Việt Nam: Trung ương Đảng sắp họp để chọn tân Chủ tịch nước25 tháng 2 2023, 17:22 +07
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
172 thành viên uy quyền trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có thể sắp họp tại Hà Nội tuần sau để thống nhất chọn ra tân Chủ tịch nước, theo các nguồn tin.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từ nhiệm, với lý do "nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngày 24/02, hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời từ một nguồn tin giấu tên rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có 'phiên họp bất thường' để bầu tân Chủ tịch nước.
Sau đó Quốc hội sẽ tiến hành bầu chính thức chức danh Chủ tịch nước sớm nhất, có thể là ngày 01/03, nhưng đây chỉ là thủ tục.
Đặc thù thể chế ở VN không cho phép người dân bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia.
Hồi năm 2018, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã họp để chọn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạm thời kiêm nhiệm chức vụ. Sau đó, Quốc hội tổ chức bầu ông Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Điều 86 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có nội dung: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.
Điều 87 Hiến pháp quy định: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội."
Ai có khả năng thay thế?
NGUỒN HÌNH ẢNH,THONG TIN CHINH PHU VIET NAM
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 02/2021
Ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư là một ứng viên 'sáng giá' cho chức vụ Chủ tịch nước thay cho ông Nguyễn Xuân Phúc, theo các nguồn tin vào thời điểm này.
Hôm 25/2, David Hutt, nhà quan sát chính trị Việt Nam nhận định với BBC News Tiếng Việt:
"Ông Võ Văn Thưởng có thể trở thành tân Chủ tịch nước Việt Nam. Ông ấy trẻ, chỉ mới 52 tuổi, và dường như là sự lựa chọn chính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng."
"Ông Thưởng có lập trường cứng rắn trong vấn đề chống tham nhũng. Ông Thưởng đã tạo dựng được một hình ảnh chống tham nhũng."
"Ông Thưởng là sự lựa chọn khá ổn định cho ông Trọng và có thể còn tiến xa hơn nữa trong kỳ Đại hội Đảng tiếp theo."
GS Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị VN kỳ cựu, hôm 20/02 cũng có bài viết cho rằng ông Thưởng là "ứng viên sáng giá" cho chức vụ Chủ tịch nước, sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm không ra tranh cử nội bộ và chọn cách ở lại vị trí hiện nay cho hết nhiệm kỳ hai.
Còn về các nhân vật khác, gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về cán bộ bị khiển trách thì nên từ chức.
Hôm 30/12/2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng để hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ nhiệm và ra khỏi Ủy viên Trung ương Đảng.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Ông Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phúc, 69 tuổi, từ chức Chủ tịch nước vào ngày 18/01/2023 sau 21 tháng cầm quyền, theo truyền thông Việt Nam đưa tin.
Thông cáo phát đi cùng ngày nói ông "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".
"Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu," các bản tin viết.
Tin liên quan
Ông Nguyễn Xuân Phúc: 'Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á'4 tháng 2 năm 2023
Việt Nam: Cho hai Phó Thủ tướng 'từ chức' để làm gương?4 tháng 1 năm 2023
Thử tìm hiểu Đoàn và Đảng ở đâu trong tâm trí người trẻ Việt Nam22 tháng 2 năm 2023
No comments:
Post a Comment