Friday, February 24, 2023

Chiến tranh Ukraina : Cái giá của tự do
Thanh Hà
Đăng ngày: 24/02/2023 - 15:47
RFI

Bé Stefania Lavrenko 4 tuổi hóa trang với đôi cánh thiên thần, mang mầu cờ của Ukraina, Utrecht, Hà Lan, ngày 24/02/2023. AP - Peter Dejong

24/02/2022-24/02/2023 : “Cuộc chiến làm thay đổi cục diện thế giới”. “Ukraina, một năm trong lòng chiến tranh”, “Một năm kháng chiến” và “dân tộc Ukraina tin tưởng vào chiến thắng”. Chiến tranh Ukraina, “cái giá của tự do”. Về phía Nga, phương Tây xa lánh Vladimir Putin và nước Nga bị cô lập. Lực lượng quân sự của cả hai phía Nga và Ukraina cùng đang “kiệt sức”.

Ukraina sau đúng 365 ngày chiến tranh : làng báo Pháp tạm quên đi thời sự ở Mỹ, hay tình hình sôi sục ở Cận Đông cũng như các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên. Truyền thông Pháp lơ là với Hội Chợ Nông Nghiệp khai mạc hôm nay tại khu triển lãm Porte de Versailles, một sự kiện rất được công chúng mong đợi. Cũng ít tờ báo nào chú ý về dư âm vụ một nhà giáo bị học trò đâm chết ngay trong lớp học cách nay hai hôm, gây chấn động trong ngành giáo dục Pháp.

Vẫn đứng thẳng

Libération chọn đưa lên trang nhất hình ảnh một người đàn ông đứng trên đống bê tông đổ nát, chung quanh là tàn tích của một khu chung cư bị trúng bom. Trên đầu ông ta còn lại một vài khung cửa ở tầng thứ 5 của tòa nhà tập thể, lơ lửng chỉ bám tựa vào hai bên sườn nhà. Không hiểu phép lạ nào những khung cửa đó vẫn còn chưa sập đổ. Đấy là hình ảnh của một nước Ukraina “Một năm sau, vẫn đứng thẳng”, như hàng tựa nổi bật của tờ báo.

Một năm trong lòng cuộc chiến, báo Le Monde tóm lược tình hình vào lúc dân Ukraina bươn chải sống thích nghi với thực tế phũ phàng thì tại Matxcơva Vladimir Putin tiếp tục hứa hẹn “chiến thắng” và cố gắng chứng minh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” ông khởi động không làm xáo trộn đời sống hàng ngày của trên 140 triệu công dân Nga.

1001 sự “hóa thân”

Các tờ báo trong ngày nhiều lần sử dụng hai từ “hóa thân”. Đầu tiên hết là sự hóa thân của chính tổng thống Ukraina : Volodymyr Zelensky trở thành biểu tượng của tinh thần “kháng chiến”, trở thành “người hùng của thế giới tự do”.

Chẳng ai muốn điều đó, nhưng trong bài báo dài dành để phác họa chân dung nhân vật quan trọng nhất tại Ukraina hiện nay. Báo Le Figaro nhắc lại, “từ một diễn viên hài, ông Zelensky trong vỏn vẹn một năm trở thành tấm gương cho cả một dân tộc và cả đối với phương Tây”. Le Monde nói đến câu nói để đời của “anh hề Zelensky” cách nay một năm : vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp đề nghị đưa Volodymyr Zelensky và gia đình đến một nơi an toàn, thì diễn viên chuyên mua vui cho thiên hạ năm nào trả lời ngắn gọn “Tôi cần súng, đạn, không cần xe tắc xi”.

Vào lúc xe tăng và các đoàn quân Nga rầm rập tiến về thủ đô Ukraina ông Zelensky không “đào ngũ”. Nhà văn Nga, Dmitri Bykov trên Le Monde nói về tổng thống Ukraina như sau : “Cả một dân tộc đã trao vận mệnh cho một diễn viên hài. Người đó nhập vai một người hùng trước khi ông ấy thực sự trở thành một vị anh hùng của cả dân tộc Ukraina”.

Le Figaro ghi nhận : trong một năm qua, Volodymyr Zelensky phạm phải một sai lầm duy nhất đó là ông đã không “tiên đoán được” Vladimir Putin đem quân xâm chiếm Ukraina”. Sau 365 ngày khói lửa, tờ báo cho rằng ở thời điểm hiện tại tổng thống Ukraina vẫn có hai nỗi lo sơ ngang nhau, đó là “bom, đạn của Nga và sự phản bội của phương Tây”.

Chiến thuật “con đà điểu”

Thế còn Vladimir Putin người cách nay đúng một năm khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải phóng Ukraina khỏi một chế độ phát xít, như giải thích của Kremlin : 2022-2023 là một năm “cô đơn”.

Libération không đề cập đến một điểm tựa quý giá của Matxcơva là Bắc Kinh mà chỉ nói đến hiện tượng Chiến tranh “cắt đứt nước Nga với thế giới bên ngoài”, Putin bị phương Tây “xa lánh”. Hơn thế nữa, “chiến tranh Ukraina đã cô lập tổng thống Nga với người dân Nga”. “Giới tinh hoa bắt đầu hoài nghi” về sự sáng suốt của nhân vật quyền lực nhất đất nước.

Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya thuộc Đài Quan Sát R.Politik trụ sở tại Matxcơva được Libération trích dẫn ghi nhận “cuộc chiến này là một chiếc hộp đen thiêu đốt đủ mọi thứ”. Vậy mà Vladimir Putin vẫn “điều hành đất nước như thể không có chuyện gì xảy ra. Có điều là điện Kremlin không ồn ào công bố các kế hoạch quân sự của Nga tại Ukraina”.

Vẫn theo bà Stanovaya, thực hư tình hình hiện nay ra sao, lối thoát nào để chấm dứt chiến tranh : chỉ có một mình ông Putin mới biết được.

Quân đội Ukraina lột xác

Một năm chiến tranh, thấy gì từ lực lượng quân đội của đôi bên ? Vincent Tourret, đại học Québec-Montréal, Canada trên báo Libération trả lời : Chiến tranh chớp nhoáng trong ý tưởng của Vladimir Putin đã chóng bị sa lầy trước sức kháng cự của Ukraina cộng hưởng với vũ khí do phương Tây viện trợ. Cùng lúc quân đội Nga đã phạm nhiều sai lầm cả về mặt chiến thuật lẫn trong quá trình chuẩn bị hậu cần. Bằng chứng cụ thể là những đơn vị đầu tiên tràn vào lãnh thổ Ukraina hôm 24/02/2022 đã bị “xóa sổ” : người thì phơi xác trên chiến trường, kẻ thì tàn phế. Nga đã “đánh mất những đơn vị pháo binh lợi hại nhất”. Kho đạn dược của Nga cũng đã mai một.

Chuyên gia người Canada này không vòng vo : quân đội Nga trong thế “tụt hậu về mặt công nghệ”.  Ở góc đài bên kia đội quân của Ukraina là một thứ “quái vật” : lực lượng quân sự Ukraina là nơi vẫn tồn đọng những dấu vết và kinh nghiệm từ thời Liên Xô cũ nhưng lại được trang bị với những “phương tiện của ngày hôm nay”.

Emmanuel Grynszpan, trên báo Le Monde nói rõ hơn : Quân đội Ukraina cho đến trước chiến tranh vẫn được coi là mô hình đội quân Liên Xô thu nhỏ. Giới quan sát tưởng chừng Kiev sẽ nhanh chóng đầu hàng khi những người lính Nga đầu tiên tràn vào lãnh thổ Ukraina. Kịch bản đó đã không xảy ra, bởi vì 2014 khi Matxcơva chiếm bán đảo Crimée, lực lượng quân sự của Ukraina đã được thay hình đổi dạng và liên tục được tổ chức lại để thích nghi với tình huống.

Bên cạnh các lượng lượng chính quy, thì còn phải kể đến sức mạnh của “hàng chục ngàn tình nguyện viên không phải là những chiến binh. Số này liên tục cung cấp cho các chiến sĩ từ thuốc men, đến quần áo, lượng thực… Đó là lợi thế mà bên quân đội Nga không có được. Điều mà La Croix gọi là những đóng góp to lớn của xã hội dân sự cho đất nước.

Hy vọng đối phương kiệt sức trước

Dù vậy sau 12 tháng giao tranh, cả phía Nga lẫn Ukraina cùng đang thấm mệt. Le Figaro ghi nhận, các nguồn lực ban đầu đã tiêu hao. Kiev cũng như Matxcơva cùng phải đối mặt với hai khả năng : một là bế tắc quân sự và hai là “một chiến thắng ngoài tầm tay”. Bên nào giờ đây cũng hy vọng đối phương sẽ kiệt sức trước mình.

Vào lúc mà cuộc chiến không biết tới khi nào kết thúc, Isabelle Lasserre trên Le Figaro nêu lên câu hỏi “Nếu Ukraina giành được chiến thắng chuyện gì sẽ xảy ra cho nước Nga, từ Matxcơva đến vùng Sibérie ?” Năm 1991 cố tổng thống François Mitterrand từng khẳng định “Liên Xô tan rã sẽ là một tai họa lịch sử, đi ngược lại với lợi ích của nước Pháp”. Đấy là điều thúc đẩy Paris và nhiều nước phương Tây trong nhiều năm đã nhắm mắt làm ngơ trước những tham vọng và tội ác của Vladimir Putin.

Cho đến tận giờ phút này Tây phương vẫn muốn tin và khả năng Matxcơva nhanh chóng đồng ý vãn hồi hòa bình. Tác giả bài viết nhìn nhận đương nhiên một thất bại quân sự ê chề sẽ làm lung lay quyền lực ở Matxcơva. Nước Nga trong tay những người thừa kế Vladimir Putin – Paris nghĩ đến kịch bản Evgueni Prigogine, ông chủ Wagner hay Nikolai Patrouchev nhân vật diều hâu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, kế thừa di sản của Vladimir Putin. Khi đó, “tình hình có thể còn tệ hại hơn nữa”. Bất ổn không chỉ khoanh vùng trên lãnh thổ Nga, mà có nguy cơ lan rộng sang đến các nước cộng hòa chung quanh. Trái lại cũng có những tiếng nói lạc quan như nhà tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovsky đang sống lưu vong : Vladimir Putin “ra đi sớm chừng nào tốt chừng nấy”. Ông này đánh cược rằng người kế nhiệm Putin sẽ phải “hoặc là tái lập bang giao với phương Tây, hoặc sẽ bị lật đổ”.

Những vết hằn muôn kiếp?

Chiến tranh để lại những tì vết nào cho cả hai phía? Theo Le Mond đối với người Ukraina “không còn có người Nga nào tốt bụng”. Mười một triệu dân Ukraina có thân nhân sống tại Nga, nhưng từ khi đại bác vang lên ngay trong một gia đình, tình máu mủ cũng đã tan vỡ, chỉ còn lại “hận thù” kể cả với những người Nga chống đối chiến tranh. Hình ảnh thường dân Ukraina bị tra tấn, cưỡng hiếp, không thể nào “được tha thứ”.

Le Figaro nêu lên một khía cạnh bất ngờ khác cuộc chiến 365 ngày vừa qua gây nên : tiếng Nga xưa kia là ngôn ngữ của tầng lớp trí thức Ukraina, giờ đây những áng văn đẹp nhất của Tolstoi hay Dotstoevski bị công luận Ukraina xem là ngôn ngữ của những tay “đao phủ”.

Thế còn tại Nga, báo Les Echos và La Croix cùng chú ý đến những giọt nước mắt của những người có con em bỏ mình trên chiến trường Ukraina. Nhưng đó là những giọt nước mắt của những con người “cam chịu” không dám vùng lên, như báo La Croix ghi nhận. Les Echos trông thấy những nghĩa trang trên lãnh thổ Nga “đang được mở rộng ra thêm”. “Chiến dịch đặc biệt không hồi kết” Vladimir Putin đang cướp đi sinh mạng của thanh niên Nga là một thực tế. Nhưng “giữa những đau thương là ý chí phục thù”. Thông tín viên của tờ báo cho thấy rất nhiều gia đình vẫn tin rằng con cái họ hy sinh để bảo vệ tổ quốc, như chính lời tổng thống Vladimir Putin đã giải thích để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraina.

Dù là nước mắt hay hận thù và hàng trăm người đã đổ máu mỗi bên chưa kể đến hàng chục tỷ đô la viện trợ quốc tế cho Ukraina : Đó là cái giá phải trả “vì tự do” như tựa đề bài xã luận của Le Monde.

No comments:

Post a Comment