Ai sẽ là tân chủ tịch nước Việt Nam ?Đức Tâm
Đăng ngày: 23/02/2023 - 15:50
RFI
Ông Võ Văn Thưởng trong phiên bế mạc Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/02/2021. © APNgày 17/01/2023, trong phiên họp bất thường, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp thuận cho ông Nguyễn Xuân Phúc « xin thôi » chức chủ tịch nước. Trong những tuần vừa qua, theo nhiều nguồn tin không chính thức, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ triệu tập BCH TW vào cuối 02/2023 để chỉ định ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước. Quốc Hội Việt Nam sẽ chính thức thông qua quyết định bổ nhiệm này trong kỳ họp vào tháng 05/2023.
Ngày 20/02/2023, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, đưa ra một số nhận định trong bài « Việt Nam sẽ chỉ định tân chủ tịch nước ». RFI xin giới thiệu.
*
Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, ngày 18/01/2023, Quốc Hội Việt Nam đã chấp thuận cử phó chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân, làm quyền chủ tịch cho đến khi có chủ tịch mới.
Theo các nguồn tin không chính thức tại Hà Nội, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã họp cách nay 6 ngày (14/02) và đã đạt được đồng thuận về một ứng viên cho chức chủ tịch nước.
Tân chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm chức vụ cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện nay, vào năm 2026.
Các nguồn tin tại Hà Nội cho biết là ông Tô Lâm đã từ chối đề xuất ông làm ứng viên và muốn tiếp tục làm bộ trưởng Công An cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hai. Ông Lâm sinh tháng 07/1957 và sẽ 66 tuổi vào đầu năm 2026, lúc dường như sẽ có Đại Hội ĐCSVN lần thứ 14. Theo các quy định hiện hành, ông Lâm chỉ có thể đảm nhiệm cùng một chức vụ trong hai nhiệm kỳ và sẽ phải nghỉ hưu ở tuổi 65, trừ phi có chấp thuận miễn áp dụng đối với « trường hợp đặc biệt ».
Việc ông Tô Lâm rút lui xóa tan những đồn đoán của giới chuyên gia nước ngoài về Việt Nam, theo đó, bộ máy công an đang thống trị tại Việt Nam.
Sau khi ông Phúc từ chức chủ tịch nước, tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng dường như đã bị các quan chức cao cấp trong Đảng chỉ trích là ông đã làm quá mạnh tay và quá nhanh trong chiến dịch chống tham những khi ông đề xuất những biện pháp (kỷ luật) đối với thủ tướng Phạm Minh Chính dựa trên những cáo buộc tham nhũng nhắm vào các thành viên gia đình ông Chính.
Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN sẽ được triệu tập họp vào các 27 và 28/02 để xem xét quyết định của Bộ Chính Trị đề xuất ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước. Vận mệnh chính trị của thủ tướng Chính dường như bị treo lửng.
Ông Thưởng sinh tháng 12/1970 ở tỉnh Hải Dương (miền Bắc), là ủy viên Bộ Chính Trị trẻ nhất. Lý lịch chính thức ghi ông quê quán tỉnh Vĩnh Long (miền Nam). Là sinh viên chuyên ngành Triết học Marx-Lenin, ông tốt nghiệp cử nhân Triết học Marx-Lenin và sau đó tốt nghiệp Lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Trước khi giữ vai trò chính trị ở tầm mức quốc gia, ông Thưởng đã trải qua hai thập niên phụ trách các vấn đề sinh viên và thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là ông giữ chức bí thư Thành Đoàn Thanh niên Cộng Sản Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Thưởng lần đầu tiên có vai trò ở cấp độ quốc gia khi được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSVN vào tháng 04/2006 và được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Năm 2011, ông được bầu làm ủy viên BCHTW và được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 08/2011 đến tháng 04/2014. Sau đó, Bộ Chính Trị bổ nhiệm ông làm phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2015-2020).
Năm 2016, ông Thưởng được bầu lại làm ủy viên BCHTW và lần đầu tiên, làm ủy viên Bộ Chính Trị. Ông được bổ nhiệm làm bí thư BCHTW và trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Tháng 02/2021, ông tái đắc cử ủy viên TW và ủy viên Bộ Chính Trị và được chỉ định làm Thường trực Ban Bí Thư BCHTW.
Ông Thưởng là một quan chức Đảng « trung kiên » và thuộc nhóm cộng sự thân tín thu hẹp của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đồng thời là phó Ban Chỉ Đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng và các tiêu cực. Nếu BCHTW Đảng chấp thuận việc chỉ định ông Thưởng, tên của ông sẽ chính thức được trình lên Quốc Hội để bầu làm chủ tịch nước vào quãng ngày 20/05/2023.
Khi Đại Hội Đảng lần thứ 14 họp vào năm 2026, ông Thưởng xấp xỉ 56 tuổi và có thể sẽ « phục vụ » thêm một thập niên nữa ở chức vụ cao nhất trong Đảng. Nếu làm tốt vai trò chủ tịch nước, ông Thưởng sẽ là một ứng viên đương nhiên, thay thế ông Trọng làm tổng bí thư Đảng.
No comments:
Post a Comment