Saturday, February 4, 2023

Phúc Lai - Nhận xét về những thông tin hóng được từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine ngày 03/02/2023
vendredi 3 février 2023
Thuymy



1. Một số tin tức chiến trường

Tin ngày 1 tháng Hai năm 2023: Địch tiến hành trinh sát và chuẩn bị mở lại các cuộc tấn công trên một số hướng. Bất chấp tổn thất nặng nề, các lực lượng Nga vẫn cố gắng tiến xa hơn theo các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Novopavlivka.

Theo báo cáo tình hình chiến sự của Bộ Quốc phòng Ukraine tính đến 18:00 ngày 31.01.2023, trong ngày hôm đó kẻ thù đã thực hiện:

• 2 cuộc tấn công bằng tên lửa vào cơ sở hạ tầng dân sự của Sloviansk và Kramatorsk, tỉnh Donetsk;

• 2 cuộc không kích và 24 cuộc tấn công bằng pháo phản lực phóng loạt.

• Trên các hướng Volyn, Polissia, Siversk và Slobozhansk: không có nhóm tấn công nào của kẻ thù được xác định. Quân địch trải qua khóa huấn luyện quân sự trên nhiều cơ sở huấn luyện khác nhau ở Belarus. Nga vẫn đang duy trì các đơn vị ở các khu vực gần biên giới với Ukraine; tiếp tục tiến hành các cuộc pháo kích qua biên giới vào các khu định cư của Ukraine bằng súng cối và hệ thống pháo binh. Cụ thể: Klius và Yelina (tỉnh Chernihiv), Katerynivka, Vovkivka, Oleksandrivka, và Volfyne (tỉnh Sumy), và Veteryname, Neskuchne, Ternova, Ohirtseve, Vovchansk và Budarka (tỉnh Kharkiv) đã bị bắn phá.

• Theo hướng Kupiansk: các vùng lân cận Dvorichne, Ivanivka, Kupiansk, Kislivka, Kotliarivka, Krokhmalne và Pischane (tỉnh Kharkiv); Novoselivka và Stelmakhivka (Luhansk Oblast) bị tấn công. Theo hướng Lyman, kẻ thù pháo kích Nevske và Dibrova (Luhansk Oblast), Terny và Serebrianka (tỉnh Donetsk).

• Ở hướng Bakhmut, chúng bắn bằng pháo của xe tăng và pháo binh ở các vùng lân cận Verkhnokamianske, Spirne, Bilohorivka, Vesele, Bakhmut, Ivanovske, Stupochki, Druzhba và New York (tỉnh Donetsk). Theo hướng Avdiivka: Avdivka, Pervomaiske, Nevelske, Krasnohorivka, Heorgiivka Maryinka và Novomykhailivka cũng bị địch bắn phá.

• Ở hướng Novopavlivka: Vuhledar, Novoukrayinka, Prechistivka, Velyka Novosilka và Neskuchne (Donetsk Oblast) bị trúng đạn pháo. Theo hướng Zaporizhzhia: hơn 20 khu định cư đã bị kẻ thù tấn công.

• Ở hướng Avdiivka: Avdiivka, Pervomaiske, Nevelske, Krasnohorivka, Heorgiivka, Maryinka và Novomykhailivka bị địch bắn phá.

• Ở hướng Novopavlivka: Vuhledar, Novoukrayinka, Prechistivka, VelykaNovosilka và Neskuchne (Donetsk Oblast) bị trúng đạn pháo.

• Theo hướng Zaporizhzhia: hơn 20 khu dân cư đã bị kẻ thù tấn công, đặc biệt là Vremivka ở tỉnh Donetsk và Poltavka, Malynivka, Huliaipole, Charivne và Novodanylivka (tỉnh Zaporizhzhia).

• Ở hướng Kherson: thành phố Kherson, cũng như Dmytrivka (Mykolaiv Oblast) là mục tiêu tấn công của pháo binh.

2. Nga còn bao nhiêu cái xe tăng?

Theo một bài viết trên Blog Military của Ukraine ngày 22 tháng Tám năm 2022, số lượng xe tăng tồn kho của Nga là:

2.800 chiếc T-54/55

2.500 T-62

2.000 T-64

7.000 T-72

3.000 T-80

200 T-90

Tổng cộng 17.500 chiếc.

Vào thời điểm tháng Hai năm 2022, cách đây gần một năm người Nga tung vào chiến trường 100 BTG (cụm chiến thuật cấp tiểu đoàn). Như chúng ta đã biết, mỗi BTG có trong biên chế của nó 10 xe tăng và khoảng 16 xe bọc thép chở quân. Như vậy ngay trong đội hình các BTG Nga đã sử dụng đến 1.700 xe tăng cho trận tấn công đầu tiên của mình.

Đó là chúng ta còn chưa tính đến số lượng các xe tăng trong các đơn vị độc lập, ví dụ như Sư đoàn xe tăng Cận vệ số 4 “Kantemirovskaya” và nhiều đơn vị tương tự. Hồi đó chúng ta đã đoán mò với nhau là con số xe tăng của Nga tham chiến có thể đạt tới từ 2.500 đến 3.000 chiếc.

Sau đó khoảng tháng Bảy năm ngoái đã bắt đầu có những thông tin Nga phải sử dụng xe tăng T-62 hoạt động trên chiến trường, đầu tiên là khu vực Kherson và sau đó cả ở Donbas. Tại sao lại là T-62? Không phải là họ lôi từ trong kho ra đánh rỉ và sơn lại đâu, mà bản thân đó là các xe tăng T-62 đang hoạt động trong quân đội Nga, chúng thường được dùng cho mục đích huấn luyện.

T-62 dù đã chính thức bị loại khỏi Quân đội Nga vào năm 2013 bởi lệnh của Bộ Quốc phòng Nga, nó đã phục vụ đáng tin cậy ở Liên Xô và sau đó là trong Quân đội Nga trong 5 thập kỷ. Vào thời điểm đó, còn lại khoảng 2.500 xe tăng T-62 trong kho chiến lược, sẽ được giảm xuống 900 và số 1.400 chiếc sẽ bị cắt nhỏ thành phế liệu, theo thông tin tháng 6 năm 2022. Tuy vậy sau đó hai loại T-62M và T-62MV được đưa trở lại phục vụ trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tại sao T-62 được chọn dù Nga có đến 7.000 chiếc T-72 trong kho, mà chỉ cần “nhìn một cái” chúng ta đã thấy đó là thứ nguy hiểm nhất? Vì con số thuần túy chỉ là con số, người ta đánh giá rằng phần lớn trong số chúng nếu đưa ra sử dụng lại thì không đáng tin cậy. Ví dụ có những loại xe tăng T-72 thế hệ đầu tiên với động cơ có công suất tương đương T-62 nhưng xe lại nặng hơn đến cả chục tấn, và như thế thì thà dùng T-62 còn hơn.

Khi các nước phương Tây cam kết cung cấp ngày càng nhiều xe tăng tốt nhất chuẩn NATO cho Ukraine, Mátxcơva được cho là đang nâng cấp và đưa trở lại hoạt động hàng trăm chiếc T-72.

Kết quả là ít nhất một mẫu T-72 mới: T-72B3 phiên bản 2022. T-72B là phiên bản của những năm 1980 với gói cải tiến. Bao gồm kính ngắm kỹ thuật số/camera ảnh nhiệt Sosna-U cho xạ thủ có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, áo giáp phản ứng nổ ERA mới, video camera phía sau và pháo chính 125 mm được thay nòng pháo mới. Nói thêm, một số phiên bản cải tiến hiện đại hóa của Sosna-U được trang bị cho xe tăng T-72BA và T-90S, T-90MS.

Đó là trên dự án, còn thực tế thì sao? Kính ngắm Sosna-U trang bị trên T-72 và cả T-80BVM, T-90 đang rất thiếu. Để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất T-72 của Uralvagonzavod trang bị cho T-72 camera ảnh nhiệt tương tự là 1PN96MT-02. Đây là một thiết bị đã lỗi thời, nó tương đương với kính ngắm mà quân đội NATO đã lắp đặt trên xe tăng của họ từ những năm 1970.

Hệ thống ngắm Sosna-U bây giờ là mấu chốt – nó được quảng cáo là cho phép xạ thủ xe tăng có thể ngắm bắn được mục tiêu từ khoảng cách 4 dặm (chà, 7 ki-lô-mét đó!) và được sản xuất không giấy phép trên cơ sở hệ thống ngắm tương tự của Pháp đã cung cấp cho Nga cách đây hơn một thập kỷ. Trong điều kiện bị cấm vận và trừng phạt hiện nay, việc tăng sản lượng thứ thiết bị tiên tiến này quả là cực kỳ khó khăn.

Quay lại với câu hỏi – tại sao T-62 lúc nào đó lại là lựa chọn hơn T-72? Câu trả lời cũng không quá khó – vấn đề không phải nằm ở động cơ, ở thân xe... mà nằm ở hệ thống kính ngắm và chỉ thị mục tiêu. Hệ thống này trên T-62 khá thô sơ và lỗi thời, đồng thời không còn mấy khách hàng trên thế giới còn sử dụng, trong khi ở rất nhiều mẫu T-72 có thể lấy được để... bán lậu cho khách hàng trên khắp thế giới. Do vậy mà câu chuyện của T-62 có lẽ là bước đệm để cho Uralvagonzavod đủ thời gian trang bị kính ngắm mới và rộng hơn, đưa các T-72 trong kho vào hoạt động. 

Ngày 2 tháng Mười hai năm 2022, hãng thông tấn Nhà nước Nga Itar-Tass đưa tin:

Nhà sản xuất quốc phòng Uralvagonzavod (thuộc tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec) đã giao một lô xe tăng T-72B3M nâng cấp cho quân đội Nga, theo thông tin của văn phòng báo chí Rostec.

Được biết, xe tăng được trang bị động cơ công suất cao V-92S2 1.000 mã lực dựa trên hệ thống truyền động tự động và điều khiển nhiệt. Việc nâng cấp được thực hiện theo kế hoạch mua sắm quốc phòng trong chương trình hiện đại hóa xe tăng T-72B lên cấp độ T-72B3M. Giải pháp nâng cấp trọn gói xe tăng T-72 đã được các kỹ sư – công trình sư của Cục Thiết kế Kỹ thuật Giao thông vận tải Ural (một bộ phận của Uralvagonzavod) đề xuất. Gói nâng cấp trên thực tế liên quan đến tất cả các hệ thống của xe và giúp cải thiện khả năng cơ động của phương tiện, nâng cao hỏa lực và mức độ bảo vệ” – văn phòng báo chí cho biết trong một công bố.

Hệ thống bảo vệ mới của xe tăng được nâng cấp giúp tăng cường đáng kể khả năng sống sót và nâng hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện thiết giáp trong điều kiện trong môi trường chiến đấu của trận chiến giao tranh tổng hợp với việc sử dụng nhiều vũ khí chống tăng khác nhau.

“Các xe tăng T-72B3 nâng cấp cũng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực mới có quy trình chuẩn bị khai hỏa tự động và tăng đáng kể độ chính xác của hỏa lực”, Uralvagonzavod cho biết. Nó cũng được trang bị động cơ công suất cao V-92S2 1.000 mã lực với hệ thống truyền động tự động và điều khiển nhiệt độ động cơ.”

T-72B3M là phiên bản nâng cấp của xe tăng T-72B3 có hệ thống quan sát mới với màn hình kỹ thuật số và video camera quan sát phía sau. Giáp của xe tăng đã được gia cố bằng các tấm giáp phản ứng nổ ERA “Relikt.” Xe tăng cũng đã được trang bị pháo chính 125mm mới với tuổi thọ nòng dài hơn, bộ đàm sóng cực ngắn R-168-25U-2 “Akveduk” mới, thiết bị chữa cháy mới và kính ngắm cho xạ thủ Sosna-U.

Cơ mà số lượng của lô xe tăng nói trên giao được là bao nhiêu thì Tass không nói.

Ngày hôm qua, thứ trưởng thương mại Hoa Kỳ Don Graves công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, chủ yếu là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào Nga. Cho đến nay, nhập khẩu của Nga nhất là trong lĩnh vực công nghệ chẳng hạn microchip đã giảm 70% so với cùng kỳ năm 2021. Nga được cho là đang tăng cường lùng sục chip xử lý trong máy giặt, tủ lạnh và gần đây nhất, họ tiếp tục phá các máy rửa bát để lấy chip lắp cho vũ khí. Những nỗ lực đó không thể đủ nên việc tìm nguồn vũ khí của Bắc Triều Tiên và Iran là hoàn toàn dễ hiểu.

Theo thông báo của Bộ tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine hôm qua, quân đội Nga đã mất trên chiến trường Ukraine 3.215 xe tăng.

Bình loạn : Ngày hôm qua Ukraine bắn được thêm 4 cái xe tăng của Nga, số lượng “hạn chế” đó vì cho đến nay người Ukraine vẫn đang tỏ ra... rất sát xe tăng Nga và gần đây Bộ chỉ huy Nga đã có mệnh lệnh các chỉ huy chiến trường không được điều động những nhóm xe tăng lớn, mà chỉ được sử dụng nhỏ giọt.

Trong một diễn biến khác, nhóm Milblogger Rư-ba của Nga sau mấy ngày cay cú, hôm nay vừa Tweet một tin dẫn Bloomber: “Theo một đại diện của nhà sản xuất, sẽ không thể triển khai GLSDB ở Ukraine trong tương lai gần, vì trước tiên cần phải ký hợp đồng sản xuất và quá trình sản xuất sẽ mất khoảng chín tháng.”

Bình loạn : Ơ thế thông báo chính thức của Hoa Kỳ về gói viện trợ mới 2 phảy mấy tỉ đô-la trong đó có GLSDB loại tầm bắn 150 ki-lô-mét là tin vịt, hay họ dùng loại tồn kho đưa cho người Ukraine bắn? Chưa biết thế nào nhưng rõ ràng là tin Hoa Kỳ viện trợ cái món này cho người Ukraine gây hoảng loạn cho bọn dư luận viên và cả giới quân sự Nga là chắc chắn.

3. Nhìn lại cuộc chiến, thời điểm nào là khó khăn, nặng nề nhất ???

... nếu không tính trận đánh bảo vệ thủ đô Kyiv? The Battle of Kyiv.

Thật ra nếu nói rõ ràng hơn nữa, đó là Phase 1 của cuộc chiến. Như tui bình luận trên tường nhà một bác: “Lúc người Nga chia 6 mũi tấn công vào Ukraine từ các hướng, 2.500 xe tăng, hơn 700 máy bay chiến đấu các loại, 7.000 pháo các loại không kể súng cối, 190.000 quân... thọc vào cách dinh tổng thống Kyiv 30 km, người Ukraine không sợ và đánh thắng, đốt 700 xe tăng của người Nga.”

Đó cũng là thời gian của trận đánh bảo vệ nhà máy thép Azovstal, nó ngăn không cho Putox ca khúc khải hoàn “chiếm được Mariupol” thậm chí đã có kế hoạch duyệt binh mừng chiến thắng 9 tháng Năm ở thành phố này.

Thời gian nặng nề nhất là giai đoạn theo dõi tình hình bảo vệ nhà máy thép, và nhưng nó chỉ nặng nề chứ không đáng sợ. Điều đáng sợ là khi chúng ta nín thở theo dõi các tin tức ở Izyum. Hồi đó dù tui không nói quá nhiều đến vị trí của thành phố này, nhưng thật ra nó rất nguy hại. Chiếm được Izyum cho phép quân Nga tổ chức những mũi tấn công vào sườn hệ thống phòng ngự của Ukraine ở phía sau hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk. So với cặp thành phố Severodonetsk và Lysychansk có vị trí tiền tiêu, thì Slovyansk và Kramatorsk có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Chiếm được Slovyansk và Kramatorsk đồng nghĩa với việc Putox có thể tuyên bố chiến thắng và thực tế thì với hệ thống phòng ngự sẵn có ở đây, Putox cho lực lượng quân sự của hai cái nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk bố trí, người Ukraine không có khả năng chiếm lại được.

Coi như là thua dứt điểm. Hồi đó tui còn ngồi tính xem chiều dài chiến tuyến – chiều sâu tuyến phòng ngự của người Ukraine là bao nhiêu, người Nga cần bao nhiêu pháo và đạn pháo, từ đó tính ra là họ sẽ cần bao nhiêu cái... xe tải. Nôm na là riêng Donbas chiều dài tuyến phòng ngự của người Ukraine phải cỡ 300 đến 400 ki-lô-mét và sâu từ 100 đến 200 ki-lô-mét đến tận Slovyansk và Kramatorsk. Ngay cả bây giờ nếu người Nga chiếm được Bakhmut, thì chiều sâu tuyến phòng ngự của người Ukraine từ đó đến Kramatorsk cũng đã là 30 ki-lô-mét. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra luôn rằng: Bakhmut là mục tiêu mà sau đó sẽ là con đường gần nhất đến Kramatorsk. Tạm thời chúng ta cứ để thông tin lại đây đã.

Ấy thế mà từ sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk, cánh quân Nga ở Izyum vẫn sa lầy. Tui còn nhớ địa danh Dovhenke được nhắc đi nhắc lại hàng tháng trời trong các bản tin chiến sự mà sốt hết cả ruột và không hiểu tình hình ra sao cả. Đây là một làng cách phía nam thành phố Izyum 13 ki-lô-mét đường chim bay, mà người Nga cứ cố gắng tấn công mãi mà chẳng chiếm được và chỉ sau này, khi thành phố Izyum đã được giải phóng thì mới xuất hiện trên mạng một câu chuyện kể về những nỗ lực tấn công hết sức vô nghĩa của người Nga: cấp trên cao nhất cứ đe doạ, cấp trên thấp hơn cứ ra lệnh và cấp thi hành trực tiếp cứ tấn công đi tấn công lại bất chấp tổn thất.

Tui cũng đã từng kể với các bác, những chuyện này nó giống kinh khủng với thời Chiến tranh Vệ quốc: nhiều khi tên một cái làng nào đó tình cờ rơi vào tai Stalin và ông ta biết được quân Đức đã tái chiếm lại được cái làng, bực bội, ông ta ra lệnh chiếm lại nó bằng mọi giá. G.K. Zhukov đã từng thuật lại rằng ông và một số tướng lĩnh cấp cao khác, đặc biệt là A.M. Vasilevsky những không ít lần khuyên can Stalin nhưng không phải lúc nào cũng thành công: những địa danh đó không có ý nghĩa gì nhiều về mặt chiến lược. Tính cố chấp của Stalin được đặt trong bệnh thành tích cộng sản, đã làm cho Hồng quân Liên Xô thời bấy giờ phải trả giá hàng triệu sinh mạng theo kiểu như vậy.

Câu chuyện này lại lặp lại với Soledar, Bakhmut... Khách quan mà nói, ngay cả chiếm được hết diện tích hai tỉnh Donetsk và Luhansk, tức là hết vùng Donbas thì mục đích ban đầu của cuộc chiến là xóa sổ chính quyền Zelensky và dựng lên một Chính phủ bù nhìn mới thân Nga, cũng đã phá sản từ lâu và sẽ chẳng bao giờ thực hiện được nữa. Hồi đầu chiến tranh tui đã từng bàn với các bác có kịch bản là người Ukraine chỉ đủ sức đẩy lùi người Nga khỏi Kyiv và chấp nhận khả năng bị chiếm toàn bộ miền đông, từ biên giới quốc gia đến sông Dnipro.

Quay lại với câu chuyện của thời điểm hiện tại. Tiếp tục comment được trích dẫn trên, nó là từ bối cảnh bác ấy dẫn tin ông J. Biden sẽ sang thăm Ba Lan vào tháng Tư tới đây và khi được hỏi về khả năng có giao máy bay F-16 cho Ukraine hay không, ông cụ trả lời dứt khoát: “Không!” Điều đó dẫn tới (có vẻ như) một tâm lý buồn nản của một số bác tham gia diễn đàn bên đó. Tiếp theo comment trên, tui viết tiếp: “Vậy vì sao bây giờ (chúng ta) lại phụ thuộc vào cái F-16 với sợ 100.000 thằng Zombie mới tuyển để ngồi thở vắn than dài với nhau?”

Xin hãy nhớ lại: đã có lúc ông Biden nói không giao HIMARS, và rồi nó vẫn xuất hiện. Chưa bao giờ chúng ta nghĩ đến việc có xe tăng Abram, nhưng nó vẫn lại có. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hôm nay bác ấy dẫn tiếp tin tức của báo Ba Lan “trong tháng Một (2023) người Nga đã chiếm được 600 ki-lô-mét vuông của Ukraine” và kéo theo một loạt các tâm trạng buồn nản của bạn bè ủng hộ Ukraine.

Trong câu chuyện này chúng ta cần xem xét một khía cạnh. Cho đến ngày 01/02/2023, người Nga đã mất 127.500 nhân sự ở chiến trường Ukraine, trước đó 1 tháng ngày 01/01/2023 là 106.720. Như vậy trong tháng Một 2023 người Nga đã mất ở chiến trường 20.780 lính. Tính trung bình để chiếm được 1 ki-lô-mét vuông, người Nga tiêu tốn 35 mạng binh lính. Nếu với tốc độ như vậy, để chiếm được (cứ cho là 20%) diện tích còn lại của Donbas, tức là 15.000 ki-lô-mét vuông thì người Nga sẽ quẳng vào cối xay thịt cỡ... 525.000 quân nữa, một con số không tưởng.

Đến đây chắc chắn bọn dư luận viên chúng nó sẽ cười tui với một phép toán thuần túy cơ học, có lẽ là... thô thiển. Đáng tiếc là điều đó hoàn toàn không phi thực tế một chút nào, vì nó có xuất phát điểm từ chính cách tiến hành chiến tranh của người Nga: gặm nhấm – nói thẳng ra là... cạp đất mà ăn. Cứ cho là không đến con số trên mà chỉ là 1/4 như thế thôi, cũng đã là kinh khủng.

Vậy về phía người Ukraine thì sao? Sau trận đánh bảo vệ Kyiv (cả Kharkiv nữa!) mà cái giá phải trả là bị mất Kherson (không tốn một viên đạn của người Nga) mất Melitopol và sau đó là Mariupol, như thế cũng là thiệt hại kinh khủng. Nhưng đến tháng Chín năm nay, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Đến giữa tháng Chín, ông V. Zelensky đã thông báo: các lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng được 4.000 ki-lô-mét vuông đất đai. Đến tháng Mười, con số đã là 6.000 ki-lô-mét vuông (gấp 10 lần so với con số 600 trên đây).

Bây giờ tui mới tính đến vùng Kherson. Từ khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Kherson là khoảng từ giữa đến cuối tháng Chín tới giữa tháng Mười, người Ukraine đã giải phóng 2.400 ki-lô-mét vuông riêng ở vùng hữu ngạn sông Dnipro của tỉnh này. Ngoài ra họ đã cứu được 22.118 dân thường, trong đó có 3.531 trẻ em, khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng trong tỉnh – Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kyrylo Tymoshenko ngày 07/10 cho biết. Nguồn.

Với những con số biết nói trên, thiển nghĩ tui không cần cộng vào lấy tổng số ki-lô-mét vuông được người Ukraine giải phóng làm gì, các bác hình dung quá rõ được rồi. Nhưng tui chưa muốn dừng lại ở đây. Tui muốn nói thêm một số điểm nữa:

- Giải phóng Kupyansk, người Ukraine thủ tiêu luôn đầu mối đường sắt tiếp tế cho chiến trường Donbas, tuyến đường sắt Kupansk – Lyman coi như vô dụng.

- Giải phóng Izyum, người Ukraine thủ tiêu luôn bàn đạp tấn công vào bên sườn tuyến phòng ngự bảo vệ Donbas. Nếu quân Nga tấn công trực diện từ hướng Severodonetsk và Lysychansk sau đó là Bakhmut đến Kramatorsk và Slovyansk, sẽ như húc đầu vào đá.

- Giải phóng hữu ngạn Kherson, thủ tiêu luôn khả năng tiến chiếm thành phố Mykolaiiv và kế hoạch chiếm Odesa hồi đầu chiến tranh khó hơn đưa Putox lên sao Hỏa.

- Giải phóng thành phố Kherson còn có ý nghĩa về mặt chính trị: nó là thành phố thủ phủ của một tỉnh duy nhất bị Nga chiếm từ đầu chiến tranh 24 tháng Hai năm ngoái và biến việc sáp nhập những vùng đất “xôi đỗ” của 4 tỉnh đông – nam Ukraine vào Nga thành trò cười cho thế giới.

Sẽ thật là rất thiếu sót nếu như vừa nhắc đến Lyman, mà không bình luận đôi chút về nó. Giải phóng Lyman, đầu mối đường sắt quan trọng của khu vực, đẩy tình thế chiến tranh chiếm Donbas của Nga vào gần như vô vọng, vì lúc này họ còn rất ít những tuyến đường sắt cung cấp hậu cần cho chiến trường có thể sử dụng được. Hơn thế nữa cách mà người Ukraine chiếm Lyman cũng cho thấy cách mà họ sẽ tiến hành những chiến dịch trong tương lai và nhân tiện, cho thấy luôn cách mà lính Nga sẽ bỏ chạy như thế nào.

Vì thế tui muốn kết luận rằng: lúc rất đáng lo sợ (cho trận đánh bảo vệ Donbas) là bị chiếm Izyum, mà rồi từ đó người Ukraine đã kiên cường không để tình hình trở nên tồi tệ hơn; và bây giờ là lúc người Nga đổ gần hai vạn mốt vạn mạng lính để đổi lấy một miếng đất một chiều 20 và một chiều 30 ki-lô-mét, thật là kinh khủng. Câu chuyện còn nằm ở chỗ chiếm xong những vị trí đó, chúng tuyệt đối không có ý nghĩa gì về mặt chiến lược.

Ví dụ có bác giải thích Bakhmut có thể không có ý nghĩa chiến lược với người Ukraine nhưng nó có ý nghĩa với người Nga, vì nó giúp người Nga làm chủ tuyến đường giao thông M-03 từ đó đi Slovyansk. Đây là một suy đoán chưa đủ căn cứ, rộng hơn là chưa được đặt vào các bối cảnh chiến lược hơn. Như tui viết trên đây, điều quan trọng của người Nga với chiến dịch Donbas này là tuyến hậu cần, đặc biệt là đường sắt. Hiện nay cả hai đầu tuyến Kupyansk – Lyman đều đã nằm trong tay người Ukraine, hơn nữa họ đang tấn công Kreminna (chưa quá mạnh nhưng đều đặn )... Đó mới là những mục tiêu chiến lược.

Vì vậy, khi viết những nhận xét về chiến sự, tui không có xu hướng sa đà quá sâu vào việc chiếm được làng này, mất đi làng kia... thậm chí sâu đến mức bị chiếm vườn chuối, vườn khoai, vườn cà... Nếu có viết về những trận đánh chiếm / bảo vệ làng này làng khác thì cũng nằm trong những nhận xét về cách thi hành chiến tranh của người Nga, như làng Dovhenke trên đây. Đồng thời tui không bao giờ né tránh những khó khăn của người Ukraine mà đề cập rất thẳng thừng, mà khó khăn nhất chính là đang phải đối đầu với một quân đội được mệnh danh là thứ hai thế giới, và dự trữ của họ có lẽ là lớn nhất thế giới. Tui viết về những khó khăn của người Ukraine hết sức đàng hoàng, nhưng không bao giờ reo rắc tư tưởng bi quan.

Tui cảm ơn các bác đã giúp tui có thêm những thông tin mà sức một người không thể bao quát hết được, nhưng cũng hết sức mong muốn rằng: chúng ta đã đi đến tận ngày hôm nay, chẳng có lý gì chúng ta cứ mỗi ngày lại một phần run sợ và lo lắng. Tui không theo chủ nghĩa lạc quan tếu, nhưng tuyệt đối không theo chủ nghĩa bi quan.

Xin các bác tin rằng, cái mà người Nga không có là HỆ THỐNG, một BỘ MÁY CHIẾN TRANH trơn tru. Vì thế, họ càng đông người càng dễ sụp đổ.”

4. Đoán mò

Hôm qua có bác bảo Nga đang tập trung 320.000 quân để tấn công tiếp. Tui đùa: với lực lượng như vậy thì họ phải cần 32.000 cái xe tải, lấy đâu ra không biết. Lại cơ học thô thiển tiếp này: với quân số như vậy (gấp 1,7 lần so với đầu chiến tranh) họ sẽ cần những con số tương ứng như sau:

- 4.200 xe tăng.

- 2.000 cỗ pháo các loại cả pháo có nòng và phản lực.

- Hàng vạn khẩu súng cối.

Với lượng nhân lực và kỹ thuật trên đây, người Nga sẽ cần khoảng (ước tính hú họa) dăm bảy triệu quả đạn pháo các loại cho cả pháo binh và xe tăng. Trong mấy gạch đầu dòng trên còn chưa có máy bay chiến đấu và trực thăng các loại, tên lửa có cánh hành trình gì đó, UAV... Trong khi đó thì mạng xã hội Nga chúng nó đang chửi um củ tỏi lên là ngay lính huy động trong đợt giữa tháng Chín năm ngoái để bổ sung cho cả các hướng bị rút rỗng của nước Nga, còn chưa được trang bị đầy đủ cả về vũ khí cá nhân lẫn quân trang.

Tuy vậy vẫn cần hình dung xem nếu tổ chức chiến dịch tấn công, Nga sẽ làm gì?

Nếu muốn chiếm toàn bộ Donbas, quân Nga buộc phải tái chiếm Kupyansk và Lyman, làm chủ hệ thống các tuyến đường R-79/R-07/R-66 và tuyến đường sắt Kupyansk –Lyman. Tui hình dung rằng chiến dịch sẽ bắt đầu sau khi Nga chiếm được Bakhmut, đó sẽ là bàn đạp để cho mũi tấn công chính xuất phát theo hướng Kramatorsk. Nếu chiến dịch thuận lợi, thì sau khi chiếm được Lyman họ sẽ tiến chiếm Slovyansk. Với từng đó mũi tấn công, đúng là họ cần 200.000 quân thật.

Còn nếu muốn tính toán cả các mục tiêu khác, ví dụ tiến chiếm thành phố Zaporizhia hoặc tái chiếm thành phố Kherson... thì cần nhiều quân hơn. Khả năng tấn công thủ đô Kyiv là thấp, thậm chí để chiếm Kharkiv còn khó.

Về thời gian, chính lúc này là lúc thuận lợi nhất cho chiến dịch tấn công, nếu không thì chẳng còn lúc nào. Nếu để đến cuối tháng này, tức cuối tháng Hai, đầu tháng Ba thì thời gian cho đến khi tuyết tan không còn nhiều, nếu người Ukraine cầm cự được qua thời gian đó thì quân Nga lại sa lầy và thua tiếp. Như thế nếu trong tháng này không tấn công thì tốt hơn là nên để... đến đầu hè.

Về mục tiêu chính có thể chỉ còn là Donbas (về chính trị), Kupyansk là mục tiêu phụ buộc phải làm. Về chiến lược thì mong muốn của Nga sẽ là tiêu hao toàn bộ những gì người Ukraine tích tụ được trong thời gian vừa qua, kể cả số 1.000 xe tăng nguồn Xô-viết và mấy trăm xe tăng của phương Tây – khi đó hy vọng của họ sẽ là việc chấm dứt viện trợ cho Ukraine và Zelensky sẽ bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.

Hiện nay tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, V. Gerasimov được cho là đã được Putox giao cho nhiệm vụ quân sự và mục tiêu chính trị trên đây. Cũng không nên cho rằng Putox là u mê lú lẫn gì, lão ta đã nhận ra con dao hai lưỡi Wagner khi mà những tên tù hình sự án giết người được tôn vinh là những người anh hùng Nga, đang làm đảo lộn các giá trị của xã hội. Con người sẽ mất lòng tin và sống trong lo sợ.

5. Tin bổ sung:

• Chính phủ Đức đã phê duyệt việc cung cấp 88 xe tăng Leopard-1 “lỗi thời” cho Ukraine từ các kho – nguồn Sueddeutsche Zeitung. Tờ báo đưa tin này có tham khảo các nguồn trong chính phủ. Theo họ, việc chuyển giao xe tăng Leopard-1 có thể diễn ra bất cứ lúc nào, ngay sau khi những chiếc xe tăng này được sửa chữa xong và Kyiv muốn mua chúng. Ngoài xe tăng, chính quyền Đức đang xem xét khả năng mua 15 chiếc Gepard ZSU từ Qatar để chuyển giao cho Ukraine.

Leopard-1 thì cũng như là... T-62 thôi, he he. Bọn dư luận viên sẽ bẩu thế.

PHÚC LAI 03.02.2023

 


No comments:

Post a Comment