Giáo hội bị mất đi phẩm giá thì đương sự sẽ bị huyền chức.”

Trong thời gian được cho là bị giam giữ, Linh mục Nam không được cho dâng lễ như trước đây cũng như không được chu cấp các chi phí ăn uống, và khi bị bệnh từ đầu tháng 3/2022 đến cuối tháng 5/2022, Linh mục Nam không được Giám mục Long cho đi bệnh viện cấp cứu mặc dù đã xin những đều bị từ chối vì nghi ngờ Linh mục Nam giả vờ bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Nam nói hiện tại tình hình Linh mục Đặng Hữu Nam “rất tội nghiệp” khi cha đang ở trong viện dưỡng lão dành cho các đức cha. Ông cho biết thêm rằng LM Nam cũng không được quyền thực hành quyền của một linh mục và bị theo dõi ở tại viện dưỡng lão.

“Cha Nam bây giờ vẫn tiếp tục kêu oan và đang bị đau rất nặng vì hai bệnh ung thư,” Ông Nam chia sẻ. “Bệnh ung thư não và ung thư máu. Mà ông còn bị trù dập đến độ họ đã cắt hết tất cả các chu cấp, bỏ kinh phí ăn uống từ tháng 10/2021 cho đến bây giờ, trong khi ông đang đau ốm. Mỗi ngày tốn 5-7 triệu tiền thuốc cho nên hiện nay cha đang rất khó khăn và đau rất nặng.”

Cha Đặng Hữu Nam đã từ chối trả lời phỏng vấn của đài VOA vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến Cha và cho rằng sẽ không khách quan. “Người trong cuộc mà nói ra sẽ không khách quan ở chuyện này,” Cha Nam nói. “Về vấn đề này, cho tôi xin thong thả một chút một thời gian thì tôi sẽ trả lời vì lúc này chưa có tiện cho tôi.”

Vụ việc thứ hai trong thỉnh nguyện thư liên quan đến việc ông Hồ Hữu Hoà trở thành linh mục vào năm 2022. Hồ Hữu Hoà, 39 tuổi, hành nghề thầy “phong thuỷ” đã từng bị kết án hai năm tám tháng tù với tội danh “Môi giới hối lộ” trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), cựu thượng tá tình báo công an đang thụ án tù chung thân với các cáo buộc liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Ông Hồ Hữu Hoà có bằng Tốt nghiệp khóa Thần học 4 năm từ năm 2018-2022, nhưng lại bị ngồi tù từ 2019-2021. Điều đó đã làm dấy lên sự nghi ngờ giữa các giáo dân, theo các nhà quan sát.

Theo một thông báo bằng văn thư chính thức của giáo phận Maasin, Philipines, do Giám mục Preciono D. Cantillas ký ngày 17/2/2023, xác nhận ông Hồ Hữu Hoà đã lãnh nhận phó tế ngày 8/9/2022 và thụ chức linh mục ngày 7/12/2022.

Văn bản trên cũng xác nhận ông Hồ Hữu Hoà được tiến cử vào các tác vụ Thánh Phó tế và Linh mục bởi Giám mục Nguyễn Hữu Long. Theo giới quan sát, thông thường thời gian cho các thủ tục văn thư gởi đi và xác nhận ít nhất là một năm từ hai tòa Giám mục Vinh và Maasin và thời gian để lãnh nhận giữa hai tác vụ thánh này cách nhau là một năm để ứng viên có thời gian thi hành tác vụ phó tế. Nhưng chỉ vỏn vẹn có ba tháng là Hồ Hữu Hoà đã trở thành một vị Linh mục tại Giáo phận Vinh.

Ông Nam nói rằng một người “mê bói toán” như ông Hồ Hữu Hoà với những “khách hàng” là những đại gia và những cán bộ cao cấp của nhà nước thì ông ta mặc nhiên là “con cưng” của chính quyền.

“Ông ta mạnh đến nỗi mà nghe nói ổng chỉ cần cầm điện thoại gọi lên thì Bộ trưởng bộ Y Tế phải trả lời,” Ông Nam nói.

Ông Thành nói rằng vụ ông Hồ Hữu Hoà trở thành linh mục là không có đúng với những quy tắc và giáo luật, cùng với đó là quá khứ của ông Hoà và thời gian học ra làm linh mục không có diễn ra theo đúng thực tế nên mọi người không đồng ý.

“Nếu bây giờ chúng ta coi nó như một giọt nước tràn ly tại vì từ hồi nào đến giờ thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ đã can thiệp rất nhiều vào trong những công việc phục vụ Thánh lễ của các tôn giáo, không riêng gì Công giáo”, ông Thành nói. “Mà riêng Công giáo là một tôn giáo có tổ chức có hệ thống quy củ rõ ràng, có những quy định chặt chẽ từ trên Vatican xuống đến các quốc gia, các giáo phận. Mà nếu sự việc này chúng ta không lên tiếng thì trong tương lai có thể xảy ra những việc khác nữa”.

Trong một email gởi đến đài VOA, ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Tự do tại Pháp và là một trong những người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho biết ông là một người Công giáo với hy vọng nói lên tiếng nói cho giáo dân Việt Nam về nhiệm vụ của một Linh mục trong chế độ Cộng sản vô thần mà ở đó họ đang tìm mọi cách xâm nhập vào Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên trang Vietlist, một trang đấu tranh cho tự do, dân chủ của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại, bức thỉnh nguyện thư đạt được hơn 110 chữ ký và con số vẫn đang được tiếp tục cập nhật.

“Qua hai vụ việc trên, chúng tôi nhìn thấy được sự xâm nhập ngõ hầu kiểm soát và phá hoại quyền tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đối với Giáo Hội Công Giáo (GHCG) nói riêng và các Tôn giáo tại Việt Nam nói chung”, thỉnh nguyện thư viết.

VOA đã gởi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam để hỏi ý kiến về thỉnh nguyện thư này nhưng không có phản hồi.

VOA không thể liên lạc được với Giám mục Nguyễn Hữu Long và ông Hồ Hữu Hoà để xin ý kiến bình luận.

“Với bức thư này mình phải gửi, phổ biến cho tất cả người Việt hải ngoại bất kể người đó có đạo Công Giáo hay bên đạo khác hay không có đạo để tất cả mọi người cùng biết rõ. Và cái thứ hai là gửi đến các vị giới hữu trách ở tại bên Vatican để họ cùng biết và mong rằng họ sẽ nhìn thấy sự việc và sẽ tìm hiểu kỹ hơn với cái điều kiện mà họ sẵn có để điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và can thiệp theo đúng luật. Đó là điều tôi mong muốn.” Ông Thành chia sẻ.

No comments:

Post a Comment