Wednesday, March 29, 2023

Ngân hàng Nhật rót 1,5 tỷ đô vào ngân hàng Việt: tác dụng thế nào?
VOA Tiếng Việt
29/03/2023
VOA

Trụ sở ngân hàng VPBank ở Hà Nội (Ảnh chụp màn hình VnExpress )

Thương vụ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào một ngân hàng Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng được đầu tư ‘phát triển về mọi mặt’ và gửi tín hiệu tích cực về điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, một chuyên gia tài chính-ngân hàng nói với VOA.

Theo đó, Ngân hàng SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation) của Nhật Bản hôm 27/3 đã loan báo mua 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh Vượng, tức VPBank, của Việt Nam với giá trị 1,5 tỷ đô la Mỹ, báo chí trong nước đưa tin, để trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Đây là khoản đầu tư kỷ lục vào một ngân hàng ở Việt Nam, giúp đưa vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, tương đương từ 4,4 lên 5,9 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai trong các ngân hàng Việt Nam, sau Vietcombank.

Tờ Tiền Phong dẫn lời đại diện SMBC cho biết việc họ đầu tư chiến lược vào VPBank sẽ ‘giúp khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hay mở rộng đầu tư ở Việt Nam do SMBC có hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, SMBC sẽ chia sẻ kinh nghiệm của họ ở các thị trường thị trường châu Á với VPBank để giúp ngân hàng Việt Nam này đẩy mạnh hoạt động trên thị trường quốc tế, cũng theo Tiền Phong.

Mục đích thật sự

Trao đổi với VOA từ trong nước, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập người Mỹ gốc Việt, nhận định đây là ‘tin vui’ đối với ngân hàng VPBank nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung nhưng cũng cho rằng cần phải tìm hiểu thêm mục đích thật sự của SMBC trong thương vụ này.

“Cần phải hiểu rõ ý định, kế hoạch của nhà đầu tư thì mới biết ý nghĩa của việc mua cổ phần này chứ không thể chỉ dựa vào số tiền đầu tư,” ông nói. “Họ muốn phát triển VPBank hay muốn cái gì đó thì cần phải tìm hiểu thêm.”

“Có nhiều mục đích đầu tư. Đầu tư để phát triển mảng kinh doanh của VPBank, hay phát triển ngoại thương cho ngân hàng này, hay đầu tư vào các dự án mà VPBank đang có kế hoạch,” ông giải thích.

Vào lúc này, theo lời chuyên gia này thì dịch vụ ngân hàng cá nhân (retail banking) và dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp (corporate banking) là hai mảng mà các ngân hàng Việt Nam cần sự hỗ trợ đầu tư của nước ngoài.

“SMBC có thể góp ý xây dựng mô hình phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân cho VPBank. Còn đối với mảng dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp thì SMBC có sự hỗ trợ tài chính quan trọng để VPBank có thêm tiền cho vay và tham gia các dự án,” ông Hiếu nói thêm.

Ngoài ra, SMBC có thể giúp VPBank xây dựng cơ sở hạ tầng về ngân hàng kỹ thuật số với các công nghệ mới để giúp ngân hàng này thực hiện chuyển đổi số, cũng theo lời vị chuyên gia này.

Theo giải thích của ông thì một khi ngân hàng nước ngoài mua cổ phần một ngân hàng trong nước, ngân hàng được mua cổ phần sẽ được tăng vốn điều lệ, nhờ đó mà họ sẽ có hệ số an toàn vốn, tức hệ số CAR, cao hơn.

“Ngân hàng có hệ số CAR có thể dễ dàng đi vay vốn thêm trên thị trường quốc tế và có thể hưởng được các chính sách thuận lợi từ các cơ quan Nhà nước Việt Nam,” ông phân tích. “Nhờ đó ngân hàng sẽ có điều kiện phát triển mọi mặt.”

Tín hiệu tích cực

Vị chuyên gia tài chính-ngân hàng này cho rằng khi đầu tư một số tiền lớn như vậy vào ngân hàng ở Việt Nam, ngân hàng Nhật ‘chắc chắn đã đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tích cực thì họ mới đầu tư’.

Thương vụ này cho thấy Việt Nam ‘là thị trường hấp dẫn nên họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để đầu tư vào Việt Nam’, ông nói.

Các nhà đầu tư nước ngoài thấy đối tác của họ bỏ số tiền lớn vào Việt Nam, họ sẽ đi đến quyết định tích cực để mở rộng đầu tư ở Việt Nam, ông nói thêm.

Đánh giá về VPBank, Tiến sỹ Hiếu cho biết dù là ngân hàng thương mại không có vốn nhà nước, VPBank là ‘một trong những ngân hàng phát triển tốt ở Việt Nam’.

Theo ông thì việc mua cổ phần của tổ chức tài chính nước ngoài là ‘khởi đầu tốt’ để một ngân hàng trong nước bước ra thị trường quốc tế.

“Một ngân hàng muốn vươn ra cạnh tranh trên thị trường thế giới, chẳng hạn như mở chi nhánh ở Singapore, Thái Lan hay Malaysia, thì phải có số vốn tự có (tức vốn điều lệ) ít nhất 5 tỷ đô la.”

Mặc dù là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai ở Việt Nam hiện nay, nhưng nếu xét về tổng giá trị tài sản, VPBank mới đứng thứ sáu với tổng tài sản 631.000 tỷ đồng, tương đương gần 27 tỷ đô la Mỹ tính đến cuối năm 2022, tức là lúc chưa có thương vụ bán cổ phần cho SMBC, theo báo Đầu tư.

Trong khối ngân hàng tư nhân, sau gần 30 năm thành lập, VPBank hiện đứng thứ ba về tổng giá trị tài sản, sau các ngân hàng MB, tức Ngân hàng Quân đội, và Techcombank, tức Ngân hàng Kỹ thương.

Trước đó, vào năm 2021, SMBC đã chi 1,37 tỷ đô la để mua 49% cổ phần của FE Credit, một công ty con của VPBank, cũng theo Tiền Phong.

Trước SMBC, ngân hàng OCBC ở Singapore là từng là đối tác đầu tư chiến lược ở VPBank và cũng nắm giữ 15% cổ phần nhưng OCBC đã thoái vốn khỏi VPBank cách nay 10 năm.

Trong cơn bão của ngành ngân hàng trên thế giới vốn khiến một số ngân hàng cỡ vừa và cỡ nhỏ ở Mỹ và một ngân hàng lớn ở Thụy Sỹ là Credit Suisse sụp đổ, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam ‘không bị tác động trực tiếp’.

“Nhưng ảnh hưởng gián tiếp thì có vì các ngân hàng trên thế giới có sự liên hệ với nhau,” ông nói.

Nếu các ngân hàng Việt Nam có tiền gửi trong các ngân hàng sụp đổ này thì sẽ bị ảnh hưởng, theo lời ông, và nếu các doanh nghiệp Việt Nam có tài khoản vãng lai hay tài khoản tiền gửi ở Credit Suisse thì ‘phải xem UBS, ngân hàng tiếp quản Credit Suisse, có cam kết chi trả cho tất cả các chủ tài khoản của Credit Suisse hay không’.

No comments:

Post a Comment