Saturday, February 4, 2023

Người từ Nga 'xin tiền đi du lịch' thì đã làm sao?
Tác giả,Tidoo Nguyễn
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
4 tháng 2 2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM SY
Hình ảnh ba thanh niên Nga cầm bảng xin tiền đi du lịch ở chợ Dương Đông – Phú Quốc

"Con người đâu chỉ sống bằng cơm gạo", ý nghĩ đó hiện lên trong đầu tôi khi nhìn hình ảnh ba thanh niên Nga cầm bảng xin tiền ở Phú Quốc với mục đích 'tiếp tục hành trình du lịch'.

Trong khi đó, cộng đồng mạng và truyền thông tiếng Việt khắp nơi lại bàn về họ với cách nhìn khác.

Cafef.vn đưa tựa bài báo “Ngỡ ngàng với 3 người đàn ông ngoại quốc đi xin tiền ở Phú Quốc”, www.thanhnien.vn trích dẫn lời một người dân ngụ phường Dương Đông, Phú Quốc: “Trong khi xung quanh mình còn biết bao nhiêu người đói ăn thiếu mặc, ngồi la lết xin từng đồng tiền lẻ thì không cho, lại đem tiền cho những người nước ngoài này trong khi họ ghi rõ mục đích là xin tiền để đi du lịch, thật không hiểu nổi”, và nhiều ý kiến bày tỏ sự bất đồng chỉ vì nội dụng xin tiền được ghi trên bảng.

Nội dung trên bảng xin tiền của ba người ngoại quốc là “Xin chào, chúng tôi đến từ Nga, chúng tôi đã đi du lịch mà không có tiền trong 5 năm nay. Hãy ủng hộ hành trình của chúng tôi. (dấu hiệu trái tim). Cảm ơn”. Với nội dung bằng tiếng Việt đúng chính tả và ngữ pháp, nếu đó chính là ngôn từ của ba người này thì chắc hẳn là họ rất yêu Việt Nam nên mới viết được như vậy.

Một anh bạn người Anh chia sẻ quan điểm với tôi về hành động của những người ngoại quốc xin tiền ở Việt Nam: “Bất cứ ai cũng có thể trở thành người đi xin tiền với bất kỳ lý do nào”.

Và tôi cũng cho rằng khi chúng ta chưa biết được toàn bộ câu chuyện của một ai đó về một hành động nào đó mà chúng ta đưa ra nhận xét thì ý kiến đó là võ đoán.

Vì không hiểu rõ câu chuyện của ba người ngoại quốc này, nên tôi chỉ thấy rằng sai lầm của họ là quá thành thật, khi họ viết lý do xin tiền là để “đi du lịch”. Xem ra, người Việt không ủng hộ cho sự thành thật? Nếu ba anh chàng đó mặc quần áo rách tả tơi, đồng thời đưa ra lý do xin tiền vì mục đích khác - như là để mua thức ăn – thì mới phù hợp với tâm lý, văn hóa của người Việt và như vậy họ mới được ủng hộ.

Phải đói rách mới được ‘đùm bọc’?

NGUỒN HÌNH ẢNH,TIDOO NGUYEN
Một người đàn ông homeless đang chơi trò chơi với những đồng xu nhận được, trên đường phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ, tháng 5/2016

Theo quan niệm của người Việt, con người trong bộ dạng quần áo rách rưới, nghèo đói mới là những người cần giúp đỡ. Vì vậy người Việt có câu “Lá lành đùm lá rách”, tức là người ta chỉ thương, chiếu cố cho những người nghèo khó hơn. Hơn nữa, trong quan niệm của người Việt Nam, cái “ăn” là quan trọng nhất của đời người (trong ngôn ngữ Việt, rất nhiều lễ lạc bắt đầu từ chữ “ăn” như Ăn cưới, Ăn giỗ, Ăn tết…), và con người chỉ cần no để tồn tại.

Như vậy, rõ ràng là cách tiếp cận của ba người thanh niên Nga không phù hợp với quan điểm của người Việt.

Tuy nhiên, có một điều mà tôi nghiệm ra trong cuộc đời là “người ta không chỉ sống bằng cơm gạo mà còn bằng những thứ khác”. Ở các nước phương Tây, cụ thể là Hoa Kỳ, họ coi niềm vui rất quan trọng. Niềm vui là nguồn hạnh phúc. Đi du lịch nhất định là một trong những nguồn năng lượng tích cực mang niềm vui đến cho con người.

Một người bạn Mỹ Kỳ nói với tôi rằng: “Ở Hoa Kỳ, nếu có hai người xin tiền: một người xin tiền để ăn cho no và một người xin tiền uống bia, thì người ta sẽ cho tiền người muốn uống bia nhiều hơn. Vì uống bia mang lại cảm giác hưng phấn, mang lại niềm vui. Trong khi đó, ăn chỉ giúp con người tồn tại.”

Trong những chuyến du lịch Hoa Kỳ, tôi đã kiểm chứng được điều đó. Rõ ràng là khi họ ghi bảng xin tiền với nội dung khác nhau thì có “hiệu quả” khác nhau.

Trên đường phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ hồi năm 2016, tôi nhìn thấy hai bảng xin tiền của người homeless (vô gia cư) có nội dung khác nhau.

Với bảng xin tiền ghi “Why lie need beer” (tạm dịch là “Tại sao phải nói dối là xin tiền để uống bia”), người ta cho khá nhiều tiền. Còn với bảng xin tiền ghi “Trying to get out the freak outta here” (tạm dịch là “Đang cố gắng thoát khỏi cảnh bần hàn”), tôi chỉ nhìn thấy có hai hộp thức ăn ở đó.

Sggp.org dẫn lời đại diện chính quyền thành phố Phú Quốc về hành động xin tiền của ba người ngoại quốc: “Hành động xin tiền nơi công cộng dù với bất cứ lý do gì cũng rất khó chấp nhận được”.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TIDOO NGUYEN
Người homeless ở Las Vegas, Hoa Kỳ có tấm bảng “Trying to get out the freak outta here” nhận được hai hộp đồ ăn

Chính ở Hoa Kỳ - xứ sở được mệnh danh là một cường quốc, vẫn thấy có người homeless xin tiền. Thường họ “neo” ở những nơi đông người như là subway, quảng trường…Xin đừng nhầm họ với dân buskers, những người biểu diễn nghệ thuật trên đường phố và bến subway, đặt khay xin tiền, dùng tài năng biết đàn, biết hát…. như một nghề kiếm sống.

Khó khăn của Hoa Kỳ trong việc quản lý người vô gia cư một phần là vì lối sống của họ. Ngay cả khi chính phủ có trại tế bần, các trung tâm nuôi cơm đầy đủ thì họ vẫn thích sống ngoài đường hơn, với lý do đơn giản là “tự do”.

Họ tự do đi đâu cũng được, không giới hạn giờ giấc, tự do uống bia, tự do hút thuốc, và nhiều thứ khác mà trại tế bần không cho phép như việc họ mang theo thú cưng....Vì thế, chính phủ Mỹ đành chấp nhận tình trạng người homeless lựa chọn lối sống xin tiền trên đường phố.

Tôi nghĩ không có chính phủ nào trên thế giới này, cả ở Việt Nam có thể dẹp bỏ được tình trạng người xin tiền ở những nơi công cộng, dù là vịn vào lý do như họ xin tiền để đi chơi chứ không phải để mua thức ăn!

Xét cho cùng, cơm gạo, đồ ăn thức uống chỉ giúp loài người tồn tại, còn niềm vui và sự tự do mới là yếu tố quan trọng mang đến hạnh phúc đích thực cho nhân loại.

Đó mới là mục đích chính đáng giúp con người tiếp tục cuộc sống và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta giúp được ai đó thực hiện điều họ muốn làm thì cũng là chuyện tốt chứ sao.

Bài thể hiện quan điểm của tác giả Tidoo Nguyễn từ Sài Gòn, Việt Nam.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment