« Wagner không là một công ty lính đánh thuê » chiểu theo luật quốc tế
Thanh Hà
Đăng ngày: 29/03/2023 - 15:02
RFI
Các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây, từ Ukraina cho đến Mali ở châu Phi, làm lộ rõ vai trò của các « công ty quân sự tư nhân – SMP/ PMC » hay còn được gọi là những « công ty cung ứng dịch vụ an ninh ». Truyền thông quốc tế thường gọi những công ty tư nhân này là những công ty « lính đánh thuê ».
Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư luật, Thierry Garcia trường Đại Học Grenoble Alpes, nhắc lại trọng lượng ngày càng lớn của các công ty tư nhân về quân sự và an ninh từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, tức là từ những năm 1990. Anh, Mỹ, Nam Phi và Nga là những quốc gia sử dụng nhiều đến các công ty tư nhân này. Nhưng trước hết thế nào là một SMP – Société Militaire Privée, gọi theo tiếng Anh là Private Military Company, PMC ?
Thierry Garcia : « Có nhiều định nghĩa thế nào là một công ty quân sự tư nhân- SMP Société Militaire Privée, nhưng theo tôi, tốt nhất nên căn cứ vào tài liệu được công bố hồi 2008 được soạn thảo tại Montreux. Thực ra đấy là một bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc. Tài liệu Montreux quy định một công ty quân sự tư nhân là một thực thể mang tính thương mại (…), hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, hay quân sự. Hiện tại các công ty quân sự tư nhân hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là tại Mỹ, Anh, Nam, Phi và Nga. Thế nhưng Pháp thì không có các công ty quân sự tư nhân mà chỉ có các hãng tư nhân đặc trách về an ninh tức là những Entreprise de Sécurité Privée ».
RFI : Có những khác biệt nào giữa một công ty quân sự tư nhân và một hãng tư nhân đặc trách về an ninh ?
Thierry Garcia : « Khác biệt ở đây nằm ở chỗ, đối với Pháp, các hãng tư nhân đặc trách về an ninh không được phép tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động quân sự, tức là không được tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang. Chúng ta biết rằng doanh thu của các công ty quân sự tư nhân rất lớn, ước chừng khoảng 200 tỷ đô la. Riêng ở Hoa Kỳ có hàng trăm công ty quân sự tư nhân. Trên toàn thế giới có từ 5 ngàn đến 6 ngàn SMP. Rõ ràng đây là một hiện tượng rất phổ biến ».
RFI : Thời sự quốc tế hiện đang tập trung nhiều vào công ty quân sự Wagner của Nga và truyền thông cũng thường gọi đấy là một công ty lính đánh thuê. Thực ra có những khác biệt nào hay không giữa một công ty quân sự tư nhân và các tổ chức lính đánh thuê ?
Thierry Garcia : « Wagner không phải là công ty lính đánh thuê về mặt pháp lý mà nói. Wagner là một công ty quân sự và an ninh tư nhân với những đặc điểm như sau : thứ nhất ông chủ công ty này- Evgueni Prigojine có liên hệ mật thiết với chính quyền Nga, với tổng thống Vladimir Putin. Thông thường thì một SMP độc lập đối với một chính quyền tại chức. Wagner hành xử như thể là cánh tay nối dài của quân đội Nga trong các chiến dịch ở hải ngoại, như tại châu Phi hay Ukraina. Điểm thứ nhì là quy chế của những người lính đánh thuê được ghi rõ trong Công Ước Genève – Nghị Định Thư 2, năm 1977. Theo văn bản này, lính đánh thuê phải hội tụ đủ sáu điều kiện. Hai trong số đó ghi rõ như sau : lính đánh thuê là người trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, và không được quyền mang quốc tịch của một trong những bên tham chiến. Trong trường hợp của Wagner, chúng ta thấy lính của Wagner đang tham chiến tại Ukraina mang quốc tịch Nga. Trước đó nhóm Blackwater (từng can thiệp tại Irak) và đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhiều quân nhân trong nhóm này mang quốc tịch Mỹ, một trong những bên tham chiến. Tựu chung, những tiêu chuẩn về lính đánh thuê chặt chẽ hơn nhiều so với của các nhân viên làm việc cho một công ty quân sự hay một công ty về an ninh tư nhân. Chiểu theo Công Ước quốc tế, không thể xem Wagner là công ty lính đánh thuê.
RFI : Hoạt động của các công ty quân sự tư nhân có thể cạnh tranh hay gây nhiễu cho lực lượng quân sự chính quy hay không, như đã thấy trong trường hợp của Wagner tại Ukraina ?
Thierry Garcia : « Thoạt đầu, quả là Wagner từng được xem như cánh tay nối dài của quân đội Nga. Lính Wagner không phải là lính của bên quân đội chính quy. Về mặt chính thức, họ độc lập với quân đội. Phải mất một thời gian dài, Nga mới nhìn nhận Wagner là một công ty quân sự tư nhân can thiệp vì lợi ích của nước Nga. Điều này cũng có điểm lợi cho Matxcơva. Chẳng hạn như những người lính Wagner tử trận không nằm trong số những thiệt hại của phía quân đội Nga (như tại chiến trường Ukraina). Cùng lúc Wagner là một công cụ cho phép nước Nga gián tiếp can thiệp vào một cuộc xung đột mà không xuất đầu lộ diện (như trong trường hợp ở châu Phi). Nhưng trong thời gian gần đây, những phát biểu của Prigojine cho thấy có một sự cạnh tranh giữa công ty quân sự tư nhân này với quân đội chính quy của Nga, trong chiến dịch ở Ukraina. Đành rằng tất cả chỉ là một vấn đề chính trị, nhưng rõ ràng là có một sự căng thẳng giữa bên chỉ huy của quân đội Nga với Wagner ».
RFI : Xin một câu hỏi chót, Blackwater xưa kia là cánh tay nối dài của quân đội Mỹ ở Irak, Wagner giờ đây hoạt động cho nhà nước Nga ở Ukraina hay châu Phi. Vậy khi nhân viên các hãng quân sự tư nhân hành hạ tù binh, tra tấn thường dân tại những vùng họ chiếm đóng … trong các cuộc xung đột vũ trang, thì trách nhiệm thuộc về ai ?
Thierry Garcia : « Quả thực là quy chế của các hãng quân sự tư nhân không được quy định rõ ràng trong các công ước quốc tế. Những hãng này không bị luật pháp quốc tế ràng buộc. Mỗi quốc gia có trách nhiệm tuân thủ các quyền con người. Các hãng SMP thì không. Thành thử họ toàn quyền hành động trong cái mà tôi gọi là những vùng xám của pháp luật. Những quy định trong tài liệu Montreux năm 2008 chỉ là quy tắc ứng xử, không mang tính ràng buộc và các bên không nhất thiết bắt buộc phải tuân thủ. Đến nay cộng đồng quốc tế không có một khung pháp lý nào đối với các hãng tư nhân này cả. Đấy cũng chính là điểm mà những nước lớn như Mỹ, Anh, hay Nga cảm thấy thoải mái khi sử dụng đến các công ty quân sự tư nhân. SMP là những công cụ để gián tiếp can thiệp vào một cuộc xung đột vũ trang, mà không cần phải huy động quân đội chính quy. Cần nói thêm rằng nhân viên của hãng quân sự tư nhân này được tuyển dụng theo hợp đồng. Những hợp đồng đó thường dao động từ 2 đến 6 tháng và hiếm khi nào hợp đồng được gia hạn trên một năm. Trong trường hợp của Wagner tại Ukraina, không thể kiện Nhà nước Nga về những tội ác lính của Wagner gây ra, bởi phải chứng minh được rằng những người lính này thi hành nhiệm vụ cho chính phủ Nga. Trên thực tế không có giấy tờ chính thức nào cho thấy liên hệ giữa những người lính Wagner với Nhà nước Nga. Cũng rất khó để chứng minh Nhà nước Nga trực tiếp kiểm soát Wagner để từ đó mới có thể kiện Nhà nước Nga về những tội ác ở Ukraina. Đây là điều rất khó để chứng minh về mặt luật pháp quốc tế ».
RFI : Chân thành cảm ơn giáo sư Thierry Garcia, luật khoa, Đại Học Grenoble Alpes. Ông là tác giả cuốn Les Entreprises Militaires et de Sécurité Privées Appréhendées Par le Droit -Các công ty quân sự và an ninh tư nhân nhìn dưới góc độ luật pháp- NXB Mare&Martin (2017).
No comments:
Post a Comment