Friday, February 24, 2023

Điện gió Việt Nam: Mối lo an ninh, quốc phòng và nhà đầu tư Trung Quốc - Bài 2
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
24.02.2023
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Có thông tin rằng Việt Nam chưa mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào điện gió ngoài khơi chủ yếu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên phân tích từ một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy những góc nhìn khác.

Nhiều gió hơn ở vùng 'an toàn' hơn

Vùng biển Việt Nam có tiềm năng gió dồi dào nhất, thực ra lại là vùng 'an toàn' - không nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc, GS Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc cho BBC News Tiếng Việt hay hôm 24/2.



Các nghiên cứu khoa học dự báo về sự phát triển điện gió trong tương lai ở Việt Nam chỉ ra rằng các trang trại gió gần bờ và ngoài khơi trong phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam sẽ sản xuất điện nhiều gấp 19 lần so với các trang trại gió ngoài khơi nằm ngoài 50 km, theo GS Carl Thayer.

Nếu Việt Nam chú tâm vào đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi trong phạm vi này thì có thể sản xuất được 9.500 MW điện vào năm 2030, so với chỉ 500 MW từ các trang trại gió ngoài khơi xa hơn 50km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam, GS Thayer nói, trích dẫn nghiên cứu của Chương trình Phát triển LHQ và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Kịch bản kinh tế xanh cho Việt Nam (tháng 5/2022).

"Khu vực dưới 50km nằm trong phạm vi quyền lợi hợp pháp của Việt Nam là Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý (EEZ)."

"Hiện Việt Nam đang vận hành một nhà máy điện gió ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận và Trung Quốc không có bất kỳ phản đối nào," GS Carl Thayer nêu dẫn chứng.

Nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Úc về an ninh hàng hải, ông Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng về mặt an ninh, thì khác với các dự án dầu khí, điện gió ít gặp thách thức hơn.

"Lý do là các dự án điện gió hầu hết được triển khai ở khu vực lãnh hải của Việt Nam, vốn không có tranh chấp gì, trong khi dầu khí thì lại triển khai ở thềm lục địa và EEZ mở rộng.



"Chuyện có thể phức tạp hơn khi Việt Nam xuất khẩu điện ra nước ngoài, như xuất cho Singapore chẳng hạn, vì có thể có liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải. Nhưng điều này cũng không tác động nghiêm trọng tới tranh chấp," ông Phương nói với BBC News Tiếng Việt.

Vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc

Vấn đề an ninh biển, đảo và nguy cơ từ Trung Quốc luôn là quan ngại của Việt Nam, nhưng GS Carl Thayer chỉ ra rằng bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc, và điện gió ngoài khơi không phải là ngoại lệ.



Ông nói: "Đã có những thời điểm quan trọng trong lịch sử gần đây của Việt Nam khi có những cuộc biểu tình công khai chống lại đầu tư của Trung Quốc. Hai sự kiện nổi bật là cuộc biểu tình năm 2009 phản đối Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên và cuộc biểu tình năm 2018 phản đối Dự Luật về các Đặc khu kinh tế. Dự luật này sau đó đã bị rút khỏi Quốc hội.

"Các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng tâm lý bài Trung Quốc có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với bất kỳ sự cố nào ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc.


"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chính thức khuyến khích đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ, tại phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Nam Ninh vào tháng 7/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị người đồng cấp Vương Nghị về việc "Trung Quốc mở rộng dòng chảy đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam…"

"Tháng 11/2022, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo ghi nhận: "Phía Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư và kinh tế-thương mại. Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đủ năng lực đầu tư vào Việt Nam dựa trên nguyên tắc thị trường và thương mại."

"Tóm lại, Việt Nam có cả khả năng chấp nhận đầu tư của Trung Quốc vào việc phát triển lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi và cũng có khả năng từ chối đầu tư của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, như đã làm với mạng 5G của Huawei trong năm 2019-2020."

Giải pháp cho điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia, sự chậm trễ lặp đi lặp lại trong việc thông qua Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ vấn đề Trung Quốc hay an ninh quốc gia.

Chẳng hạn như về cơ chế giá bán điện (FIT), vấn đề cơ cấu nguồn năng lượng (than, LNG và năng lượng tái tạo) để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thu hút đủ đầu tư trực tiếp nước ngoài (ước tính ở mức 15,5 tỷ đô la Mỹ) để tài trợ cho dự án năng lượng ngoài khơi.

Bên cạnh đó, còn vô số cá vấn đề khác như thiếu quy hoạch biển quốc gia, lưới điện quốc gia xuống cấp và lạc hậu không tải nổi điện từ các nguồn tái tạo, các chính sách chồng chéo, thay đổi liên tục làm nản lòng nhà đầu tư, v.v...




GS Carl Thayer chỉ ra rằng Việt Nam đã có nhiều chích sách và lực lượng để bảo vệ các khu kinh tế, doanh nghiệp và chủ quyền quốc gia, như tự vệ, dân quân, cảnh sát biển, hải quân...

"Việc cần làm hiện nay là đẩy nhanh quá trình rà soát và sửa đổi các luật và quy định trong nước, các trách nhiệm pháp lý chồng chéo đang thay đổi của chính quyền địa phương.

"Việt Nam đã thực hiện các bước làm việc với các đối tác nước ngoài để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của mình. Ví dụ điển hình là Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng giữa Việt Nam (Just Energy Transition Partnership) và Nhóm Đối tác Quốc tế được thành lập vào tháng 12/2022. Các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng gần như nhất trí với quan điểm rằng Việt Nam cần thống nhất khung chính sách và quy định của mình càng sớm càng tốt," GS Carl Thayer nói.

Chưa thông qua Quy hoạch điện VIII

Mới đây, chính quyền Việt Nam lại một lần nữa không thông qua bản Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã chỉnh sửa nhiều năm.

Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực điện gió sẽ bị đình trệ, khiến các nhà đầu tư nản lòng và tiếp tục làm lãng phí nguồn điền gió được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực châu Á của Việt Nam.

Ông Minh Nguyễn, phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nói rằng việc phê duyệt văn bản này phụ thuộc vào luật mới về sử dụng không gian biển cho mục đích quân sự, hàng hải hoặc các mục đích khác - dự kiến sẽ không được thông qua trước tháng 10.

Bên cạnh đó, một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát, theo Reuters.

Các bạn đọc thêm Bài 1 trong chùm bài về Điện gió Việt Nam.


Tin liên quan








No comments:

Post a Comment