Friday, March 31, 2023

Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, Ả Rập Xê Út chọn đứng về phía Bắc Kinh ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 30/03/2023 - 15:03
RFI

Ảnh minh họa : Kĩ sư của tập đoàn dầu hỏa lớn nhất thế giới Aramco tại khu hóa lỏng khí đốt tự nhiên ở tỉnh Hawiyah phía đông Ả Rập Xê Út, ngày 28/06/2021. AP - Amr Nabil

Lôi kéo được Ả Rập Xê Út một đồng minh lâu đời của Washington tại Trung Đông về phía mình là một thắng lợi vẻ vang của Trung Quốc, một thất bại « ê chề » đối với Hoa Kỳ. Riyad đang tiến thêm một bước về phía Bắc Kinh với thông báo tham gia Tổ Chức Thượng Hải - SCO đặt dưới sự chủ trì của Trung Quốc và Nga. 

Hôm 29/03/2023, Ả Rập Xê Út loan báo quyết định tham gia tổ chức SCO với tư cách « đối tác đối thoại ». Được thành lập từ 2001 và do Nga, Trung Quốc đứng đầu, Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến an ninh. Tám thành viên khối này (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbekistan và Tadjikistan) không che giấu tham vọng cạnh tranh với các định chế của phương Tây. Iran, Ai Cập, Qatar và giờ đây là có thêm Ả Rập Xê Út được công nhân quy chế quan sát viên hay đối tác đối thoại.

Ngày 10/03, tại thủ đô Bắc Kinh, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chụp ảnh với đại diện của Ả Rập Xê Út và Iran. Các bên thông báo quan hệ tan băng, Teheran và Riyad mở ra một trang mới. Ở Washington chính quyền Biden ắt hẳn đã ngỡ ngàng. Trong lúc Trung Quốc đang lao vào một đọ sức với Mỹ trên mọi phương diện, đây là một thắng lợi của nền ngoại giao Trung Quốc đã thuyết phục được đồng minh lâu đời của Mỹ bắt tay với Iran, một chế độ thù nghịch đang bị Washington trừng phạt. Tập Cận Bình phô trương hình ảnh một nước Trung Hoa yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm đối với thế giới.

Về kinh tế, trong tuần tập đoàn dầu hỏa lớn nhất thế giới Aramco của Ả Rập Xê Út thông báo hai dự án « khổng lồ » sắp đúc kết trong năm nay với các đối tác Trung Quốc : một nhằm cung cấp đến 480.000 thùng dầu mỗi ngày cho tập đoàn hóa dầu Rongsheng và một nhằm xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Hoa Lục ở Bàn Cẩm Thị (Panjin), đông bắc Trung Quốc.

Việc Ả Rập Xê Út hối hả cải thiện bang giao với Bắc Kinh lại làm dấy lên câu hỏi : Phải chăng đây là dấu hiệu mới thể hiện quyết tâm của Riyad muốn thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ ? Sau khi đã từ chối tăng sản xuất dầu hỏa như Joe Biden yêu cầu vào mùa thu năm ngoái, lạnh nhạt đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ, thì vương quốc dầu hỏa này đã trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình và chỉ vài tháng sau là thông báo đầu tư hàng tỷ đô la của tập đoàn Aramco tại Hoa lục.

Tuần trăng mật giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út không chỉ mới bắt đầu từ chuyến công du của ông Tập hồi đầu tháng 12/2022 và cũng không dừng lại ở các lĩnh vực ngoại giao hay kinh tế. Đài truyền hình Mỹ CNN tháng 11/2021 tiết lộ Trung Quốc « đang giúp vương quốc dầu hỏa này chế tạo tên lửa đạn đạo » căn cứ được đặt tại Dawadmi, phía tây thủ đô Riyad. Theo các chuyên gia Mỹ, đây mới chính là điểm quan trọng bởi vì tên lửa của Ả Rập Xê Út chế tạo dưới sự dẫn dắt của Bắc Kinh sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng ở Trung Đông và đó cũng là dấu hiệu cho thấy Riyad đang « khẳng định thế độc lập » với anh cả Hoa Kỳ.

Trong bài tham luận hôm 08/03 trên trang chủ Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, Jean Loup Samaan ghi nhận : Chính sách đối ngoại của Ả Rập Xê Út từ 2015 được đặt trong tay hoàng thái tử Mohamad Ben Salman mà ông này quan niệm « Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng ». Lãnh đạo tương lai của vương quốc dầu hỏa này tin rằng « với Bắc Kinh, Ả Rập Xê Út sẽ đạt được hai mục tiêu : chuyển đổi và hiện đại hóa cỗ máy kinh tế, đồng thời củng cố vị trí của Riyad trên bàn cờ ngoại giao ».

Trung Quốc là điểm tựa của hoàng thái tử Ben Salman trong kế hoạch Tầm Nhìn Saudi Vision 2030. Bất chấp những cảnh báo của Hoa Kỳ, Riyad đã hội nhập vào dự án « Con Đương Tơ Lụa Kỹ Thuật Số » của Bắc Kinh qua việc chọn Hoa Vi để triển khai mạng 5G. Về quân sự, nếu như đến nay Mỹ là nguồn cung cấp trang thiết bị số 1 cho Ả Rập Xê Út thì « trong giai đoạn 2014-2017, Riyad sắm hàng trăm drone "made in China" » và thậm chí là đã mở cửa cho một nhà máy chế tạo drone của Trung Quốc vào hoạt động.

Vẫn theo chuyên gia của viện IFRI Jean Loup Samaan, Bắc Kinh là ngõ thoát hiểm để Riyad bớt bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ và khuynh hướng này sẽ tiếp tục gia tăng bởi vì từ khi gần như mặc nhiên điều hành đất nước, hoàng thái tử Ben Salman luôn có quan hệ « rất phức tạp » đối với các chính quyền liên tiếp tại Washington. Nhà Trắng đã trải qua ba đời tổng thống từ 2015 nhưng sứt mẻ giữa hoàng thái tử Ben Salman với ‘chú Sam’ không hề được hàn gắn. Đương nhiên, đây là một món quà ngoài mong đợi đối với ông Tập Cận Bình vào lúc Trung Quốc chuẩn bị lên võ đài lao vào một cuộc tranh hùng với Mỹ.

No comments:

Post a Comment