Jimmy Nguyen Nguyen - Mùa xuânlundi 6 février 2023
Thuymy
Mình trở lại cái tuổi học trò nghe thầy giảng một bài cổ văn. Nhưng hồi đó nhỏ quá (khoảng 15). Nhiều điều chỉ nghe mà không hiểu. Bước qua tuổi thất thập, từng trải bao nhiêu cái... sự đời. Giờ nghe lại thật thấm thía. Rảnh rỗi tám với bà con chút.
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi..
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Hồi đó thầy giảng bài, những chữ "con én", "cỏ non" hay "cành lê "thì ai cũng hiểu. Chỉ cái ánh sáng mùa xuân chín chục rồi sáu mươi là cái gì không hiểu. Tui nhớ ông thầy cho một thí dụ : đời người tựa như em có hai chai bia 33 (66 tuổi). Mà em đã uống hết... một chai rồi. Nghe nó thật ngậm ngùi. Cho cái thí dụ liên quan đến ... bia là hiểu liền.
Ba tháng mùa xuân có 90 ngày, nay đã hai phần ba. Đọc thơ tả cảnh mùa xuân mà tiếc nuối quãng đời đã qua. Cái hay của thơ là ở chỗ đó. Mấy ông già như tui đọc lại mà cảm động (đậy).
Sống ở nước ngoài, xài tiếng Anh. Mùa Xuân, dịch "spring" là xong chuyện. Nhưng với tiếng Việt và nhất là trong thơ ca, thì Xuân còn ám chỉ rất nhiều và nếu cứ đưa "spring" vào là trật lất.
Phong lưu nhất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê
Xuân xanh thì đám học trò hiểu liền. Tuổi trẻ mà, cái gì còn xanh là trẻ. Ở đây xuân xanh phải dịch.. young age phải không, ai có chữ hay xin còm cho vui nhé. Hai cô Thúy Kiều, Thúy Vân xấp xỉ tuổi với nhau. Trẻ mà bao nhiêu tuổi? Thì hai chữ "cập kê" ông thầy giảng là "kẹp tóc". Sực nhớ con gái mình, khoảng 13 hay 15 là nhỏ bận rộn với mái tóc mà bao nhiêu là cái kẹp.
Rồi lại nhớ một câu thơ trong một tác phẩm của Phạm Duy : Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc. Hết kẹp tóc là nhiêu ta? Tui nghĩ khoảng 20 tuổi. Lúc này người phụ nữ đã có chồng, mấy con rồi. Không thể còn mái tóc dài nữa. Đọc lại câu thơ, hình ảnh hai thiếu nữ hồn nhiên đi chợ Tết, tóc kẹp rồi gắn đóa hoa vào. Ui sao đẹp chi lạ. Sau này lại nghe ai giảng "cập kê" là tuổi... có bồ. Nghe cũng... có lý. Tuổi này là biết phân biệt con trai con gái , biết... mắc cỡ rồi.
Hồi đó cũng học tác phẩm Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng. Đoạn Tuyệt của Nhất Linh (kim văn). Tiêu biểu cho cái thời Việt Nam đổi mới những năm đầu thế kỷ 20 mà chưa có cộng sản. Bỏ hẳn cái cũ, hay giữ lại cái cũ rồi chuyển hóa là ưu tư của các nhà văn thời ấy. Riết rồi tui hiểu nửa chừng xuân là làm... nửa chừng. Chừng học qua cổ văn thì nghĩa lại khác.
Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
Nửa chừng xuân ở đây lại ám chỉ người phụ nữ tuổi trung niên (Đạm Tiên). Dịch tiếng Anh mà ghi half spring là hỏng kiểu (middle age). Ngày xưa hồng nhan bạc mệnh chớ thời nay là ... bạc triệu!.
Xuân còn có nghĩa là đẹp, cái gì đẹp đều gắn chữ Xuân thành đẹp hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Hồi đó tui cũng cắc cớ hỏi thầy : cô Thúy Kiều da xanh lè hả thầy? Thầy nói rằng cây liễu mềm mại, lá xanh mướt. Cả cái cây tượng trưng cho nét đẹp "mềm". Xanh ở đây là xinh tươi. Thơ người ta phải ví von như vậy trò ạ. Dạ dạ! Thầy "tám" thêm : nước mùa thu trong như ngọc. Núi mùa xuân ngập hoa ... đều là cái đẹp rực rỡ, mặt hồ còn nhân cái đẹp đó lên gấp đôi (phản chiếu). Một chữ Xuân trong thơ thành sắc đẹp người con gái nhân hai lần.
Nhưng ví mùa Xuân như vẻ đẹp của quý bà là tui thích gì đâu: Em như cô gái hãy còn Xuân. Xuân ở đây không là mùa xuân, không là tuổi tác, không là cái đẹp "nhan sắc" nữa. Mà là cả một sự tổng hợp: Vui, Khỏe, Yêu Đời, Yêu Người, Nụ Cười luôn nở trên môi, bớt đi những lời cay độc ...là Xuân còn hoài hoài.
Tiếng Việt của ta phong phú, ba cái Chat gì đó làm sao thể hiện hết được. Gõ hỏi nó cho vui thôi. Mời bà con "tám" tiếp cái đề tài này cho vui nghe. Còn tháng Giêng. Không gì hay bằng uống ly trà, nghĩ về mùa Xuân, rồi tán hươu tán vượn về nó. Để quên đi những gì đau khổ, buồn bực của cái năm vừa qua. Xuân đi, Xuân đến hãy còn Xuân.
JIMMY NGUYEN NGUYEN 04.02.2023
No comments:
Post a Comment