Wednesday, March 29, 2023

Mỹ, Nhật, Philippines chuẩn bị một cơ chế đối thoại ba bên về an ninh ở Biển Đông
Thu Hằng
Đăng ngày: 29/03/2023 - 14:07
RFI


Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Tokyo sau cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida. Ảnh ngày 09/02/2023. AP - Kimimasa Mayama

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines dự kiến triển khai một cơ chế đối thoại ba bên gồm các cố vấn an ninh quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng quân sự ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Một cố vấn về an ninh của tổng thống Philippines cho biết các cuộc thảo luận đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 04/2023.

Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 28/03, ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh của tổng thống Philippines cho biết là « sẵn sàng tham dự » cuộc họp. Ý tưởng tổ chức đối thoại 3 bên là do Nhật Bản đưa ra và Tokyo cho rằng cần phải cùng với Hoa Kỳ thắt chặt mối quan hệ với Philippines để tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc, chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Đài Loan. 

Một nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và đồng nhiệm Nhật Bản Takeo Akiba có thể tham gia cuộc họp ba bên, dự kiến diễn ra sau cuộc thảo luận về an ninh giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ - Philippines tại Washington ngày 11/04. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 01/2016, Washington và Manila nối lại đối thoại 2+2 kể từ khi tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte thực hiện chính sách xích gần với Trung Quốc.

Tầu sân bay Mỹ Nimitz tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc

Trước đó, từ ngày 23-26/03, nhóm tác chiến tầu sân bay Nimitz (NIMCSG) đã tiến hành một cuộc tập trận song phương với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) ở biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông).

Theo trang web của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ba tầu USS Nimitz, USS Wayne E. Meyer và USS Decatur đã phối hợp tập trận chống tàu ngầm, phòng không, đổ bộ trực thăng trên boong và tập bắn đạn thật trên biển với tầu khu trục chở trực thăng JS Ise của Nhật Bản. Mục đích là nhằm « mở rộng khả năng tương tác và tăng cường năng lực » của hai bên và khẳng định « quyết tâm bảo vệ quyền lưu thông trên biển và trên không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ».

Sau chuyến tập trận ở Biển Đông, nhóm tầu sân bay Nimitz cập cảng Busan của Hàn Quốc hôm 28/03 để chuẩn bị một cuộc tập trận ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc. 

No comments:

Post a Comment