Tuesday, March 28, 2023

Nikkei: Vingroup tìm đối tác tài chính khác sau khi Credit Suisse bị mua lại
VOA Tiếng Việt
27/03/2023
VOA

Buổi lễ bàn giao xe VF 9 của VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup, hôm 27/3 ở Việt Nam. Tập đoàn này tự tin sẽ không bị tác động tiêu cực từ việc Credit Suisse bị UBS mua lại, theo Nikkei.

Vingroup đang phải tìm kiếm các đối tác tài chính khác trong khi chờ thông tin cập nhật về việc UBS mua lại Credit Suisse, một ngân hàng lớn của Thụy Sỹ tham gia bảo lãnh kế hoạch niêm yết của VinFast tại Mỹ, theo Nikkei Asia.

Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sỹ và mới được tập đoàn UBS tiếp quản trong một thỏa thuận lịch sử do chính phủ Thụy Sỹ làm trung gian nhằm ngăn chặn một nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng là đối tác thu xếp vốn tài trợ cho việc xây dựng nhà máy của VinFast, đơn vị thành viên sản xuất ô tô của Vingroup, ở Mỹ.

Việc UBS mua lại Credit Suisse có khả năng “sẽ không có tác động tiêu cực” đến Vingroup, theo một người đại diện của tập đoàn đầu tư lớn nhất Việt Nam cho Nikkei biết.

Tuy nhiên, theo tờ báo chuyên về tài chính của Nhật Bản, Vingroup không nói rõ liệu họ sẽ chuyển sang UBS, hiện là ngân hàng thừa kế của Credit Suisse, để tiếp tục xử lý các vấn đề của VinFast hay sẽ chuyển sang một ngân hàng khác đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô của Việt Nam, như Citi hay Nomura.

Credit Suisse hiện đang có nhiều khách hàng, từ các trái chủ ở Singapore đến các doanh nghiệp vay vốn ở Việt Nam. Theo Nikkei, ngân hàng Thụy Sỹ là tổ chức tài chính tham gia thu xếp vốn và ghi nhận các khoản vay với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ngoài Vingroup còn có cả Novaland và Masan.

“Chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết trong khi chờ phản hồi chính thức từ UBS và Credit Suisse sau khi họ tái cơ cấu,” một người phát ngôn của Vingroup nói với Nikkei. “Ngoài Credit Suisse, Vingroup còn có những mối quan hệ lâu dài với nhiều ngân hàng quốc tế, và sẽ tiếp tục tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính khác.”

VinFast, nhà sản xuất ô tô khởi nghiệp của Việt Nam, đặt mục tiêu trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được giao dịch công khai tại Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, VinFast cho biết Credit Suisse là một trong những ngân hàng tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu của họ. Mỗi hợp đồng ký kết với Credit Suisse và Citygroup của VinFast có giá trị tối thiểu 2 tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng nhà máy ở tiểu bang North Carolina, miền Đông Hoa Kỳ, và các hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty Việt Nam tại thị trường Mỹ. Với hai thỏa thuận cùng Credit Suisse và Citigroup, VinFast dự kiến huy động tối thiểu 4 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ.

Các nhà chức trách Thụy Sỹ tuần trước đã thúc đẩy UBS, ngân hàng lớn nhất nước này, mua lại khẩn cấp Credit Suisse, vốn đã khiến các nhà đầu tư và người gửi tiền tháo chạy sau nhiều năm bê bối. Động thái của các nhà chức trách Thụy Sỹ gây chấn động tài chính giữa bối cảnh sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ gần đây.

Thương vụ mua lại Credit Suisse của UBS đang chờ xử lý làm nảy sinh một số quan ngại, bao gồm cả việc liệu các khoản vay của Credit Suisse cho các công ty Việt Nam có được chuyển sang UBS hay không, theo Nikkei.

Một báo cáo nghiên cứu của Maybank, ngân hàng của Malaysia, được Nikkei trích dẫn cho biết rằng khoản nợ của tập đoàn phát triển bất động sản Việt Nam, Novaland, đối với ngân hàng Thụy Sỹ ước tính là 487 triệu USD. Báo cáo này lưu ý rằng “Novaland là một trong số ít các công ty địa phương có thể đảm bảo các khoản vay từ những chủ nợ nước ngoài như Credit Suisse.”

Trong khi đó, Masan, một tập đoàn kinh doanh từ nước tương cho đến đồ uống đóng chai do tỷ phú giàu thứ 5 Việt Nam sở hữu, cũng đã công bố hoàn tất gói vay hợp vốn lên đến 650 triệu USD do Credit Suisse và bốn ngân hàng khác bảo lãnh.

Nói về các khoản vay này, một đại diện Credit Suisse cho Nikkei biết “do các chi tiết đầy đủ của giao dịch vẫn đang được thực hiện nên chúng tôi không có thông tin về vấn đề này.” Vị đại diện đồng thời đề nghị truyền thông gửi câu hỏi tới UBS nhưng ngân hàng này từ chối đưa ra phản hồi, theo Nikkei.


    No comments:

    Post a Comment