Saturday, February 25, 2023

Tròn một năm kháng chiến: ‘‘Ukraina trụ vững’’, ‘‘đế chế Nga phải chết’’
Trọng Thành
Đăng ngày: 25/02/2023 - 15:18
RFI

Người dân đến bưu điện thành phố Kiev ngày 24/02/2023, để xem con tem mới, mô tả võ sĩ judo nhỏ quật ngã người đàn ông lực lưỡng (ngụ ý chỉ Putin). Phía dưới tem có dòng chữ lên án Putin. Nền tranh là bức tường nhà ở Borodyanka, biểu tượng tội ác chiến tranh Nga. AFP - SERGEI SUPINSKY

Tròn một năm kể từ cuộc can thiệp quân sự Nga chống Ukraina. Tuần san Pháp Courrier International, số ra cuối tháng 2/2023, dành trọn 60 trang báo cho cuộc kháng chiến của người Ukraina và tình hình nước Nga.

‘‘Ukraina trụ vững’’ là tựa đề trang bìa Courrier International, trên nền đen, với bên phải là một nửa khuôn mặt của tổng thống Nga Putin, nổi bật với con mắt xanh quắc, trong đáy mắt là một phần bản đồ thế giới. ‘‘Ukraina trụ vững’’ trước tham vọng đế quốc của Putin là chủ đề xuyên suốt tuần san Pháp. Phần đầu tiên của số báo – ‘‘Ukraina một năm sau’’ – giới thiệu các bài báo nước ngoài, mô tả ‘‘sức kháng cự không thể tưởng tượng nổi’’ của người Ukraina, từ thành phố cảng miền nam Mariupol, đến thị trấn Horodnia miền bắc, từ thủ đô Kiev đến thành phố Bakhmut miền đông, hay Mikolaiv miền đông nam.

Tội ác: Những bức ảnh khiến công chúng xúc động

Courrier International giới thiệu trước hết tác phẩm của nhóm phóng viên New York Times, đứng đầu là nhà nhiếp ảnh kỳ cựu David Hume Kernnerly, ngườit từng nhận giải thưởng Pulitzer cho các tác phẩm của ông về chiến tranh Việt Nam. ‘‘Chụp ảnh địa ngục’’ là câu nói gây sốc, mà nhiếp ảnh gia kỳ cựu Kernnely dùng để tóm tắt về công việc của các phóng viên.

Theo ông, nhiều người có thể tin rằng, công chúng giờ đây dường như đã trở nên trơ lỳ với các hình ảnh về nỗi đau khổ của con người, bởi họ đã chứng kiến quá nhiều đến mức bão hòa. Thế nhưng một nhiếp ảnh gia giỏi vẫn luôn có khả năng khiến chúng ta xúc động. Trong số các bức ảnh của New York Times được Courrier International giới thiệu, có hình một nửa khuôn mặt người với mắt mở to lộ ra sau một túi xác đen khép không kín. Con mắt mở to như của một người còn sống, như thể đang chất vấn người xem. 

Những hình ảnh khủng khiếp về chiến tranh lặp đi lặp lại khiến tình cảm con người có thể trở nên trơ lỳ, hoặc ngược lại khiến người ta không còn dám đối diện với sự thật thảm khốc. Courrier International dẫn lời của nhiếp ảnh gia Kernnerly : ‘‘Những bức ảnh xuất sắc nhất về chiến tranh thường khiến người ta không dám nhìn. Nhưng điều quan trọng nhất là đừng làm như vậy’’.

Thảm kịch Marioupol và tiểu thuyết ‘‘Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn’’

Bài phóng sự của báo Ukraina Oukrainska Pravda, ‘‘Một ngày vô tận tại Marioupol’’, thành phố cảng bên bờ biển Azvov, sầm uất trước chiến tranh, cho thấy sự thật chiến tranh tàn khốc qua trải nghiệm của chàng thanh niên 28 tuổi Vitaly Nikitine. Ngôi trường học phổ thông của anh bị bom đạn phá hủy hoàn toàn. Vitaly chứng kiến cảnh nhà hát thành phố trúng bom, người chết ngay trên đường phố, nhiều khi với đầu và tay chân đứt lìa. Vào thời điểm quân Nga tấn công Marioupol, nhiều thân nhân của Vitaly vẫn còn cho rằng quân đội Ukraina bắn phá thành phố.

Trở lại ngôi trường bị tàn phá, Vitaly đã tìm được bộ ba tiểu thuyết ‘‘Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn’’ của văn hào Tolkien còn nguyên vẹn. Chàng thanh niên sực tỉnh, và nhận ra chính ‘‘loài Orc’’, tức lũ quái vật tay chân của các thế lực trong bóng tối, đã đến tàn phá quê hương anh.  Vitaly hiểu ‘‘vì sao các nhà văn sáng tác’’.

Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga cũng là cuộc kháng chiến của văn hóa

Người Ukraina kháng cự kiên cường chống lại quân xâm lược Nga không chỉ nhờ ở vũ khí phương Tây. Cuộc kháng cự của người Ukraina cũng bắt rễ sâu trong văn hóa. Báo Hà Lan De Volkskrant có bài phóng sự ‘‘Quên đi cuộc xâm lăng trong giây phút ngắn ngủi của một dịp hội hè’’. Tại thị trấn Horodnia, cách biên giới với Belarus – quốc gia đồng minh của Nga – chỉ một tầm đại bác, người dân địa phương tổ chức khá thường xuyên các hoạt động văn hóa.

Horodnia là một thị trấn với khoảng 10.000 dân trước chiến tranh, và không hề có tầm quan trọng về chiến lược. Đầu năm ngoái, quân Nga đã đi qua thị trấn hướng về Kiev, thậm chí không dừng lại ở đây. Ít lâu sau quân Nga rút lui qua ngả này cũng để các ngôi nhà dân của Horodnia gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, tâm hồn của dân chúng thị xã đã hoàn toàn khác. Trước chiến tranh, không mấy người dân ở Horodnia nghĩ rằng Nga sẽ xâm lăng. Giờ đây có đến một nửa gia đình có trẻ em đã rời đi nơi khác, các trường học đóng cửa, nhưng những người ở lại vẫn tổ chức các sinh hoạt văn hóa khi có dịp.  

Bảo vệ văn hóa Ukraina và tiếng Ukraina trở thành một mặt trận không kém phần quyết liệt. Mới đây, ngày 9/11, Ngày Ngôn ngữ và Văn học Ukraina đã được tổ chức long trọng. Báo Hà Lan De Volkskrant giới thiệu tiết mục ca khúc nhạc pop do cô Katia Smal, 22 tuổi, trình diễn, kể về giấc mơ một ‘‘đất nước Ukraina không có người Nga’’.  Trước chiến tranh, Katia viết nhiều ca khúc bằng tiếng Nga, và thậm chí đã bán cả sang Nga. Giờ đây cô hối tiếc về hành động này. Đối với Katia, những người lính Nga đã không chủ động tham gia vào cuộc xâm lăng, chính quyền đã biến họ thành ‘‘những thây ma sống’’ (zombie).

Quân Nga gieo rắc bóng tối

‘‘Loài Orc’’ - tay chân của các thế lực hắc ám, ‘‘những thây ma sống’’ đã tàn phá đất nước Ukraina từ một năm qua. Quân Nga đã thực sự reo rắc bóng tối lên nhiều khu vực tại Ukraina. Các cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công, nạn cắt điện kéo dài trở thành chuyện cơm bữa. Trên báo Anh The Observer, nhà văn Ukraina Andrei Kourkov mô tả nỗi hãi hùng đối với rất nhiều người dân Ukraina khi phải liên tục sống trong cảnh hoàn toàn không có ánh sáng kéo dài.

Bóng tối bao trùm cũng buộc mỗi người đối diện với những nỗi đau khổ của chính mình, về thể xác, cũng như tình cảm sợ hãi, lo lắng. Nhà văn Andrei Kourkov cũng khi nhận sống trong bóng tối kéo dài cũng khiến nhiều người dân Ukraina thay đổi thói quen.

Phần hai trong số báo đặc biệt về xung đột Ukraina của Courrier International mang tựa đề ‘‘Phương pháp Putin’’, trên nền hình ảnh lãnh đạo Nga một tay cầm một que diêm bốc cháy, một tay cầm tấm hình nước Nga. Putin đem chết chóc, lửa khói đến cho quốc gia láng giềng Ukraina, nhưng hành động của ông ta đồng thời cũng có nguy cơ hủy diệt chính nước Nga. ‘‘Que diêm’’ châm ngòi chiến tranh tàn phá đất nước Ukraina chắc chắn không thể để nước Nga yên lành.

Putin : Chiến lược hủy bỏ ‘‘bài bản’’ các cải cách thời Gorbatchev

Courrier International muốn đưa ra một góc nhìn khác về chiến lược hành xử của Putin. Khác với nhiều quan điểm phổ biến cho rằng Putin là một ‘‘kẻ điên rồ’’, bài viết của nhà văn Nga Viktor Erofeev, trên báo Đức Franfurter Allemeine Zeitung, vạch ra một ‘‘kế hoạch bài bản, được tính toán kỹ lưỡng’’ trong chiến lược của Vladimir Putin.

Từ hai thập niên nay, tổng thống Nga đã thực thi một kế hoạch dài hơi nhằm phá bỏ dần dần mọi cải cách thời hậu chiến tranh Lạnh trong thập niên 1980 của ông Gorbatchev, khi làm chủ tịch Liên Xô, thường được gọi là các cải cách ‘‘perestroika’’. 

Chủ trương của Putin là tái lập một quyền lực tập trung cao độ tại Nga giống như thời đế chế các Sa hoàng, và thời cộng sản toàn trị Stalin. Trong một chế độ độc đoán mà ông Putin nỗ lực tạo lập, ‘‘mọi sáng kiến chính trị từ dân chúng đều bị chính quyền bóp nghẹt’’. Nhà văn Viktor Erofeev gọi đây là các cuộc cải cách ‘‘perestroika đảo ngược’’. Để xây dựng một chế độ độc tài như vậy chính quyền Putin coi việc ‘‘vứt bỏ mọi ảnh hưởng của phương Tây là bước đi không tránh khỏi’’.

Điều đáng sợ đối với nước Nga, theo Viktor Erofeev, là đông đảo người dân Nga nhìn chung rất ít biết đến các quyền tự do cá nhân, và ý thức tầm quan trọng của chúng, bởi vậy mà các tuyên truyền nhồi sọ ở Nga có được ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài, ngược lại với ở châu Âu, cho dù nhiều nơi đã từng có các chế độ độc tài, phát xít, nhưng người dân hiểu được các quyền tự do nên không dễ bị quy phục.

‘‘Putin không phải là Lenin’’ và tiên tri của cha đẻ ‘‘liệu pháp sốc’’

Tuy nhiên, ‘‘nỗ lực bài bản, được tính toán kỹ lưỡng’’ nhằm áp đặt một chế độ độc tài tại Nga của ông Putin chưa hẳn đã dễ thành công. Chính trị gia Nga, nhà báo Leonid Gozman, một trong các gương mặt đối lập nổi bật đang sống ở nước ngoài, trên báo Nga Novaia Gazeta, nhận định : ‘‘Putin không phải là Lenin, tình trạng này không thể kéo dài’’.

Theo chính trị gia Nga nói trên, nhiều người Nga đang buộc phải sống lưu vong, ‘‘vẫn có thể hy vọng vào sự sụp đổ của chế độ’’. Khác hẳn thời đầu của chế độ Xô Viết, đông đảo dân chúng tin tưởng vào chính quyền, giờ đây, ‘‘thực trạng tham nhũng, dối trá, đạo đức giả, không còn làm ai ngạc nhiên… Dân chúng buộc phải khuất phục, nhưng họ sẽ không bảo vệ chính quyền, như đã từng bảo vệ tổng thống Boris Eltsin hồi 1991’’.

Chính trị gia Leonid Gozman khép lại bài viết với phát biểu của bộ trưởng Egor Gaidar (thời Eltsin), thường được mệnh danh là cha đẻ của ‘‘liệu pháp sốc’’, tức chính sách tự do hóa kinh tế Nga. Trong những năm 2000, trong một cuộc nói chuyện với phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, khi được hỏi : Liệu nước Nga có tiếp tục trở lại con đường cũ trong 70 năm nữa hay không ? (ngụ ý nói đến chế độ toàn trị kiểu Liên Xô), cha đẻ của ‘‘Liệu pháp sốc’’ trả lời : ‘‘Không, chỉ từ 15 đến 20 năm thôi’’. Nhà báo Gozman coi đây là một lời tiên tri, ông nhấn mạnh : ‘‘Chúng ta đã gần hết giai đoạn này rồi, hãy giữ vững niềm tin !’’. 

Trường giáo dục công dân Matxcơva: 30 năm hoạt động, 30.000 học viên

 Vẫn về chủ đề này, Courrier International giới thiệu bài ‘‘Đế chế Nga phải chết’’ của nhà báo Mỹ Anne Applebaum trên The Atlantic. Bà Anne Applebaum, là một chuyên gia về lịch sử của chủ nghĩa cộng sản và các xã hội Trung và Đông Âu, bao gồm Nga và Liên Xô, đoạt giải thưởng Pulitzer, giải thưởng nổi tiếng nhất của báo chí Mỹ, vào năm 2004, với cuốn ‘‘Một lịch sử về Goulag’’.  (Goulag là từ để chỉ hệ thống trại tập trung thời cộng sản toàn trị Liên Xô).

Bài ‘‘Đế chế Nga phải chết’’ dành một phần chủ yếu để nói về nỗ lực phi thường của hai nhà hoạt động Nga, Lena Nemirovskai và Iouri Senokosov, sáng lập ra Trường giáo dục công dân Matxcơva ngay từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Giáo dục ý thức công dân, để xây dựng một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, là điều gần như hoàn toàn thiếu vắng tại Nga. Trong gần 30 năm hoạt động (từ 1992 đến 2021), đã có hơn 30.000 người theo học tại trường, từ các nghị sĩ, thành viên hội đồng địa phương, đến các doanh nhân, nhà báo… Đây là một tổ chức hoàn toàn do người Nga lập ra, hoạt động chủ động theo tôn chỉ của mình. Trong thập niên đầu tiên thời Putin, trường học hoạt động bình thường, với điều kiện không tham gia quá nhiều vào đời sống chính trị. Tuy nhiên, trường bị chính quyền Nga xếp vào nhóm các tổ chức gọi là ‘‘nhân viên nước ngoài’’, tức nhận chỉ thị từ bên ngoài. Trường giáo dục công dân Matxcơva đã buộc phải đóng cửa vào năm 2021. Hai nhà sáng lập buộc phải rời trường sang Riga, Latvia.

Theo nhà báo Anne Applebaum, công việc của hai nhà sáng lập Trường giáo dục công dân Matxcơva trong ba thập niên qua là không hề vô ích. Những tri thức do trường học này cung cấp cho phép hình dung là nước Nga có thể có được một chế độ khác, một ‘‘chế độ hậu Putin’’ là điều có thể.

Thất bại của đế quốc Nga ở Ukraina cho phép nước Nga mới ra đời

Đối với chuyên gia về lịch sử Nga này, điều đáng sợ không phải là chế độc độc tài của Putin, mà là việc đông đảo ‘‘thành phần cấp tiến’’ Nga trước đây không hiểu rằng nguồn gốc của chế độ độc tài chính là tham vọng xây dựng một nước Nga mang tính đế chế. Tình hình giờ đây đang xoay chuyển mạnh, theo nhà báo Anne Applenbaum, khi ‘‘hàng trăm nghìn người Nga bình thường đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa hình ảnh lý tưởng về một nước Nga đế quốc và chế độ độc tài’’. Nhiều chính trị gia đối lập Nga bắt đầu hướng đến xây dựng một xã hội dân sự Nga bên ngoài nước Nga.

Đối thủ của Ukraina không phải là một nước Nga láng giềng bình thường, mà là đế chế Nga đang được phục hồi với chiến lược âm thầm, bền bỉ của lãnh đạo tối cao Vladimir Putin. Chính ở điểm này mà cuộc tranh đấu vì một nước Nga dân chủ và cuộc kháng chiến của người dân Ukraina liên hệ mật thiết. Theo nhà báo Anne Applenbaum, một số người Nga cho biết ‘‘thất bại quân sự’’ của Nga tại Ukraina là điều tốt cho chính nước Nga. Nhà báo Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này, việc đế chế Nga lụi tàn với thất bại quân sự tại Ukraina là cơ hội cho một nước Nga mới ra đời, một nước Nga mở cửa hơn, thịnh vượng hơn, với điều kiện là có đông đảo người Nga tham gia xây dựng một xã hội như vậy. Và ‘‘trong khi chờ đợi không thể để cho Putin độc quyền định nghĩa thế nào là người Nga. Ông ta không có thẩm quyền này’’.

Tổng tham mưu trưởng Nga: Con tốt trong tay Putin

Cũng trong số báo này, Courrier International còn có bài viết đáng chú ý trên báo Thụy Điển Dagens Nyheter về ‘‘nghệ thuật’’ nhục mạ các tướng lĩnh, điều cho phép tổng thống Nga luôn duy trì được uy quyền tuyệt đối. Các tướng lĩnh cấp cao nhất như tổng tham mưu trưởng Valeri Guerrassimov cũng chỉ là một con tốt trong bàn tay của lãnh đạo tối cao. Dagens Nyheter mô tả việc tổng thống Nga khi thì tỏ ra trọng dụng, khi thì khinh bỉ không thèm nhìn mặt viên sĩ quan cao cấp này.

Bài viết trên báo Thụy Điển cho biết tình hình nội bộ Nga biến hóa khó lường. Tổng tham mưu trưởng, vừa được cử làm chỉ huy ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ tại Ukraina, rất có thể bị Putin bày màn diễn cách chức trực tiếp trên truyền hình, trong lúc lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, nhân vật thân cận của Putin, đang được coi là nhiều người Nga coi là người hùng trong cuộc chiến tranh tại Ukraina, cũng có thể phải ra trước vành móng ngựa.

Pháp: Lên án ‘‘quan điểm mỵ dân chống tỉ phú’’

Không hẹn mà gặp, ba tuần báo Pháp Le Point, L’Express và L’Obs đều dành chủ đề chính cho thời sự trong nước. Hai tuần cuối tháng hai và đầu tháng ba được coi là kỳ ‘‘hưu chiến’’. Kết thúc kỳ nghỉ này, nghiệp đoàn và chính phủ sẽ trở lại cuộc đấu liên quan đến dự luật cải cách hưu trí, mà chính quyền Macron gần như chắc chắn sẽ thông qua. Các nghiệp đoàn dự kiến tổng đình công ngày 07/03.

Cuộc tranh đấu xung quanh dự luật hưu trí thu hút nhiều đối đầu căng thẳng trong xã hội Pháp. Tuần báo thiên hữu L’Express dành hồ sơ trang nhất để lên án quan điểm ‘‘mỵ dân chống tỉ phú’’. Trong bối cảnh dự luật cải cách hưu trí bị phản đối mạnh trong xã hội, phổ biến một quan điểm cho rằng có thể tăng thuế người giàu để bù vào phần thiếu hụt. L’Express có bài ‘‘điều tra đối chứng’’, chỉ trích 7 sai lầm của báo cáo Oxfam, tổ chức phi chính phủ đề xuất đánh thuế tài sản các tỉ phú, cụ thể là 1% những người giàu nhất, để có tiền cho quỹ hưu trí.

Tuần báo thiên hữu Le Point dành hồ sơ chính để chỉ trích lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon. Le Point tìm cách lý giải vì sao đảng cực tả nước Pháp Bất Khuất lại nhận được sự ủng hộ đông đảo của giới tinh hoa đô thị. Hồ sơ mang tựa đề : ‘‘Giới thị dân đi theo phe Mélenchon’’.

Pháp: Cuộc chinh phục thầm lặng của đảng cực hữu

Về phần mình, tuần báo thiên tả L’Obs lo ngại ‘‘cuộc chinh phục thầm lặng’’ của đảng Mặt Trận Dân Tộc của bà Marine Le Pen. Đảng cực hữu của Le Pen im lặng trong vấn đề dự án cải tổ hưu trí đang gây đối đầu giữa chính quyền và đường phố. Đích nhắm của đảng này là cuộc tranh cử tổng thống năm 2027.  Bài xã luận của L’Obs mang tựa đề ‘‘Một hương vị chiến thắng đáng lo ngại’’, cho biết đảng cực hữu đã gây ra một trận động đất về chính trị trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, với việc đưa được 88 dân biểu vào Quốc Hội.

88 dân biểu là một lực lượng to lớn cho phép làm bắt rễ trong xã hội một quan niệm là đảng chính trị Mặt Trận Dân Tộc là một đảng phái giống như tất cả đảng khác. Đây chính là điều mà lãnh đạo đảng đã nói với L’Obs: ‘‘đấy là cái mà chúng tôi còn thiếu, để có thể hướng đến nắm được quyền lực’’.

Nỗ lực của giới vận động hành lang Ukraina tại Hoa Kỳ

Tập trung vào thời sự trong nước, nhưng L’Obs cũng có bài mô tả nỗ lực của giới vận động hành lang cho Ukraina tại Washington, cho phép duy trì áp lực tối đa với Quốc Hội Mỹ, với các viện tư vấn, với báo giới, để đạt được mục tiêu nhận được ngày một nhiều hơn vũ khí từ Hoa Kỳ.

Le Point có bài về’ ‘‘Moldova, mục tiêu của Matxcơva’’. Phóng sự của Le Point cho thấy chính quyền Putin đã khai thác các kẽ hở của hệ thống chính trị Moldova để mở rộng các ảnh hưởng như thế nào. Moldova là nơi tham nhũng trầm trọng. Ảnh hưởng của Nga tại Moldova, quốc gia láng giềng với Ukraina mạnh đến mức, nhiều giới chức cao cấp nước này còn trả tiền cho nhân viên an ninh Nga để trình các báo cáo có lợi cho họ lên Matxcơva. Chính quyền Putin đang mưu đồ chia rẽ triệt để xã hội Moldova, với việc giật dây cho các cuộc phản kháng chính quyền, nhân danh chống tham nhũng.

No comments:

Post a Comment