Thursday, March 27, 2025

Mai Quốc Ấn – Suy nghĩ về sinh tồn
jeudi 27 mars 2025
Thuymy

Sinh tồn với tôi không phải là nháo nhào ra siêu thị gom đủ thứ chất đầy tủ lạnh như thiên hạ.

Hồi trong dịch Covid, khi xung quanh thiếu rau xanh thì tôi vẫn có rau hữu cơ ăn đều nhờ trồng rau Aquaponic trên sân thượng. Mỗi ngày đều đi vào tâm dịch để tặng quà thì sau khi ra khỏi các bệnh viện dã chiến là phơi nắng ít nhất 30 phút, vì biết đến nơi nhiều người chết thì nhiều âm khí, cần dương khí từ ánh nắng bổ sung. Virus, vi khuẩn là tính âm, tính hàn nên cũng rất sợ ánh nắng.

Quanh vườn nhỏ của tôi lúc nào cũng có chừng chục cây thuốc, và trung bình là hai loại cây thuốc cho từng tạng thuộc ngũ tạng.

Trong nhà, trong túi đồ của tôi luôn có khẩu trang và kính bảo hộ, và nó ở trong tầm tay. Khẩu trang là loại N99, N100 có thể đối phó được vi khuẩn, khí độc vì chúng ta sẽ không rõ nguy cơ đến từ đâu. Cháy nhà máy Rạng Đông (Hà Nội) với độc tố thủy ngân gây ung thư, vô sinh chỉ có những kẻ ngu xuẩn và độc ác mới nói không sao cả. Và khi cần, khẩu trang của tôi cũng có thể lọc nước uống.

Sinh tồn có thể còn là nhận biết được một số loại rau củ quả có dược tính. Thay vì uống kháng sinh, bạn cứ hỏi bác sĩ rằng nước nóng nấu lá lốt và vắt chanh (không đường) có kháng viêm được không? Chắc chắn là được và có rất nhiều loại kháng sinh tự nhiên xung quanh chúng ta. Ngoài phơi nắng, tập luyện thì chính những vị thuốc có trong tự nhiên là thứ giúp tôi hồi phục rất nhanh sau tai biến. Về sau chỉ cho nhiều người cũng hồi phục nhanh.

Sinh tồn với tôi là đọc sách. Bạn có thể đọc vài lần quyển Cây thuốc và động vật làm thuốc của Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì tính sinh tồn của bạn sẽ tăng lên, tôi chắc chắn là như vậy! Việc tìm hiểu về bệnh ung thư và cách chữa nếu nhờ AI tìm nguồn tài liệu khoa học đã công bố và tổng hợp những cách không cần hóa trị, xạ trị thì bạn sẽ thấy những chân trời sinh tồn lớn hơn cả những gì các Big Pharma tuyên truyền.

Sinh tồn là nên lắng nghe. Người sống lâu hơn ta, đọc nhiều hơn ta, đi nhiều hơn ta chắc chắn sẽ có thứ dạy được ta. Những tháng năm rong ruổi Tây Bắc, Tây Nguyên tôi rất chịu khó nghe về các kinh nghiệm của những già làng hay các anh bộ đội biên phòng nên tích lũy cho mình những kiến thức sinh tồn cơ bản. Ví dụ bị rắn cắn thì đừng loạn, cần xác định con rắn đó có độc hay không. Nếu rắn có độc thì cần tìm lá gì nhai để đắp lên má nó có thể hút được nọc rắn để có thể con sống tìm đến bệnh viện gần nhất.

Thật thứ lỗi! Mái trường xã hội chủ nghĩa dạy tôi (và các bạn) về sinh tồn ít quá. Việc học các kỹ năng của hướng đạo sinh tốt hơn nhiều so với tổ chức Đoàn. Vì nhu cầu bản thân mà tôi phải tự tìm các tài liệu về sinh tồn để đọc và áp dụng thử ngoài đời. Điều này làm tôi rất trăn trở và mong muốn nghỉ hưu sớm để làm một quán cafe sách và chia sẻ cho các bạn trẻ về kỹ năng sinh tồn.

Ở bình diện quốc gia, chúng ta đã chứng kiến nhân dân cả nước nháo nhào chạy đi mua khẩu trang (đa phần là dỏm) trong đại dịch. Một dân tộc thích hình ảnh hơn khái niệm, thích định tính hơn định lượng, thích quảng cáo hơn khoa học nên mua đồ dỏm cũng là một biểu hiện của tính sinh tồn bị suy thoái.

Tôi tiếp xúc trước dịch Covid với thế hệ 5x,6x, 7x v thế hệ 8x thấy tư duy “nghe bác sĩ, xài thuốc Tây” rất rõ. Nghe bác sĩ, xài thuốc Tây không sai ; nhưng nguyên nhân vì sao cần đến bác sĩ và có cái gì thay thế được thuốc Tây không thì hầu như đa số đám đông đều hiếm “lắng nghe bên trong” cơ thể và tìm hiểu những cách ăn uống, tập luyện để ngừa bệnh. Sau đại dịch thì nhiều người bắt đầu có ý thức về sức khỏe hơn.

EU kêu gọi người dân tích góp vật tư thiết yếu (xem ảnh) chỉ là thông tin bề mặt. Cách đây 3 năm tôi có viết về việc EU đã năng chuẩn khẩu trang cấp cứu của họ lên N99, N100 thay vì N95. Và qua tìm hiểu cá nhân, kho dự trữ khẩu trang nước ta chỉ có N95 và số lượng cũng không phải là nhiều nếu so với nhu cầu toàn dân. Cốt lõi vấn đề là Việt Nam cần tự chủ công nghệ sản xuất khẩu trang N99, N100 chứ không phải đi nhập như hiện nay. N99, N100 thì tôi làm được, nhưng cũng chỉ để đó bên cạnh tiếng thở dài và suy nghĩ rồi sẽ có lúc đất nước cần…

Ngày xưa thì có buồn đôi chút vì lẩn quẩn câu hỏi sao mình làm tốt mà các lãnh đạo hay thậm chí nhân dân chỉ có số ít quan tâm? Khi hiểu ra thì không buồn nữa vì lãnh đạo nào hay nhân dân nào cũng có nhân quả của riêng mình. Khi nào cần thì mình sẽ có, cưỡng cầu chi cho mệt.

Cứ học rồi làm tốt từng việc của mình trước đã!

MAI QUỐC ẤN 27.03.2025

No comments:

Post a Comment