Trần Kiên Cường - Có một Ai Cập rất khácvendredi 3 janvier 2025
Thuymy
- Nếu không bí mật thì chị nghỉ ở đâu? – Tôi hỏi, để tiếp câu chuyện.
- “À, tôi đưa cả nhà đi Ai CHập 10 ngày, rồi sau đó đến Dominica nghỉ tiếp” – Sveta nhăn nhó đáp – “Làm việc thì cả đời, mà đi nghỉ có mấy thời gian đâu, dạo này tôi mệt quá”.
Câu chuyện đối thoại đơn giản từ năm 1998 xa xôi vẫn cứ đóng đinh trong đầu tôi những địa danh “người Nga mới” ưa đi nghỉ. Một trong những nơi đầu bảng là Ai Cập với hai điểm nổi tiếng là Hurghada và Sharm El-Sheikh.
Mặc nhiên, trong ý nghĩ của tôi từ đó Ai Cập hiện lên như là vùng đất trù phú bên sông Nile với cuộc sống tươi đẹp dưới bóng những cây cọ xanh mát. Ngày đó, mấy người Việt nghĩ đến việc đi nghỉ ở xứ người.
Hai chục năm trôi qua, địa danh Ai Cập đã trở thành điểm đến quen thuộc cho các công ty lữ hành du lịch Việt. Kim tự tháp, các hầm mộ Ai Cập, chuyện cưỡi lạc đà, lao xe ở sa mạc, xuôi thuyền dọc sông Nile đến Thung lũng Hầm mộ các vị vua ở Luxor hay thảnh thơi nhâm nhi món cốc-tai bên bờ biển Đỏ đã chẳng là điều mới mẻ.
Vậy nên khi đặt chân đến Ai Cập, tôi mới nhận ra trí tưởng tượng của mình đã lạc lối, cuộc sống của dân Ai Cập khác xa những gì mình tưởng tượng. Đó là một đất nước còn nghèo và cằn cỗi. Những thứ tươi đẹp dường như chỉ dành cho lớp thượng lưu và du khách.
Thủ đô Cairo, nơi sinh sống của 20 triệu dân, nhuốm màu vàng vàng, xam xám. Nhưng ngôi nhà xây dựng không trát, không sơn hoặc đang xây dở dang lem nhem. Rác rưởi nhiều nơi ngập phố. Những chiếc xe con cũ kỹ và móp méo. Giao thông trên đường hỗn loạn và ầm ĩ (chẳng kém gì xứ ta thời điểm này). Người đi bộ qua đường bất chấp bất kỳ chỗ nào, bất cứ đèn giao thông màu gì.
Chảo vệ tinh trở thành một phần tất yếu của kiến trúc nóc nhà Cairo, giống như những ở ta chi chít thùng nước Sơn Hà. Có lẽ đó là minh chứng cho hệ thống viễn thông kém phát triển. Tín hiệu wifi của tất cả các khách sạn ở Cairo nói chung rất kém (!).
Rất hiếm những không gian công cộng dành cho dân chúng. Cái công viên trò chơi bé tẹo, với vài trò chơi tẻ nhạt dành cho trẻ em cũng thu tiền, còn cái sở thú với dăm bảy cái chuồng giữ mấy con vật ghẻ lở cũng lấy tiền, dù chẳng có mống khách nào đến chơi. Cái xậpx ệ, bẩn thỉu ngự trị toàn cõi công cộng.
Sự tương phản giữa người giàu và người nghèo rất lớn, rất rõ ở các khu cao cấp hiện đại dọc sông và ven biển, với những khu nhà xám ngoét xa nguồn nước, và ngay chính giữa lòng thủ đô Cairo. Lối đi bộ dạo chơi dọc sông Nile hầu như không có, chủ yếu là các club và tư gia chiếm hết mặt sông.
Mặt tiền các ngôi nhà ai thích làm gì thì làm, từ sắp xếp đồ bán đến vẽ bậy lăng nhăng hoặc đơn giản là xây thêm cái gì đó. Nghĩa trang không chỉ là nơi yên nghỉ của người chết, mà còn là nơi cư trú của dân ngụ cư.
Nhưng thôi, đó là việc của họ.
Ta lo phần ta, tìm nơi thăm thú và cảm nhận cho riêng mình. Ít nhất thì việc di chuyển bằng taxi ở đó cực rẻ, xăng có giá 0,3$ một lít. Nên với dăm Mỹ kim, bạn có thể lượn quanh thành phố to tướng từ đầu này đến đầu kia, nếu khéo mặc cả, dù có thể phải ngồi vào cái cái xe ô tô như cái chuồng gà!
TRẦN KIÊN CƯỜNG 27.12.2024
No comments:
Post a Comment