Saturday, February 25, 2023

VNTB – Thủ tướng ‘lệnh miệng’ bỏ xác nhận cư trú
Huỳnh Liên
26.02.2023 3:23
VNThoibao



(VNTB) – “Không yêu cầu xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính” – Thủ tướng Phạm Minh Chính

 “Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Lệnh miệng” nói trên cho thấy rất có thể người đứng đầu chính phủ chưa hiểu hết những thủ tục hành chính hiện nay. Đơn cử, để xác nhận tình trạng hôn nhân chuẩn xác, thì cán bộ tư pháp phải biết được thông tin cư trú của người dân tại địa phương kèm mốc thời gian.

Trong khi đó, dù có bảy cách chứng minh thông tin cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, nhưng chỉ có giấy xác nhận cư trú là có xác định mốc thời gian. Thông tin này trước đây có trong hộ khẩu ở phần chuyển khẩu, cán bộ tư pháp căn cứ sổ hộ khẩu có thể xác nhận độc thân cho người dân.

Giấy xác nhận thông tin về cư trú (giấy xác nhận CT07) chỉ có giá trị 30 ngày và lệ phí phải nộp là 20.000 đồng.

“Người dân phàn nàn rất nhiều về rắc rối này. Cán bộ tư pháp cũng rất áp lực bởi từ khi bỏ sổ hộ khẩu thì chưa có hướng dẫn của các cơ quan cấp trên về loại giấy tờ nào có thể thay thế giá trị của sổ hộ khẩu sử dụng giải quyết xác nhận độc thân. Trong khi xác nhận độc thân liên quan đến rất nhiều các nhu cầu của người dân như kết hôn, vay ngân hàng, mua bán tài sản, nhà đất… nữa”, luật sư T.T., chia sẻ.

7 phương thức sử dụng thông tin thay sổ hộ khẩu được Bộ Công an hướng dẫn như sau:

1/ Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú;

2/ Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chip;

3/ Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân;

4/ Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư;

5/ Sử dụng ứng dụng VneID;

6/ Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú;

7/ Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Về nội dung của phương thức thứ 6, phía Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, hướng dẫn như sau: Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú).

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú.

Trở lại với “lệnh miệng” của Thủ tướng Phạm Minh Chính về “không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, cho thấy ngay cả bản thân ông Phạm Minh Chính lúc đặt bút ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 về “tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo”, chỉ đưa ra yêu cầu:

“Quán triệt, chỉ đạo cụ thể các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn của Luật Cư trú”.

Trong khi đó thì câu chuyện của “Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú” (CT07) là nội dung của Thông tư 56/2021/TT-BCA do Bộ trưởng Công an Tô Lâm ký ban hành.

Như vậy sự lúng túng trong phối hợp giữa các bộ, ngành trong chính bộ máy chính phủ còn chưa suôn sẻ, nên trách cứ nhân viên tư pháp “hành dân” trong chuyện thủ tục, xem ra có phần cũng “oan uổng” với họ.


No comments:

Post a Comment