VNTB – Trần Tuấn Anh nhờ cha chạy án thành côngCảnh Chân
04.01.2025 4:02
VNThoibao
Theo công bố mới nhất của Bộ Công an liên quan tới vụ EVN mua điện mặt trời thì các lãnh đạo Bộ Công thương (nhiệm kỳ 2016-2021) đã gây thiệt hại lên tới hơn 1.043 tỷ đồng. Tuy nhiên trong dàn lãnh đạo cao nhất của Bộ Công thương thời điểm đó thì chỉ có Hoàng Quốc Vượng, cựu chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu thứ trưởng Công Thương và ông Phương Hoàng Kim, cựu cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cùng 7 người bị khởi tố hình sự với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Còn Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng Bộ Công thương lúc đó lại không bị khởi tố hình sự, vì cơ quan điều tra cho rằng ông này không có động cơ vụ lợi. Theo báo cáo của công an, ông Trần Tuấn Anh với vai trò là Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký 6 tờ trình, báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Khi ký các tờ trình, Trần Tuấn Anh không biết việc bị can Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP.
Theo kết luận này thì có thể thấy hai chuyện. Một là Trần Tuấn Anh không đủ năng lực nhận thức, khi ký các tờ trình mà không biết nội dung. Nhìn rộng ra, liệu những tờ trình, văn bản chỉ đạo khác sẽ như thế nào, đều là ký mà không xem nội dung hay sao? Nên nhớ Trần Tuấn Anh từng làm Phó Chủ tịch Cần Thơ, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Với những vai trò đứng đầu, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân, và cả nền kinh tế quốc gia như vậy mà nói ký nhưng không biết nội dung sai hay đúng thì làm sao dân chấp nhận được?
Hai là, nếu Trần Tuấn Anh không bị tâm thần, có đủ năng lực, nhận thức được hành vi mà nhưng không bị khởi tố hình sự thì chắc chắn là có chạy án. Cũng theo kết luận, dù không bị phạt hình sự nhưng phía công an vẫn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính và kỷ luật đảng đối với ông Trần Tuấn Anh. Tức là công an xác định ông bộ trưởng này có gây hậu quả nghiêm trọng và phải nộp tiền bồi thường. Liên quan tới con số hơn một ngàn tỷ đồng (chỉ riêng vụ điện mặt trời) mà chỉ nộp phạt hành chính thì rõ ràng là có chạy án chứ không thể có chuyện đúng pháp luật được!
Nói một chút về sự nghiệp chính trị đẹp như mơ của Trần Tuấn Anh. Ông này có quá trình thăng tiến thần kỳ trong hệ thống đảng cộng sản, nhờ có cha là Trần Đức Lương, cựu Chủ tịch nước (nhiệm kỳ 1997-2006), cựu Phó Thủ tướng (1987-1997). Nhờ thế lực của cha mình mà Trần Tuấn Anh được coi như một thái tử đảng đúng nghĩa với thành tích ăn chơi lẫy lừng khắp từ châu Âu sang châu Mỹ.
Tới khi về Việt Nam làm việc thì thói ngang tàng của Trần Tuấn Anh càng được nhiều người biết tới hơn. Nhất là từ vụ đưa xe công (biển số xanh) vào tới chân cầu thang máy bay đón vợ ở sân bay Nội Bài hồi đầu năm 2019. Hoặc cũng năm 2019, lúc Trần Tuấn Anh còn là Bộ trưởng Bộ Công thương, thì Bộ này đã gửi báo cáo cho Thủ tướng để yêu cầu xử lý những người phản đối tăng giá điện với cáo buộc “cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện”. Việc này gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và sau đó, Bộ Công Thương đã giải thích rằng cơ quan vẫn luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến trái chiều, lỗi là ở cách diễn đạt trong văn bản gây hiểu lầm.
Nhắc lại một vài câu chuyện về cách hành xử cá nhân để thấy Trần Tuấn Anh là một người rất trịch thượng, láu cá và coi thường luật pháp. Thế nhưng nhờ mối quan hệ của Trần Đức Lương với Nguyễn Phú Trọng, mà năm 2021, ông Trọng vẫn cho Trần Tuấn Anh vào Bộ Chính trị, giữ ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Thậm chí có tin đồn Trần Tuấn Anh sẽ được Nguyễn Phú Trọng “cơ cấu vào một trong tứ trụ” quyền lực nhất hệ thống chính trị CSVN.
Nhưng mọi toan tính của ông Trọng đều bị Tô Lâm chặn đứng bởi cuộc đảo chính vô tiền khoáng hậu liên tục từ tháng Giêng tới tháng 7/2024 vừa qua.
Khởi đầu với việc Trần Tuấn Anh phải từ chức vào ngày 31/01/2024, tiếp đó là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai cũng phải rời ghế để chịu trách nhiệm người đứng đầu. Và mọi thứ chỉ kết thúc sau cái chết của ông Trọng vào ngày 19/7/2024.
Đáng chú ý là sau khi Trần Tuấn Anh ngã ngựa thì Trần Đức Lương đã mời Tô Lâm tới nhà để “trao đổi”. Cụ thể là chiều ngày 04/02 (chỉ 4 ngày sau khi Trần Tuấn Anh bị phế khỏi ghế Uỷ viên Bộ Chính trị), Tô Lâm (lúc đó còn là bộ trưởng Bộ Công an) đã tới thăm gia đình Trần Đức Lương nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo các hình ảnh công khai thì buổi thăm hỏi đó của Tô Lâm đã không có mặt Trần Tuấn Anh. Có thể là ông Trần Đức Lương muốn cho con trai tránh mặt để tiện bề trao đổi với Tô Lâm.
Và sau cuộc gặp đó thì Trần Tuấn Anh “nín thở qua sông”, trong khi các Uỷ viên Bộ Chính trị cùng thời, cùng hoàn cảnh khác đều bị Tô Lâm kỷ luật hoặc chờ bị kỷ luật như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Đinh Tiến Dũng. Cái may mắn của Trần Tuấn Anh là có cha ruột là cựu chủ tịch nước, nên chỉ bị phạt hành chính theo kiểu chung chi rồi thoát tội. Còn cái bất hạnh của Trần Đức Lương là tới tuổi gần đất xa trời rồi mà vẫn phải cúi mặt đi xin xỏ, chạy chọt cho đứa con phá gia chi tử!
______________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment