Thursday, February 23, 2023

Nước Nga, tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi
Misha Đoàn (*)
22/02/2023
VOA

Nhưng khái niệm Nga trong tôi không chỉ đơn thuần gói gọn trong lãnh thổ Nga, mà nó bao gồm một không gian rộng lớn của Đế chế Soviet cũ.

Nhưng có lẽ vì bị "Nga hóa" nên tôi cũng mang cảm giác mặc cảm của người Nga sau sự kiện bắt đầu vào ngày 24/2/2022, khi Nga tấn công Ukraina.

Misha Đoàn (*)

Khu Little Saigon (Nam California) có một cửa hàng tạp hóa lớn. Cửa hàng này tuy có tên hiệu đàng hoàng, nhưng người Việt thường quen gọi là "Chợ Nga".

Sở dĩ có tên gọi trên là bởi vì cửa hàng có rất nhiều sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thuộc Liên bang Soviet cũ, như Nga, Ukraina, Belarusia, Moldova, Gruzia, Armenia, Latvia... Nào là bia rượu, trứng cá muối, dưa chuột muối chua, cá nục hun khói, cá trích ướp dầu...

Tôi thường rất hay ra cửa hàng đó, ngoài lý do chính để mua đồ thì còn một lý do khác nữa. Đó là để có cơ hội... nói tiếng Nga.

Tác giả và một số bạn Nga tại Nga, 2015.

Nói chung thì những người tôi từng đối thoại ở đó đều rất vui vẻ, niềm nỡ, nói chuyện trên trời dưới đất từ âm nhạc đến chuyện riêng gia đình...
Thế nhưng tôi để ý thấy rằng từ sau khi Nga tấn công Ukraina thì số lượng người nói tiếng Nga tại "Chợ Nga" này giảm đi rõ rệt.

Có lần tôi bắt chuyện bằng tiếng Nga với một cặp đôi đã đứng tuổi bởi tôi chứng kiến trước đó họ nói tiếng Nga với nhau. Họ nhìn tôi rồi nhìn nhau một cách bối rối nhưng không trả lời. Khi nghe tôi nói rằng tôi hiểu tâm trạng của họ, và rằng, tiếng Nga, dân Nga đâu có lỗi trong cuộc chiến này, thì người đàn ông lãnh đạm trả lời bằng tiếng Anh: "Yes sir. I see but I’m not sure."

Thẳng thắn mà nói thì bạn bè vẫn gọi tôi là "cuồng Nga " và có lẽ họ không sai.

Nhưng khái niệm Nga trong tôi không chỉ đơn thuần gói gọn trong lãnh thổ Nga, mà nó bao gồm một không gian rộng lớn của Đế chế Soviet cũ.
Hàng ngày tôi đều xem báo Nga online, xem TV Nga, nghe nhạc Nga, thường nấu món Nga đãi bạn bè, uống Vodka Nga. Nhà tôi cũng có rất nhiều những thứ liên quan đến Nga (đúng hơn là Soviet): búp bê Matryoshka, bộ đồ ăn bằng gỗ, Quốc kỳ Soviet, mũ Hồng quân, thậm chí cả vũ khí Soviet; súng ngắn T33 (Tokarev), Makarov (K59 theo cách gọi của Trung Quốc), súng trường Mosin-Nagan (K44), SKS, tiểu liên AK47... Tôi đã từng ngồi một mình nghe nhạc Nga và... rơm rớm nước mắt. Có thể nói không phóng đại, Nga (Soviet) là một phần của cuộc đời tôi, của tâm hồn tôi..., tôi vui buồn, thổn thức, phấn chấn, khóc cười với nó, cái xứ Nga xa xôi mà gần gũi đến máu thịt đó.

Thế rồi…

Những vật dụng có nguồn gốc Nga tại nhà tác giả.

Mới đây tôi ghé nhà một người bạn. Bạn lăng xăng rót bia rồi lúi húi với dàn âm thanh. Khi giai điệu vang lên thì tôi nhăn mặt nói tắt đi. Bạn ngơ ngác: "Em biết anh thích nhạc Nga nên mở cho anh nghe mà." Tôi khoát tay: "Hồi xưa khác, bây giờ khác."

Tôi đã từng ngấm ngầm kiêu hãnh vì đã từng tốt nghiệp 2 trường Đại học thuộc dạng danh tiếng tại Liên Xô và Nga.

Tôi không hề che dấu quá khứ liên quan đến Nga của mình, tôi thoải mái bộc lộ tình yêu vô bờ bến của tôi với nước Nga, văn hóa Nga, âm nhạc Nga, con người Nga...

Nhưng có lẽ vì bị "Nga hóa" nên tôi cũng mang cảm giác mặc cảm của người Nga sau sự kiện bắt đầu vào ngày 24/2/2022, khi Nga tấn công Ukraina.

Cuộc đời của tôi đã thay đổi một cách chóng mặt sau cái ngày định mệnh 24/2 đấy.

Tình yêu mãnh liệt dẫn đến sự tôn thờ mù quáng chỉ trong khoảnh khắc đã tan biến như bong bóng xà phòng trước gió.

Bao sự giằng xé trong tâm khảm tôi: đau đớn, ngơ ngác, thất vọng.
Và đau nhất là tôi không thể đứng về một phía nào trong cuộc chiến này cả: lính Ukraina hay lính Nga chết thì tôi cũng đều xót, tôi không có cảm giác mừng rỡ khi một bên nào đó tuyên bố thắng trận... Đối với tôi thì Nga hay Ukraina đều chỉ là một, là tình yêu trong tôi, nỗi khắc khoải trong tôi... Không hiểu sao khi viết đến đây thì trong đầu tôi lại văng vẳng giai điệu "Gia tài của Mẹ" của Trịnh Công Sơn về cuộc chiến Việt Nam thuở nào.

Tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với một số bạn Nga, trong đó có một cô từng là người yêu cũ.

Biết tôi vẫn mang nỗi "hoài niệm Soviet" nên cô hay gửi hình ảnh và video có liên quan đến địa danh mà hai đứa từng qua, những biểu tượng mà tôi hằng thích...

Nhưng sau ngày 24/2 thì những sự trao đổi cứ thưa dần, cả hai đều nhận ra điều đó. Có lần cô viết cho tôi rằng: "Em biết cả thế giới đang quay lưng lại với nước Nga bởi sự tuyên truyền một chiều. Nhưng em rất buồn khi thấy anh cũng nằm trong số đó..."

Sau ngày 9/5/2022 (Lễ Chiến thắng Phát xít Đức tại Nga), cô có gửi cho tôi tấm hình bố cô nâng đứa con của cô lên trên vai để cháu bé cắm lá Quốc kỳ Liên Xô cũ có hình búa liềm và ngôi sao đỏ bọc viền vàng lên mái hiên nhà.

Khi tôi nhấn icon mặt khóc dưới tấm hình đó thì cô gửi trả lời bằng một icon mồm há hốc ngạc nhiên.

Tôi viết cho cô rằng: "Anh cảm giác xấu hổ khi những lá cờ thiêng liêng đó bây giờ lại cắm lên những thành phố Ukraina bị chiếm đóng. Đó là sự giễu cợt nhục mạ lịch sử. Anh rất đau đớn và cảm thấy bị phản bội."
Cô gửi tiếp một icon rơi lệ thay câu trả lời.

(*) Tác giả Misha Đoàn từng theo học Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Tashkent (Uzbekistan) 1983-1989 và Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp Sankt-Petersburg (Nga) 1993-1996. Tác giả hiện định cư tại California, Hoa Kỳ. Tòa soạn giữ nguyên văn phong và cách phiên âm theo tiếng Nga của một số nhân vật và địa danh mà tác giả đề cập.

No comments:

Post a Comment